2020
Mẹ của thánh Gioan Phaolô II từ chối phá thai và nhờ đó Giáo hội có thánh Gioan Phaolô II
Trong một cuốn sách mới xuất bản ở Ba Lan, tác giả Milena Kindziuk cho biết thánh Gioan Phaolô II được chào đời sau khi bà Emilia Wojtyla, thân mẫu của ngài, chấp nhận những nguy hiểm đến sự sống, từ chối lời khuyên phá thai của bác sĩ.
Trong cuốn sách “Emilia và Karol Wojtyla. Thân sinh của thánh Gioan Phaolô II”, tác giả Kindziuk trưng dẫn lời chứng của một nữ hộ sinh, bà Tatarowa, và lời kể của hai người bạn của bà, cũng như những hồi ức của các cư dân thành phố Wadovice, sinh quán của thánh nhân. Những chứng từ này cho thấy thân mẫu của thánh Giáo hoàng đã đau buồn khi bác sĩ Jan Moskala khẳng định rằng bà phải phá thai.
Khi mang thai vào tháng thứ hai, thân mẫu của thánh Gioan Phaolô II đến gặp Jan Moskala ,một bác sĩ nổi tiếng về phụ khoa và sản khoa để khám thai. Ông thấy việc mang thai của bà rất nguy hiểm và không có khả năng mang thai đến khi sinh hoặc đứa trẻ khó sống và khỏe mạnh, và điều tệ hơn là tính mạng của chính người mẹ sẽ bị nguy hiểm.
Chọn lựa của đức tin
Tác giả cuốn sách viết: “Bà Emilia đã phải chọn lựa giữa sự sống của chính bà và sự sống của hài nhi bà đang mang trong bụng, nhưng đức tin mạnh mẽ đã không cho phép bà chọn phá thai. Tự sâu thẳm tâm hồn bà đã sẵn sàng hy sinh vì sự sống đứa con bà đang cưu mang.”
Cả hai vị thân sinh của thánh Gioan Phaolô II đã can đảm quyết định rằng dù cho chuyện gì xảy ra, đứa con đang được thụ thai phải được chào đời. Và họ đã đi tìm một bác sĩ khác. Cuối cùng họ chọn bác sĩ Samuel Taub, một bác sĩ gốc Do Thái sinh sống ở Cracovia. Bác sĩ này cũng khẳng định rằng có nguy hiểm, phức tạp khi bà Emilia sinh đứa bé, thậm chí bà có thể chết. Nhưng ông không đề nghị phá thai.” Trong thời gian mang thai, bà Emilia thường phải nằm và yếu hơn bình thường.
Thánh Gioan Phaolô II chào đời giữa lời kinh cầu Đức Mẹ
Đến ngày 18/05/1920, bà Emilia được một nữ hộ sinh giúp để sinh con, trong khi ông Karol cha và cậu anh Edmund tham gia giờ cầu nguyện, đọc kinh cầu Đức Mẹ Loreto trong nhà thờ giáo xứ ở đối diện. Bà Emilia yêu cầu mở cửa sổ để âm thanh đầu tiên mà con trai bà nghe được là một bài hát kính Đức Mẹ. Bà đã sinh cậu bé Karol, sau này là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tai nghe kinh cầu Đức Mẹ.
Bà Emilia qua đời khi cậu bé Karol mới được 9 tuổi. Án phong chân phước cho hai vị thân sinh của thánh Gioan Phaolô II đã được chính thức bắt đầu vào ngày 07/05 vừa qua. (ACI 18/05/2020)
Hồng Thủy – Vatican News
2020
2020
Xin ban sức mạnh Tình Yêu
19.5.2020 Thứ Ba
Ga 16, 5-11
XIN BAN SỨC MẠNH TÌNH YÊU
Các môn đệ Chúa Giêsu đau buồn xao xuyến vì sắp chia tay Thầy; thế mà Chúa Giêsu lại trấn an họ rằng việc ra đi của Ngài là “có lợi” cho các ông.
Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt. Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình.Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện. Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không, tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta, và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.
Thường cuộc chia tay nào cũng có nhiều day dứt. Đặc biệt cuộc chia tay giữa những người thân, người yêu lại càng nhiều cảm xúc, lo lắng, lưu luyến – chưa xa mà lòng đã bồi hồi. Bởi thế, khi loan báo cuộc ra đi trở về cùng Cha, thầy trò Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi niềm xao xuyến ấy: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu ?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.” Tuy nhiên, vì tình yêu mà Thầy phải ra đi vì: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.”
Quả vậy, Chúa Thánh Thần – Thần Tình yêu và Chân Lý, Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ đến để ‘dạy bảo anh em mọi điều’; Ngài là Đấng Bảo trợ – Đây là một lời hứa tràn đầy sự an ủi, vì có Thiên Chúa bảo trợ chúng ta còn sợ gì?
Lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ. “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7). Rõ ràng sau khi Chúa Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời, sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa, thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng. Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy. “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu. Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu. Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa, để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).
Quả vậy, qua cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu khơi nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại. Nhưng để nguồn sống mới đó thấm nhập được nơi các tâm hồn, Chúa Cha sẽ ban Thánh Linh đến và ở cùng Giáo Hội luôn mãi. Thánh Linh sẽ giúp cho các môn đệ hiểu biết giáo huấn của Chúa Giêsu, ban cho các ông sức mạnh để làm chứng về Ngài.
Chính Thánh Thần sẽ ban muôn ơn huệ dồi dào làm cho Giáo Hội xinh đẹp, sống dồi dào và luôn hiệp nhất với nhau để tiếp tục sứ vụ sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu ở trần gian. Như vậy Thánh Linh là Đấng đến để hoàn tất sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu loan báo về sự ra đi và điều đó có lợi cho các môn đệ, vì: sau cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần sẽ được sai đến với các môn đệ. Khi còn sống ở trần gian hoạt động của Chúa Giêsu bị hạn hẹp trong không gian và thời gian, còn Chúa Thánh Thần thì hoạt động mọi lúc, mọi nơi và trong mọi người. Chúa Thánh Thần sẽ đến để soi sáng và dạy cho các môn đệ những điều mà trước đây các ông chưa hiểu và không có khả năng đón nhận. Chúa Thánhh Thần cũng minh chứng thế gian sai lầm vì tội không tin vào Chúa Giêsu, về sự công chính và sẽ xét xử thế gian.
Khi Chúa Thánh Thần đến “Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy ; 10 về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa ; về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”
Thánh Thần minh oan cho Đức Kitô, Đấng Công minh sáng suốt: “Đấng Bảo Trợ cho thấy rằng, nếu cái chết của Chúa Giêsu bị xem là nhục nhã dưới lăng kính người đời, thì lại được Chúa Cha tôn vinh.” Bởi vì cái chết của Chúa Giêsu là do tình yêu hy sinh ‘hiến mạng vì bạn hữu’ của Ngài. Vì thế Ngài rất đẹp lòng Chúa Cha và được Cha tôn vinh đặt làm ‘Chủ tể muôn loài’. Cuộc đời có Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ giúp chúng ta thi hành sự công chính mà Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em. Điều thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 12. 17).
Kitô hữu ngày nay cũng đã được lãnh nhận Ðấng Phù Trợ, Ngài đã cho họ biết về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần là hiểu biết mà thôi thì chưa đủ, mà hiểu biết phải dẫn đến hành động và chính hành động sẽ dẫn họ đến miền đất của sự công chính hay án phạt. Ba ngàn người Do Thái đã trở lại vào dịp lễ Ngũ Tuần chẳng phải là những người vô tội, trong nhóm họ lắm kẻ trước đây đã lên tiếng kết án Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà bây giờ họ không còn lối thoát, phải nhận chịu án phạt. Thánh Thần đã mở lối cho họ hiểu biết thì Ngài cũng vạch đường cho họ bước theo.
Theo Kinh thánh người công chính là người ‘chu toàn lề luật’. Và lề luật Chúa Giêsu dạy ở đây đó là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu” một tình yêu vị tha hoàn toàn vô vị lợi.
Do đó, khi yêu thương chúng ta đừng sợ thiệt thòi. Trong lăng kính của tình yêu vị tha không bao giờ có sự tính toán và cảm giác thua thiệt khi yêu thương phục vụ và cho đi. Trái ngược lại, tình yêu vị kỷ luôn luôn qui về mình, về lợi ích của mình và kết án tình yêu vị tha là ngu dại. Nhưng dưới con mắt Thiên Chúa thì “Tất cả những gì thế gian cho là ngu dại lại là sự khôn ngoan của Người.” Chúng ta chọn Thiên Chúa hay chọn thế gian tùy vào niềm tin của chúng ta đặt vào đâu. Nếu chọn Thiên Chúa, sống theo lời Ngài thì phần thưởng nước trời sẽ là gia nghiệp của chúng ta.
Về việc xét xử: “Thủ lãnh thế gian đã bị xét xử rồi.” Thủ lãnh thế gian là Satan, chúng đã bị trừng phạt, bởi đã quay lưng lại với Thiên Chúa, chống đối Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và tình yêu. Tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, Xa tan đã tự chuốc án phạt cho mình là sự chết và sống trong hỏa ngục của thù hận.
Và ta thấy ai không sống yêu thương là vẫn còn chịu sự khống chế và thống trị của Satan; người ấy góp phần vào sự gieo rắc khổ đau và tự chuốc lấy khổ đau cho bản thân mình. Xin Chúa Giêsu, Đấng đã dùng yêu thương để thắng hận thù, đã chiến thắng thần chết để đi vào cuộc sống vinh quang. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh tình yêu của Ngài để chúng ta nên những chứng nhân và tông đồ xây dựng nước tình yêu của Chúa, đẩy lui bóng tối ích kỷ hận thù còn đang bao trùm trong cõi lòng nhân gian.