Mặt tích cực khi đương đầu với các lạc giáo: Một cái nhìn tổng quan
Mặt tích cực khi đương đầu với các lạc giáo: Một cái nhìn tổng quan
Qua dòng thời gian, chúng ta có thể thấy được làm thế nào mà các lạc giáo lại có thể trở nên chất xúc tác cho việc củng cố đức tin.
Ảnh: Shutterstock
Không phải tất cả những điều xấu đều gây hại. Trong lịch sử Giáo Hội, chính các lạc giáo đã giúp củng cố đức tin.Các phong trào lạc giáo đã khơi lên những nghi ngờ và những cách giải thích khác nhau về giáo thuyết Công Giáo. Trong khi các lạc giáo có thể tạo ra đau khổ và chia rẽ, thì chúng cũng giúp Giáo Hội gắn kết bền chặt hơn với chân lý và hiểu biết sâu sắc hơn những gì mà mình tin tưởng.
Một trong những lạc giáo đáng chú ý nhất là thuyết Ariô (Arianism) vào thế kỷ thứ 4. Lạc giáo này phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu, xem Người Chúa Giêsu không khác gì so với một thụ tạo, cho dù là một thụ tạo phi thường.Sau đó, vào năm 325, chính Công đồng Nicea đã tuyên bố rằng Chúa Con “được sinh ra, chứ không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”. Tín điều về đồng bản thể là một trong những yếu tố nền tảng của điều được gọi chính xác là Kinh Tin Kính “của Công đồng Nicea”, mà chúng ta đọc ngày nay.
Nestoriô (Nestorius), một thượng phụ của Constantinople vào thế kỷ thứ 5, đã cố gắng chống lại một lạc giáo nhưng lại tự biến mình thành một người lạc giáo: Ông đã phủ nhận tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria, và phủ nhận con người Đức Kitô chính là Ngôi Lời được sinh ra bởi Chúa Cha.Giáo thuyết này đã bị lên án vào năm 431 bởi Công đồng Êphêsô, một Công đồng đã định tính về thiên chức làm mẹ của Đức Maria khi gắn cho Mẹ với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”.
Những người truyền bá các lạc thuyết tấn công vào sự duy nhất của đức tin, và đã bị trừng phạt bằng vạ tuyệt thông. Trong quá khứ, việc trấn áp các lạc giáo đã lên đến đỉnh điểm nơi các cuộc thập tự chinh xét theo nghĩa đen.
Đó là trường hợp của những người Cathar, những người mà học thuyết của họ đã lan truyền từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14 ở miền nam nước Pháp và miền bắc nước Ý. Người Cathars tin vào hai nguyên lý Thiện và Ác, chối bỏ các bí tích, và khinh bỉ thân xác. Họ cũng tin rằng Chúa Giêsu chỉ là một thiên thần với hình dáng một con người. Lạc giáo đã bị lên án bởi nhiều công đồng địa phương và Công đồng Lateranô III, và sau đó, vào năm 1208, chính Đức Giáo hoàng đã kêu gọi một cuộc thập tự chinh đích thực: một cuộc chiến đẫm máu kéo dài trong khoảng 20 năm, một cuộc tận diệt theo quan điểm của nhiều sử gia.Cũng trong những năm đó, Thánh Đa Minh Guzmán, người đã tận tâm rao giảng chống lại lạc giáo Cathar, đã thành lập dòng Đa Minh.Người ta cho rằng chính Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với thánh nhân để chỉ cho ngài thấy rằng Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện hữu hiệu nhất để chống lại lạc giáo mà không cần đến bạo lực.Thánh Antôn Padua cũng rao giảng chống lại lạc giáo của những người Cathar, đến mức ngài được gọi là “cái búa dành cho kẻ lạc giáo”.
Một người bảo vệ đức tin vĩ đại khác chống lại những người lạc giáo chính là Thánh Augustinô. Chính thánh nhân đã tìm thấy đức tin sau một hành trình gian nan trong nghi ngờ và học hỏi. Ngài đã rao giảng và đã viết chống lại những người theo thuyết Manikê (Manicheans), Đônatô (Donatists) và Pêlagiô (Pelagians). Trong khi làm như thế, Thánh Augustinô đã trao tặng cho toàn thể Giáo Hội tư tưởng thần học sâu sắc của mình, những công trình đó đã làm cho ngài được tôn phong làm một trong số các Tiến sĩ Hội Thánh.
Tiền định và sự phủ nhận ý chí tự do: thuyết Jansen (Jansenism) đã được phát triển vào thế kỷ 17 và 18, và đã bị Giáo Hội nhiều lầnlên án.Tuy nhiên, phản ứng của người Công giáo đối với lạc giáo này đã vượt thắng tất cả nhờ vào việc khai mở lòng sùng kính đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lòng sùng kính có ý hướng về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cuối cùng, chủ nghĩa Hiện đại (modernism) là một trong những lạc giáo gần đây nhất.Chủ thuyết này là một nỗ lực để điều chỉnh đức tin cho phù hợp với tinh thần duy lý của thời đại, và thậm chí ngày nay, người ta còn cảm nhận được ảnh hưởng của nó khi đức tin bị hạ thấp xuống thành một chủ nghĩa duy cảm (sentimentalism ) và thân mật (intimism) nào đó.Trong thông điệp lên án lạc thuyết này, Đức Giáo Hoàng Piô X đã nói về chủ nghĩa Hiện đại như một “tổng hợp của tất cả các lạc giáo” trong số những lạc giáo nguy hiểm nhất trong lịch sử của Giáo Hội.
Nhiều lạc giáo và các giáo thuyết sai lạc về Kitô giáo khác đã nối tiếp nhau qua nhiều thế kỷ.Đối với chúng ta là những tín hữu, Sách Giáo Lý có thể là một nguồn vững chắc để đào sâu kiến thức về đức tin và bảo vệ chúng ta khỏi những sai lầm có thể xảy ravề giáo thuyết.
Tác giả: Marinella Bandini
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên