Trái đất có thể khóc không?
Trái đất có cảm thấy đau không? Nó có thể rên rỉ và khóc với Chúa không? Trái đất có thể nguyền rủa chúng ta vì tội ác của chúng ta không?
Có thể có, và không phải chỉ các nhà sinh thái học, đạo đức học và Đức Phanxicô nói, cả Kinh thánh dường như cũng đã nói vậy.
Có một số đoạn thể hiện rất rõ điều này trong trao đổi giữa ông Ca-in và Chúa, sau khi Ca-in giết em trai A-ben của mình. Khi Chúa hỏi Ca-in em trai đâu, Ca-in trả lời không biết và nói “con là người giữ em con hay sao?”. Nhưng Chúa nói với ông: “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Máu của em ngươi đã kêu lên với Ta từ mặt đất.”
Máu của em ngươi đã kêu lên với Ta từ mặt đất… và từ nay mặt đất sẽ nguyền rủa ngươi! Đây là một ẩn dụ hay một sự thật theo nghĩa đen? Mặt đất trên đó chúng ta đi, cày bừa, gieo hạt, làm xa lộ, làm bãi đậu xe, và gọi “Mẹ Trái đất” chỉ là một chất liệu vô tri, vô hồn, không nói nên lời, hoàn toàn miễn nhiễm với đau khổ và đau đớn mà con người và các sinh vật mẫn cảm khác cảm nhận, thậm chí cả với bạo lực mà đôi khi chúng ta gây ra cho mặt đất sao? Trái đất có thể kêu lên với Chúa trong thất vọng và đau đớn không? Nó có thể nguyền rủa chúng ta không?
Một quyển sách đầy khiêu khích gần đây của tác giả Mark L. Wallace có tựa đề Khi Chúa là một Con chim – Kitô giáo, Thuyết vật linh và Tái hân hoan của Lời (When God was a Bird – Christianity, Animism, and the Re-Enchantment of the Word) nói rằng, đúng, thế giới có thể và thực sự cảm thấy đau đớn và nó có thể và sẽ nguyền rủa chúng ta vì chúng ta gây ra nỗi đau đó. Theo tác giả Wallace, những gì Chúa nói với ông Ca-in về việc trái đất đang khóc vì bị đẫm máu thì hơn cả một ẩn dụ, một lời dạy thiêng liêng. Nó cũng thể hiện một chân lý bản thể học ở chỗ có mối liên hệ nhân quả thực sự giữa suy thoái đạo đức và suy thoái sinh thái. Chúng ta không phải là những người duy nhất gánh chịu hậu quả của tội lỗi, trái đất cũng bị.
Đây là cách Wallace giải thích: “Trái đất không phải là vật ngu xuẩn, một vật thể vô tri vô giác không có khả năng cảm nhận và tình cảm, mà là một sinh vật có khí chất và dễ bị tổn thương, chịu sự mất mát khủng khiếp và thảm khốc sau cái chết của A-ben. Trái tim tan vỡ, miệng kêu lên, trong hình ảnh kinh hoàng của bài viết, Trái đất “nuốt lọng” các bụm máu của A-ben… Vang lên từ mặt đất nhuốm đỏ, tiếng kêu của A-ben không chỉ nói rằng Ca-in đã giết em mình mà Ca-in còn gây sự xâm hại kéo dài, có thể là không thể sửa chữa được đối với trái đất. … (Bây giờ) bị tổn thương và nhuốm máu, Trái đất tấn công trở lại. Trái đất có sự trả thù của nó. Trái đất không chấp nhận thụ động trước các tấn công của Ca-in, không khoanh tay chứng kiến Ca-in gây đổ máu mà không bị quả báo gì. Ngược lại, Trái đất trả đũa và giáng xuống lời nguyền” cho Ca-in bằng cách “lấy lại lòng quảng đại” đã cho người nông dân giết người này, người giờ đây phải lang thang trên vùng đất không được bảo vệ và không có an ninh”. Trái đất bây giờ từ chối cho Ca-in lòng quảng đại của mình.
Điều mà Wallace khẳng định ở đây dựa trên hai niềm tin, cả hai đều đúng. Đầu tiên, mọi người và cả hành tinh, các sinh vật có tri giác và không tri giác đều là một phần của một và cùng một cơ thể sống tối cùng, trong đó cuối cùng mỗi phần tử đều thực sự có ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận khác. Thứ hai, mỗi lần chúng ta đối xử không tốt với trái đất (hoặc với nhau), trái đất sẽ trả đũa và tước đi sức mạnh cũng như lòng quảng đại, không chỉ theo cách ẩn dụ mà còn theo một cách rất thực tế.
Có lẽ không ai nói điều này một cách sâu sắc như nhà văn Mỹ John Steinbeck, cách đây tám mươi năm ông đã viết trong tác phẩm Chùm nho phẫn nộ (The Grapes of Wrath). Ông mô tả, làm thế nào mà đất đã sản xuất thực phẩm cho chúng ta bây giờ lại phải làm việc với những chiếc máy kéo thép khổng lồ và những cỗ máy vô hình khổng lồ, thực tế phản nghĩa với người phụ nữ hay người đàn ông nhẹ nhàng âu yếm dỗ ngôi vườn phát triển, ông viết:
Và khi cây trái lớn lên, đến mùa gặt, chẳng ai cầm cục đất nóng hổi trên tay để đất rơi khẽ qua những kẽ tay. Chẳng ai chạm vào hạt giống, chẳng ai khát mong cây cối lớn lên. Và con người ăn khi chẳng trồng, con người đó chẳng có liên hệ gì với tấm bánh đó cả. Đất đai oằn mình dưới sắt thép, và chết dần mòn dưới sắt thép, vì nó đâu được yêu, đâu được ghét, đâu được cầu chúc, đâu được nguyền rủa gì.
Khi Chúa Giêsu nói chúng ta đong đấu nào thì sẽ bị đong lại đấu đó, Ngài không chỉ nói về luật nghiệp chướng trong các quan hệ của con người, nơi lòng tốt sẽ được trả bằng lòng tốt, lòng quảng đại được trả bằng lòng quảng đại, nhỏ nhen trả lại nhỏ nhen, và bạo lực trả bạo lực. Ngài cũng đang nói về mối quan hệ của chúng ta với Đất mẹ. Càng nhiều ngôi nhà, ô tô và nhà máy của chúng ta tiếp tục thải ra khí carbon monoxide, thì chúng ta càng hít phải khí carbon monoxide. Và chúng ta càng tiếp tục gây bạo lực cho trái đất và giữa chúng ta với nhau thì trái đất sẽ giữ lại sức mạnh và lòng quảng đại của nó, và chúng ta sẽ cảm nhận lời nguyền cho Ca-in trong các cơn bão dữ dội, virus chết người và những trận đại hồng thủy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch