Tiến sĩ Weigel: Đức Phanxicô và Vấn đề Sự sống
Tiến sĩ Weigel: Đức Phanxicô và Vấn đề Sự sống
Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô có xu hướng sử dụng những cách diễn đạt đầy màu sắc và những tĩnh từ không êm ái chút nào để bình luận về những ý tưởng, thói quen và thực hành mà ngài không tán thành đã khiến người Công Giáo bối rối trong hơn tám năm nay. Đây có phải là cách vị giáo hoàng nói chuyện hay không? Căn cứ vào nghiên cứu của riêng tôi về lịch sử Giáo hoàng, tôi có thể dễ dàng tin rằng Đức Giáo Hoàng Piô XI đã có một vài câu nói như thế (thậm chí tàn bạo) để nói vào những dịp cần thiết. Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng lời nói của ngài luôn được thực hiện ở những nơi tư riêng, trong khi nhiều câu nói có tính thóa mạ đáng ghi nhớ nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rất công khai.
Tuy nhiên, có một điều cần phải nói về thói quen của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm này, đặc biệt là trong bối cảnh các phương tiện truyền thông nỗ lực không ngừng để biến Đức Giáo Hoàng thành một người ít quan tâm đến các vấn đề sự sống – gần đây nhất dưới góc độ các giám mục Hoa Kỳ nỗ lực giải quyết tính không nhất quán của Những người tự xưng là Công Giáo nhưng bác bỏ chân lý nền tảng của đức tin Công Giáo bằng cách tạo điều kiện dễ dàng cho việc tàn sát những đứa trẻ vô tội. Vì vậy, cần nhớ lại những từ ngữ khá cứng rắn trong đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên án việc phá thai, đáng ghi nhớ nhất là tại một hội nghị ở Vatican vào năm 2019. Tại đó, Đức Thánh Cha đã hỏi, “có hợp pháp không khi lấy mạng người để giải quyết một vấn đề? Có được phép thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề không?” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng cái gọi là phá thai “trị liệu” cố ý hủy hoại những đứa trẻ chưa sinh mắc một số bệnh tật hoặc dị tật, là một vấn đề của “thuyết ưu sinh vô nhân đạo”. Ngài nói thêm rằng “sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm và việc sử dụng chẩn đoán trước khi sinh cho các mục đích lựa chọn [tức phá thai] không nên được khuyến khích một cách mạnh mẽ”.
Tất cả những điều đó có vẻ hơi kỳ lạ đối với phóng viên của tờ New York Times khi đưa tin về hội nghị, vì như ông đã viết, trước đây Đức Giáo Hoàng đã hạ thấp các vấn đề như phá thai “để thúc đẩy viễn kiến mục vụ và toàn diện của ngài về Giáo hội”. Tất nhiên, giả thiết ở đây là sự rõ ràng về phương diện giáo lý và luân lý một mặt, mặt khác là tính nhạy cảm và tính bao trùm về mục vụ là những mặt loại trừ lẫn nhau. Điều đó thật vô nghĩa kể từ khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, trong Gioan 8: 1-11; ngày nay nó vẫn là một sự sai lầm thô thiển; và dung túng nó là hạ giá công việc bao trùm và nhạy cảm của hàng nghìn trung tâm thai nghén khủng hoảng lấy cảm hứng từ tôn giáo trên khắp đất nước, nơi cung cấp cho phụ nữ một điều gì đó tốt hơn là một “thủ thuật” gây chết người thường gây ra tổn thương lâu dài về mặt xúc cảm.
Hình ảnh của các phương tiện truyền thông, than ôi, giống như cây tre; một khi nó được cấy ghép, hầu như không thể nhổ tận gốc nó. Do đó, ngay từ đầu trong triều đại giáo hoàng của mình, câu nhận định “Tôi là ai mà dám phán xét?”, đề cập đến trường hợp đặc thù của một linh mục ăn năn, người đang cố gắng sống một cuộc sống ngay thẳng, đã bị tước bỏ mọi bối cảnh và biến thành cây tre của các phương tiện truyền thông, một giải thích được lặp đi lặp lại liên tục rằng vị giáo hoàng này không phải là người cứng rắn về đạo đức (ẩn ý: không giống như những người tiền nhiệm của ngài).
Tuy nhiên, tôi xin cho rằng bất cứ ai so sánh kẻ chủ trương duy phá thai với một tên sát nhân kiểu Mafia – và là người vào tháng 1 năm 2014 đã lên án “nền văn hóa vứt bỏ”, trong đó những đứa trẻ bị phá thai bị “vứt bỏ như là không cần thiết”, cho rằng “thật kinh khủng ngay cả khi nghĩ rằng có những trẻ em, nạn nhân của phá thai, sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban ngày ”- không hề là người theo thuyết tương đối luân lý. Tuy nhiên, một cách đặc trưng, phóng viên BBC đưa tin về bài diễn văn đó của Đức Giáo Hoàng nhận thấy lời tố cáo này trái ngược với “lập trường của Đức Giáo Hoàng vốn ủng hộ lòng thương xót hơn là sự lên án”. (Xin nhắc với BBC: Chính Đức Gioan Phaolô II, tác giả của thông điệp nhiệt thành phò sự sống Evangelium Vitae (Tin mừng Sự sống), là người đã truyền bá việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót khắp Giáo hội hoàn cầu, người đã viết một thông điệp về Thiên Chúa Cha có tựa đề Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót), và người đã thực hiện Tuần Bát Nhật của Lễ Phục Sinh là “Chúa Nhật Lòng Thương Xót của Chúa”).
Các bóp méo của các phương tiện truyền thông không chỉ đơn giản làm ta khó chịu; chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến công chúng. Ngay trước khi các giám mục bỏ phiếu một cách áp đảo để giải quyết vấn đề về tính toàn vẹn thánh thể của Giáo hội (ngay lập tức bị hầu hết các báo cáo biến thành một cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Biden và các viên chức công khai ủng hộ việc phá thai khác), Tòa án Tối cao nhất trí bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các Dịch vụ Xã hội Công Giáo (CSS) của Philadelphia từ chối đặt các trẻ em dưới sự chăm sóc của các cặp đồng tính. Trong phần phụ lục dài của mình đối với ý kiến của Tòa án, Chánh án Samuel Alito lưu ý rằng một viên chức công của Philadelphia đã chế nhạo “lập trường của Tổng giáo phận như là đi lệch hướng với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và quan điểm đạo đức thế kỷ 21”, gợi ý rằng sẽ “tuyệt vời” nếu Dịch vụ Xã hội Công Giáo “Theo chân… Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
Tôi thực sự nghi ngờ rằng ủy viên Bộ Dịch vụ Nhân sinh Philadelphia, người đã nghĩ một cách hết sức sai lầm như thế về Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại là một độc giả thường xuyên của nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano. Ông ta có được điều vô nghĩa mà ông ta dùng để quấy rầy Dịch vụ Xã hội Công Giáo từ các nguồn truyền thông Mỹ. Tôi hy vọng ngành truyền thông sẽ cùng hành động khi các giám mục khai triển bản tuyên bố của các ngài về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi không lạc quan lắm về điều đó. Tre vẫn chỉ là tre.
Vũ Văn An