Nên làm gì để giúp trẻ xóa bỏ cảm xúc tiêu cực?
Nên làm gì để giúp trẻ xóa bỏ cảm xúc tiêu cực?
Thay đổi cảm xúc “u ám” trong tâm của trẻ
Trong một tập trước đây, cô Trần từng kể câu chuyện về một sinh viên xuất sắc của trường Đại học Quốc gia Đài Loan. Mẹ cậu ấy bật khóc vào lúc nửa đêm, vì vậy cậu đã nhanh chóng gọi cho cô Trần để được trợ giúp. Sau này cậu đã học được cách kiềm chế cảm xúc của mình. Còn cháu học sinh lớp hai tiểu học này, ban đầu cháu bé có một trái tim trong suốt, nhưng sau khi cháu mô tả những gì đã xảy ra ở trường học, bạn nghĩ xem trái tim của cháu bé bây giờ có màu gì? Có lẽ là màu đen xám, thậm chí là màu đen. Màu bình thường nên là màu gì? Đó là màu vàng vui vẻ, hoặc màu xanh hy vọng.
Vậy đối với những cảm xúc đen tối đó thì giải quyết như thế nào đây? Nếu bạn không trút bỏ nó, thì những màu sắc đẹp sẽ không tiến vào được. Nếu cảm xúc này không được giải tỏa để các màu sắc khác được thêm vào, chẳng hạn như màu xanh lá cây, thì nó sẽ trở thành màu gì? Chắc chắn nó sẽ trở nên “vẩn đục” hơn. Như vậy chúng ta có thể biết được một điểm quan trọng: thông thường người lớn không giải quyết tận gốc những vấn đề cảm xúc này, không giúp trẻ hiểu được những điều này, cũng không chấp nhận rằng trái tim của trẻ đang tạm thời có những cảm xúc đen tối. Họ lại tìm cách thêm thắt thứ gì đó rồi nói với trẻ: đừng suy nghĩ nhiều quá, hãy mặc kệ nó, đừng quá để tâm vào điều ấy… Chúng ta đi ăn kem, xem phim, v.v., chuyển hướng sự chú ý của trẻ theo cách này tương đương với việc thêm vào màu xanh lá cây và màu vàng, và kết quả là gì? Cháu bé đó về cơ bản sẽ không hạnh phúc, và lần sau khi có chuyện xảy ra, vấn đề vẫn sẽ tồn tại.
Vì vậy đối với những thứ màu đen này, bạn phải làm mọi cách để nó có thể giải tỏa ra, mở một cánh cửa để chúng thoát ra ngoài, như vậy chúng mới chảy tràn ra được. Cô Trần nghĩ rằng cha mẹ hay giáo viên ở trường đều có một bài tập rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ, đó là dạy con trẻ và học sinh cách loại bỏ những cảm xúc tiêu cực.
Bé trai áp lực lớn hơn bé gái
Bây giờ các bậc cha mẹ chắc hẳn đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của cuốn sổ thứ hai – cuốn sổ cảm xúc. Làm thế nào để thể hiện và làm điều đó một cách cụ thể, cô Trần sẽ hướng dẫn các bạn ngay bây giờ. Điều đầu tiên là bạn phải chấp nhận nó, chấp nhận những gì con trẻ nói với bạn. Và cha mẹ nên nói thẳng với con rằng: “Cảm ơn con rất nhiều! Vì con đã kể cho cha mẹ nghe điều khiến con cảm thấy rất khó chịu.” Câu này nên nói thật rõ ràng với cháu bé. Trên thực tế, không dễ để một bạn nam, thậm chí là một bé trai nói ra như vậy!
Bạn biết đấy, đối với bé gái, hẳn là sẽ khóc lóc và kể lể những điều khó nói, nhưng với bé trai thì sao? Đúng vậy, cậu bé ngồi lên xe, điều gì cũng không chịu nói, một mực cho đến khi vào nhà mới từ từ nói.
Trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và nhận thấy rằng các bé trai, đặc biệt là khi đã trưởng thành hoặc thiếu niên, thậm chí là từ khi học lớp hai tiểu học, trên cơ bản là có áp lực lớn hơn bé gái rất nhiều. Bạn thử nghĩ xem, nếu đây là lời bé gái nói ra, phản hồi từ cha mẹ sẽ không giống bé trai. Cha mẹ thường có những phản hồi khác nhau về giới tính, với bé trai thì thường sẽ nói: “Sao con hẹp hòi thế!” “Con trai phải có chí hướng lớn lao”… Cháu bé có thể cảm thấy rất khó chịu, cho dù nước mắt sắp rơi xuống rồi nhưng vẫn phải cố gắng chịu đựng. Nhưng với bé gái thì khác, khi bé gái khóc thì sẽ có người đến an ủi. Do đó, với quan niệm rập khuôn như vậy, các bé trai sẽ chịu đựng những áp lực tương đối lớn hơn so với bé gái.
Cảm ơn và xin lỗi
Tiếp theo, cháu bé nói: “Con cũng biết là có nói với mẹ thì cũng vô ích, mẹ sẽ không mua cho con (chiếc đồng hồ như vậy).” Lúc này, cha mẹ nên đáp lại rằng: “Cảm ơn con đã rất hiểu mẹ (hoặc cha)! Chỉ là mẹ không ngờ rằng có thể mẹ đã thiếu sót chưa dạy con một vài điều khiến con không biết phải làm sao. Vì vậy, đây là lỗi của mẹ.” Nỗi đau của đứa trẻ đến từ việc bỏ sót mắt xích vô cùng quan trọng do cha mẹ chưa dạy con, chứ không phải bắt nguồn từ giá trị quan của trẻ có vấn đề. Nói cách khác, cha mẹ đang thiếu một vài mắc xích khi áp dụng giá trị quan này vào các tình huống cụ thể, vì vậy đó là lỗi của cha mẹ. Tất cả những điều này phải được nói rõ ràng, nếu không hôm nay cha mẹ mua cho con một chiếc đồng hồ phù hợp với con, vậy ngày mai con có đi so sánh những cái khác nữa không?
Ngoài ra, chúng ta còn có thể thấy một cảnh tượng trong rất nhiều sử sách và điện ảnh: Bên nào đó bị đánh tơi tả, sau đó anh em bắt đầu có cùng một kẻ địch và đánh trả lại, cuối cùng chuyển bại thành thắng.
Nhớ lại điều hạnh phúc nhất
Cha mẹ đã khẳng định trước rồi sau đó xin lỗi con trẻ. Lúc này bạn và con đã trở nên rất thân thiết và bắt đầu “cùng chung một kẻ địch,” tức là hai trái tim liên kết lại với nhau. Những cảm xúc đen tối trong lòng cháu bé đã bắt đầu được giải tỏa, đã chảy ra gần hết, lúc này bạn mới có thể bổ sung những chất dinh dưỡng vào đó.
Cách tiếp cận cụ thể tiếp theo phụ thuộc vào mối quan hệ giữa vợ và chồng trong mỗi gia đình, hoặc mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Bạn có thể hỏi trẻ: “Ở nhà thời điểm nào là lúc con hạnh phúc nhất?” Nếu trẻ không có thói quen nhớ về những chuyện này cũng không sao, nhưng cha mẹ nhất thiết phải có những kỷ niệm này. Bạn có thể kể cho trẻ nghe những điều vui vẻ đã xảy ra ở nhà, chẳng hạn như nhìn thấy những điều khiến con hạnh phúc nhất, bạn hãy kể lại cho trẻ nghe. Bởi vì chắc chắn một điều rằng mọi thứ diễn ra vào thời điểm đó đều không thể mua được bằng tiền.
Tôi tin rằng những người từng trải trong cuộc sống sẽ đồng ý với tôi. Dù là bữa cơm mẹ nấu ở nhà và hôm đó mẹ rất chu đáo, cha cũng phụ giúp nên cả nhà có một bữa tối vui vẻ bên nhau. Hoặc là một ngày nào đó cả gia đình cùng nhau chơi trốn tìm, hay chơi đùa rất vui vẻ trong công viên.
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ