Vài suy nghĩ xung quanh cái chết bí ẩn của một thanh niên 19 tuổi
Vài suy nghĩ xung quanh cái chết bí ẩn của một thanh niên 19 tuổi
Mấy ngày qua, cơ quan truyền thông báo đài và mạng xã hội trong nước quan tâm rất đặc biệt tới cái chết bí ẩn của một thanh niên mới chỉ mới 19 tuổi từ quê ở tỉnh Bình Định lên TPHCM nhập học Đại học.
Tờ Thanh Niên online (TNO) ngày 17-2 vừa qua đã tường thuật chi tiết như sau: [1]
Ngày 12-2-2022, nạn nhân tên NVN 19 tuổi từ Bình Định vào bến xe miền Đông để đến trường nhập học. Khi đến bến xe miền Đông, nạn nhân không liên lạc với người nhà, mà đi xe ôm đến một trường đại học tại đường D2 (Q.Bình Thạnh), rồi đón xe khác để đến một địa điểm khác trên đường D2. Tại địa điểm này, nạn nhân đi bộ đến một khách sạn trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) thuê phòng. Đến 03 giờ 55 sáng ngày hôm sau 13-2, nạn nhân ra khỏi khách sạn, trên người mang theo ba lô, đi về phía Tân Cảng, rồi rẽ vào hẻm 293 Ung Văn Khiêm. Camera gần nhất thể hiện lúc 04 giờ 03 phút sáng ngày 13-2, nạn nhân leo qua hàng rào đi ra hướng bờ sông để tự tử.
Tờ báo TNO trích dẫn trên cho cho biết tiếp: Qua khám nghiệm tử thi, nạn nhân chết do ngạt nước. Khám nghiệm hiện trường trong ba lô của nạn nhân đeo sau lưng có một cục đá xi măng khoảng trên 10 kg, phù hợp với hiện trường nơi nạn nhân tự tử. Phòng PC02 TPHCM đang phối hợp với Công an Q.Bình Thạnh điều tra làm rõ nguyên nhân nạn nhân tự tử. Theo diễn biến vụ việc, sáng 15.2, người dân phát hiện một thi thể nam thanh niên trôi trên sông Sài Gòn (P.13, Q. Bình Thạnh). Công an Q. Bình Thạnh sau đó phong tỏa khám nghiệm hiện trường, xác định thi thể được phát hiện là nam sinh viên NVN (cư trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được gia đình, người thân trình báo là mất tích trước đó.
Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên em N. ở nhà học online. Ngày 11-2, em N. vào TPHCM để làm thủ tục nhập học tập trung tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thì xảy ra sự cố trên. Gia đình N. thuộc diện làm nông, nghèo và em N. là một đứa con ngoan, hiền lành, một học sinh chăm chỉ và học lực khá. Đặc biệt đây là lần đầu tiên em vào TPHCM để nhập học. Khi vào TPHCM, em N. mang theo 1 túi xách, 1 vali, áo khoác, nón…tất cả màu đen. Ngoài ra em cũng mang theo một số tiền là 2 triệu đồng để trả phí xe cộ và tiền nhập học.
Cuối cùng, nguyên nhân cái chết bí ẩn của em N. được cho là do tự tử.
Như vậy, bước đầu nguyên nhân cái chết của em N. đã được giải mã. Đó là em N. đã nhẩy xuống sông tự tử. Nhưng còn vấn nạn lớn hơn mà nhiều người đang rất quan tâm, đó là nguyên nhân vì sao em N. lại chọn cái chết cho mình một cách đáng thương như vậy trong khi tương lai của em đang rộng mở.
Một số người có trách nhiệm như nhà giáo, nhà báo, phụ huynh và cả linh mục đang cố gắng tìm câu trả lời vấn nạn “Tại sao em N. tự tử?” và đặt ra cho chúng ta một số vấn đề cần suy nghĩ và chia sẻ.
1.- Vấn nạn nêu ra từ phía gia đình và xã hội
Sau khi tin tức về nguyên nhân cái chết của em N. được báo chí và cơ quan chức năng loan báo, nhà báo nổi tiếng Trần Thu Hà (TPHCM) trên trang facebook (FB) cá nhân của mình ngày 17-2 đã đưa ra nhận định như sau:
Nam sinh N. vào Saigon nhập học và mất tích là một học sinh ngoan hiền học giỏi, 12 năm là học sinh giỏi, đậu đại học hệ chất lượng cao, học kỳ I học online điểm trung bình loại giỏi 8,6. Ai cũng tưởng em bị kẻ xấu sát hại. Công an, mạng xã hội đã cất công tìm kiếm, rồi đau đớn nhận tin em đã tử vong. Công an đã kết luận em tự tử, trong ba lô có cục đá ximăng nặng hơn 10 kg, camera cho thấy 04h03 sáng em đã leo qua hàng rào bờ sông để xuống sông. Rất nhiều người không muốn tin với kết luận này, nó thật khó chấp nhận. Nhưng thực tế theo thống kê thì khả năng chúng ta chết vì chính mình cao hơn là khả năng ta chết bởi bàn tay của người khác. [2]
Như vậy nguyên do cái chết của em N. là do em bị trầm cảm, từ đó dẫn đến quyết định tự vẫn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện nay trên thế giới đã có hơn 350 triệu người đang mắc bệnh trầm cảm và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tử (trung bình mỗi ngày có 2900 người tự tử). Trầm cảm được ví như phần nổi của một tảng băng, chỉ 1/3 trường hợp được chẩn đoán và điều trị tử tế. Thạc sĩ bác sĩ Lê Đình Phương chuyên gia về các lĩnh vực rối loạn chuyển hóa, tim mạch, rối loạn trầm cảm, bệnh gan (Bv Pháp Việt TPHCM) đã cho biết như sau: 15% dân số có trầm cảm nặng, tuổi từ 16-35; 25,4% người dân có ý định tự tử; 15,6% có kế hoạch tự tử; 4.2% thực hiện hành vi tự tử (3.78 triệu người VN) (Nguồn: Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP). Ngoài ra, bác sĩ Lê Đình Phương cũng cho biết thêm tự sát thường là do trầm cảm. Lưu ý: 2/3 trường hợp tự sát có nguồn gốc từ trầm cảm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Trầm cảm chịu trách nhiệm cho 75% các vụ tự tử kể trên, còn lại 22% là do nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và chỉ có 3% do tâm thần phân liệt, động kinh.
Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Một số đối tượng sau có thể dễ gặp phải trầm cảm hơn:
Trầm cảm ở phụ nữ: tỉ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới, thường gặp nhất là trầm cảm sau sinh. Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: do áp lực học tập, hoàn cảnh gia đình thay đổi (bố mẹ ly hôn, bị bỏ rơi, thay đổi nơi ở), thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì vv…Trầm cảm ở những người làm các công việc có cường độ làm việc và áp lực lớn như y bác sỹ, người làm công việc quản lý, công nhân mỏ than…Trầm cảm ở người già: người già có tỉ lệ mắc trầm cảm cao (~16%) do một số yếu tố như bệnh lý mạn tính, do cảm giác cô đơn, mất người bạn đời,…Trầm cảm ở những người mắc bệnh nội khoa như: bệnh lý tim mạch, nội tiết, thần kinh, ung thư, bệnh truyền nhiễm…Bệnh cảnh dễ làm nảy sinh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm có thể làm cho bệnh có xu hướng nặng thêm và tăng nguy cơ tử vong.
Như vậy có thể thấy trầm cảm là một căn bệnh rất phổ biến, ai cũng có thể mắc trầm cảm. Tuy nhiên, trên thực tế có tới 80% người mắc trầm cảm không được phát hiện. Điều đó có nghĩa là trong 10 người mắc trầm cảm thì chỉ có 2 người là được phát hiện và điều trị. Ngoài những lý do về mặt nhận thức, tâm lý xấu hổ, sợ bị kỳ thị đối với bệnh trầm cảm thì một nguyên nhân quan trọng không kém khiến cho bệnh trầm cảm không được phát hiện sớm đó là những triệu chứng bệnh rất dễ nhầm lẫn vào các bệnh lý khác. [3]
Nhắc lại, ngày 20-2-2021 trên trang mạng vnexpress.net đăng bài viết có tựa đề: “Ba kiểu gia đình dễ khiến trẻ trầm cảm”, theo đó tác giả liệt kê các kiểu gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em như: a- Có bố mẹ luôn phủ nhận cố gắng của con cái và đánh giá thấp chúng; b- Gia đình thờ ơ với tình cảm của con; và c- Gia đình quá kỳ vọng vào con cái khiến chúng dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Bài báo trên đã trích đăng bài viết của An Ca là một nhà tâm lý học Trung Quốc, cho hay: Cách đây ít lâu, một video trên mạng xã hội Weibo (TQ) thu hút sự quan tâm của hơn 300 triệu người. Trong video này, một cô gái họ Mã nói rằng bản thân đã vật lộn với bệnh trầm cảm bảy năm qua, nhiều lần muốn tự tử. Nhưng khi cô nói với mẹ, bà trả lời: ‘Con vẫn luôn như thế, đã bao năm rồi? Con vẫn tỏ ra mình khác biệt, bản thân không tự chịu còn bắt ai chịu thay’. Thật không thể tưởng tượng khi con cái bị trầm cảm mà cha mẹ lại chẳng biết gì, thậm chí còn trách chúng là giả vờ hay đạo đức giả, nhiều độc giả đã để lại khá nhiều bình luận bên dưới video của Mã.
Học giả An Ca cho biết tiếp: Vào năm 2012, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về chứng trầm cảm của gần 3.000 thanh thiếu niên từ độ tuổi 10-25 tại Trung Quốc. Kết quả là cứ 5 trẻ thì 1 em bị trầm cảm. Về mặt tâm lý, trầm cảm bắt nguồn từ sự tấn công bên ngoài khiến trẻ luôn tự ti, thậm chí ghét bỏ bản thân. Cảm xúc và sự tức giận bị kìm nén này lại không được bộc lộ ra ngoài, trẻ tự chịu đựng, cô đơn trong chính nơi được gọi là mái ấm. [4]
Theo nhà báo, chuyên gia tâm lý giáo dục Trần Thu Hà trên trang FB đã dẫn trên, sau kết luận của nhà chức trách về cái chết tự vẫn của em N. thì qua báo chí rất nhiều người đã lên tiếng, một số ít cảm thông với em nhưng đa số đều có vẻ như trách móc em. Chẳng hạn, “Còn trẻ mà em!”, “Còn cha mẹ già ai lo hả em?”, “Tự tử là Em bất hiếu với cha mẹ!”, “Dại dột để rồi đau khổ cho người thân của mình! Bao nhiêu công lao của cha mẹ, thầy cô”, “Em học lực giỏi, nhưng có một môn học mà em thiếu, đó chính là kỹ năng sống lạc quan! Tiếc cho gia đình và xã hội”, “Không được làm thế. Làm sao có thể sống tốt cuộc đời khác khi không thể sống tốt cuộc đời này. Đau đớn không thể trốn chạy, chỉ có đối mặt và vượt qua thì mới thoát khỏi nó vĩnh viễn”, “Ích kỷ, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại” vv.
Cuối bài viết, nhà báo Trần Thu Hà đã nhận định: Nhiều người nhấn mạnh vào lý do em N. nhà nghèo, trong túi em chỉ có 1,4 triệu đồng. Nhưng thật ra thì đau khổ luôn là một bí mật, không tuân theo đạo đức và lý trí của người khỏe mạnh. Chẳng ai nói với một người đang gẫy chân rằng: “Phải cố gắng lên chứ, đi dễ mà, ai chả đi được!”. Chả ai nói với người viêm phổi rằng: “Chỉ cần thở thôi mà, sao ko thở đi?!”. Và rất nhiều người cho rằng “Có gì đâu mà buồn? Tôi ngày xưa còn nghèo/khổ hơn em, sao em ko làm được?…” Cứ như thể phải có đủ thẩm quyền để đau đớn, mới được đau đớn vậy.
Nhà báo này viết tiếp: Mình chứng kiến nhiều người trầm cảm là người rất nỗ lực, rất trách nhiệm, đầy nhiệt huyết, sống nhiệt tình, là người thành đạt, thành công. Do đó những giáo điều về sống tích cực, vượt qua khó khăn, thay đổi tư duy…có khi còn là giết họ không cần dao, họ càng đay nghiến chính mình. “Những người tự tử chắc gì đã muốn chết? Họ chỉ muốn chấm dứt nỗi đau đớn mà thôi” (Tiffanie De Bartolo). Những người tự tử không phải là những người chạy trốn, mà là những người không còn có thể chạy trốn. Tự sát không có mục đích đạt được cái chết, nó là một liều thuốc cho những thống khổ tinh thần vượt ngưỡng. “Không ai vứt đi một cuộc đời còn đáng được giữ lại” (David Humes).
Cuối cùng nhà báo này kết luận: Hãy công bằng với trầm cảm! Và hãy cảnh giác với nguy cơ trầm cảm của con cái, người thân và của chính bản thân mình, các bạn ạ!
2.- Vấn nạn nêu ra từ phía học đường
Tin về cái chết tự tử của em N. đã khiến sửng sốt, bàng hoàng chẳng những cho các bậc cha mẹ trong gia đình, các nhà tâm lý giáo dục, mà còn cho cả những phụ huynh đang có con em đi học. Chúng ta biết rằng, bệnh trầm cảm gây nên 2/3 cái chết tự vẫn và 90% người trầm cảm không được điều trị. Điều này cho thấy mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm đều có người bị trầm cảm.
Thầy giáo Võ Anh Triết (TPCHM) trên trang FB cá nhân mình đã bày tỏ ý kiến và cảm xúc xung quanh cái chết của em N. như sau:
Khi chuyện thằng bé mất tích xuất hiện, tôi cảm thấy có chút gì đó ngờ ngợ. Rồi chiều nay đọc tin về cuộc họp báo của công an. Thằng bé đã tự kết thúc cuộc đời của nó, ở một nơi thật xa gia đình, dưới dòng nước lạnh lẽo, chiếc balo với tảng bê tông 10kg. Nó đã chuẩn bị kỹ, và nó đã không cho nó một cơ hội nghĩ lại. Thằng bé 19 tuổi, vào Sài Gòn học đại học. Lẽ ra nó đã vào Sài Gòn từ tháng Chín năm ngoái, chứ không phải bây giờ. Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ, kể cả số phận con người. Nếu nó hồ hởi đi hồi tháng Chín, có thể nó đã khác, biết đâu!
Thằng bé hẳn là mang nặng nề trầm cảm trong lòng. Nó đã không đi theo cuộc hẹn với người thân mà rẽ theo hướng khác. Nó thuê nhà trọ để ngủ, rồi trả phòng trọ. Rồi nó lại thuê phòng trọ trở lại, hẳn là lúc đó trong nó loé lên mong muốn tiếp tục sống. Nhưng mong muốn đó không đủ lớn để giữ nó lại. Lúc 03g55 phút sáng, nó ra bờ sông Sài Gòn, hẳn là nó đã thức trắng đêm để chống lại với chính bản thân nó. Quê nhà miền Trung của nó, nghèo, với ba mẹ làm nông. Mà ba mẹ làm nông thì chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời để nuôi con cái đủ ăn, họ nào biết gì hơn điều đó. Họ không đủ kiến thức để nhận ra những nỗi niềm con mình đang trải qua, thì làm sao họ biết sẻ chia, thì làm sao họ biết vực con mình dậy. Họ chắc chắn không hiểu tại sao con họ đau khổ như thế, và điều duy nhất họ làm là sững sờ nhìn quan tài con mình trở về nhà, họ cứ nghĩ con họ đi để hiển vinh trở về.
Cuộc sống hiện đại ào ạt lắm, dữ dội lắm. Một đứa trẻ lớn lên như thằng bé nhận được gì từ cuộc đời. Ở trường nó cắm đầu học chữ, nó là đứa học giỏi, giỏi nó mới đậu đại học. Trường học làm quá ít những công việc nhằm nâng đỡ tinh thần trẻ con, phần lớn sa vào thành tích học tập. Ở nhà, đứa trẻ không biết nói chuyện với ai, cha mẹ ai nấy đều bận làm công việc đồng áng, thời gian đâu để gần gũi con mình. Một đứa trẻ với tâm thần vững vàng sẽ vượt qua thử thách, một đứa trẻ cô đơn và mong manh thì gục ngã dễ dàng.
Vậy là thằng bé đã chọn dừng lại trên chặng đường đời vừa mở ra của nó. Không ai biết nó đã nghĩ gì vào những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời nó. Hẳn là nó đau khổ lắm. Nhưng nó không biết cha mẹ ông bà của nó còn đau khổ hơn nó ngàn lần.
Vì họ còn sống để khổ đau
Vì nó không còn sống nữa để biết họ sẽ khổ đau
Vì nó sẽ không còn khổ đau nữa
Nếu một ngày nào đó các con đau khổ quá, các con nhớ phải tìm ai đó để chia sẻ, các con nhớ hãy tìm đến những bệnh viện ung thư, các con nhớ hãy đến thăm những đứa trẻ tàn tật. Trở về rồi, các con sẽ thấy nỗi đau của mình nhẹ bớt, lẽ sống của mình lớn lên…Quả thực, đến lúc này ta phải nhận rằng Trường học làm quá ít những công việc nhằm nâng đỡ tinh thần trẻ con, phần lớn sa vào thành tích học tập. [5]
Còn về phía Giáo hội Công giáo thì sao? Chúng ta sẽ bàn tiếp sau đây vấn nạn liên quan đến tiếng nói và trách nhiệm của Giáo hội đối với các bạn trẻ như em N.
3.- Vấn nạn nêu ra từ phía Giáo hội
LM Trần Cao Thăng (Cha xứ Tân Hương TGP Saigon) trên trang FB cá nhân mình, đã chia sẻ mấy dòng sau:
Mấy hôm nay nghe tin một sinh viên 19 tuổi tự tử vì nghèo hay vì nguyên nhân sâu xa nào đó và bị công chúng lên án là dại, là vô ơn, là bất hiếu vv…Tại sao em này không cố gắng vượt qua, tại sao không nghĩ đến cha mẹ lo lắng đến tuổi này… Nhưng con người gồm nhân và linh kết tinh, nếu chỉ chăm bẵm cho thân xác lớn khôn mà thiếu chăm sóc phần linh thì hậu quả khó lường do mất cân bằng của một con người dần trưởng thành.
Em sinh viên tự tử không gì ngoài thiếu cái chính là đức tin. Nhiều người tự cho mình có khả năng xoay sở mà không cần đến tâm linh. Tâm linh chính là linh hồn, là tinh thần mà không ai tự tìm được, mà chỉ có nơi giáo dục đức tin qua tôn giáo như cách giáo dục nhân bản, văn minh cho trẻ con mà chúng không thể tự phát triển, cụ thể là môi trường nhà thờ và các giờ học giáo lý và các bài giảng trong thánh lễ. Nên người siêng năng đi lễ là người được khoa học cho là sống lâu bởi lẽ họ có nền tảng cho tâm hồn vững vàng trước những thất bại và khốn khó nhất. Cha mẹ hôm nay bỏ quên hoặc đặt nhẹ nền móng đức tin này nên con cái dễ mất phương hướng dẫn đến tiêu cực phát bệnh trầm cảm như hiện nay. [6]
Chúng ta biết rằng, gia đình em N. này không phải là Công giáo nên đặt vấn đề đức tin đối với em thì quả là không thích hợp. Tuy nhiên, từ cái cái chết này của một thanh niên, Ki-tô hữu chúng ta sẽ liên tưởng tới những con em “có đức tin” của chúng ta, đang sống như thế nào? Và nếu rơi vào tình cảnh như em N. thì con em chúng ta sẽ phản ứng ra sao?
Dựa vào thực tế của các gia đình Công giáo, chúng ta phải nhìn nhận đời sống đức tin của giới trẻ Ki-tô hữu ngày nay đang có dấu hiệu phần sa sút. Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF, trong bài viết tựa “Đức tin của giới trẻ trong đời sống hôm nay?” đã đề cập đến mảng tối đời sống đức tin của một số bạn trẻ Công giáo như sau: Một số bạn trẻ ngày nay làm cho chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho thế hệ tương lai…Các nhà lãnh đạo tôn giáo rất lo ngại trước vấn đề đạo đức của giới trẻ bị sa sút!
Tại một số xứ đạo, các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi không được, hoặc vì không đi sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến. Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang có mặt ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc. Một số bạn đi tham dự Thánh lễ, cha xứ hỏi bài Tin Mừng mới đọc xong Chúa Giêsu nói gì? Họ không sao trả lời được. Bởi vì, họ không chú ý lắng nghe, ngồi trong nhà thờ nhưng tâm trí lại nghĩ đến những việc bên ngoài.
Thậm chí, một số khác còn đi lễ “ôm”, một cách gọi hơi lạ nhưng nói lên được thực trạng hiện nay của một số bạn trẻ. Họ đứng ngoài đường dự lễ và từng cặp ngồi trên xe gắn máy thân mật quá trớn nơi công cộng, đùa giỡn, chuyện trò, chơi game trên điện thoại di động… chẳng quan tâm Thánh lễ đang đến đâu và chủ tế đang làm gì, chỉ biết có người ra về là họ nổ máy chạy thẳng…
Và vẫn còn những điều đáng buồn khác, nhiều bạn trẻ ngày nay sống đức tin rất hời hợt. Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ đang học lớp giáo lý hôn nhân, tôi thật ngỡ ngàng về một số đông không biết gì về giáo lý căn bản, ngay cả những kinh đọc hằng ngày họ cũng không thuộc. Họ mang danh nghĩa là đạo gốc nhưng dường như họ theo đạo chủ yếu làm cho cha mẹ vui lòng, không ý thức mình là người Kitô hữu. Một bạn trẻ nói: “Những việc như đi nhà thờ, đọc kinh và cầu nguyện chỉ là do thói quen, cũng như do áp lực của những người thân”.
Như vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay, đức tin của giới trẻ chúng ta đang xuống dốc trầm trọng. Ở một vài giáo xứ, số lượng người trẻ đi học giáo lý ngày càng ít đi. Và người ta không còn thấy bóng dáng bạn trẻ đi tham dự Thánh lễ hằng tuần. Và nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là “xe ôm”, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho qua giờ lễ… Một người mẹ chia sẻ: “Mỗi lần tôi nhắc nhở đứa con trai đi tham dự Thánh lễ, nó trả lời rằng: “Thời đại này, đến nhà thờ làm gì hả mẹ? Chỉ cần mình tin có Chúa là đủ. Mẹ thử nghĩ xem, mấy đứa bạn con có đi lễ đâu mà nhà nó vẫn giàu có đấy thôi”. [7]
Sự sa sút trong đời sống đức tin của các bạn trẻ hiện nay đã nhắc nhở chúng ta đến trách nhiệm của gia đình, của giáo xứ, của hàng giáo sĩ, của cả Hội thánh trong việc dạy dỗ, bồi dưỡng đức tin cho các thành phần Dân Chúa, đặc biệt là giới trẻ. Nếu chúng ta bỏ lơ việc quan trọng này, thì giả sử một em nào đó rơi vào tâm trạng, tình cảnh như em N. thì liệu có “đứng vững” được không?
Nhân đây, xin nhắc lại trong Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã lên tiếng nhấn mạnh như sau:
Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái (số 5)”.
Quả vậy, thực trạng giới trẻ ngày nay lơ là với đời sống tôn giáo, lung lạc trong đời sống đức tin, không quan tâm tới việc sống đạo…là điều quá rõ ràng. Và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn thì thấy rằng thực trạng ấy đã xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính vẫn là sự khủng hoảng trầm trọng về niềm tin tôn giáo của giới trẻ trong thời hiện đại và sự thiếu sót quá lớn trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút đức tin nơi các bạn trẻ Ki-tô hữu. Ở chúng ta sẽ bàn đến hai nguyên nhân chính, đó là: Nguyên nhân từ gia đình và nguyên nhân từ giáo xứ. Về vấn đề này, tác giả Vũ Văn Trình MF trong bài viết đã dẫn, chia sẻ như sau:
“Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo”. Thế mà nhiều gia đình trẻ ngày nay, việc cha mẹ dạy dỗ con cái sống đức tin là điều hiếm có. Ngay cả việc đọc kinh sáng tối cũng chẳng mấy ai giữ. Việc giáo dục đức tin cho con cái phó mặc cho nhà thờ, giáo xứ. Có những cha mẹ vì quá nhiều việc nên không có thời gian nghĩ đến Chúa; thậm chí, một số cha mẹ còn không muốn cho con đi học giáo lý mà bắt con đi học thêm hay ở nhà học bài vì lý do bài vở quá nhiều. Cũng có một số cha mẹ cho con đi học giáo lý nhưng không quan tâm con học ra sao, nhiều khi con nói đi học giáo lý nhưng lại trốn đi chơi game, đi trơi với bạn bè…
“Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội” đó là câu nói mà nhiều người đã biết. Nhưng xem ra nhiều gia đình ngày nay không những không chú trọng điều này mà còn chẳng quan tâm đến việc xây dựng nếp sống trong gia đình, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống và không lo dạy bảo con cái biết Chúa, dạy con cách làm dấu, đọc kinh; thậm chí, một số cha mẹ còn không thuộc kinh. Theo thạc sĩ tâm lý nữ tu Hồ Thị Hạnh cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút đức tin ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em”. Hơn nữa, nhiều gia đình không có thói quen dành thời gian để đọc kinh hay cầu nguyện chung. Vì thế, con cái không ý thức được tầm quan trọng của cầu nguyện cũng như việc đọc kinh chung.
Nguyên nhân từ giáo xứ: Một số giáo xứ chưa quan tâm việc giáo dục đức tin cho các bạn trẻ. Có những giáo xứ chỉ có phòng học giáo lý sơ sài, không trang thiết bị học tập, cha xứ chưa quan tâm đến giáo dục đức tin cho các bạn trẻ một cách đúng mức. Đồng thời, giáo xứ không tạo điều kiện cho các bản trẻ có cơ hội tham gia vào các hoạt động trong giáo xứ.
Kinh nghiệm cho thấy rất rõ những thiệt thòi do việc giới trẻ không được huấn luyện đức tin một cách kỹ càng trong giáo xứ vì thiếu vắng linh mục trong một thời gian dài. Giáo xứ chỉ có thể tổ chức các lớp giáo lý, đủ “lẽ đạo” cho các em xưng tội và rước lễ lần đầu. Vì thiếu giáo lý viên, việc dạy giáo lý cho trẻ em được phó thác cho những ông trùm, bà trùm. Việc huấn luyện đức tin dừng lại sau khi các em đã xưng tội và rước lễ lần đầu. Đối với bạn trẻ nhập ngũ hoặc thoát ly gia đình, vốn kiến thức ít ỏi về giáo lý sẽ bị mai một rất nhanh. Đó là lý do tại sao nhiều bạn trẻ bỏ đạo sau một thời gian ngắn rời khỏi giáo xứ.
Mặt khác, giới trẻ không chỉ chú trọng về kiến thức xã hội, mà còn cưu mang những ưu tư, thao thức xây dựng giáo xứ, Giáo hội theo cách trẻ trung và ao ước dấn thân thực hiện sứ vụ tông đồ của mình. Tuy nhiên, lòng can đảm lãnh nhận trách nhiệm này, không được các vị chủ chăn, các bậc làm cha mẹ lắng nghe và đón nhận. Xin trích dẫn thư của một bạn trẻ như sau: “Quý Cha muốn nghe người trẻ, nhưng lại chẳng hề tạo cho người trẻ một cơ hội để nói. Quý Cha đối với người trẻ, xa lạ và uy quyền lắm. Quý Cha muốn chúng con cộng tác, nhưng lại ngại tuổi tác và kinh nghiệm non trẻ của chúng con. Con thiết nghĩ rằng, không thử một lần, không té ngã, sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm, và rồi người trẻ mãi mãi vẫn chỉ đứng ngoài lề mà thôi.” Hơn nữa, một số cha xứ không có sự đồng cảm với giới trẻ, chỉ biết dùng uy quyền của mình để nói, thì chính nơi tòa giảng, vị trí cao trọng của các vị linh mục, đã làm cho người trẻ cảm thấy các ngài thiếu gần gũi, còn bản thân người trẻ bị lạc lõng ngay trong nhà của cha mình.
Thư Mục Vụ năm Đức Tin 2012 của HĐGMVN đã nêu rõ: Cách riêng, chúng tôi muốn ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ, và các bậc cha mẹ trong gia đình Công giáo. Giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục đến nỗi “các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa”. Do đó, trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn giáo phận, anh em linh mục hãy dành thời giờ, năng lực và nhiệt tâm cho công việc hết sức quan trọng và cần thiết này, đặc biệt trong việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới trẻ. Anh em cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ giáo lý viên, những người trực tiếp cộng tác với chúng ta trong việc thông truyền đức tin cho thế hệ trẻ” (số 9).
Như vậy chúng ta thấy rằng, trách nhiệm chủ yếu trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ vẫn thuộc về các linh mục, đặc biệt là các linh mục trực tiếp phục vụ tại giáo xứ. Để chu toàn nhiệm vụ này, các ngài phải dành nhiều thời gian, công sức kể cả tài chánh để đầu tư vào công việc khẩn thiết và quan trọng này ./.
Aug. Trần Cao Khải
[2] Nguồn: FB facebook.com