Tin và Tử đạo
19.11 Chúa Nhật thứ Ba Mươi-Ba Mùa Quanh Năm
Cn 31:10-13,19-20,30-31; Tv 128:1-2,3,4-515; Mt 25:14-30; Mt 25:14-15,19-21
Tin và Tử đạo
Mấy thế kỷ trước đây, trong thời gian các tín hữu Công giáo Việt Nam bị bách hại khốc liệt, nhà cầm quyền khuyến dụ các tín hữu bước qua thập giá như một dấu chỉ từ bỏ đạo Chúa. Tín hữu nào theo lệnh vua quan dẫm đạp lên thập giá được xem như là người công khai bỏ đạo.
Ngày nay, các ki-tô hữu không còn bị thúc ép dẫm lên thập tự giá như các tín hữu ngày xưa, nhưng vẫn còn nhiều áp lực thúc đẩy họ chà đạp lên tình người, mà ai chà đạp lên tình người thì kẻ ấy đã thực sự chối bỏ Đạo yêu thương của Chúa Giê-su.
Hôm nay là lễ kính trọng thể các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam. Hơn ai hết, các ngài đã hiểu rất rõ ràng các ngài hiện diện trên trái đất này chính là một đặc sủng, một quà tặng tuyệt đối vô song Thiên Chúa đã ban tặng, và khi đón nhận ơn gọi Ki-tô hữu chính là lúc các ngài được Người cấp vốn làm ăn. Người có thể gọi các ngài về bất cứ lúc nào để tính sổ coi các ngài đã sử dụng số vốn được trao ấy ra sao. Hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, các Thánh Tử Vì Đạo đã tuyệt đối tin tưởng, sống và hành động hết mình cho lý tưởng mình đã khám phá được với một ý chí sắt đá, dù cho còng trói tay, gươm kề cổ cũng không chùn bước, cuối cùng đã hy sinh cả mạng sống; đó là phẩm hạnh tuyệt hảo của các ngài. Và hôm nay chính là kỷ niệm ngày các ngài được chính thức “hưởng niềm vui của Chủ” nơi cõi phúc trường sinh.
117 vị thánh tử đạo Việt Nam, không phải là những bậc tài trí xuất chúng, cũng không phải là những người giàu sang phú quý, nhưng đều là những người bình thường trong xã hội, là những công dân tận tụy với chức vụ, trung thành với tổ quốc và nhân dân, nhưng đã phải chịu tử hình vì không chối bỏ đức tin: Thánh Phaolô Tống Viết Bường, chức Thị vệ, đã chịu trảm quyết ngay trước cổng nhà người con gái ngài, vào ngày 23/10/1883 tại Huế, triều vua Minh Mạng.Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Câu phủ họ Đầu Nước, tỉnh Anh Giang, đã bị bắt và hy sinh vì Chúa tại Châu Đốc, ngày 31/7/1859. Thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ công giáo gương mẫu; vì sốt sắng giúp đỡ các linh mục trong buổi cấm đạo, nên đã bị bắt và chịu nhiều cực hình nên kiệt sức và chết rũ tù ngày 12/7/1841 v.v…Rồi có những giáo xứ ở Quảng Trị, bị lính lùa vào nhà thờ rồi chất rơm chung quanh đốt cháy tất cả. Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Phanrang bị vứt xuống giếng và lấp đất chôn sống…
Tin Chúa, theo Chúa là chấp nhận từ bỏ những gì không phù hợp, những gì cản lối chúng ta bước theo Chúa, cho dù đó là tình máu mủ ruột thịt, tiền bạc, địa vị của cải; khi phải chọn lựa giữa sống và chết vì Tin Mừng thì cũng dám chấp nhận. Đó cũng là đòi hỏi Chúa Giêsu đã công bố: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống. Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình và phải thiệt thân thì nào có ích lợi gì. Ai xấu hổ vì tôi và Tin Mừng thì Con Người cũng xấu hổ vì kẻ ấy.
Đây là đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát mà Chúa muốn những người theo Chúa phải chấp nhận. Trải qua dòng thời gian, đã có hàng hàng lớp lớp những con người nhận ra giá trị cao quý của lời mời gọi này. Họ đã đáp lại bằng cả cuộc đời và đánh đổi bằng mạng sống mình để đạt được Nước Trời và giữ được mạng sống cho cuộc sống đời đời. Tổ tiên chúng ta, các anh hùng tử đạo Việt Nam, mặc dù mới biết Chúa tin Chúa, nhưng cũng đã dám từ bỏ tất cả vinh quang lợi lộc trần thế, vác thập giá đời mình bước theo Chúa Giêsu. Các ngài đã dám đánh đổi cả gia đình, sự nghiệp, hạnh phúc ở đời này và mạng sống để mong đạt được hạnh phúc đời đời. Sự can đảm và cái chết anh dũng của các ngài là một lời tuyên xưng mạnh mẽ vào Chúa Giêsu và thập giá của Ngài, là tấm gương cho các thế hệ con cháu và cũng là tấm gương đánh động tâm hồn những người dân ngoại.
Từ chối bước qua thánh giá, từ chối những lời mời gọi hứa hẹn hấp dẫn, từ chối địa vị danh vọng… đó là tấm gương cha ông, các vị tử đạo Việt Nam, đã để lại cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta không bị ép bước qua thánh giá, nhưng nhiều người đã nhắm mắt tự nguyện để đạp lên Tin Mừng và lề luật của Chúa. Những người này bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của Chúa và Tin Mừng, họ sống mà không dám thể hiện mình là người Kitô hữu. Nhiều tín hữa đã không dám từ chối những cám dỗ, mời chào và sự hứa hẹn của thế gian; họ nhắm mắt chạy theo danh lợi, địa vị; họ gạt Chúa và Tin Mừng qua một bên.
Mừng lễ các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, người Ki-tô hữu phải để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài, tức là phải noi gương các ngài trong đời sống xã hội phục vụ anh em đồng bào. Nói cách cụ thể, thì người có đức tin phải luôn duy trì và phát triển động lực thúc đẩy (tức là Thần Khí Ðức Ki-tô ở trong bản thân mình) để sống đời sống chứng tá ngay trong môi trường xã hội nơi mình cư ngụ. Để được như vậy, cần phải mang sự chết của Người trong thân xác, là biết chết cho bản thân và các khuynh hướng vị kỷ.
Nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Xin Chúa thương giúp chúng ta học và noi gương các ngài trong sứ vụ chứng nhân mà Chúa đã ban tặng nhưng không cho chúng ta.