2022
LỜI YÊU THƯƠNG CHO NGƯỜI BÉ MỌN
13.7 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm
Is 10:5-7,13-16; Tv 94:5-6,7-8,9-10,14-15; Mt 11:25-27
LỜI YÊU THƯƠNG CHO NGƯỜI BÉ MỌN
Giữa biển khơi trập trùng sóng vỗ, một con sóng nhỏ nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, nó tỏ ra bực bội và tự nhủ: – Thiệt bực mình ghê. Con sóng kia cao lớn mạnh mẽ biết bao, sao ta lại bé nhỏ yếu đuối thế này. Nghe vậy, con sóng to cười đáp: – Đó là vì bạn không nhận ra gốc gác của mình nên mới buồn bực như thế. Con sóng nhỏ đối lại: -Tôi không là sóng thế là gì? Con sóng to giải thích: – Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong chốc lát và sẽ thay đổi. Bản chất của bạn chính là nước. Một khi nhận ra bản chất của mình, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng và không còn buồn bực nữa. Lúc đó con sóng nhỏ hiểu ra vấn đề và vui vẻ cười nói: – Cảm ơn chị sóng lớn, bây giờ em mới hiểu, chị và em đều là con sóng như nhau.
Đối với người Do Thái, người thông thái là người sành sỏi sách Luật. Niềm tự mãn thông biết Lề Luật đã biến họ thành con người giàu kiến thức nhưng lại nghèo thiện chí tìm kiếm Nước Trời. Còn những người bé mọn mà Chúa Giê-su đề cập tới khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, họ là những ai? Họ là những người nghèo khó, thất học, bệnh tật, bị bỏ rơi v.v. Tấm lòng chân thành là điểm chung ở họ. Kinh nghiệm truyền giáo đã cho Chúa Giê-su một kết luận “trên cả tuyệt vời” là: chính Thiên Chúa mở lòng cho con người biết mầu nhiệm Nước Trời. Ngài là tác nhân cho những tâm hồn dễ mở lòng đón nhận đức tin. Nơi họ không có thành kiến, không tự mãn về tài trí mà chỉ có lòng chân thành, niềm khao khát được ủi an, chia sẻ. Kinh nghiệm này củng cố tinh thần Ki-tô hữu biết bao, nhất là những lúc chưa thấy được kết quả trong việc truyền giáo.
Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng về mầu nhiệm Nước Trời. Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ nhưng một số dân thành Caphanaum, Khôradin và Bếtxađa tỏ ra cứng tin và không chịu sám hối. Chúa Giêsu liền quở trách họ và khẳng định trong ngày phán xét đất Xơđôm là vùng của dân ngoại sẽ được xử khoan hồng hơn.
Sau đó Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã trao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”. Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu tỏ thái độ kính trọng và tôn vinh Chúa Cha là chủ thể sáng tạo. Người cũng là Đấng Khôn Ngoan Thượng Trí biết rõ ai là người xứng đáng lãnh nhận mầu nhiệm Nước Trời. Đây là lời cầu nguyện phát xuất từ trái tim, Chúa Giêsu luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Cha trong từng cử chỉ, lời nói, hành động và hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa Cha.
Theo quan niệm của Do Thái, người khôn ngoan thông thái ở đây là những kinh sư kiêu căng tự cho mình là công chính, có nhiều kiến thức và am hiểu sách Luật. Họ như chiếc bình đóng kín nên không thể đổ thêm điều gì nữa.
Còn người bé mọn là ai? Họ chính là những người “vô danh tiểu tốt”, tầm thường không được ai biết đến. Họ là những bà góa không ai bảo vệ, những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người thất học, bệnh tật bị xã hội bỏ rơi. Những người nghèo thường có thái độ đơn sơ khiêm tốn biết mình còn thiếu thốn, họ sẵn sàng mở lòng ra để lắng nghe tiếng Chúa. Họ như mảnh đất khô mong đợi những cơn mưa mùa hạ. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu là vị thánh trổi vượt về tinh thần đơn sơ phó thác. Thánh nữ luôn tin tưởng tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và đã xác tín rằng: “Tất cả những gì Thiên Chúa ban cho con, con đều ưa thích, ngay cả những sự xem ra không tốt lành và không đẹp đẽ bằng những điều Chúa ban cho người khác”.
Người bé mọn là người nhận thức được những giới hạn của chính mình trước ân huệ cao quý đến từ Thiên Chúa. Đây phải là thái độ cần có đối với những ai muốn lãnh nhận mầu nhiệm Nước Trời. Đức hồng y Henri Nouwen chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm sống gắn bó với Thiên Chúa để lãnh nhận mặc khải Nước Trời: “Có những chuyện bạn hoàn toàn bất lực và không thể tự mình làm được. Hãy bắt đầu bằng việc thú nhận mình không thể tự chữa lành. Bạn phải hoàn toàn nhận mình bất lực để Thiên Chúa chữa lành. Khi chấp nhận mình bất lực là bắt đầu bạn để Thiên Chúa hành động. Hãy xem mình như một hạt giống nhỏ bé được gieo trong miếng đất màu mỡ. Tất cả những gì bạn phải làm là cứ ở đó tin tưởng rằng miếng đất có mọi thứ bạn cần để được lớn lên. Hãy bình tĩnh nhận mình bất lực và tin chắc có ngày bạn sẽ nhận được nhiều đến chừng nào”.
Chúa Giêsu chính là Ađam mới trong sự khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người là lời mặc khải yêu thương của Chúa Cha dành cho nhân loại. Người đã được Cha ưu ái giao phó cho sứ mạng cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã chọn con đường tự hủy ra không để kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Suốt những năm tháng đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã đến những người nghèo, đồng cảm với hoàn cảnh của bà góa, đưa về đàn con chiên đi lạc, thao thức tìm kiếm những gì đã hư mất. Một Madalêna tội lỗi, một Giakêu thu thuế, một Phêrô thất trung và một Giuđa phản loạn…tất cả đều được cứu chuộc theo lòng từ bi của Thiên Chúa. Đáng thương thay đôi lúc chúng ta lại không nhận mình là người tội lỗi. Chúng ta xây tháp Babel để được bằng Thiên Chúa, tự mãn với những thành công mà quên rằng không có Chúa, chúng ta không thể làm được điều gì.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tâm tình khiêm tốn, dám phó thác cuộc đời mình cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Hãy cám ơn Chúa vì niềm hạnh phúc lớn lao được làm con cái Chúa, được lãnh nhận mặc khải Nước Trời. Hãy đặt bàn tay nhỏ bé của ta trong bàn tay rộng lớn của Chúa để Người dẫn chúng ta đến bến bờ yêu thương, đến chân trời rộng mở và đến nguồn sống đích thực. Hãy xác tín một điều Thiên Chúa thấu hiểu chúng ta hơn chúng ta hiểu biết chính mình. Thiên Chúa quảng đại ban cho chúng ta những điều tốt đẹp hơn những gì chúng ta ước muốn và cầu xin.
2022
Chủ nghĩa vô thần và Chính Thống giáo tại nước Nga hiện đại
Trong bài nói chuyện này, tôi đề nghị phác họa lịch sử chủ nghĩa vô thần ở Nga trong một trăm năm qua. Trước hết, tôi sẽ xem xét loại vô thần nào có mặt tại Nga trước Cách mạng; sau đó sẽ nói một chút về sự phát triển của chủ nghĩa vô thần trong thời Xô-Viết; cuối cùng sẽ trình bày một vài nhận định về bản chất của chủ nghĩa vô thần hậu Xô-Viết.
Xin bắt đầu bằng những câu hỏi: Làm thế nào trong một đất nước vốn được coi là “Nước Nga thánh thiện” với lịch sử lâu dài của Kitô giáo Chính Thống, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn đã bị những người Bônsêvích biến thành quốc gia vô thần hàng đầu của thế giới? Tại sao chính những người đã được giáo dục về tôn giáo trong các trường trung học ở thập niên 1910 lại có thể trở thành những người trực tiếp phá hủy các nhà thờ và đốt các ảnh thánh trong thập niên 1920? Phải giải thích làm sao về sự kiện Giáo Hội Chính Thống, vốn có quyền lực rất lớn trong đế quốc Nga, lại bị biến thành số không do chính những thành viên trước đây của mình?
Tôi xin nói ngay là không thể chỉ nhìn những gì xảy ra ở Nga năm 1917 như một tai nạn bất ngờ, với sự kiện một nhóm nhỏ những kẻ xảo quyệt nắm được quyền lực. Đúng hơn, tôi nhìn cuộc cách mạng Nga như hậu quả cuối cùng của tiến trình đã diễn ra trong xã hội từ trước Cách mạng, do đó cũng diễn ra trong lòng Giáo Hội (bởi lẽ không có sự tách biệt giữa Giáo Hội và xã hội). Tôi cho rằng cách mạng Nga là hệ quả của chính nền quân chủ và của Giáo Hội tại Nga. Nên tìm kiếm gốc rễ của chủ nghĩa vô thần hậu cách mạng từ trong xã hội Nga cũng như trong Giáo Hội.
Người ta nói rằng nước Nga được rửa tội nhưng không được khai sáng. Thật vậy, trong thế kỷ 19, hiển nhiên là chủ trương khai sáng luôn xung đột với tôn giáo: quần chúng nông dân ít học vẫn giữ những niềm tin truyền thống, nhưng giới có học, kể cả những người có gốc rễ tôn giáo, ngày càng rũ bỏ niềm tin và trở thành vô thần. Chernyshevsky và Dobroliubov là những mẫu điển hình: cả hai đều xuất thân từ những gia đình giáo sĩ, cả hai đều thành vô thần sau khi đã học thần học trong chủng viện. Với những người như Dostoyevsky, tôn giáo là điều cần phải tái khám phá, sau khi bị mất đi do hậu quả của giáo dục. Đằng khác, Tolstoy vươn đến niềm tin nào đó vào Thiên Chúa nhưng vẫn xa cách với Giáo Hội Chính Thống. Khi nhìn vào giai đoạn trước Cách mạng, rõ ràng có khoảng cách rất lớn giữa Giáo Hội và giới trí thức, và khoảng cách đó ngày càng gia tăng.
Nhưng vào thời điểm sát Cách mạng thì chủ nghĩa vô thần xâm nhập cả quần chúng bình dân. Berdyaev vào thời đó viết rằng ngay cả một bà già nhà quê cũng trở thành vô thần và chủ trương hư vô. Xin trích dẫn thêm những gì triết gia vĩ đại này đã viết năm 1917, ít tháng trước cuộc cách mạng tháng 10:
“Dân tộc Nga vẫn luôn coi mình là dân Kitô giáo. Nhiều nhà tư tưởng và nghệ sĩ Nga còn nhìn nước Nga như dân Kitô tuyệt hảo. Những người yêu văn hóa Slave đã cho rằng dân Nga sống bằng đức tin Chính Thống giáo, được coi là đức tin chân chính duy nhất, chứa đựng toàn bộ chân lý… Dostoyevsky rao giảng điều đó. Dân Nga là chứng nhân của Chúa…Thế nhưng chính ở đây mà cách mạng bùng nổ…và nó cho thấy sự trống rỗng thiêng liêng nơi người Nga. Sự trống rỗng này là hậu quả của tình trạng nô lệ kéo dài quá lâu, của tiến trình đoạn tuyệt chế độ cũ đã đi quá xa, của sự tê liệt nơi Giáo Hội Nga và sự xuống cấp đạo đức nơi hàng lãnh đạo Giáo Hội đã kéo dài quá lâu. Từ lâu cái linh thánh đã bị trục xuất khỏi tâm hồn người dân, dù theo phe hữu hay phe tả, và tình trạng đó chuẩn bị cho thái độ bài khích cái linh thánh, sự bài khích đang phơi bày tất cả vẻ ghê tởm của nó”.
Berdyaev đã trách móc chế độ Sa hoàng và Giáo Hội Chính Thống về những gì diễn ra vào năm 1917. Bây giờ hãy nhìn vào vai trò của Giáo Hội trong giai đoạn trước Cách mạng. Một đàng, Giáo Hội vẫn là Giáo Hội Nhà Nước, đầy quyền lực và ảnh hưởng, thấm nhập mọi bình diện của đời sống xã hội. Vẫn có các vị thánh như thánh Gioan Kronstadt và đời sống thiêng liêng vẫn nở hoa ít ra là trong một vài tu viện. Đàng khác, Giáo Hội bị điều hành bởi chính quyền dân sự, kể cả những khuôn mặt đáng ghét như Rasputin, và thật ra Giáo Hội đã bị tê liệt ở mức nào đó.
Tôi nhớ đã đọc một cuốn sách của cha Georgy Shavelsky, Tổng tuyên úy của Lục quân và Hải quân Nga dưới thời Nicholas II. Là một thành viên kỳ cựu của Hội Đồng điều hành Giáo Hội, ông xác nhận rằng Hội Đồng xa rời đời sống người dân, đã làm rất ít (nếu không nói là không làm gì) để ngăn cản làn sóng vô thần đang xâm nhập đời sống những người dân thường. Ông đưa ra ví dụ: do sắc chỉ đặc biệt của nhà vua, khi việc tham dự Phụng vụ không còn là điều bắt buộc đối với binh sĩ nữa, thì chỉ còn 10% tiếp tục đến nhà thờ.
Một chứng từ khác tương tự là của Thượng phụ Veniamin (Fedchenkov), sau này là giám mục của Bạch quân thời hậu cách mạng. Ông viết rằng không có sinh viên nào ở trường Thần học St. Petersburg đến thăm cha John Kronstadt và một vài sinh viên còn là người vô thần. Ông mô tả bầu khí giá lạnh thiêng liêng và thiếu tính ngôn sứ trong Giáo Hội Chính Thống. Ông cho rằng không phải tình cờ mà những người như Rasputin nổi lên: trên nền sự dửng dưng tôn giáo, Rasputin xuất hiện như một khuôn mặt hấp dẫn và trước hết được giáo quyền đón nhận, dọn đường cho ông bước vào dinh thự hoàng cung.
Chứng từ thứ ba tôi muốn nêu lên ở đây có tính riêng tư hơn, là chứng từ của cha Sergei Bulgakov. Là con của một linh mục Chính Thống, sau khi học ở chủng viện thần học, ông trở thành vô thần. Trong những ghi nhận tự thuật, ông tự hỏi sự việc đó diễn ra như thế nào, và ông trả lời: “Điều đó xảy đến ngay lập tức và không lường trước được, như cái gì đó thật tự nhiên… Khi tôi bắt đầu nghi nan thì những lập luận hộ giáo truyền thống không đủ để làm thỏa mãn những suy nghĩ phê phán của tôi, ngược lại tôi thấy nó kệch cỡm…Sự phản kháng của tôi lại càng mạnh hơn vì những việc đạo đức bó buộc, những nghi thức rườm rà hình thức làm tôi khó chịu”. Cha Bulgakov lúc đó đã từ bỏ đức tin tôn giáo cách dễ dàng, không phải chiến đấu gì, cả gốc rễ giáo sĩ cũng như giáo dục thần học đều không giúp được ông chống lại cơn cám dỗ của chủ nghĩa vô thần và hư vô.
Bức tranh chúng ta có được khi đọc lại hồi ức của những người sống trong giai đoạn trước cách mạng là bức tranh về sự suy thoái trầm trọng trong niềm tin tôn giáo. Mặc dù Kitô giáo Chính Thống vẫn được duy trì như tôn giáo chính thức của chế độ quân chủ Nga, nhưng cả xã hội lẫn Giáo Hội đều đã bị nhiễm độc trầm trọng do sự vô tín, chủ nghĩa hư vô và vô thần. Kể cả các chủng sinh, những linh mục tương lai, cũng vật vờ giữa tôn giáo và vô thần. Nhiều Kitô hữu bình dân, nếu không nói là đa số, không còn đức tin nữa, và chính họ là những người quay ra chống Giáo Hội. Ngay lập tức Giáo Hội mất đại đa số thành viên của mình, chỉ còn lại một đoàn chiên nhỏ bé sẵn sàng chết cho Đức Kitô.
Chúng ta biết điều gì đã xảy ra cho những tín hữu trung thành với Giáo Hội: hoặc là họ bị thủ tiêu hoặc bị bách hại ác liệt, chỉ một thiểu số sống sót. Đã có một ít tiến bộ trong tình hình của Giáo Hội trong và sau Đệ nhị thế chiến, tuy nhiên Giáo Hội không bao giờ lấy lại được vị trí trong xã hội Nga như trước Cách mạng.
Loại vô thần nào chế độ Xô-Viết đã áp đặt trên người dân Nga? Thật ra, đó không phải là sự vô tín, nhưng đúng hơn, là niềm tin mạnh mẽ rằng Thiên Chúa không hiện hữu, đồng thời tin vào tương lai hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, tin vào sự bất khả ngộ của đảng Cộng sản và hệ ý thức duy vật của nó. Khuôn mặt Lênin được trình bày như thần thánh (trong nhiều năm, được gắn chung với Stalin, rồi sau đó là một mình Lênin), khuôn mặt đó thống trị mọi nơi, ở mọi chỗ, trong mọi phòng của mọi tòa nhà, dù là nhà trẻ hay đại học, bệnh viện hay cửa hàng. Lênin được xem như thần thánh, đảng được xem như giáo hội duy nhất, các lãnh đạo (trung ương đảng) như hội đồng các thánh, lời của Lênin như Sách Thánh… Dân Xô-Viết không được trao tặng chủ nghĩa vô thần nhưng là một tôn giáo giả hiệu, thứ tôn giáo của tên phản-Kitô. Chính vì thế Berdyaev hoàn toàn chính xác khi nói về đặc tính tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và vô thần của Nga.
Hệ ý thức vô thần này được người dân chấp nhận tới mức độ nào, hoặc đúng hơn, có bao nhiêu người chấp nhận hệ ý thức này và bao nhiêu người kháng cự lại? Vào thập niên 1920-1930, chủ nghĩa vô thần Nga vươn đến mức mạnh mẽ nhất, rất hung hăng và kéo theo đám đông quần chúng nhân dân. Thế nhưng đến cuối thập niên 1960, nó đã mất đi nhiều nhiệt tình trước đó, phần đông coi nó như chuyện đương nhiên nhưng không còn nhiệt tình và cuồng tín như xưa. Cho nên, về mặt phẩm chất, thập niên 1930 có thể coi như đỉnh điểm. Nhưng về mặt số lượng thì tôi cho rằng thập niên 1960-1970 lại đông hơn. Trong thập niên 1930 vẫn còn những người âm thầm giữ đức tin họ được thừa hưởng từ thời Sa hoàng. Nhưng đến cuối thập niên 1970, hầu hết những người này (được giáo dục từ thời trước Cách mạng) đã chết và được thay thế bằng những người lớn lên dưới chế độ vô thần.
Tôi có thể minh họa điều đã nói về phẩm chất của chủ nghĩa vô thần tại Nga bằng những ví dụ từ chính gia đình tôi. Tất cả ông bà nội ngoại của tôi đều sinh ra trước Cách mạng, nhưng được giáo dục sau Cách mạng: không ai trong số họ có đạo cả! Kể cả lúc đến tuổi 80, khi hầu như mọi người trẻ trong gia đình tôi đều lần lượt đến nhà thờ và được rửa tội, thì ông bà tôi vẫn không theo. Một trong các cụ nói với tôi: “Tao thấy mình cứ như Robinson trên hòn đảo không người. Mọi người chung quanh đây đều đi nhà thờ, còn tao thì không”. Bà từng là thành viên đảng Cộng sản hơn 50 năm và tôi đoán ở tuổi 20, chắc bà là chiến sĩ vô thần rất hăng. Đến tuổi 80, bà không có gì chống tôn giáo nữa, nhưng cũng không tha thiết gì đến đạo. Chủ nghĩa vô thần nơi bà hoàn toàn thụ động, bà coi nó như chuyện đương nhiên và chẳng suy nghĩ gì.
Cha mẹ tôi lớn lên trong xã hội vô thần vào thập niên 1940-1950 và chưa bao giờ là chiến sĩ vô thần cả. Trong thời tuổi trẻ, họ đã muốn phủ nhận hệ ý thức Xô-Viết và tìm kiếm sự thật bên ngoài hệ ý thức đó. Thế nhưng vẫn còn đó sức ép rất lớn từ phía xã hội, trong đó họ phải cố tồn tại, luôn sợ hãi bị phát hiện là mình không tin vào chế độ và như thế sẽ bị trừng phạt. Mẹ tôi xin nhập đạo Kitô vào giữa thập niên 1970 nhưng vẫn không thể công khai hành đạo. Công khai tỏ ra mình là người có đạo cũng có nghĩa là sẽ bị trục xuất khỏi xã hội vô thần và có lẽ mất công ăn việc làm. Thành ra tôi được rửa tội không phải trong nhà thờ nhưng trong một nơi bí mật nào đó.
Bản thân tôi lớn lên trong thập niên 1970-1980, rõ ràng là thời kỳ suy thoái của chủ nghĩa vô thần tại Nga. Tuy nhiên vẫn còn nguy hiểm nếu công khai hành đạo. Chẳng hạn tôi có thể bị trục xuất khỏi trường nhạc danh tiếng nếu họ biết tôi đi nhà thờ. Trong 11 năm học ở trường nhạc, tôi không thấy học sinh nào dám công khai hành đạo. Mọi người coi chuyện vô thần là chuyện đương nhiên. Nhưng đồng thời nhiều bạn học của tôi không chấp nhận hệ ý thức của chế độ và họ có những quan điểm phóng khoáng. Họ còn xa Giáo Hội nhưng nhiều người trong số họ cũng chẳng tin vào lý tưởng Cộng sản. Vẫn còn khó khăn cho việc tin vào Thiên Chúa nhưng ít ra cũng có thể không tin vào hệ ý thức Cộng sản. Do đó, mặc dù lớn lên trong chế độ vô thần nhưng chưa bao giờ tôi bị áp lực lớn đến độ không dám đề kháng, tôi cảm thấy mình không sợ hãi gì và thoải mái tự do. Chính vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy hầu hết mọi người thuộc thế hệ của tôi đã xuống đường ở Moscow vào tháng 8 năm 1991 để giã từ chế độ Cộng sản. Họ không sợ bởi vì họ đã lớn lên trong thời kỳ suy thoái và tan rã của hệ ý thức Cộng sản.
Một trong những lý do chính tạo nên sự tan rã của hệ ý thức vô thần Xô-Viết đơn giản là người dân không còn tin vào nó nữa. Khi chủ nghĩa vô thần mất đi đặc tính tôn giáo của nó, nó trở nên trống rỗng và mất đi sức mạnh từ trước khi chính thức bị bỏ rơi.
Bây giờ, cách vắn tắt, tại nước Nga ngày nay, tình trạng vô thần và tôn giáo ra sao sau sự sụp đổ của hệ thống Xô-Viết? Theo tôi, mặc dù số tín hữu gia tăng rất nhiều trong những năm qua, nước Nga còn lâu mới là một đất nước Kitô giáo. Rửa tội và là tín hữu Chính Thống giáo đã thành một thứ thời trang. Tôi không ngạc nhiên khi thấy đa số người dân, nếu được hỏi, sẽ xưng mình là tín hữu Chính Thống. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ đi nhà thờ. Điều đó chỉ có nghĩa là hầu hết đã chấp nhận một thứ căn cước mới bên ngoài cho phù hợp với “cuộc hồi sinh tôn giáo”. Tôi nhớ có lần hỏi một em thiếu niên đi cùng với mẹ đến xin rửa tội: “Con có tin Chúa không?” Em trả lời “Không”. “Thế tại sao con muốn được rửa tội?” “Vì mọi người ai cũng rửa tội”. Đây là một trong nhiều trường hợp cho thấy nhiều người theo đạo cách rất hời hợt, kể cả không tin vào Thiên Chúa. Dù bên trong vẫn là vô thần, nhưng bên ngoài lại mang danh tín hữu Chính Thống.
Cuộc thăm dò mới đây nhất ở Nga cho biết chỉ có số tương đối nhỏ những người chủ trương vô thần, nhưng số Kitô hữu thực hành đạo cũng không phải là đa số. Hầu hết người ta nói rằng “Chúng tôi tin vào điều gì đó”. Chúng tôi nhìn nhận có đấng siêu nhiên nào đó, nhưng cũng thú nhận rằng niềm tin tôn giáo không đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Nghịch lý khác là không phải mọi người xưng mình là tín hữu Chính Thống đều tin vào Thiên Chúa. Thậm chí một số người tham gia vào những tổ chức và phong trào của Giáo Hội nhưng vẫn không thực hành đạo.
Nói về sự hồi sinh tôn giáo tại Nga ngày nay đã trở thành chuyện quen thuộc. Nhưng người ta lại có những cách hiểu khác nhau về thế nào là hồi sinh. Chắc chắn là có sự hồi sinh bên ngoài: nhiều nhà thờ, tu viện, trường thần học được mở lại, cơ sở được tái thiết. Nhưng còn quá sớm để nói về sự hồi sinh của linh hồn Nga. Không có tiến triển về mặt luân lý đạo đức trong nước Nga ngày nay. Ngược lại, phải nhìn nhận rằng những chuẩn mực đạo đức đã xuống thấp hơn dưới thời Xô-Viết. Lại chẳng phải là chỉ dấu cho thấy không có sự hồi sinh bên trong của đời sống Kitô giáo, và người dân chưa thật sự đón nhận Kitô giáo như luật sống của họ sao? Lại chẳng phải là bằng chứng cho thấy sự hoán cải và sám hối, hiểu như sự thay đổi não trạng, vẫn chưa xảy ra tại Nga sao?
Một số người cho rằng sự suy đồi chuẩn mực đạo đức là do ảnh hưởng phương Tây: chính từ phương Tây suy đồi mà phim khiêu dâm, nạn mại dâm, và mọi thứ vô đạo tràn vào nước Nga. Đây là cách chúng ta tự biện hộ: đổ lỗi cho hết mọi người ngoại trừ bản thân mình. Nhưng thực tế như Berdyaev đã diễn tả từ năm 1918 là: “Dù cay đắng thế nào chăng nữa thì cũng phải nhận rằng dân Nga ngày nay ít mang tính tôn giáo hơn nhiều dân tộc Tây phương…nền văn hóa tôn giáo trong linh hồn họ yếu ớt hơn”. Berdyaev nói đúng nếu hiểu văn hóa tôn giáo ở đây không chỉ là chuyện gia nhập tổ chức của Giáo Hội, nhưng trước hết là sống theo những chuẩn mực của luân lý Kitô.
Khi công cuộc “đổi mới” bắt đầu, xã hội trông mong nhiều vào Giáo Hội. Nhiều người tin rằng Giáo Hội có thể đảm nhận vai trò dẫn đường trong cuộc hồi sinh thiêng liêng của dân tộc. Phải thú nhận rằng điều đó đã không xảy ra. Giáo Hội đã bắt đầu hồi sinh bằng việc xây lại những bức tường tu viện (thật sự là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn), nhưng Giáo Hội đã không đáp ứng cách thích đáng nhu cầu khai sáng tôn giáo và đạo đức cho dân. Các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể đến gần chính quyền dân sự nhưng lại không gần gũi với dân thường, nhất là những người ở ngoài Giáo Hội. Giáo Hội Chính Thống vẫn khép lại với chính mình, bận tâm với những vấn đề nội bộ hơn là với những nhu cầu thiêng liêng của xã hội hiện đại. Hệ quả là những giáo phái Tin Lành phương Tây đã nắm lấy vai trò khai sáng những người vô thần trước đây, và không lạ gì khi họ ngày càng chiếm được thiện cảm của người dân thường.
Chủ nghĩa vô thần ở Nga một ngày nào đó sẽ chết hẳn, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi đất nước không những được rửa tội mà còn được khai sáng và tái sinh. Giáo Hội Chính Thống cần đóng vai trò chính yếu trong cuộc hồi sinh thiêng liêng này. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi Giáo Hội thật sự trở thành Giáo Hội quốc gia: không phải là Giáo Hội của Nhà nước (dù là Nhà nước nào) nhưng là Giáo Hội của dân tộc, của nhân dân. Để được như thế, Giáo Hội phải ra khỏi vỏ ốc của mình, phải nói thứ ngôn ngữ người dân đang nói, phải đối diện với những nhu cầu của xã hội và trả lời cách thích đáng.
Vào thời điểm hiện nay, Giáo Hội đang nỗ lực tìm ra căn tính mới của mình trong nước Nga hậu Cộng sản và hậu vô thần. Theo tôi, có hai nguy hiểm chính. Thứ nhất là mối nguy trở về tình trạng trước Cách mạng, khi Giáo Hội Nhà nước ngày càng không phải là Giáo Hội của dân tộc. Nếu trong một giai đoạn phát triển nào đó của xã hội, Giáo Hội được Nhà nước trao cho vai trò như thế, thì quả là một sai lầm lớn nếu Giáo Hội chấp nhận. Trong trường hợp đó, Giáo Hội sẽ lại bị đa số nhân dân khước từ như đã xảy ra năm 1917. Bảy mươi năm chịu bách hại dưới thời Xô-Viết đã là kinh nghiệm luyện ngục khủng khiếp cho Giáo Hội Nga, từ đó Giáo Hội nên được đổi mới hoàn toàn. Sự sai lầm nguy hiểm nhất có lẽ là không chịu học hỏi từ những gì đã xảy ra để rồi lại quay về với tình trạng trước Cách mạng, như một vài giáo sĩ ngày nay đang mong muốn.
Mối nguy hiểm thứ hai là một thứ Chính Thống giáo mang tính chiến đấu, như thể đối kháng lại thứ chủ nghĩa vô thần chiến đấu. Tôi hiểu Chính Thống giáo chiến đấu ở đây là thứ Chính Thống chủ trương chống lại người Do Thái, chống lại dân chủ, chống lại văn hóa Tây phương, chống lại sự khai sáng. Thứ Chính Thống này đang được rao giảng, thậm chí do một vài nhân vật chủ chốt của hàng giáo phẩm, và có nhiều người ủng hộ. Cho dù được Nhà nước hỗ trợ, thứ Chính Thống này có thể đẩy chủ nghĩa vô thần rút lui tạm thời. Nhưng chủ nghĩa vô thần Nga sẽ không bị đánh bại cho đến khi sự biến hình của linh hồn và đòi hỏi sống theo Tin Mừng trở thành sứ điệp duy nhất của Giáo Hội Chính Thống Nga.
Thượng phụ Hilarion Alfeyev
Chuyển ngữ: Thiên Triệu
2022
Khủng bố lại tấn công nhà thờ Công giáo ở Nigeria, sát hại 3 người và bắt cóc 36 người
Sau vụ tấn công đẫm máu tại một nhà thờ ở bang Ondo của Nigeria hôm Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 5/6, khiến khoảng 50 tín hữu bị chết, hôm Chúa Nhật 19/6/2022, một vụ tấn công khác vào nhà thờ ở làng Roboh, bang Kaduna, khiến 3 người thiệt mạng và 36 người bị bắt cóc.
Cùng bị tấn công vào sáng Chúa Nhật 19/6/2022 là nhà thờ Tin Lành Baptist Maranatha, cũng ở làng Roboh.
Ông Reuben Buhari, cựu Cố vấn Đặc biệt về Truyền thông của Thống đốc Bang Kaduna, cho biết rằng vụ tấn công này không phải là vụ tấn công đầu tiên. Theo ông, “các cuộc tấn công vào các cộng đồng nông thôn bởi những kẻ bắt cóc đã không ngừng diễn ra. Hầu hết các vụ không được trình báo.”
Vào ngày 5/1/2022, làng Roboh bị tấn công và một số người bị bắt cóc. Sau đó, vào ngày 27/4, cộng đồng lại bị tấn công và lần này một số ngôi nhà đã bị đốt.
Theo ông Buhari, vì những cuộc tấn công liên tục vào cộng đồng và những vùng xung quanh, “người dân trong làng quyết định bắt đầu Thánh lễ sớm hơn, vào khoảng 7 giờ sáng, để mọi người có thể nhanh chóng trở về nhà của họ. Lúc quá 7 giờ sáng, trong khi cả nhà thờ Công giáo và Tin Lành Baptist đang cử hành phụng vụ thì những kẻ khủng bố đã tấn công.”
Theo báo Aruwanon Sunday, những kẻ tấn công đi xe mô-tô, di chuyển qua các làng trước khi đến làng Roboh. Tại đây họ đã tấn công các tín hữu tại hai nhà thờ Công giáo và Tin Lành.
Theo một nguồn tin, những kẻ khủng bố đã bắn bừa bãi khi chúng đến gần các nhà thờ, giết chết ba người trong khi một số người khác bị thương. Một số tín hữu bị bắt cóc và gia đình họ đang chờ bọn khủng bố liên lạc đòi tiền chuộc.
Ông Buhari cho biết, người dân sẽ vay mượn, ăn xin hay bán bất cứ thứ gì họ có để có tiền chuộc người thân. Nhưng sau khi họ đã trả tiền chuộc, những kẻ bắt cóc lại đến, sát hại và lại bắt cóc. (Vanguard 19/06/2022)
Nguồn: vaticannews.va/vi
2022
Đức Thánh Cha Phanxicô: phục vụ sự Quan phòng bằng thực hành sự chia sẻ
Đức Thánh Cha Phanxicô: phục vụ sự Quan phòng bằng thực hành sự chia sẻ
Trưa thứ Hai 30/5, tại Hội trường Clementina trong nội thành Vatican, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 80 thành viên của Tổng hội Dòng Tôi tớ nghèo của Chúa Quan phòng.
Trong diễn văn trước các tham dự viên của Tổng hội có chủ đề “Tính ngôn sứ của sự Hiệp thông”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Sự hiệp thông của chúng ta được sinh ra và nuôi dưỡng trước hết trong mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, và sau đó được biểu lộ một cách cụ thể trong tình huynh đệ, trong tinh thần gia đình, cũng như trong sự hiệp hành với toàn thể Giáo hội.
Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai và trong lời rao giảng, ngay cả trong các cuộc trò chuyện với các môn đệ, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu luôn tín thác vào Cha và phó thác mình cho sự quan phòng của Người. Bởi vì, Chúa Cha biết chúng ta hơn chính chúng ta, và biết rõ những gì chúng ta cần.
Đức Thánh Cha ghi nhận rằng: việc nuôi dưỡng niềm tin vào sự quan phòng của Chúa cùng với người nghèo giúp cho các thành viên của Dòng trở thành những nghệ nhân của một “nền văn hoá quan phòng”. Đây là một liều thuốc giải độc cho văn hoá thờ ơ, không may lại phổ biến trong xã hội được gọi là sung túc.
Linh đạo quan phòng của Kitô giáo không phải là thuyết định mệnh, nó cũng không có nghĩa là sự chờ đợi từ trên trời rơi xuống các giải pháp cho các vấn đề và những điều chúng ta cần. Nhưng ngược lại, nó có nghĩa là tìm cách, trong Chúa Thánh Thần, đồng hình với Cha trên trời trong việc chăm sóc thụ tạo của Người, đặc biệt là những người nhỏ bé nhất và dễ bị tổn thương nhất; nghĩa là chia sẻ với người khác sự ít ỏi mà chúng ta có để không ai thiếu thốn những điều cần thiết. Đó là thái độ quan tâm, hơn bao giờ hết cần thiết để chống lại thái độ thờ ơ.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh chia sẻ và ngài trưng dẫn tấm gương của những người lớn tuổi, ông bà của chúng ta. Đối với họ, khi có khách đến thăm nhà, hoặc khi một người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ, thì điều bình thường là chia sẻ một đĩa súp hoặc cháo ngô. Đây là một cách sống quan phòng rất cụ thể, như sự chia sẻ. Chúng ta không cần lý tưởng hoá thế giới đó, cũng không cần hồi tưởng quá khứ, nhưng chúng ta cần phục hồi những giá trị nhất định. Đó là việc cùng nhau bẻ bánh trong khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và tin chắc rằng bánh sẽ đủ cho chúng ta và cho những người lân cận. Đây là cách Chúa Giêsu đã dạy chúng trong trong phép lạ chia sẻ, chứ không phải hoá nhiều, bánh và cá. Ngày nay, rất cần các Kitô hữu phục vụ Sự Quan phòng bằng cách thực hành sự chia sẻ.
Văn Yên, SJ