Ở lại
Ở lại
Đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan, ta bắt gặp tâm tình “ở lại” của Chúa Giêsu nhiều lần nói với các môn đệ. Khái niệm “ở lại” trong Tin Mừng Thánh Gioan mang ý nghĩa đặc biệt. Động từ này không chỉ diễn tả sự cư ngụ trong một khoảng không gian, nhưng nói lên sự gắn bó, liên kết, hiệp thông thiêng liêng với Chúa.
“Ở lại” là tâm tình của người môn đệ trung tín với Thầy mình, kể cả lúc gian nan tăm tối. Chính Chúa Giêsu luôn luôn ở lại trong Chúa Cha.
Ta thấy Chúa Giêsu luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và bằng lòng trung thành. Các tác giả Tân ước kể lại, vào lúc khởi đầu một ngày mới, hoặc sau một ngày làm việc vất vả, Chúa Giêsu thường lánh ra nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta không biết rõ nội dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu những lúc ấy, nhưng chắc chắn đó là những tâm tình trìu mến và gắn bó thâm sâu. Chắc chắn Chúa Giêsu thân thưa với Chúa Cha về sứ mạng của Người và về những khó khăn Người gặp phải.
Quan trọng nhất và trước nhất, đó là những tâm tình của người con thảo đối với Cha mình. Những giây phút cầu nguyện này tiếp thêm nghị lực cho Người, để Người đi cho đến cùng sứ mạng Thiên sai, mặc dù phải trải qua biến cố thập giá. Vào lúc cao điểm của thử thách, tức là trên cây thập giá, Chúa Giêsu vẫn “ở lại” với Chúa Cha bằng niềm phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Nhìn vào cuộc đời cũng như tâm tình của Chúa Giêsu, ta thấy ngày hôm nay con người bất an bởi lẽ quá bận rộn. Chính vì bôn ba nhiều quá, bận rộn nhiều quá nên có chăng chỉ là sự bình an giả tạo, sự bình an ở bên ngoài.
Từ suy nghĩ đó, ta nhìn lại trong tư cách là Kitô hữu, ta tiến bước như thế nào với Chúa trong đời sống của mình.
Quá bận rộn việc mưu sinh dễ dẫn đến chuyện thiếu thời giờ chiêm ngắm Thiên Chúa. May ra dành chút thời gian đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ nhưng không có thời gian ở lại bên Chúa. Dần dần, con người đi theo tôn giáo theo chủ nghĩa bận rộn.
Chính vì thế, cần lắm sự chiêm ngắm Thiên Chúa, cần lắm sự lắng nghe lời Chúa. Muốn được như vậy, không có cách nào khác hơn là ở lại bên Chúa.
Có thể làm việc tốt, có thể ta làm việc bác ái, có thể ta hy sinh chuyện này chuyện kia để lo cho người này người nọ nhưng thiếu chiêm niệm để rồi thiếu bình an. Nói như thế, có người sẽ nghĩ và phản bác ngay rằng chiêm niệm không phải là không làm gì ?
Nhìn vào cuộc đời Thánh Phaolô và trong thư của Ngài. Thánh Phaolô chia sẻ rằng khi Thiên Chúa chọn Ngài thì Ngài không lên đường đi loan báo về Chúa ngay nhưng Ngài chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô không đi làm ngay nhưng cầu nguyện và nhìn ngắm Thiên Chúa. Phaolô phải lòng Thiên Chúa khi ở lại bên Chúa để chiêm ngắm Chúa, lắng nghe Chúa. Và đây chính là từ khóa để không phạm sai lầm.
Ở lại trong tình yêu Thiên Chúa phải chăng là điều căn cốt trong đời Kitô hữu.
Ta cần dừng lại để biết mình ở thái cực nào. Có khi ta quá bận rộn hay có khi ta thái quá trong đời sống chiêm niệm. Ta cần phải quân bình đời sống tâm linh của ta.
Ta tự vấn mình : tôi có đang yêu Chúa không ? Tôi có chắc Chúa chọn tôi hay tôi sống đời Kitô hữu của mình thế này, làm những việc thế kia.
Tôi làm việc này việc kia nhưng con tim của tôi như thế nào ? Khi làm việc như thế, ta có kèm theo việc chiêm niệm không ? Có thể ta làm việc gì đó chỉ vì đánh bóng tên tuổi của ta, lưu danh của ta chứ không hề vinh danh Chúa.
Ở lại trong Chúa và phục vụ đó chính là lối đi trong đời sống chúng ta.
Nói tới đây tôi lại nhớ đến hình ảnh của thuyền và biển của nhà thơ Xuân Diệu rất dễ thương để nghĩ đến chuyện ở lại :
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.
Có thể ví von như vậy cho đời thêm vui. Nếu phải cách xa Chúa, đời Kitô hữu của ta chỉ còn bão tố mà thôi. Chính vì thế, cần lắm sự hiện diện và ở lại bên Chúa như Chúa mời gọi.
Ta được mời gọi phải dành thời gian cho Chúa trong phục vụ người khác. Ta thử xét xem ta dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu và sau đó tôi làm việc thế nào ? Ta có làm nhiều đến độ xa lạ chính mình hay tôi làm việc với việc phục vụ tin Mừng
“Ở lại trong Thầy” sẽ giúp chúng ta tìm được niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Vì chúng ta xác tín Chúa đang cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường dương thế. Dù phong ba bão táp, dù thử thách đau thương, chúng ta vẫn an toàn, như con thơ ngủ yên trong tay mẹ hiền. Hạnh phúc chẳng phải tìm đâu xa, chỉ đơn giản là hãy “ở lại trong Thầy”, để được Người che chở, chúc lành và hướng dẫn.
Và điều quan trọng nhất rằng ta có ý thức đời ta có giá trị, ý nghĩa, sinh hoa trái cho đời khi tựa như cành nho gắn liền cây nho. Từ nay ta sẽ ở lại trong Chúa nhiều hơn trong thực tại của cuộc sống của ta bằng việc thực hành hai điều trên đây: siêng năng suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể.