Các nhà kinh tế học này thì thầm vào tai Đức Phanxicô
Các nhà kinh tế học này thì thầm vào tai Đức Phanxicô
Đức Phanxicô trên trang bìa nhật báo L’Osservatore Romano ngày 4 tháng 10-2020 nhân dịp công bố Thông điệp Tất cả anh em, Fratelli tutti. Với các phê bình mới về “hệ thống tân tự do” và “các lệch lạc của chủ nghĩa cá nhân” trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông điệp này đã làm phật ý các nhà bảo thủ nhất của Giáo hội. (©Remo Casilli/REUTERS)
Năm năm sau thông điệp mang tính cách mạng “Laudato Si” về “nền kinh tế xanh”, từ ngày 19 đến 21 tháng 11, Đức Phanxicô kêu gọi các nhà kinh tế trên khắp thế giới tham dự một hội nghị “ảo”. Các nhà kinh tế học thì thầm vào tai “giáo hoàng xanh” này là những ai? Họ tuyên bố những gì? Với các kết quả nào?
Người ta bước vào đây như bước vào ốc đảo yên bình thanh thản. Từ rất lâu, nơi này đã được Goethe và nhà tự nhiên học người Đức Wilhelm von Humboldt thường xuyên lui tới, tòa nhà Villa Malta chỉ cách Trinité des Monts ở Rôma vài bước, thuộc về vua Lu-i Đệ nhất của Bavaria. Kể từ năm 1950, Villa Malta là trụ sở của tạp chí tiếng Ý Văn minh Công giáo “Civiltà Cattolica” lâu đời và uy tín, được một nhóm các tu sĩ Dòng Tên thành lập ở Naples cách đây một thế kỷ để chống lại “các người theo chủ nghĩa tự do và tam điểm”. Hiện nay linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro điều khiển tạp chí bằng bàn tay sắt, linh mục Spadaro là “bác sĩ spin” (cố vấn truyền thông và thị trường chính trị) yêu thích và “thầy kỹ thuật số” của giáo hoàng, tạp chí đã trở thành kho chứa ý tưởng yêu thích của Tòa thánh, đặc biệt kể từ cuộc bầu cử Đức Phanxicô, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên đến từ “tận cùng trái đất”, nước Argentina.
Một người am tường cho biết, “tạp chí Văn minh Công giáo là tạp chí duy nhất mà các ấn bản được trình cho Phủ Quốc Vụ Khanh trước khi in ra.” Chính ở Villa Malta mà phần lớn Thông điệp Tất cả anh em, Fratelli tutti được soạn ra để nói về tình huynh đệ và tái xây dựng nền kinh tế. Thông điệp được công bố vào ngày 4 tháng 10 giữa thời đại dịch. Chắc chắn tạp chí Văn minh Công giáo đã giúp sức cho buổi họp đầu tiên của “Davos giáo hoàng”, diễn đàn trực tuyến được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 11 để phản ánh về một nền kinh tế công bằng, bền vững và hòa nhập hơn.
Đức Phanxicô đã giải thích khi đưa ra sáng kiến này: “Điều cần thiết là phải đào tạo và hỗ trợ các thế hệ kinh tế gia và doanh nhân mới để thích ứng với mô hình phát triển mới không loại trừ, nhưng bao gồm và không tạo ra bất bình đẳng.” Linh mục Spadaro mô tả: “Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng quyết định đối thoại trực tiếp với các người trẻ về các vấn đề kinh tế. Vì ngài cho rằng việc đào tạo này đã bị tê liệt bởi cả một thế hệ, khó để thành lập một sự cập nhật hóa cho Giáo hội”. Ban đầu hội nghị dự định tổ chức ở Assisi vào tháng 3, nhưng đã phải chuyển thành hội nghị ảo vì Covid. Theo linh mục Antonio Spadaro, virus đã trở thành “ẩn dụ cho thấy một thế giới bệnh hoạn”
Cơn giận của cánh bảo thủ của Giáo hội
“Davos” này của giáo hoàng xuất hiện vào thời điểm khi thông điệp “Fratelli Tutti” được công bố vào ngày 4 tháng 10, với các phê bình mới về “hệ thống tân tự do” và “các lệch lạc của chủ nghĩa cá nhân” trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã làm dấy lên sự phẫn nộ của cánh bảo thủ của Giáo hội. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Thị trường không giải quyết được tất cả, dù đôi khi chúng ta muốn tin vào tín điều này của xác tín tân tự do”. Các chính trị gia được mời đến để “chăm sóc cho hoàn cảnh bấp bênh mong manh của các dân tộc và của cá nhân”. Từ nguồn tin thân cận với Tòa Thánh, văn bản này là thành quả của một công việc tập thể, và phần cá nhân của giáo hoàng, nhà hóa học và triết gia, ít hơn là trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ công bố năm 2015 về bảo vệ hành tinh.
Rất nhiều tài năng đã nuôi dưỡng thông điệp này. Nhà kinh tế Luigino Bruni, một trong các thành viên chính của diễn đàn, giải thích: “Thông qua ‘thần học về dân tộc’ rất hiện diện ở Argentina, giáo hoàng đã thấm nhuần cái nhìn rất phê phán về chủ nghĩa tư bản săn mồi.” Nhà kinh tế học Bruni được chỉ định làm giám đốc khoa học của diễn đàn Assisi, có tên là “Kinh tế Phanxicô” nói thêm: “Kinh tế gia Mỹ Jeffrey Sachs đã đóng góp rất nhiều để thúc đẩy suy nghĩ của ông về các vấn đề sinh thái. Nhưng khác với Đức Gioan-Phaolô II hay Đức Phaolô VI, Giáo hoàng Phanxicô không nhất thiết phải có tầm nhìn về kinh tế: ngài có các trực giác. Ngài chỉ trích tài chính, nhưng ngài hiểu các người trẻ có cái nhìn tích cực hơn về kinh tế. Là tu sĩ Dòng Tên, ngài có cách tiếp cận rất thực dụng: ngài muốn làm việc với các thế hệ mới.”
Ông Bruni cho biết thêm: “Nhà kinh tế học nổi tiếng duy nhất không muốn tham gia là ông Thomas Piketty. Còn bà Esther Duflo, với việc bà nhận giải Nobel cùng lúc đã không làm dễ dàng thời khóa biểu làm việc.” Nhưng ông Jeffrey Sachs, giám đốc Viện Trái đất tại Đại học Columbia và nhà sinh thái học Ấn Độ Vandana Shiva, ngôi sao của cuộc chiến chống lại GMO (Sinh vật Biến đổi gen) đã ngay lập tức tham gia vào sáng kiến này. Ông Michael Spence, giải Nobel người Mỹ và triết gia người Pháp, nữ tu Cécile Renouard về phần họ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về “làm thế nào để dạy sự thay đổi mô hình trong các trường đại học”
Đừng san bằng các khác biệt
Nữ tu Cécile Renouard tán thành: “Đây là cuộc họp được tổ chức bởi người trẻ và cho người trẻ về các thách thức của việc chuyển đổi mô hình kinh tế, nhưng cũng cùng với một số nhân chứng lớn có thể làm sáng tỏ lĩnh vực kinh nghiệm của họ”, nữ tu Renouard là giáo sư triết học và chuyên gia về đạo đức xã hội, dạy tại Essec, tại Ecole des Mines và tại Sciences po. Nữ tu Dòng Đức Mẹ Lên Trời gần gũi với nhà kinh tế Dòng Tên Gaël Giraud, sơ là một trong số ít phụ nữ tham gia vào “Davos của giáo hoàng” cùng với một số “ngôi sao” như nhà tiên phong về tín dụng vi mô Muhammad Yunus, nhà kinh tế của giáo hoàng Stefano Zamagni, hay Lilly, “Greta Thunberg của Thái Lan”, người muốn hủy chất nhựa dẻo…
Theo sơ Cécile Renouard, Đức Jorge Mario Bergoglio, theo nhiều cách, vị giáo hoàng mang tính biểu tượng này đã phá vỡ phong cách của các vị tiền nhiệm về kinh tế. Chắc chắn, ngài tiếp nối đường lối xã hội của Giáo hội. “Nhưng ngài đã đổi mới qua sự tự do trong tông điệu và rất chú ý đến các đặc thù của địa phương và vùng miền. Đó là lý do vì sao ngài dễ dàng dùng mô thức hình học của khối đa diện trong các can thiệp của ngài để giải thích không nên san bằng các khác biệt”.
Linh mục Gaël Giraud bổ túc: “Giáo hoàng không có ý định đặt mình vào tư cách của một người giảng dạy: theo ngài, sự thật xuất hiện từ sự thảo luận cân nhắc, đó là cách tiếp cận điển hình của Dòng Tên.”
Sơ Cécile Renouard giải thích: “Trong truyền thống Dòng Tên, các tu sĩ suy nghĩ rất nhiều về khái niệm lợi ích chung và các vấn đề về công bằng xã hội. Thêm nữa, kinh nghiệm của Đức Phanxicô ở Argentina, trong bối cảnh chính trị và xã hội cụ thể, đã làm cho ngài nhạy cảm về thần học của người dân, về sự tham gia của người công dân vào các quyết định bao gồm họ trong đó.” Bà nhớ lại, năm 2017 bà đã gặp các người “thu gom giấy”, những người nhặt rác đã tập trung trong các hợp tác xã, ở Buenos Aires: “Đức Giáo hoàng rất ủng hộ những người nhặt rác này, họ rất tự hào được biết ngài khi ngài làm giám mục ở Argentina. Khi ngài nói về văn hóa phế liệu hay vứt bỏ, đó là ngài liên hệ đến kinh nghiệm rất cụ thể của ngài ở Châu Mỹ La Tinh”, sơ Renouard thường được mời lên diễn đàn cùng với ông Jeffrey Sachs ở Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội.
Để có một thu nhập cơ bản chung
Cũng chính qua phương pháp cai quản của mình mà Đức Phanxicô có ý định đổi mới. Ít đường dọc nhưng tập thể nhiều hơn. Năm 2016, ngài thành lập siêu-bộ về “phát triển toàn diện” quy tụ các ban bộ khác nhau, dưới quyền của hồng y người Ghana Peter Turkson. Ông Bruno-Marie Duffé, một chuyên gia người Pháp về đạo đức sinh học, rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, được bổ nhiệm vào ban thư ký. Trong số các nhà khoa học được giáo hoàng thường xuyên tham khảo có nhà vật lý thiên văn người Pháp Pierre Léna, hiện làm việc tại Học viện Khoa học, hoặc nhà kinh tế học Stefano Zamagni, người Ý đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội, một học viện rất uy tín, năm 2019, Viện ủng hộ dự án thu nhập phổ thông hậu-Covid cho các người lao động bấp bênh trên khắp thế giới. Nữ tu kinh tế gia Alessandra Smerilli, một trong các người tổ chức chính của diễn đàn và là phụ nữ đầu tiên được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Cố vấn Quốc gia ở Vatican vào tháng 4 năm 2019 nhấn mạnh: “Điều này là hoàn toàn cần thiết cho tất cả các người lao động trong nền kinh tế phi chính thức, họ không được giúp đỡ hậu-Covid.” Ý tưởng này được linh mục Gaël Giraud, cựu giám đốc kinh tế của Cơ quan Phát triển Pháp (từ năm 2015 đến 2019) tán thành, linh mục vừa được bổ nhiệm vào trường đại học Dòng Tên danh tiếng Georgetown ở Mỹ. Rất tiến bộ trong việc phê phán chủ nghĩa tự do và các câu hỏi về quy định tài chính, linh mục Giraud, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hành chánh về Thống kê và Quản lý Kinh tế Quốc gia (Ensae) nhiệt tình ủng hộ đề xuất về một hình thức “tái phân phối phổ thông cơ bản” do giáo hoàng đưa ra vào tháng 4 năm ngoái. Sau khi tham gia vào quá trình phát triển Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’, linh mục Gaël Giraud không giấu giếm đã gặp phải sự phản kháng. “Có các chủ ngân hàng phản đối sự hiện diện của tôi. Vì Vatican là chủ đề của cuộc vận động hành lang dữ dội của các chuyên gia tài chính công giáo, các người thúc đẩy sự phản kháng với Đức Phanxicô.”
Con đường cho kỷ nguyên hậu-Covid
Quá phá vỡ với cánh truyền thống của Giáo hội phải không? Sơ Cécile Renouard, đồng tác giả với linh mục Giraud một bài khảo luận về bất bình đẳng thu nhập, “Yếu tố 12, vì sao phải giới hạn thu nhập” phản ứng: “Câu hỏi về mức tối thiểu xã hội đáp ứng mối quan tâm của giáo hoàng. Cách đây hai mươi năm, khi tôi làm việc về trách nhiệm đạo đức của các công ty đa quốc gia, người ta nói cho tôi biết “đó là cánh tả”. Phân tích các rối loạn của nền kinh tế tư bản được tài chính hóa và các mâu thuẫn của chúng với sự sống còn của nhân loại trong các thập kỷ tới không hữu cũng không tả. Trong số các nhà khoa học khác thì thầm vào tai giáo hoàng còn có nhà xã hội học toàn cầu hóa Mauro Magatti và nữ giáo sư người Anh Kate Raworth, tác giả quyển sách bán chạy trong giới nói tiếng Anh, về “Thuyết của bánh donut” và các giới hạn của hành tinh, hoặc làm thế nào để “tạo ra giá trị kinh tế mà vẫn tôn trọng xã hội và môi trường”.
Một giáo hoàng hơi quá cấp tiến đối với cánh hữu của Giáo hội không? “Thông điệp Tất cả anh em, Fratelli Tutti không phải lúc nào cũng được hiểu rõ. Cô Elena Batani, 21 tuổi, một sinh viên tích cực tham gia để chuẩn bị cho diễn đàn Assisi nói: “Người ta đã tập trung sai vào tiêu đề và phần mở đầu, đây là bản văn kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào thế giới công ăn việc làm.” Theo các nhà tổ chức, dù sao, quá trình của thông điệp “cách mạng” Laudato Si năm 2015 cho thấy thông điệp có tầm nhìn xa cho thời kỳ hậu-Covid.
Dù chính giáo hoàng đã nói “bị bầm dập và tổn thương” vì các vụ bê bối lặp đi lặp lại đã làm tiêu hao tài chính Vatican, nhưng ngài còn lâu mới từ bỏ cuộc chiến chống lại “tài chánh độc tài” và “nền kinh tế tiêu diệt”, đó là những chữ ngài dùng từ năm 2017. Trong một tiểu luận gần đây có tựa đề “Bergoglionomics” (Kinh tế Bergoglio) của kinh tế gia người Ý Leonardo Becchetti, ông nhận xét: “Giáo hoàng là thẩm quyền đạo đức, người có ảnh hưởng đến tài chính và công nghiệp. Ngay cả một quỹ như BlackRock cũng tính đến các rủi ro liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cho các khoản đầu tư của mình”.
Tuy nhiên, “cuộc cách mạng thanh đạm” của giáo hoàng Dòng Tên sẽ là một chặng đường dài trên thập giá.
Tháng 3 vừa qua, Linh mục Dòng Tên người Argentina, Augusto Zampini Davies, được bổ nhiệm vào một cơ quan đặc biệt mới của Vatican về thế giới hậu đại dịch. Nhiệm vụ: chuẩn bị cho các hậu quả kinh tế và xã hội. Linh mục là đặc phái viên của Vatican tại diễn đàn quốc tế vừa qua ở Davos vào tháng 1 năm 2020, linh mục là phó tổng thư ký Bộ Phát triển toàn diện. Phong cách của linh mục tương phản với phong cách cổ điển hơn của các thành viên trong Giáo hoàng Học viện Khoa học Xã hội Giáo hoàng. Là luật sư được đào tạo, chuyên gia về kinh tế và đạo đức môi trường này đã lãnh đạo công việc của Thượng hội đồng về Amazon năm 2019.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch