Tại sao lại có Luyện ngục?
Tại sao lại có Luyện ngục?
Xuất hiện ngay sau Địa ngục và trước Thiên đường, phần thứ hai trong tác phẩm Thần khúc (Divina Commedia) của Dante là Purgatorio – Luyện ngục.
Ảnh: “Sự êm dịu của Thánh Tâm Chúa Giêsu và các linh hồn nơi luyện ngục” ở nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Vienna. Renata Sedmakova / Shutterstock.com
Trong khúc thứ chín, Dante đặt những lời này vào miệng của vị thiên thần bảo vệ cổng Luyện ngục, người đang trình ra những chiếc chìa khóa của mình, để nói với người nghe:
Tôi giữ chúng từ Thánh Phêrô – người đã bắt lỗi tôi
Thay vì mở ra thì lại đóng chặt.
Trong bài thơ, cũng như trong giáo huấn của Giáo Hội, Luyện ngục chỉ có thể được hiểu một cách chính xác như là một biểu hiện của lòng thương xót vô biên từ Thiên Chúa. Vì đây không phải là một nơi trừng phạt mà là một nơi, do sự khoan hồng của Thiên Chúa, những tội nhân biết ăn năn sám hối được chuẩn bị sẵn sàng để vào Thiên đàng.
Trong khi niên lịch của Giáo Hội không có ngày lễ nào về Luyện ngục, thì thay vào đó chúng ta có một ngày lễ tương đương. Ngày đó rơi vào ngày 2 tháng 11, ngay sau lễ Các Thánh, và được gọi là Ngày Các Đẳng Linh Hồn. Đây là lúc Giáo Hội khuyến khích chúng ta cầu nguyện, đặc biệt cho những người đã khuất – vợ/chồng, con cái, thành viên gia đình, bạn bè và nhiều người khác – những người mà chúng ta tin tưởng và hy vọng ít là đang ở trong Luyện ngục. Năm nay, chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho Dante nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông, sự kiện mà chúng ta vừa ghi nhận vài tuần trước.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra một tuyên bố cô đọng về giáo thuyết liên quan đến Luyện ngục như sau: “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng”(GLHTCG, số 1030).
Bên cạnh sự quan tâm tất nhiên dành cho những người thân yêu, thì quyền lợi bản thân cũng làm cho chúng ta phải lưu ý đến viễn cảnh Luyện ngục dành cho chính mình. Như Thánh John Henry Newman đã chỉ ra, “theo một nghĩa nào đó, tất cả các Kitô hữu đều chết với phần công việc chưa hoàn thành.” Luyện ngục là nơi các bước hoàn thiện sau cùng được thêm vào.
Thánh Newman đã từng đưa ra quan điểm về “Trạng thái Trung gian” nơi một trong những bài giảngcủa mìnhkhi còn ở trong Anh giáo. Giống như nhiều người không phải là Công giáo khác, trước khi trở lại đạo, ngài đã do dự về ý tưởng liên quan đến Luyện ngục, nhưng rồi ngài cũng đã nhận ra sự cần thiết của một “khoảng thời gian thanh luyện” giữa cái chết và thiên đàng, và coi đó là “niềm an ủi lớn lao” cho bất kỳ ai có suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề như vậy.
Như vậy, ngày naycó hai lý do lớn để làm như thế.
Theo Thánh Newman, đó là điều chúng ta phải làm đối với nhiều người bên ngoài có vẻ lơ đễnh, không biết ăn năn, hay có đôi chút khờ dại không chịu hoán cải vào giờ lâm chung để có thể giúp đỡ họ đến cùng. Giờ đây, Giáo Hội dành cho những người như vậy một sự ân cần vô cùng và rồi cũng mời gọi họ lưu tâm đến những Điều Chung Cuộc theo truyền thống – bao gồm Thiên đàng và Địa ngục cùng với Luyện ngục.
Một lý do quan trọng khác cho việc nhớ đến những người trong Luyện ngục mà chúng ta gọi là “Các đẳng Linh hồn” là bổn phận đúng đắn mà chúng ta phải làm qua việc giúp đỡ họ bằng lời cầu nguyện và sám hối, cũng như chúng ta cũng hy vọng rằng người khác sẽ làm cho chúng ta như thế khi thời điểm và nhu cầu cần đến. Thánh Catarina thành Genova (1447-1510), một vị thánh nổi tiếng về việc hy sinh phục vụ người bệnh và người nghèo cũng như về những kinh nghiệm thần bí của mình, đã diễn tả như sau trong khảo luận về Luyện ngục của mình:
“Đấng Toàn Năng rất mực tinh tuyền… đến nỗi nếu một người ý thức được đôi chút dấu vết của sự bất toàn và đồng thời hiểu rằng Luyện ngục đã được ấn định để loại bỏ những khiếm khuyết đó, thì linh hồn bước vào nơi thanh tẩy này sẽ vui lòng đón nhận một lòng thương xót lớn lao như thế từ Thiên Chúa… Nỗi đau đớn lớn của những linh hồn đau khổ này là đã phạm tội chống lại Đấng Tốt Lành thánh thiêng và đã không trở nên hoàn thiện ở đời này.”
Tác giả: Russell Shaw
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên