Tài liệu đầu tiên về Giáo huấn xã hội của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople
Lần đầu tiên, Constantinople công bố một văn kiện toàn diện về Giáo huấn Xã hội. Từ ly dị đến người di cư, từ môi trường đến đối thoại liên tôn, và những điều khác có liên hệ trực tiếp đến đời sống xã hội mà Kitô hữu cần phải biết
Sau ba năm làm việc cùng với một ủy ban đặc biệt, hôm 20/4, Tòa Thượng phụ Constantinople đưa ra một tài liệu với tên gọi “Vì sự sống của thế giới”, bản tóm yếu đầu tiên của Giáo huấn Xã hội của Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople. Đây là một tài liệu quan trọng, vì hai lý do cơ bản. Đầu tiên là ý tưởng về “Giáo huấn Xã hội”; Giáo hội Chính thống chưa bao giờ tiếp cận vấn đề này, và đây là lần đầu tiên một tài liệu toàn diện về chủ đề này được đưa ra trong lĩnh vực Chính thống. Và thứ hai là tài liệu này cũng có thể được đọc như một câu trả lời về “Những nền tảng của Khái niệm xã hội”, bản tóm tắt của học thuyết xã hội mà Tòa Thượng phụ Moscow công bố trong năm 2000.
Trong một bài báo, John Chryssavgis, phát ngôn viên của Đức Thượng phụ Bartolomeo giải thích rằng tài liệu của Tòa Thượng phụ Moscow là “một nỗ lực thô sơ, đáng ngưỡng mộ nhằm phác họa các nguyên tắc xã hội của Giáo hội Chính thống ở Nga sau một thời gian dài bị nhà nước cản trở”.
Tài liệu này cũng là một cơ hội để khôi phục một số giáo huấn của Giáo hội Chính thống. Vì thế chủ đề ly dị và tái hôn cũng được đề cập. Và đây cũng là một tài liệu lên án việc buôn bán vũ khí và nô lệ.
Văn bản bao gồm phần giới thiệu, kết luận và bảy phần với các chủ đề: Giáo hội trong lãnh vực công cộng; Quá trình sự sống con người, nghèo đói, giàu có và công bằng dân sự; Chiến tranh, hòa bình và bạo lực; Quan hệ đại kết và tương quan với các tín ngưỡng khác; Chính thống và nhân quyền; Khoa học, công nghệ và thế giới tự nhiên.
Với những chủ đề trên, văn kiện cho thấy cách tiếp cận rất thực tế đối với các vấn đề thế giới. Các chủ đề đều được thấm nhuần từ các tham chiếu đến các Giáo phụ. Với văn kiện này các tín đồ sẽ tìm thấy một điểm tham chiếu thiết yếu. Và nó cũng là một công cụ hữu ích để Giáo hội Công giáo hiểu cách thực hiện đối thoại đại kết. (Acistampa 20/4/2020)
Ngọc Yến – Vatican