Tích Cực Sống Ðức Tin
26.8 Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
1 Cr 1:17-25; Tv 33:1-2,4-5,10,11; Mt 25:1-13
Tích Cực Sống Ðức Tin
Tin mừng theo thánh Matthêu hôm nay đề cập đến chuyện khôn – dại ở đời. Bằng một ví dụ cụ thể về câu chuyện mười trinh nữ đi dự tiệc cưới. Trong số đó có 5 cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Nhưng chỉ có “Top 5 cô khôn ngoan” đón được chàng rể và vào dự tiệc cưới.
Theo văn hóa Do Thái, nghi lễ hôn nhân được tổ chức vào ban đêm và vào giờ thời gian bất ngờ không ai được biết trước. Vì thế mọi người phải canh thức chờ đợi. Tác giả Tin Mừng cho biết, tất cả mười cô trinh nữ đều cầm đèn trong tay chờ đợi, nhưng chỉ có 5 cô khôn ngoan biết mang theo dầu để dự trữ. Chuyện khôn dại là lẽ thường trong đời. Ví như câu đồng dao:
Thiên đàng hỏa ngục hai bên
Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn
Ranh giới giữa khôn và dại rất “mỏng”, khó mà phân biệt rạch ròi. Bởi lẽ chỉ cần ta tích chứa “một chút dầu” ắt sẽ trở thành người khôn, trái lại chỉ cần lơ là quên “một chút dầu”, ta trở thành kẻ dại khờ bất hạnh. Và sâu xa hơn nữa, cái khôn ngoan theo kiểu thế gian lại là cái dại dột đối với Thiên Chúa. Và cái dại dột của thế gian mới thật là cái khôn ngoan mà Thiên Chúa đòi hỏi.
Đọc “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse, văn hào Đức đã đoạt giải Nobel văn chương thế giới, chúng ta càng thấy rằng con đường tìm đến Chân lý phải là quá trình dài đầy thử thách. Tất Đạt Đa, nhân vật chính của tác phẩm đã trải qua nỗi cô đơn tâm linh trên con đường giải thoát. Anh là hình ảnh con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho đời mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người.
Cuối cùng anh đã tìm ra con đường giải thoát qua âm thanh vọng lại từ dòng sông, một tiếng “OM” đầy vi diệu. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt. Điều đó càng cho thấy kiến thức có thể được dạy, nhưng sự thông thái về tâm linh phải đến từ kinh nghiệm.
Một lần nữa Tin Mừng đặt ra cho chúng ta một giá trị phải chọn lựa. Đó là chọn khôn ngoan theo kiểu loài người hay theo kiểu của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Nước Trời đó là thái độ sẵn sàng và tỉnh thức, sống trọn vẹn giây phút hiện tại, chu toàn bổn phận hàng ngày với lòng yêu mến. Là sống như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo đoàn Ephêsô: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan biết tận dụng thời buổi hiện tại vì chúng ta đang sống giữa những ngày đen tối” (Ep 5, 15-16).
Muốn cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng, chúng ta phải nỗ lực “châm dầu” vào. Một giọt dầu của hy sinh nhỏ bé âm thầm, giọt dầu của sự cho đi, tiêu hao vì bổn phận. Có thể đó là dầu của những trái ý, những giằng xé trong tâm hồn khi phải đối diện và chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu. Giọt dầu đó phải được châm vào mỗi ngày, bền bỉ và tha thiết trong cầu nguyện, tận tụy và vẹn tròn trong bổn phận. Giọt dầu ấy có thể khô cạn vì những đam mê của tính xác thịt, vì những ươn hèn do bản tính yếu đuối mỏng dòn của thân phận con người nhưng nếu không có nó chúng ta sẽ bị loại khỏi Nước Trời.
Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.