2022
Lời tuyên tín
23.9 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm
Gv 3:1-11; Tv 144:1-2,3-4; Lc 9:18-22
Lời tuyên tín
Chúng ta biết rằng thánh sử Luca luôn luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ: “Các con nghĩ Thầy là ai?”; Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu trước khi bước vào cuộc thương khó và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc Chúa cầu nguyện cho những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng ta tự vấn về đời sống thiêng liêng của mình: “tôi thường cầu nguyện lúc nào và trong những giây phút quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay không và cầu nguyện như thế nào?”
Biến cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời tuyên xưng đức tin: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là một biến cố quan trọng. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” để theo Chúa trọn vẹn, không cần biết rõ cái chết của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân tình mật thiết với Chúa. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ.
Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Dư luận dân chúng Do Thái chưa nhận rõ Chúa Giêsu là Chúa.
Thật đau lòng về con người thời đại ngày nay, con số những người chưa nhận biết Chúa Giêsu dường như ngày càng gia tăng.
Thật đau lòng, bởi nhiều người trong chúng ta, dù đã được rửa tội, là con cái Chúa và Hội Thánh, đọc kinh cầu nguyện, đi lễ, nghe Lời Chúa,…thế nhưng, qua cách sống của chúng ta, thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt.
Chúa hỏi lại các môn đệ : “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Hôm nay Chúa cũng hỏi lại chúng ta câu hỏi đó : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Vì thế, việc nhận ra Đức Kitô vẫn còn là một thách đố đối với với con người thời nay, cách riêng từng người tín hữu Kitô.
Phêrô tuyên xưng đức tin “Thầy là Ðấng Kitô” được như thế là nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mạc khải cho ông.
Chính nhờ lời tuyên xưng về căn tính của Thầy mình như Phêrô, đủ để làm chứng rằng : những ai đi theo Đức Kitô và làm môn đệ của Ngài, mới có thể xác tín được niềm tin của mình một cách chắc chắn, rõ nét; Bởi, niềm tin đó xuất phát từ nội tâm; bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ và khám phá ra Đức Kitô là Chúa và là Thầy; xuất phát từ lòng yêu mến Chúa cách chân thành, sâu xa và hoàn toàn mang tính thánh thiêng tuyệt vời.
Có niềm tin mạnh, chắc chắn Phêrô và kể cả các môn đệ khác mới sẵn sàng đi theo Đức Giêsu cho đến cùng, noi gương bắt chước đời sống của Thầy, sẵn sàng cùng chết với Thầy và cùng sống lại với Ngài trong vinh quang.
Tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô là điểm quan trọng nhất của tất cả các môn đệ.
Nếu chúng ta tin ai, thì chúng ta phải biết rõ về người đó, đi theo người đó, hết lòng yêu mến người đó. Chúng ta thần tượng người đó, bắt chước từng nét từng nét của thần tượng.
Nếu mỗi người tín hữu Kitô hôm nay khi đã tin vào Đức Kitô, hãy cố gắng bắt chước Ngài nhiều hơn.
Chúng ta biết về Chúa, học hỏi nhiều về Chúa, nhưng chưa đủ. Chúng ta còn cần phải đi theo Ngài, sống như Ngài, say mê Ngài, yêu mến Ngài , gắn bó với Ngài.
Thử hỏi chúng ta đã được giống như Chúa Giêsu nhiều hay ít, giống ở những điểm nào.
Sau lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu bổ nhiệm ông làm người lãnh đạo Hội Thánh và là người gìn giữ chìa khóa Nước Trời.
Nhưng chỉ ngay sau đó, ông đã can ngăn Chúa đừng đi Giêrusalem chịu chết. Phêrô đã tuyên xưng đức tin vào Chúa, nhưng ông còn nhiều yếu đuối, nhiều thiếu sót trầm trọng.
Trên hành trình đức tin của chúng ta, còn nhiều chông gai, khiến chúng ta ngã gục, tội lỗi, sa ngã…chính những lúc sa ngã, Chúa vẫn mời gọi chúng ta “Hãy theo Thầy”.
Chúng ta đi theo Chúa không phải bởi sức mạnh của chúng ta, nhưng nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và hãy sống cuộc sống của một người môn đệ.
Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”. Mỗi người chúng ta cũng cần phải tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và sống như Ngài.
2022
Giám mục Ấn Độ Jacob Muricken từ bỏ chức vụ của mình để thành… ẩn sĩ
Giám mục Ấn Độ Jacob Muricken từ bỏ chức vụ của mình để thành… ẩn sĩ
Tháng 8 năm nay, giám mục thần học gia Jacob Muricken, giám mục phụ tá giáo phận Pala, thuộc giáo hội Syro-Malabar bang Kerala, miền nam Ấn Độ đã rời nhiệm sở để vào sống trong một ẩn thất.
Giám mục Jacob Muricken, giám mục phụ tá giáo phận Pala, thuộc giáo hội Syro-Malabar bang Kerala, miền nam Ấn Độ, trong một lần Đức Phanxicô tiếp kiến.
Từ giám mục đến ẩn sĩ đôi khi chỉ có một bước. Giám mục Jacob Muricken, 59 tuổi, tháng 8 vừa qua, giám mục đã vượt qua bước này, ngài rời nhiệm sở để đến định cư trong một ẩn thất do ngài xây tại Nallathanni trong giáo phận Kanjirappally, cũng thuộc bang Kerala. Ngày 22 tháng 8, linh mục Joseph Maleparampil của giáo phận trả lời trên trang UCA News: “Từ năm 2017 ngài đã chia sẻ ước mong được là ẩn sĩ, sau khi được Thượng hội đồng Giáo hội Syro-Malabar chấp thuận, ngài đã rời tòa giám mục.” Năm 2016, giám mục Jacob Muricken được mọi người biết đến khi ngài tặng một quả thận cho một tín hữu hinđu bị bệnh.
Theo trang UCA News, giám mục Muricken muốn “đến gần hơn với Thiên Chúa và thiên nhiên, ngài mong dành phần đời còn lại của mình để cầu nguyện và suy gẫm, hướng đến cuộc sống gần gũi với môi trường, tránh xa cuộc sống bận rộn hàng ngày của một giám mục”. Ngài nói: “Khi một người bình thường muốn là tu sĩ hoặc ẩn sĩ, họ không được chú ý nhiều, nhưng khi một giám mục thành ẩn sĩ, điều này thu hút sự chú ý của nhiều người. Có lẽ đến lượt họ, họ sẽ suy nghĩ về ý Chúa.”
Lời cầu nguyện của ngài chắc chắn sẽ thúc đẩy Giáo hội công giáo.
Linh mục Maleparampil nói tiếp: “Giám mục Muricken sống thanh đạm đến mức trước khi làm giám mục, ngài chưa bao giờ đi giày. Ngài bắt đầu đi giày sau khi là giám mục phụ tá. Ngài ăn chay rất đơn sơ, ăn hai lần một ngày. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Đây là trường hợp đầu tiên trong Giáo hội công giáo Ấn Độ, một giám mục trở thành một ẩn sĩ. Lời cầu nguyện của giám mục chắc chắn sẽ thúc đẩy Giáo hội công giáo”.
Marta An Nguyễn dịch
2022
Thứ tư tuần XXII thường niên
Thứ tư tuần XXII thường niên
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..
Bài Ðọc : 1 Cr 3, 1-9
“Chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa, còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là toà nhà của Thiên Chúa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người thiêng liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được, nhưng cả bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi chưng ở giữa anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là xác thịt, và sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng: “Tôi thuộc về Phaolô”. Kẻ khác nói: “Tôi thuộc về Apollô”, thì anh em không phải là người phàm đó sao?
Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp việc, mỗi người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên, mới đáng kể. Kẻ gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 12-13. 14-15. 20-21
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta.
Xướng: Tự cung lâu của Người, Người quan sát, hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Người đã tạo thành tâm can họ hết thảy, Người quan tâm đến mọi việc làm của họ.
Xướng: Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng tôi. Bởi vậy lòng chúng tôi hân hoan trong Chúa, chúng tôi tin cậy ở thánh danh Người.
Alleluia: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! – Ðấng Cứu Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 38-44
“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.
Ðến sáng, Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã tác thành mọi sự trong vũ trụ, đã sắp đặt cho thời gian thay đổi tuần hoàn.
Còn loài người, Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Chúa và bắt mọi sự kỳ diệu quy phục loài người để họ thay quyền Chúa thống trị mọi loài Chúa đã sáng tạo và luôn ca tụng Chúa vì muôn việc kỳ diệu Chúa đã làm, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.
Bởi vậy, trong khi cử hành lễ hân hoan này, cùng với toàn thể các Thiên thần, chúng con ca ngợi tung hô Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…
2022
Ðức Thánh cha kết thúc ba ngày viếng thăm Edmonton
Ðức Thánh cha kết thúc
ba ngày viếng thăm Edmonton
Sáng ngày 27 tháng Bảy năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã kết thúc giai đoạn thứ hai trong cuộc tông du tại Canada: ngài giã từ Edmonton và bay tới thành Québec, thủ phủ của miền Canada Pháp, và là chặng thứ hai trong chuyến tông du.
Lúc 6 giờ 30 sáng, Ðức Thánh cha dâng thánh lễ riêng tại nguyện đường Ðại chủng viện thánh Giuse, rồi giã từ các nhân viên tại đây, trước khi ra phi trường quốc tế của thành phố Edmonton để đáp máy bay lúc 9 giờ hướng về thành phố Québéc, cách đó hơn 3,100 cây số về hướng đông. Sau hơn bốn giờ bay, Ðức Thánh cha đến Québec lúc 3 giờ chiều giờ địa phương.
Thành Québec
Québéc hiện có hơn 530,000 dân cư và là thành phố đông dân thứ hai ở miền đông Canada, sau Montréal, nhưng giữ một vai trò quan trọng hơn về mặt hành chánh. Thành này được tổ chức Unesco của Liệp Quốc tuyên bố là gia sản của nhân loại, có sắc thái Âu châu, đặc biệt là của Pháp, về phương diện kiến trúc, và thuộc vào số những thành phố cổ kính nhất ở Bắc Mỹ.
Québec được nhà thám hiểm Samuel de Champlain người Pháp, thành lập năm 1608, nhưng lịch sử nơi này đã bắt đầu một thế kỷ trước đó với nhà thám hiểm Jacques Cartier. Québec, trong tiếng của thổ dân địa phương có nghĩa là “nơi mà sông thu hẹp lại”. Qua dòng lịch sử, thành này đã chịu các cuộc chiếm đóng của người Pháp, người Anh, và cuộc tấn công của các nhóm cách mạng Mỹ chống người Anh hồi năm 1775, với toan tính sáp nhập tỉnh này, rồi toàn thể Canada vào lãnh thổ nước Mỹ đang khai sinh. Nhưng dân thành Québec đã kháng cự được cuộc bao vây.
Về mặt Giáo hội, Tổng giáo phận Québec được thành lập hồi năm 1674 và hiện có gần 990,000 tín hữu Công giáo trên tổng số một triệu 300 ngàn dân cư, với 40 giáo xứ, 450 linh mục triều và dòng, 400 tu huynh và 1,600 nữ tu.
Ðón tiếp chính thức
Khi đến sân bay quốc tế Québec, Ðức Thánh cha được năm vị trong chính quyền địa phương đón tiếp rồi dùng xe đến thẳng trụ sở của chính quyền, phủ toàn quyền, gọi là “Citadelle de Québec” cách đó 16 cây số. Ðây là pháo đài lớn nhất do người Anh kiến thiết ở Bắc Mỹ từ năm 1820 đến 1850. Pháo đài khổng lồ có hình ngôi sao năm cánh.
Tại khuôn viên Citadelle de Québec, lúc 3 giờ 40 chiều, Ðức Thánh cha đã được bà toàn quyền Mary May Simon, và với phu quân, đón tiếp với nghi thức ngoại giao: duyệt qua hàng quân danh dự, chào cờ, và giới thiệu hai phái đoàn Tòa Thánh và Canada.
Tiếp đến, Ðức Thánh cha hội kiến riêng với bà toàn quyền Canada. Bà năm nay 75 tuổi (1947), thân phụ là một người Anh, thương gia thuộc công ty thuộc da Hudson’s Bay, và mẹ bà là một phụ nữ thổ dân Inuit. Bà nguyên là một ký giả truyền thanh, rồi dấn thân trong hoạt động bênh vực các quyền của thổ dân. Bà từng làm đại sứ Canada tại Ðan Mạch, rồi làm chủ tịch tổ chức bênh vực các quyền của người Inuit. Ngày 26 tháng Bảy năm ngoái, bà Simon trở thành phụ nữ gốc thổ dân đầu tiên làm Toàn quyền của Canada, tương đương với Tổng thống, đại diện của Nữ Hoàng Anh tại Canada. Hiện bà có ba người con.
Trong khi Ðức Thánh cha hội kiến riêng với bà toàn quyền, thì Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, gặp Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, có sự hiện diện của Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Gallagher và Ðức Tổng giám mục Pena, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Sau khi gặp bà toàn quyền, Ðức Thánh cha gặp riêng Thủ tướng Canada. Ông năm nay 51 tuổi (1971), con của thủ tướng Pierre Trudeau. Trước khi làm chính trị, ông làm việc tại các giáo xứ trong nhiều năm, rồi được bầu làm đại biểu quốc hội năm 2008; năm năm sau ông trở thành lãnh tụ đảng tự do, và làm thủ tướng lần đầu năm 2015. Bốn năm sau, ông được tái cử.
Trần Ðức Anh, O.P.