Tỉnh Thức Chờ Chúa
25.8 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
1 Cr 1:1-9; Tv 145:2-3,4-5,6-7; Mt 24:42-51
Tỉnh Thức Chờ Chúa
Theo nghĩa thông thường, tỉnh thức là không ngủ mê, đủ khả năng nhận thức và hành động kịp thời khi cần thiết. Theo nghĩa tôn giáo, tỉnh thức là nhạy bén trước tiếng nói của Thiên Chúa, dễ nhận ra thánh ý Ngài và mau mắn thi hành. Tỉnh thức còn là nhạy cảm trước tiếng nói của lương tâm, biết phân biệt rõ ràng phải trái, đúng sai, thiện ác, mau mắn làm điều thiện và tránh điều ác. Làm điều tốt, điều thiện, điều đúng thì lương tâm khen thưởng và làm điều xấu, điều ác, điều ai thì lương tâm lên án (xấu hổ, hối hận, đau khổ).
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.
Thật không dễ dàng mà có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Ðó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào”.
Chúng ta phải tỉnh thức vì ngày cánh chung vừa mang tính quyết định lại vừa mang tính bất ngờ. Ngày tận thế mang tính quyết định vì trong ngày ấy, người ta hoặc là được hưởng sự sống viên mãn và hạnh phúc tuyệt vời hay phải chết đời đời và bất hạnh ngàn thu. Người ta sẽ không còn cơ hội làm lại hay bắt đầu lại trong ngày cánh chung, ngày lịch sử thế giới hạ màn. Nói theo Tin Mừng thánh Mt được chọn đọc trong lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, hoặc là chiên đặt được ở bên hữu để hưởng sự sống đời đời và hạnh phúc viên mãn với chủ chiên hoặc là dê phải ở bên tả chịu hình phạt muôn kiếp.
Ngày ấy mang tính bất ngờ vì không ai có thể biết “khi nào thời ấy đến” hay “không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Nếu không biết rõ ngày giờ Chúa Giêsu trở lại và không có sự chuẩn bị sẵn sàng thì thật vô phúc cho chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy có biết bao nhiêu người đã ra đi quá bất ngờ mà không có sự chuẩn bị chu đáo đã để lại bao phiền toái và lo âu cho bản thân và người nhà.
Sống chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô mô tả thái độ đó như sau: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”.
Có nhiều cách để có thể sống tỉnh thức. Trước hết, muốn tỉnh thức chúng ta phải khao khát chờ đợi ngày Chúa đến. Càng khao khát mãnh liệt, chúng ta càng tỉnh thức sẵn sàng cho ngày Chúa đến. Khi không còn mong mỏi nữa thì giả thiết chúng ta dễ dàng ngủ quên. Thật vậy, vì khao khát mong đợi mà Isaia không những tỉnh táo mà còn khơi lên sự tỉnh thức cho Israel, tỉnh thức chờ đợi ngày Thiên Chúa viếng thăm dân người.
Thứ đến, để tỉnh thức sẵn sàng chúng ta cần cầu nguyện, suy gẫm và sống lời Thiên Chúa. Mẹ Têrêxa Calcutta nói rằng “Cầu nguyện làm cho tôi trở thành người yêu mến Chúa Giêsu. Cầu nguyện làm cho trái tim của tôi mở ra cho đến khi tâm hồn tôi đầy tràn Thiên Chúa.” Vì thế, không có cầu nguyện, không có suy gẫm và thực hành lời Chúa, chúng ta không thể tỉnh thức và sẵn sàng cho ngày Chúa Giêsu trở lại cách bất ngờ.
Cuối cùng, nếu muốn tỉnh thức sẵn sàng chúng ta phải thường xuyên lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích Giải tội và Thánh Thể. Khi lãnh nhận bí tích Hoà giải, ta ý thức được thân phận tội lỗi của mình, quyết tâm hoán cải, thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời… Khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể, ta không chỉ ý thức về tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu nơi Thánh Thể mà ta còn được hiệp thông với Chúa và với nhau. Các bí tích đặc biệt này cho ta tinh thần, thái độ tỉnh thức sẵn sàng nhiều nhất.
Chúa Giêsu đã một lần đến trong thế gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài sẽ lại đến một lần nữa trong vinh quang để hoàn tất ơn cứu độ, để thực hiện một cuộc xét xử cánh chung cho cả người sống và kẻ chết. Cuộc tái lâm này vừa mang tính bất ngờ vừa mang tính quyết định.
Do đó, mỗi tín hữu chúng ta được mời gọi tỉnh thức và sẵn sàng không chỉ để mừng Đại Lễ Giáng Sinh mà quan trọng hơn là chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại để cùng vào thiên đàng hưởng phúc vinh quang với Ngài. Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm đọc, suy gẫm và sống lời Chúa, đặc biệt là thường xuyên lãnh nhận bí tích Giải tội và Thánh Thể để chúng ta luôn có được tâm hồn tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa vinh quang trở lại.
Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.