2020
Đời sống của Francesco đã đảo lộn ngày gặp Đức Gioan-Phaolô II
Đôi khi một bức hình đáng giá hơn một ngàn chữ! Cậu bé tươi cười gặp Đức Gioan-Phaolô II và cuộc gặp đã làm thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi!
Ngày 30 tháng 12 năm 1988, Đức Gioan-Phaolô II đến thăm thành phố Fermo, một thành phố có 30.000 người dân ở vùng Marches, nước Ý. Đó là thành phố nơi sinh của cậu bé Francesco Chiariani, lúc đó cậu 8 tuổi và Đức Gioan-Phaolô II 67 tuổi. Ngài có chuyến tông du ở đây và được đông đảo giáo dân nồng nhiệt đón chào. Phải nói họ như thấy ngài từ trời xuống! Ngài đến bằng máy bay trực thăng, mặc áo choàng đỏ, một hình ảnh cậu bé không thể quên!
Trong đám ông, cậu bé Francsco tay cầm cờ Tòa Thánh chạy theo anh mình để đến gần Đức Gioan-Phaolô II. Nhưng hai anh em bị hàng rào kim loại chặn, như thế là không thể thấy ngài gần được! Đức Gioan-Phaolô II thấy người anh lớn gần như đong đưa trên hàng tào và ngài dừng lại trước cậu bé tươi cười có đôi mắt trong vắt.
Sau đó linh mục Francesco kể với báo Aleteia: “Đức Giáo hoàng đến gần tôi, ngài vuốt má tôi, như một cái vỗ thân tình dịu dàng, anh tôi đứng gần tôi nhưng tôi không hiểu vì sao ngài không làm như vậy với anh tôi. Tôi còn nhớ mùi hương của ngài.” Khi đó tôi cảm nhận “có một cái gì không diễn tả được trong lòng”. Cha kể tiếp: “Vài ngày sau, trong lớp chuẩn bị rước lễ lần đầu, cha xứ Enrico giáo xứ của tôi hỏi các trẻ em sau này lớn lên sẽ làm gì. Không ngần ngại một giây tôi trả lời: linh mục!”
Linh mục Francesco Chiarini
Francesco còn gặp Đức Gioan-Phaolô II một lần khác ở Paris trong Ngày Thế Giới Trẻ năm 1997, khi đó cậu bé Francesco 17 tuổi và ở trong nhóm trẻ Canh tân Đặc sủng. Thêm một lần nữa, cậu bé nghe lời Đức Gioan-Phaolô II: “Các con hãy theo Chúa Giêsu! Các con đừng sợ một ‘đời sống mới’ đến với các con”, lời này đã khuyến khích Francesco đi theo Chúa.
Và năm 2010 Francesco Chiarini được chịu chức vào ngày chúa nhật thứ hai Phục Sinh, lễ Lòng thương xót Chúa (được Đức Gioan-Phaolô II tuyên bố năm 2000). Linh mục có tiến sĩ thần học Kinh Thánh của Đại học Giáo hoàng Gregoria Rôma, là giáo sư thần học ở Viện Thần học Marches, Fermo. Cha giữ bức hình quý giá làm kỷ niệm, nhận thức mình được một vị thánh cao cả đồng hành thiêng liêng!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện giúp chúng ta hy vọng, dù giữa khó khăn thử thách
ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện giúp chúng ta hy vọng, dù giữa khó khăn thử thách
Trong buổi tiếp kiến chung được truyền chiếu trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông tòa vào sáng thứ Tư 20/05/2020, ĐứcThánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mầu nhiệm Sáng tạo gợi lên trong chúng ta ước muốn cầu nguyện, ca ngợi và tạ ơn Chúa. Những người cầu nguyện “tin rằng tình yêu mạnh hơn sự chết”. Giữa những khó khăn và thử thách của cuộc sống, cầu nguyện duy trì sự nhìn nhận và lòng biết ơn của chúng ta, vì nó mang lại sức sống cho niềm hy vọng của chúng ta.
Trình thuật Kinh Thánh về Sáng tạo như là một thánh thi tuyệt vời tạ ơn sự tốt lành và vẻ đẹp của sự sáng tạo. Công trình sáng tạo vĩ đại gợi lên một cảm giác kỳ diệu trong trái tim con người và mong muốn cầu nguyện. Công trình sáng tạo vĩ đại là nguồn cảm hứng, hướng chúng ta suy gẫm về mầu nhiệm của chính mình, dù chúng ta có thể trải nghiệm sức nặng về sự vô nghĩa của chúng mình. Cầu nguyện bảo đảm với chúng ta rằng mọi thứ không chỉ tồn tại cách tình cờ và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là nguồn gốc của sự cao quý của chúng ta. Con người, nam và nữ, về bản chất, có thể gần như không là gì; nhưng theo ơn gọi, họ là con của một vị Vua vĩ đại! Giữa những khó khăn và thử thách của cuộc sống, cầu nguyện duy trì sự đánh giá cao và lòng biết ơn của chúng ta, vì nó mang lại sức sống cho niềm hy vọng của chúng ta. Hy vọng của những người cầu nguyện có thể giúp người khác nhận ra rằng cuộc sống là một món quà từ Thiên Chúa; hy vọng đó mạnh hơn tuyệt vọng; tình yêu đó mạnh hơn cái chết. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người dâng lời khen ngợi và cảm Chúa Cha trên trời của chúng ta vì niềm vui đơn giản là được sống.
Giáo lý của Đức Thánh Cha
Bắt đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định rằng: Sự sống, sự kiện đơn giản là chúng ta tồn tại, đưa tâm hồn con người đến với việc cầu nguyện.
Trình thuật Sáng tạo: bài thánh thi tạ ơn tuyệt vời
Đức Thánh Cha giải thích: Trang đầu tiên của sách Kinh Thánh giống với một bài thánh thi tạ ơn tuyệt vời. Trình thuật Sáng tạo được nhấn mạnh bởi các điệp khúc không ngừng lập đi lập lại sự tốt lành và vẻ đẹp của mọi sinh vật hiện hữu. Thiên Chúa dùng lời của Người ban sự sống cho chúng và mọi sự hiện hữu. Người dùng lời của mình tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, luân chuyển giữa ngày và đêm, xen kẽ các mùa với nhau, tạo nên một bảng màu với sự đa dạng của các loài động thực vật. Trong khu rừng phong phú đầy các sinh vật này, nơi sự hỗn loạn nhanh chóng bị đánh bại, con người xuất hiện cuối cùng. Và sự xuất hiện này tạo nên một sự phấn khích vô cùng, gia tăng sự hài lòng và vui mừng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31).
Công trình Sáng tạo thúc đẩy con người cầu nguyện
Vẻ đẹp và mầu nhiệm Sáng tạo làm nảy sinh trong trái tim con người động lực đầu tiên khơi dậy việc cầu nguyện (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 2566). Thánh vịnh 8 nói: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài,thì c on người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (cc.4-5). Người cầu nguyện chiêm ngắm mầu nhiệm hiện hữu ở xung quanh mình, nhìn thấy bầu trời đầy sao phía trên mình – và điều mà vật lý thiên văn cho chúng ta thấy ngày nay trong tất cả sự mênh mông của nó – và tự hỏi thiết kế tình yêu nào tạo nên một công trình vĩ đại như vậy! … Và, trong sự bao la vô biên này, con người là gì? “Hầu như chỉ là phù du”, một Thánh vịnh khác nói (x. 89,48): một sinh vật được sinh ra, một sinh vật sẽ chết, một sinh vật vô cùng mong manh. Tuy nhiên, trong toàn vũ trụ, con người là sinh vật duy nhất nhận thức được vẻ đẹp vô cùng như vậy.
Chỉ cần chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao để biết tạ ơn
Lời cầu nguyện của con người được liên kết chặt chẽ với cảm giác kinh ngạc. Kích thước của con người vô cùng nhỏ bé nếu so với kích thước của vũ trụ. Thành tựu lớn nhất của con người dường như là rất nhỏ nhoi ít ỏi … Thật ra con người chẳng là gì cả. Trong lời cầu nguyện, chúng ta xác nhận cảm giác của lòng thương xót. Không có gì tồn tại một cách tình cờ: bí mật của vũ trụ nằm trong một ánh mắt nhân từ mà ai đó gặp thấy trong mắt chúng ta. Thánh vịnh nói rằng chúng ta được tạo ra chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên (x. 8,6). Mối quan hệ với Thiên Chúa là sự vĩ đại của con người: sự đăng quang của con người. Theo tự nhiên, chúng ta gần như không là gì, nhưng theo ơn gọi, chúng ta là con của vị Quân vương vĩ đại!
Đó là một kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua. Nếu cuộc sống, với tất cả sự cay đắng của nó, đôi khi có nguy cơ làm món quà cầu nguyện trong chúng ta bị nghẹt thở, thì chỉ cần chiêm ngưỡng một bầu trời đầy sao, một hoàng hôn, một bông hoa …, để thắp lại tia sáng của lời tạ ơn. Kinh nghiệm này có lẽ là điều căn bản của trang đầu tiên của Kinh Thánh.
Cầu nguyện là sức mạnh của hy vọng
Khi trình thuật Kinh thánh tuyệt vời về Sáng tạo được viết, dân tộc Israel đang sống những ngày không hạnh phúc. Một thế lực thù địch đã chiếm giữ đất nước, nhiều người bị lưu đày, và họ đang làm nô lệ ở Mesopotamia. Không còn quê hương, không còn đền thờ, không còn đời sống xã hội và tôn giáo, không còn gì.
Tuy nhiên, bắt đầu từ trình thuật vĩ đại về Sáng tạo, một người nào đó bắt đầu tìm lại được lý do để tạ ơn, để ca ngợi Thiên Chúa vì sự hiện hữu. Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của hy vọng. Khi cầu nguyện, hy vọng gia tăng, và chúng ta tiến bước. Cầu nguyện mở ra cánh cửa hy vọng. Hy vọng có đó, nhưng khi cầu nguyện, chúng ta mở cánh cửa của hy vọng. Bởi vì những người cầu nguyện bảo vệ những chân lý cơ bản; họ là những người lặp lại, trước hết là cho chính họ và sau đó là cho tất cả những người khác: bất chấp mọi vất vả và thử thách, bất chấp những ngày khó khăn, cuộc sống này tràn đầy ân sủng và làm họ kinh ngạc. Và như vậy nó phải luôn được bảo vệ và gìn giữ.
Cầu nguyện chiếu sáng tâm hồn, con tim, gương mặt của chúng ta
Những người nam nữ cầu nguyện biết rằng hy vọng mạnh mẽ hơn sự nản lòng. Họ tin rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, và chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ chiến thắng, ngay cả khi trong những thời điểm và cách thế mà chúng ta không biết. Những người nam nữ cầu nguyện mang ánh sáng phản chiếu trên gương mặt họ: bởi vì, ngay cả trong những ngày u tối, mặt trời không ngừng chiếu sáng họ. Cầu nguyện chiếu sáng tâm hồn chúng ta, trái tim và gương mặt của chúng ta, ngay cả những lúc tăm tối, ngay cả trong thời gian đau khổ nhất.
Người mang niềm vui
Tất cả chúng ta đều là người mang niềm vui. Anh chị em có nghĩ như thế không? Bạn là một người mang niềm vui? Hay bạn thích là người mang tin xấu khiến cho buồn sầu? Cuộc sống này là món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: và nó quá ngắn để hưởng thụ nó trong nỗi buồn, trong cay đắng. Chúng ta hãy ca ngợi Chúa, hãy hạnh phúc vì đơn giản là được sống. Chúng ta hãy ngắm nhìn vũ trụ, chiêm ngắm vẻ đẹp và cũng ngắm nhìn các thánh giá của mình và nói: “Nhưng Chúa hiện hữu, Chúa đã tạo nên chúng con như thế vì Chúa.” Và chúng ta cảm thấy sự thanh tĩnh của con tim, điều khiến chúng ta tạ ơn và chúc tụng Chúa.
Cảm ơn là lời cầu nguyện đẹp nhất
Chúng ta là con cái của vị Vua vĩ đại, của Đấng Tạo Hóa, chúng ta có khả năng đọc dấu ấn của Người trong toàn thể công trình Sáng tạo. Chúng ta chăm sóc công trình sáng tạo đó nhưng trong nó có dấu ấn của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tạo dựng nó. Xin Chúa giúp chúng ta luôn hiểu được điều này cách sâu sắc và giúp chúng ta nói lời “cảm ơn”, và lời cảm ơn đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời.
Hồng Thủy
2020
Để trọn vẹn niềm vui
22.5.2020 Thứ Sáu
Ga 16, 20-23a
ĐỂ TRỌN VẸN NIỀM VUI
Trong kinh nghiệm tâm linh và đức tin, các Tông đồ đã trải phải qua nỗi buồn, lo lắng bồn chồn và đau khổ về cuộc ra đi của Chúa Giêsu là chuyện rất bình thường của tâm trạng con người. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã cho họ có cái nhìn siêu nhiên, hơn là dừng lại ở những cảm xúc tự nhiên con người. Họ cần phải có sự chiến đấu nội tâm để có được niềm hy vọng vào Đức Kitô ngang qua đau khổ của cuộc đời mà họ gặp phải !
Sự đau khổ này không phải là đau khổ của tuyệt vọng, không lối thoát, mà quan trọng và ý nghĩa hơn là niềm Hy vọng của Kitô giáo! Sự đau buồn này có lý do để mà “chịu đựng”, đó là thời gian ấp ủ để ươm mầm sự sống mới, cũng giống như hình ảnh của người sản phụ phải trải qua những mệt nhọc, vất vả và đau đớn sắp sinh con, nhưng bà ta sẽ tràn trề niềm vui và hy vọng vì một mầm sống mới yêu thương sắp được hiện diện trong cuộc đời của bà ta.
Và giờ đây ta trở về khung cảnh từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ năm xưa, lúc đó Chúa Giêsu chưa đi chịu nạn chịu chết: Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em. Nhắc lại một khung cảnh hoài niệm như thế có ích gì không? Bởi hôm nay, Chúa Giêsu đang sống, chúng ta có thể gặp Chúa qua Lời và Thánh Thể của Chúa. Lời Chúa hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta: nỗi buồn của chúng ta bây giờ sẽ thành niềm vui, khi lòng chúng ta khao khát và gặp được Chúa Giêsu hay không là chuyện của mỗi người chúng ta.
Các môn đệ được Chúa căn dặn “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con” (Ga 16, 7). Đó là một cuộc biệt ly. Có cuộc biệt ly nào mà không buồn, không xót, không thương. Cuộc chia ly ở đâu đâu cũng buồn khổ hết. Chia ly ở bên đường, bến đò, ga xe, phi trường, nghĩa địa… đều khơi lên một nỗi buồn da diết, đều chết đi trong lòng một ít. Và trong bối cảnh cũng như hoàn cảnh củacác tông đồ hẳn không phải là ít, vì họ đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài và chỉ dựa vào Thầy mình mà thôi.
Các môn đệ buồn rầu trước cuộc ra đi của Đấng đã chịu đóng đinh vì mình. Họ lo âu cho tương lai đời họ sẽ đi về đâu, số phận của họ sẽ xoay vần ra sao. Nỗi lo âu có trên một phạm vi nhân loại rất là hữu lý, có vẻ là khôn ngoan, lo xa nữa. Nhưng Chúa nói đó chỉ là nỗi lo âu tạm bợ thôi. Cũng như xưa kia các môn đệ lo lắng làm sao ra của ăn nơi hoang địa, thì Chúa đã ban bánh hóa ra nhiều hai lần.
Nơi Vườn Cây Dầu, các môn đệ lo sợ sống những giây phút căng thẳng… Nhưng rồi Chúa đã Phục Sinh hiện đến giữa họ, ban an bình, lấy lại niềm tin hy vọng. Nay niềm vui chưa trọn thì Chúa lại về Trời. Sự vui qua sự sầu lại tới là thường thế đó. Nhưng các môn đệ đâu có ngờ Chúa về Trời mà vẫn còn ở lại với họ và những người kế tiếp họ cho đến tận thế. Ngài vẫn sống, nhưng sống cách thiêng liêng vượt trên mọi điều kiện không gian, thời gian. Chính nhờ đó các môn đệ không còn cảm thấy lo sợ và họ còn vui mừng đón nhận cái chết như chính Chúa nữa, vì họ biết có phần tốt nhất đang dành cho họ trên Trời.
Sự đau đớn của Chúa Giêsu như cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi, đau khổ vì sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, đau khổ vì sự sự bội bạc thay đổi của lòng người…Những đau khổ tột cùng trước giờ lâm tử, không thể chỉ dừng lại của sự hấp hối của một cái chết đơn thuần: “chết là hết!”, nhưng Chúa Giê-su đã thực sự phục sinh-đã sống lại thật. Và như thế, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống của những ai đang mệt mỏi, buồn rầu và tuyệt vọng. Đây là cái nhìn mới mẻ của Tin Mừng về sự đau khổ.
Thật vậy, đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá đã sinh lại chúng ta trong đời sống mới. Có chấp nhận đau khổ và cùng chết với Chúa Kitô thì chúng ta mới mong được sống lại hạnh phúc với Người.
Trong mỗi người thực tế luôn luôn dấu ẩn một tia sáng hy vọng – dù rất nhỏ nhoi và nếu khơi gợi đúng điểm mạnh này, có thể đã làm chuyển đổi được nhiều điều…Chính trong lúc điên loạn, nhào lộn, hoạn nạn, chết chóc…tưởng chừng như sụp đổ, tan nát và vô vị, mà vẫn giữ được một niềm hy vọng nhỏ nhoi nào đó vào một Đấng Hy Vọng, đó chính là một ân ban siêu nhiên và đó đích thực là niềm hy vọng của người Kitô giáo có đức tin.
Đời sống người Kitô hữu luôn luôn bao gồm những lúc chờ đợi với ít nhiều buồn thảm và những lúc gặp gỡ vui mừng. Như một đợt sóng có lúc hạ xuống. Đời sống con cái Chúa cũng bồng bềnh trong đau khổ và niềm vui như vậy. Xin đừng quên Lời Chúa: “Nỗi vui mừng của các con không ai giật mất được” (c.22). Niềm vui của chúng ta là niềm vui đã được Chúa cứu chuộc, không còn bị án nào nữa. Chúng ta đã được gia nhập vào Giáo Hội cùng phép Rửa Tội, được Chúa huấn luyện bằng Lời Chúa, được Ngài nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ngài. Mỗi ngày sống chúng ta vui mừng vì sẽ được về gần trời.
Chúa không chỉ biến ưu phiền của chúng ta thành niềm vui, Ngài còn muốn làm cho niềm vui đó nên trọn vẹn. Điều đó có thể thấy được nơi Maria Magđala, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy, hay nơi những người đã thấy Đức Kitô sống lại. Còn chúng ta, khi vẫn còn bước đi trong đức tin chứ không phải được hưởng kiến, và mới chỉ lĩnh hội được một chút gì của mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là “toàn vẹn sự thật” của Ngài, thì niềm vui có thể gọi là trọn vẹn được không? Có đấy! Hãy nghiệm lại những lời Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” và “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”
Để sống trong niềm vui trọn vẹn với Thiên Chúa chúng ta hãy sống như những người con cái của Ngài, mối quan hệ mới được thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Ngài, mà niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn và không ai có thể cướp mất được. Nhân danh Ngài, chúng ta cầu xin và nhờ Ngài lời cầu xin chắc chắn được đón nhận.