Henry Kissinger: “Trật tự thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ”
Henry Kissinger, Ngày 10 tháng 10 – 2017. Kevin Lamarque/Reuters
Đối với cựu Ngoại trưởng của Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, đại dịch củng cố ý tưởng về một quyền lực địa phương mạnh mẽ vào thời mà sự thịnh vượng không có biên giới.
Bầu khí siêu hiện thực của đại dịch Covid-19 làm tôi nhớ lại cảm giác của tôi khi còn là chàng trai trẻ trong Sư đoàn bộ binh 84 ở trận chiến Ardennes (1). Hôm nay, cũng như cuối năm 1944, tôi có cảm giác một nguy hiểm sắp xảy ra, không nhắm vào một người nào cụ thể, nhưng nó bất ngờ đánh và gieo tác hại khủng khiếp. Tuy nhiên có một sự khác biệt cơ bản giữa thời gian xa xôi này và thời buổi bây giờ của chúng ta. Sức chịu đựng của Mỹ lúc đó được củng cố bằng một mục tiêu tối hậu là chiến đấu cho quốc gia. Ngày nay, trong một nước chia rẽ, một chính quyền hiệu quả và có tầm nhìn xa là điều cần thiết để vượt lên các thách thức có tầm vóc quy mô và phạm vi toàn thế giới chưa từng thấy này. Giữ lòng tin người dân là điều thiết yếu cho sự đoàn kết, cho quan hệ giữa các nước, cho hòa bình và cho sự ổn định quốc tế. Các quốc gia củng cố sự thống nhất của họ và phát triển dựa trên niềm tin vào các thể chế của họ có thể lường trước được các thiên tai, ngăn chặn tác động của nó và khôi phục lại sự ổn định.
Một vắc-xin có thể có trong vòng từ mười hai đến mười tám tháng
Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, chính phủ của nhiều quốc gia sẽ bị xem như thất bại. Không quan trọng để biết liệu sự phán xét này có khách quan hợp pháp không. Thực tế là sau coronavirus, thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Tranh luận về quá khứ bây giờ chỉ làm phức tạp thêm công việc. Covid-19 đã tấn công với một tầm mức rộng lớn và hung dữ chưa từng thấy. Sự lây lan của nó theo cấp số nhân: số ca bị nhiễm ở Mỹ gấp đôi mỗi năm ngày. Cho đến bây giờ không có thuốc chữa. Thiết bị y tế không đủ để đối phó với tầm mức lây lan lớn lao. Các phòng chăm sóc tích cực quá tải. Không đủ thử nghiệm để đo mức độ nhiễm trùng, đó là chưa nói đến việc chận đứng sự lây lan của nó.
Một vắc-xin có thể có trong vòng từ mười hai đến mười tám tháng. Chính quyền Mỹ đã thực hiện một công việc hiệu quả là ngăn chặn một thảm họa cận kề. Thử nghiệm cuối cùng là liệu có chận được sự lây lan không, theo cách để người dân giữ lòng tin vào khả năng cai trị của chính quyền Mỹ. Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, dù to lớn và cần thiết như thế nào, cũng không nên làm lu mờ nhiệm vụ song song để đảm bảo sự chuyển tiếp qua một thứ trật hậu-coronavirus.
Các nhà lãnh đạo đang đối diện với cuộc khủng hoảng trên tầm mức Quốc gia, nhưng tác động phá nát của con vi-rút tạo ra trên xã hội chúng ta không có biên giới. Nếu sự đe dọa trên sức khỏe con người là tạm thời – chúng ta hy vọng vậy – thì các xáo trộn chính trị, kinh tế nó tạo ra có thể trải dài trên nhiều thế hệ. Không một quốc gia nào kể cả Mỹ, trong nỗ lực quốc gia riêng của mình, có thể đánh bại vi-rút. Đáp ứng cho nhu cầu trong lúc này, cuối cùng phải phối hợp với tầm nhìn chung và một chương trình hợp tác quốc tế. Nếu chúng ta không thể dẫn cả hai để cùng đương đầu, thì chúng ta sẽ đối diện với các tác động tiêu cực tệ nhất của mỗi bên.
Các chương trình phải tìm cách giảm thiểu các tác động của sự hỗn loạn sắp xảy ra cho người dân dễ bị tổn thương nhất
Rút bài học từ sự phát triển Kế hoạch Marshall và Dự án Manhattan, nước Mỹ phải nỗ lực rất lớn trong ba lĩnh vực.
Lãnh vực đầu tiên, củng cố sức đề kháng toàn cầu đối với các bệnh truyền nhiễm. Các chiến thắng khoa học như vắc-xin chống bệnh sốt tê liệt, bệnh đậu mùa hay hứa hẹn kỹ thuật trong việc chẩn đoán y khoa nhờ thông minh nhân tạo đã làm chúng ta rơi vào tình trạng ngủ mê nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển các kỹ thuật và công nghệ mới để kiểm soát các bệnh nhiễm trùng và tìm ra vắc-xin phù hợp cho đại đa số quần chúng. Các thành phố, tiểu bang và khu vực phải chuẩn bị để bảo vệ người dân của mình chống đại dịch bằng cách dự trữ, lập kế hoạch hợp tác và nghiên cứu.
Lãnh vực thứ nhì, chúng ta hãy cố gắng chữa lành các vết thương của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo đã học được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phức tạp hơn: tốc độ chậm lại do coronavirus, do sự nhanh chóng và tầm rộng lớn của nó, khác với tất cả những gì chúng ta đã biết trong lịch sử. Và các biện pháp y tế công cộng cần thiết như cách ly, đóng cửa trường học, đóng cửa hãng xưởng làm nặng thêm cho tình trạng kinh tế. Vì thế phải tìm các chương trình để làm nhẹ tác động hỗn loạn sắp tới trên người dân có hoàn cảnh bấp bênh nhất.
Việc từ bỏ sự cân bằng giữa quyền lực và tính hợp pháp trên toàn cầu sẽ dẫn đến sự tan rã của hợp đồng xã hội ở mức độ quốc gia và quốc tế
Lãnh vực thứ ba, giữ các nguyên tắc của trật tự thế giới tự do. Truyền thuyết thành lập chính quyền hiện đại như một thành phố kiên cố được các nhà lãnh đạo quyền lực bảo vệ, đôi khi chuyên chế, đôi khi nhân từ nhưng luôn đủ mạnh để bảo vệ người dân khỏi kẻ thù bên ngoài. Các tư tưởng gia thời Khai sáng đã củng cố khái niệm này, họ cho rằng mục đích của Nhà nước hợp pháp là cung cấp các nhu cầu căn bản cho người dân: an ninh, trật tự, phúc lợi kinh tế và công lý, vì cá nhân không thể tự mình bảo đảm cho mình những chuyện này. Đại dịch đã tạo nên sự tái sinh thành phố kiên cố ở thời mà sự thịnh vượng tùy thuộc vào thương mại toàn cầu và sự đi lại của người dân.
Các nền dân chủ phải bảo vệ và duy trì các giá trị của thời Khai sáng. Việc từ bỏ toàn cầu sự cân bằng giữa quyền lực và tính hợp pháp sẽ dẫn đến sự tan rã của hợp đồng xã hội ở mức độ quốc gia và quốc tế. Dù vậy, câu hỏi ngàn năm của tính hợp pháp và quyền lực này không thể giải quyết cùng một lúc với nỗ lực chống lại bệnh dịch Covid-19. Kềm chế là cần thiết cả với chính trị nội bộ và ngoại giao quốc tế.
Chúng ta chuyển từ trận chiến Ardennes qua một thế giới thịnh vượng ngày càng tăng và phẩm giá con người ngày càng cao. Bây giờ chúng ta sống trong một thời điểm quyết định. Thách thức lịch sử cho các nhà lãnh đạo là vừa quản lý cuộc khủng hoảng vừa xây dựng tương lai. Một thất bại sẽ có thể làm thế giới cháy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
1.Cuộc chiến Ardennes là tên của các trận đánh mùa đông năm 1944-1945 (ngày 15-12-1944 đến 25-1-1945), một trong các trận chiến đẫm máu của Thế chiến Thứ hai.