ĐHY Parolin gửi sứ điệp video đến Diễn đàn Toàn cầu về Hòa bình Hàn quốc
ĐHY Parolin gửi sứ điệp video đến Diễn đàn Toàn cầu về Hòa bình Hàn quốc
Trong sứ điệp gửi hôm thứ Ba 31/8 đến Diễn đàn Toàn cầu về Hòa bình Hàn quốc (KGFP), Đức Hồng y Parolin Pietro, Quốc vụ khanh Toà Thánh trình bày “Vai trò của Giáo hội trong việc thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”, đưa ra các nguyên tắc, giá trị và ý tưởng từ truyền thống của Giáo hội và Tin Mừng, điều có thể giúp mang lại hòa bình và hòa giải trên bán đảo.
Thả bóng bay hình bồ câu hoà bình tại Bán đảo Triều Tiên
Diễn đàn Toàn cầu về Hòa bình Hàn quốc do Bộ Thống nhất Hàn Quốc tổ chức hàng năm, quy tụ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các quan chức chính phủ từ hơn 20 nước tham gia. Chủ đề năm nay từ 31/8 đến 02/9, là “Một Tầm nhìn mới cho Quan hệ Liên Triều Tiên và Cộng đồng: Vì Hòa bình, Kinh tế và Đời sống”.
Trong sứ điệp, đi từ giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, về con người và các quốc gia phải gặp gỡ nhau như anh chị em, con cái Thiên Chúa, và cùng nhau xây dựng tương lai chung, nhằm tạo ra những điều kiện cho sự phát triển toàn diện dựa trên tình liên đới, Đức Hồng y Parolin chỉ ra rằng quá trình này được thúc đẩy bằng các hành động chào đón, đồng hành và lắng nghe.
Về sự chào đón. Bước đầu tiên để thực sự chào đón người khác là đến gần họ, tạo không gian cho họ trong cuộc sống của chúng ta, sẵn sàng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của chúng ta và xây dựng các tương quan đích thực.
Về sự đồng hành: Xã hội không thể phát triển hài hòa mọi lĩnh vực trừ khi chúng ta thực hiện các chiến lược chung, nhằm tôn trọng sự sống con người và sự đồng hành tiến bộ của con người. Cùng nhau làm việc để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải đưa ra các chính sách và ngoại giao với sự hiểu biết dựa trên thực tế.
Sau cùng, lắng nghe: Lắng nghe có thể thúc đẩy giải quyết các xung đột, hòa giải văn hóa và xây dựng hòa bình trong các cộng đồng và nhóm. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý: “Đối thoại cho phép mọi người hiểu và đánh giá cao nhu cầu của nhau. Thường thì chúng ta không gặp được anh chị em của mình, ngay cả khi chúng ta đang sống bên cạnh họ, đặc biệt nếu chúng ta đang cố gắng làm cho vị trí của chúng ta chiếm ưu thế hơn vị trí của người khác… Đối thoại giúp nhân văn hóa các mối quan hệ của chúng ta và vượt qua những hiểu lầm”.
Đề cập đến tầm nhìn mới về mối quan hệ trên Bán đảo Triều Tiên, Quốc vụ khanh Toà Thánh đưa ra hình ảnh Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Theo Thánh Gioan XXIII, bước đầu tiên là luôn tìm những điều tốt đẹp ở mọi nơi và mọi lúc. Thứ hai, tìm kiếm những gì hợp nhất hơn là chia rẽ. Đối thoại dựa trên nguyên tắc này: nhằm mục đích thừa nhận và nâng cao những điều tốt đẹp hiện có ở người khác. Và chính nhờ điều này, Đức Giáo hoàng đã giúp giải quyết hoà bình cho cuộc khủng hoảng Cuba.
Tiếp đến nói về lập trường ngoại giao của Toà Thánh, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng, ngày nay, hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh nhằm phục vụ cho cuộc gặp gỡ, vì ngoại giao chính xác là “nỗ lực vượt qua mọi rào cản và cùng nhau giải quyết các vấn đề mà nhân loại ngày nay đang đối mặt”.
Truyền thống Kitô giáo, và đặc biệt là Thánh Augustinô, dạy rằng các yếu tố thiết yếu của hòa bình là hòa hợp và trên hết là trật tự. Khi được áp dụng cho các sự kiện thế giới và cho cuộc sống cá nhân của con người, hòa bình có thể được mô tả như một “sự hòa hợp có trật tự” hoặc, như chính Thánh Augustinô đã thích mô tả nó, một “sự yên tĩnh của trật tự”.
Hòa bình không thể đạt được trên mặt đất trừ khi phúc lợi của con người được bảo vệ và mọi người được tự do, và trên tinh thần tin cậy, chia sẻ với nhau sự phong phú về trí tuệ và tài năng. Theo đó, hòa bình cũng là hoa trái của tình yêu, vì tình yêu vượt xa hơn những gì công lý có thể đạt được. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng hòa bình là hoa trái không chỉ của công lý mà còn của bác ái. Trong khi công lý yêu cầu chúng ta không vi phạm quyền của người khác và cung cấp cho mỗi cá nhân những gì đến hạn, thì bác ái khiến chúng ta cảm thấy nhu cầu của người khác như của chính mình và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một “nền hòa bình tiêu cực”, chỉ đơn thuần là không hiếu chiến hoặc không có chiến tranh. Tuy nhiên, hòa bình cuối cùng phải được hiểu theo nghĩa tích cực, là sự thúc đẩy những điều gắn kết chúng ta. Chúng ta có thể nói hòa bình là tình bạn.
Ngọc Yến