2020
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2020
Ngày 31/5/2020, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2020 sẽ được cử hành vào Chúa nhật 18/10 tới đây. Chủ đề Sứ điệp: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)
ĐTC cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo 2019
“Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì sự dấn thân sống Tháng Truyền giáo Đặc biệt của toàn thể Giáo hội trong suốt tháng 10 năm ngoái (2019). Tôi tin chắc điều này đã giúp khuyến khích nhiều cộng đoàn hoán cải trong việc loan báo Tin Mừng, theo chủ đề “Được chịu phép rửa và được sai đi: Giáo hội của Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới”.
Con đường truyền giáo của Giáo hội: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)
Trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay. “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ‘Chúng ta chết mất’ (Mc 4,38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.” (Suy niệm tại Quảng trường Thánh Phêrô, 27 tháng 3 năm 2020).
Sứ vụ truyền giáo: Từ cái tôi sợ hãi đến trao ban chính mình cho người khác
Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác.
Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo của Chúa Cha
Trong hy tế Thánh giá, nơi sứ vụ của Chúa Giêsu được hoàn thành (Ga 19,28-30), Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Người dành cho mỗi người và cho mọi người (Ga 19,26-27). Và Ngài yêu cầu chúng ta sẵn sàng để được sai đi, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu trong sự chuyển động không ngừng của sứ vụ luôn luôn ra khỏi chính mình để trao ban sự sống. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa Cha đã sai Con Ngài là Chúa Giêsu (Ga 3,16). Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo của Chúa Cha: Cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu hoàn toàn tuân theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 4,34; 6,38; 8,12-30; Hr 10,5-10). Đến lượt mình, Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh vì chúng ta, lôi cuốn chúng ta trong sự chuyển động yêu thương của Ngài. Thánh Thần của Chúa Giêsu làm cho Giáo hội sống động, làm cho chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Kitô và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cho thế giới và cho mọi người.
Sứ vụ không phải là một chương trình
“Sứ vụ, ‘Giáo hội đi ra’ không phải là một chương trình, một ý định phải đạt được qua nỗ lực của ý chí. Chính Chúa Kitô làm cho Giáo hội ra khỏi chính mình. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, anh chị em di chuyển vì Thánh Thần thúc đẩy anh chị em và đưa anh chị em đi”. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trước và với tình yêu này, Thiên Chúa đến và mời gọi chúng ta. Ơn gọi cá nhân của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta là những người con của Thiên Chúa trong Giáo hội, gia đình Ngài, là anh chị em của Ngài trong đức ái mà Chúa Giêsu đã làm chỉ cho chúng ta. Tuy nhiên, tất cả đều có phẩm giá con người dựa trên lời mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa, để trở thành, trong bí tích Thánh tẩy và tự do đức tin, những gì đã luôn hiện diện trong con tim của Thiên Chúa.
Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa
Đã nhận được cách nhưng không, sự sống tạo thành một lời mời mặc nhiên tham gia vào tính năng động của việc tự hiến: Một hạt giống, nơi những ai đã chịu Phép rửa, sẽ có hình thức trưởng thành như một đáp trả của tình yêu trong hôn nhân và trong sự khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa. Sự sống con người được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa, lớn lên trong tình yêu và có xu hướng hướng đến tình yêu. Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa, và trong sự hy sinh thánh thiện của Chúa Giêsu, Người Con của Thiên Chúa trên Thánh giá, Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết ( Rm 8, 31-39). Đối với Thiên Chúa, sự ác – ngay cả tội lỗi – trở thành một thách đố vì tình yêu ngày càng lớn hơn (Mt 5,38-48; Lc 23,33-34). Do đó, trong Mầu nhiệm Vượt qua, lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành vết thương nguyên tổ của nhân loại và tuôn đổ cho toàn vũ trụ. Giáo hội, bí tích phổ quát tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử và sai chúng ta đi khắp mọi nơi để qua chứng tá đức tin của chúng ta và việc loan báo Tin Mừng, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ tình yêu của Người và theo cách này chạm và biến đổi trái tim, tâm trí, thể xác, xã hội và văn hóa ở mọi nơi và mọi thời đại.
Cảm nhận được sứ vụ khi sống tương quan cá nhân với Chúa
Sứ vụ này là một đáp trả tự do và ý thức trước lời mời gọi của Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lời kêu gọi này khi chúng ta sống một tương quan tình yêu cá nhân với Chúa Giêsu hiện diện sống động trong Giáo hội của Người. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta đã sẵn sàng để đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta chưa? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe lời kêu gọi loan báo Tin Mừng, trong đời sống hôn nhân, trong đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục, và trong đời sống hàng ngày chưa? Chúng ta có sẵn lòng để được sai đi khắp nơi để làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, để chia sẻ đời sống thần linh của Chúa Thánh Thần bằng cách xây dựng Giáo hội? Chúng ta có như Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa (Lc 1,38)? Sự sẵn sàng nội tâm này là rất quan trọng để có thể đáp trả với Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Và điều này không phải trong trừu tượng, nhưng chính ngày nay trong Giáo hội và lịch sử.
Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Ngài
Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội. Bệnh tật, đau khổ, sợ hãi, cách ly chất vấn chúng ta. Cái nghèo của người phải chết trong cô đơn, của người bị bỏ rơi, của những người bị mất việc làm và không có tiền lương, của những người không có nhà cửa và thực phẩm chất vấn chúng ta. Khi bị buộc phải ở nhà, chúng ta được mời tái khám phá, chúng ta cần tương quan xã hội, và cả tương quan cộng đoàn với Thiên Chúa. Xa cách gia tăng sự ngờ vực và thờ ơ, tình trạng này làm chúng ta phải chú ý hơn đến cách chúng ta sống tương quan với người khác. Và cầu nguyện, trong đó Thiên Chúa chạm đến và lay động trái tim của chúng ta, mở ra cho chúng ta nhu cầu về tình yêu, phẩm giá và tự do của anh chị em chúng ta, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc cho mọi sáng tạo. Việc không thể tập hợp lại như một Giáo hội để cử hành Bí tích Thánh Thể đã khiến chúng ta chia sẻ tình trạng của nhiều cộng đoàn Kitô hữu không thể cử hành Thánh lễ mỗi Chúa nhật. Trong bối cảnh này, câu hỏi mà Chúa đặt ra: Ta sẽ sai ai đây? Được hỏi lại và chờ đợi câu trả lời quảng đại và thuyết phục từ chúng ta: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết, (Mt 9,35-38; Lc 10,1-12).
Quyên góp truyền giáo
Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Bác ái được thể hiện ở việc quyên góp trong các nghi thức phụng vụ vào Chúa nhật thứ Ba của tháng 10 tới đây, nhằm hỗ trợ công cuộc truyền giáo được các Hội Truyền giáo Giáo hoàng thực hiện nhân danh tôi, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của các dân tộc và các Giáo hội trên khắp thế giới vì ơn cứu độ của tất cả.
Xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Ngôi sao loan báo Tin Mừng và Đấng An ủi người sầu khổ, môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu, tiếp tục cầu thay cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta.
Roma, ngày 31 tháng 5 năm 2020, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Ngọc Yến chuyển ngữ
2020
Quỹ khẩn cấp do Đức Thánh Cha thành lập đáp ứng nhu cầu thực tế của các Giáo hội địa phương
Quỹ khẩn cấp Covid-19 do Đức Thánh Cha thành lập tại Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) để hỗ trợ các Giáo hội địa phương đã được gửi đến một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, đáp ứng nhu cầu thực tế của các Giáo hội địa phương.
Tại Pakistan, tiền trợ cấp đã được trao cho tất cả các Giáo phận để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô hữu nghèo. Thực tế, phần lớn những người này sống dưới mức nghèo khổ, và trong thời gian cách ly họ không có đủ thực phẩm để dùng hàng ngày.
Ở Dhaka, thủ đô Bangladesh có mật độ dân số cao, đa số là người di dân đến thành phố để tìm việc tại các gia đình. Với biện pháp cách ly xã hội do chính phủ ban hành, phần lớn những người này không thể có được những nhu cầu cơ bản. Tổng Giáo phận đã lập một quỹ và kêu gọi tất cả các cộng đoàn, các giáo xứ trợ giúp các gia đình.
Tại Liberia, trong Giáo phận Cape Palmas, các khoản trợ cấp sẽ giúp các nhân viên mục vụ. Trong giáo phận Gbarnga, hai nhu cầu mục vụ cấp bách được Quỹ hỗ trợ: giúp các linh mục và các giáo lý viên, và giúp đài phát thanh của Giáo phận thực hiện các chương trình phát thanh về virus corona.
Trong giáo phận Francistown, Botswana, một khu vực truyền giáo đầu tiên, đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động mục vụ của các cộng đoàn Công giáo. Quỹ khẩn cấp được sử dụng để đảm bảo hoạt động của ban thư ký và mục vụ giáo phận, cũng như trợ giúp các hoạt động mục vụ tại 6 giáo xứ thuộc khu vực nông thôn.
Tại Giáo phận Umzimkulu, Nam Phi, đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống của dân chúng, hoạt động mục vụ và tình hình kinh tế của các giáo xứ và tổ chức Giáo hội, chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn. Do đó, hỗ trợ từ Quỹ sẽ giúp các giáo xứ và cộng đoàn tôn giáo về các nhu cầu cơ bản của họ.
Tại Marốc, Quỹ khẩn cấp Covid-19 được dùng để giúp cộng đoàn các các nữ đan sĩ Clarisse thuộc đan viện Đức Mẹ Guadalupe ở Casablanca. Trước đại dịch, nhờ làm bánh lễ và thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng, năm nữ đan sĩ Clarisse, người Mexicô có thể tự lo về mặt kinh tế, nhưng đại dịch đến, các chị gặp rất nhiều khó khăn. (Fides 26/5/2020)
Ngọc Yến
2020
Vài tâm tư về Thánh Lễ
1. Đi lễ ăn mặc không đoan trang
Nhiều người đi lễ ăn mặc không đoan trang, đứng đắn, đôi khi còn ăn mặc hở da, hở thịt. Xin đừng quên, thân xác là đền thờ Chúa ThánhThần (1Cr 6,19). Xin ý tứ, tế nhị hơn, đến với Chúa chứ không phải đi dự tiệc tùng, vui chơi.
2. Đi check-in chứ không phải đi lễ
Nhiều người đi lễ chỉ để điểm danh cho người ta biết là mình có đi lễ. Đến nhà thờ chỉ tranh thủ seo-phì (selfie) tự sướng, chụp hình hết chỗ này chỗ kia. Vậy là họ đi cho có lệ, có trách nhiệm chứ đâu phải vì lòng mến Chúa, yêu Người. Đi cho khỏi bị người ta đánh giá?
3. Cha vào – Con ra
Nhiều người đi lễ mà tính toán đến từng phút, từng giây. Canh khi nào cha ra bàn thờ thì mới chạy vào, “đứng đứng, chắp chắp”. Thánh lễ chưa kịp kết thúc đã mau mau “cúi cúi, chào chào”, rồi vội vã ra lấy xe. Xin hỏi lòng mến Chúa ở đâu? Và mở miêng ra là nói yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn?
4. Ngồi giải trí chứ không ngồi dự lễ
Nhiều người đi lễ mà tranh thủ, trực chiến điện thoại trên tay để rảnh là vuốt, là chạm. Zalo, Facebook… rồi ngồi tủm tỉm cười một mình. Mượn khung cảnh nhà thờ để làm việc riêng tư. Vậy đi lễ có ơn ích gì không?
5. Đi lễ hay đi biểu diễn thời trang
Nhiều người coi việc đi lễ như là dịp để khoe quần áo đẹp, điện thoại xịn, xe sang, khoe đồ đẳng cấp… Đi lễ mà ăn mặc lòe loẹt, xức nước hoa thơm cả góc sân nhà thờ. Đành rằng mặc đẹp để đến gặp Chúa, gặp anh chị em là đúng, nhưng kiểu “đẹp quá” như thế này lại không tốt chút nào!
6. Đi lễ “gốc cây” – “xe ôm” – “Ven đường”
Nhiều người đi lễ mà chẳng biết hôm nay ai chủ tế, có mấy cha, hay cha mặc áo gì, bên trong nhà thờ có gì đặc biệt hay không, ai đọc sách…bởi họ ngồi ở đâu đó, đứng ven đường hay mãi ngồi trên “xe ôm” bên ngoài nhà thờ. Thờ ơ với thánh lễ, với khung cảnh buổi lễ. Lòng không ước muốn gặp Chúa và yêu mến Ngài.
7. Đi “xem lễ” chứ không phải tham dự thánh lễ
Trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosantum Concilium), Giáo hội luôn thiết tha và yêu cầu các tín hữu phải tham dự các phụng vụ thánh, nhất là thánh lễ cách chủ động – trọn vẹn. Nghĩa là phải thưa kinh, đối đáp cùng chủ tế và cộng đoàn, phải hòa một lòng một ý với chủ tế và cộng đoàn. Nhưng nhiều người đi lễ chỉ là để ngắm xem ai xinh, ai đẹp, ai là hot girl, hot boy, ai dễ thương, ai sang trọng…. Cần phải có thái độ đúng mực khi tham dự thánh lễ
8. “Đồng ý” 100%
Nhiều người đi lễ hay lắm, cha giảng gì cũng “gật gù” tán thành, ai nói gì cũng “gật đầu” đồng ý. Hóa ra họ đang ngủ!
9. Máy soi siêu cấp
Nhiều người đi lễ lạ lắm, chẳng may cha chủ tế hoặc ca đoàn hay người đọc sách thánh có đọc – hát sai thì chê bai, dè bỉu, trong khi đó nội dung người ta truyền đạt thì chẳng nhớ gì.
10. Rước lễ như cái máy
Đây là một vấn nạn và thực sự rất phổ biến trong các Giáo xứ.
Nhiều người đi lễ mà không ý thức về tình trạng của bản thân (có sống trong ân sủng, có sạch tội hay không) mà cứ lên rước Chúa. Thấy họ lên rước lễ thì mình cũng lên, sợ rằng mình không lên rước lễ người ta sẽ nghĩ mình là người tội lỗi.
Theo Giáo luật số 916, thực sự điều này rất nguy hiểm bởi ai không sống trong tình trạng ân sủng thì không được phép rước lễ. st
2020
Tuổi già, một hành trình hướng về nội tâm
Tuổi già, một hành trình hướng về nội tâm
Theo nhà văn, nhà tâm lý học nổi tiếng Marie de Hennezel thì cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể là dịp để chúng ta cắt đứt với việc “phủ nhận cái chết”, một phủ nhận đã gây khó khăn cho xã hội kể từ Thế chiến Thứ hai.
Theo bà, tuổi già có phải là tuổi tâm linh không?
Marie de Hennezel: Từ mười mấy năm nay, tôi điều hành các nhóm hội thảo trong các nhà hưu dưỡng dành cho các người lớn tuổi tự lập. Trong các nhóm này, kể cả những người không thuộc tôn giáo nào, tất cả đều cho tuổi già là một hành trùnh tâm linh, hành trình hướng về nội tâm.
Trong hành trình này, thiền định về sự hữu hạn chiếm một vị trí quan trọng, nhưng không phải chỉ có thế: khi cận kề cái chết, chúng ta suy nghĩ về những gì mà người phật tử gọi là “mệnh trời” đặt để cho chúng ta ở trần thế này. Một số người lớn tuổi sống tuổi trẻ nội tâm với tinh thần hướng về cái mới và một trái tim rộng mở làm cho tôi ngạc nhiên thán phục.
Đã có vấn đề của người lớn tuổi với cuộc khủng hoảng này. Bà có đồng ý với các biện pháp để bảo vệ họ chống coronavirus không?
Theo tôi, thông báo của Thủ tướng Pháp nói chúng ta chưa thể thăm người thân vào cuối đời là điều không thể chấp nhận được. Từ thời xa xưa, một trong các nghi thức thiêng liêng nhất là cùng tháp tùng người thân trong giai đoạn cuối đời của họ. Cấm như thế – nhưng bây giờ nhà nước đã xem xét lại – có thể có các tổn thương đáng kể như mặc cảm tội lỗi của người thân, có thể dẫn đến các hành vi thất bại. Đó là vết thương khó lành sẹo.
Tôi thắc mắc về sự cách ly nghiêm ngặt trong phòng của họ ở các nhà hưu dưỡng. Quyền nào “để bảo vệ” đời sống của một người mà chủ yếu không phải là sống thêm vài tháng nhưng có thể trao đổi vài lời với người thân yêu?
Rất nhiều người lớn tuổi đau khổ vì cô lập đã nhịn ăn trong những tuần vừa qua, người ta gọi đây là “hội chứng chuyển nhẹ.” Đây có phải là một cái chết hung bạo không?
Ngược với những gì chúng ta nghĩ, chết theo kiểu này không đau: những người này cảm thấy giờ cuối của họ gần kề, họ để mình nhè nhẹ trượt về cái chết, không đau vì đói cũng không đau vì khát. Nhưng trượt nhẹ này phải được theo dõi. Điều kinh khủng hiện nay không phải là trường hợp này, nhưng là do quyết định bên ngoài không được chấp nhận.
Dịch này có thể thay đổi nơi chết trong xã hội của chúng ta không?
Đối với nhiều người, đây là dịp chưa từng có để suy nghĩ về cái chết, cái chết gần như “lơ lửng” trong những tuần vừa qua. Hơn bình thường, chúng ta biết chúng ta sẽ chết vì thế cuộc sống trở nên quý giá. Và đó là chức năng của cái chết: nhắc chúng ta cuộc sống quan trọng đến chừng nào. Nếu con người không chết, con người sẽ không sáng tạo!
Hy vọng suy nghĩ này sẽ tiếp tục sau đại dịch và cái chết sẽ lấy lại vị trí của nó trong xã hội. Bởi vì kể từ khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt, tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã làm cho con người phủ nhận cái chết: chúng ta dần dần quên đã là người thì phải chết và hoang tưởng gạt hẳn cái chết hiện diện hơn bao giờ hết với chủ nghĩa chuyển đổi con người.
Có phải vì chúng ta phủ nhận sự tồn tại của cái chết mà chúng ta rất sợ nó?
Nỗi lo âu về cái chết là kết quả của sự phủ nhận cái chết. Việc thống kê con số tử vong hàng ngày vì Covid-19 thật là bệnh hoạn, theo tôi nó gây ra nỗi lo lắng này. Vậy mà trong một năm nữa, chúng ta mới biết liệu thực sự tỷ lệ tử vong có vượt mức đáng kể trong mùa xuân năm 2020 này hay không – điều này cũng chưa chắc vì sẽ có có ít tai nạn đường bộ hơn.. Cũng là tốt nếu chúng ta ý thức ở Pháp chúng ta chết mỗi ngày, nhưng nhớ rằng đó không phải chỉ do Covid-19.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch