Trump đặt đất nước của ông và kitô giáo vào tình trạng nguy hiểm
Từ nhiều ngày nay, cái chết cay đắng của ông George Floyd, người da đen bị cảnh sát làm cho ngộp thở đến chết ngay ngoài đường đã tạo một làn sóng xúc động và phản kháng ôn hòa trên khắp nước Mỹ. Dù với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, dù với phong trào Black Lives Matter, đất nước này cũng chưa chấm dứt được với kỳ thị cũng như với độc đoán. Kiểu hành hình này chúng ta đã muốn xếp vào trong các trang u tối của các quyển sách xưa cũ.
Thật không may lại thêm bạo loạn, hôi của, phá hoại. Một thiểu số người kích động, người trục lợi sử dụng tình trạng hoang mang chung này để tăng thêm rối loạn. Chúng ta có cảm giác như tình huống có thể mất kiểm soát. Thất nghiệp hàng loạt, hệ thống y tế thiếu hụt, bất bình đẳng ngày càng gia tăng và nổi bật, bất công trước pháp luật, kỳ thị, phẫn uất, hận thù người khác… Đất nước này đi ra khỏi tình trạng cách ly như chiếc nồi bị bung. Hai khuôn mặt dường như sắp đối mặt nhau, như sẵn sàng làm tất cả. Nền kinh tế lớn nhất thế giới, đế chế của sức mạnh mềm và các công nghệ mới ở đâu?
Nhưng phản ứng của Donald Trump lại càng đáng lo ngại hơn. Trong một bài phát biểu mang các dấu ấn khủng khiếp cho một nền dân chủ vĩ đại như vậy, tổng thống “của luật pháp và của trật tự” như ông nói, đã tự hào kích động đe dọa dùng đến quân đội. Ông khoe khoang sẽ gởi quân đội “vũ trang mạnh.” Nếu chữ chủ nghĩa phát xít không nên sử dụng một cách hời hợt thì những lời hoa mỹ về “sự thống trị” và khoa trương tự mãn về quyền lực Quốc gia, như thể nó là một dịch vụ cá nhân, dẫn đến một cái gì đặc biệt rối loạn. Tổng thống này đang cố tình thổi vào than hồng, để có lẽ ngọn lửa càng lớn thì ông càng duy trì được quyền lực chăng.
Kitô giáo này mà không có Chúa Kitô là một sự đồi trụy tuyệt đối. Có một cái gì phạm thượng. Gây sốc trong tất cả mọi chuyện này là hình ảnh ông Trump đến giáo xứ Thánh Gioan ở Washington, khi những người biểu tình bị giải tán một cách hung bạo. Chắc chắn từ năm 1816, đây là “nhà thờ của các Tổng thống.” Nhưng Donald Trump không đến nơi thờ phượng này, nơi đang bị rào chắn vì bạo loạn, để cầu nguyện, cũng không đến vì có một buổi lễ chính thức nào. Ông đến chỉ để quay phim trước mặt tiền, tay vẫy quyển Thánh Kinh.
Như chúng ta đã thấy ở Ý với Matteo Salvini, công cụ hóa các biểu tượng kitô giáo để phục vụ cho mục đích thuần túy chính trị, hành động này làm cho bất cứ một tín hữu chân thành nào sẽ phẫn nộ. Loại kitô giáo không có Chúa Kitô, yếm thế và thao túng là một sự đồi trụy tuyệt đối, một loại nấm độc lan tràn, và khổ thay nó lại ở trên nền tảng của sự phân rã tôn giáo. Có một cái gì đó phạm thượng. Nhưng ở đây, thêm một lần nữa, một ngưỡng đã bị vượt qua vì liên minh với bài phát biểu chiến tranh và một hành vi ngụy tôn giáo. Giáo hội Episcopalian của giáo xứ này đã bày tỏ sự phẫn nộ. Các tiếng nói kitô giáo cũng đã nói lên. Chúng ta hy vọng họ sẽ được lắng nghe.
Một điều chắc chắn: Tin Mừng ở bên cạnh các cảnh sát quỳ gối trước các người đi biểu tình, thầm lặng nâng đỡ họ trong cuộc chiến đấu bất bạo động chống nạn phân biệt chủng tộc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch