Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ kêu gọi G20 quan tâm đến tự do tôn giáo ở Afghanistan
Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ kêu gọi G20 quan tâm đến tự do tôn giáo ở Afghanistan
Nhận thấy vi phạm tự do tôn giáo ở Afghanistan gia tăng sau khi Mỹ và Nato rút quân, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ kêu gọi các nhà chính trị của G20 quan tâm đến tự do tôn giáo ở Afghanistan, bằng cách bổ nhiệm một Đặc phái viên về tự do tôn giáo tại quốc gia này.
Người Afghanistan di tản (2021 Getty Images)
Trong một tuyên bố, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ viết: “Chương trình nghị sự ngoại thường của G20 về Afghanistan phải bao gồm một điểm dành riêng cho sự tôn trọng quyền cơ bản về tự do tôn giáo, bởi vì đây là thước đo tôn trọng đối với tất cả các quyền khác của con người”.
Tổ chức cho biết, ở Afghanistan, ngay cả khi trước đây, trong lãnh thổ có sự hiện diện của quân đội nước ngoài, những kẻ khủng bố, Taliban và một phần lớn dư luận vẫn coi Kitô giáo là một tôn giáo của phương Tây và ngoại lai. Vì lẽ đó, các Kitô hữu Afghanistan buộc phải thực hành đạo cách riêng tư, hoặc theo nhóm nhỏ, trong nhà riêng. Ai tuyên bố công khai mình là Kitô hữu, hoặc cải đạo từ Hồi giáo sang Kitô giáo có thể bị kết án tử hình vì tội bội giáo. Hiện nay, số phận tương tự như vậy cũng xảy ra, và thậm chí còn hơn thế nữa, đối với các nhóm tôn giáo thiểu số.
Xem xét hiệu quả việc Ủy ban châu Âu bổ nhiệm ông Christos Stylianides làm Đặc phái viên của châu Âu về Tự do Tôn giáo hồi tháng Năm vừa qua, đồng thời quan sát hoạt động hiện nay của thánh chiến toàn cầu và cuộc họp ngoại thường về Afghanistan, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho rằng tình hình ngày càng cấp bách. Vì vậy Tổ chức đề nghị chính phủ Ý, hiện đang giữ vai trò chủ tịch G20, thiết lập Đặc phái viên về tự do tôn giáo “vừa để đảm nhận một vai trò ở cấp độ quốc tế, vừa để xác nhận rằng quyền tự do tuyên xưng đức tin, được điều 19 của Hiến pháp Ý công nhận, không giới hạn trong biên giới quốc gia nhưng hơn nữa, phải được thúc đẩy trên bình diện quốc tế, quốc gia và địa phương, như một quyền bất khả xâm phạm của mỗi người”.
Tổ chức thuộc quyền Giáo hoàng kết luận: “Trong mọi hành động song phương hoặc đa phương, chính phủ Ý cần phải cam kết lâu dài việc tôn trọng tự do tôn giáo của mỗi quốc gia hưởng lợi từ chính sách đối ngoại của chúng ta nhằm hỗ trợ phát triển”. (CSR_5844_2021)
Ngọc Yến