Một nữ tu bị bắt cóc phải trả bao nhiêu?
Giống như các quốc gia khác, Tòa thánh thường xuyên trả các khoản tiền chuộc để trả tự do cho các con tin, linh mục hoặc nữ tu. Nhưng đây có phải là chiến lược tốt nhất? Điều gì sẽ xảy ra nếu “phi chính trị hóa” các vụ bắt cóc bằng cách giao cho các tổ chức phi chính phủ giải quyết để có thể trả ít hơn không?
la-croix.com, Jean-Pierre Denis, nhà văn và nhà báo. Giám đốc Văn hóa & Tôn giáo nhà xuất bản Bayard
Tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô chào nữ tu người Colombia vừa được trả tự do sau mấy năm bị cầm tù ở Mali, trong tay các kẻ khủng bố hồi giáo. Cảnh ngày 10 tháng 10 năm 2021 thật xúc động. Nhưng nữ tu Gloria Cecilia Narvaez đã thoát tay những kẻ bắt giữ sơ như thế nào? Manh mối câu hỏi mà không ai dám đặt lại đến từ người mà gần như mọi người không thể tin. Trong phiên tòa thối hoắc, hồng y Becciu, từng là hồng y phụ tá Quốc vụ khanh bị buộc tội tham nhũng, khẳng định Vatican đã trả khoảng một triệu âu kim và giáo hoàng đã biết chuyện này.
Đúng hay sai ? Khẳng định của hồng y Becciu có thể chấp nhận. Trong một thời gian rất dài, các tổ chức công giáo được huy động để giải thoát những người bị bắt, đặc biệt những người bị cướp biển vùng Bác-ba-ri bắt ở Maghreb. Các dòng cứu chuộc như Dòng Chúa Ba Ngôi, Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi được thành lập để làm việc này. Vì thế đã có tập tục chuộc con tin từ hàng thế kỷ.
Thói quen của những tình huống tế nhị
Từ đó, chính sách ngoại giao của Tòa Thánh đã quen với những tình huống tế nhị. Các giáo hoàng tuyên bố nói chuyện với mọi người và các nhà ngoại giao của Vatican có đường đi vào hầu như ở mọi nơi. Các dịch vụ của họ được nhờ đến cũng nhờ họ biết cách làm, đặc biệt trong lĩnh vực bắt cóc. Thông tin lượm lặt được từ các tin tức gần đây chứng thực cho điều này. Ông Roger Carstens, đặc phái viên của Joe Biden về các vụ bắt cóc dừng chân ở Vatican tháng 9 năm 2022. Tương tự như vậy, tháng 1 năm 2023, chính phủ Israel xin Rôma giúp trả tự do cho ông Avera Mengistu bị Hamas bắt giam ở Gaza từ năm 2014. Ngay trước lễ Giáng sinh, gia đình của ông đã được Đức Phanxicô tiếp.
Cũng cần phải nói thêm, các vụ bắt cóc các linh mục và nữ tu là phổ biến, từ Trung Đông đến Châu Mỹ Latinh qua châu Phi. Và rất may mắn, đa số đều được giải thoát. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, sẽ không được thả nếu không có tiền chuộc. Cho dù họ là mafia, khủng bố, chính trị mơ hồ, nửa-bê tha, nửa-ý thức hệ, các vụ bắt cóc hoạt động như cái chợ. Trừ khi can thiệp theo kiểu đặc công, còn không thì phải trả tiền.
Nhượng bộ trước vụ tống tiền
Nhưng giải cứu phải nhờ đến nhượng bộ có đạo đức không? Trong một quyển sách có lập luận chặt chẽ, Tiền chuộc khủng bố (La Rançon de la terreur, nxb. PUF), ông Étienne Dignat, một chuyên gia về đạo đức chiến tranh đã nói về một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi các quốc gia đối diện với việc một công dân của họ bị bắt cóc. Nó đơn giản nhưng không thể hiểu được: “Trả tiền chuộc để giải cứu, hoặc đứng vững trước chủ nghĩa khủng bố.” Cho dù họ là nữ tu hay linh mục, binh lính, doanh nhân hay khách du lịch thì tình hình cũng không thay đổi đáng kể. Chỉ có hai cách tiếp cận có thể và cả hai đều gây tranh cãi.
Giải pháp đầu tiên là “đạo đức”. Nếu “con người tự nó là cứu cánh, thì con người có phẩm giá tuyệt đối”. Chúng ta phải cứu con tin bằng mọi giá. Đây là thông lệ không chính thức của Pháp, Tây Ban Nha, Ý hoặc Đức, ủng hộ cái mà ông Etienne Dignat gọi là cái nhìn “đoàn kết”.
Một cách tiếp cận mới
Thứ hai, được mô tả là “thuyết hệ quả” chú ý đến hậu quả của sự can thiệp có thể xảy ra. Người ta sợ các khoản thanh toán tạo ra động cơ làm gia tăng các vụ bắt cóc và củng cố các tổ chức khủng bố. Vì thế người Mỹ và người Anh lựa chọn cách tiếp cận hy sinh, dẫn đến cái chết của con tin trong đa số trường hợp. Nó cũng làm gia tăng tiền chuộc, qua các vụ hành quyết trên phương tiện truyền thông làm tăng nỗi sợ hãi, như vụ nhà báo Mỹ James Foley bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan chặt đầu một cách dã man.
Làm thế nào để giải thoát? Chính xác, có phương pháp và có sư phạm, ông Étienne Dignat đưa ra cách thứ ba. Ông gọi đó là “phương pháp trao quyền” và dành phần cuối cùng và sáng tạo nhất trong quyển sách của ông để nói về phương pháp này. Theo ông, bản thân những vụ bắt cóc không phải là công việc của Quốc gia, thậm chí cũng không phải là công việc của các Quốc gia hay công việc mà các Quốc gia làm một cách có hiệu quả nhất. Trên thực tế, nếu các chính phủ muốn biến nó thành đặc quyền chủ quyền của mình, là để thể hiện hoặc khôi phục quyền lực đang bị thách thức của họ, chứ không phải vì mục đích hiệu quả.
Chỗ đứng của Giáo hội
Khi các chính phủ tham gia, những kẻ bắt cóc có thể mong đợi thu được “nhiều tiền hơn và còn hơn cả nhiều tiền”, dưới hình thức nhượng bộ chính trị hoặc cố gắng tống tiền nhiều hơn bằng cách ngụy trang các hoạt động tội ác là khủng bố. Vì thế, vấn đề là “phi chính trị hóa” các vụ bắt cóc để làm cạn kiệt một phần thị trường khủng bố. Tác giả lập luận, các Quốc gia có “trách nhiệm tiêu cực” trong việc ngừng can thiệp vào các cuộc mặc cả. Họ phải học cách “ủy nhiệm”. Chúng ta không còn cấm trả tiền chuộc, chúng ta cũng không từ chối, nhưng chúng ta điều chỉnh nó, như phụ đề đưa ra, “kiểm soát thị trường con tin”.
Theo logic này, “các công ty, cá nhân hoặc công ty bảo hiểm được đặt ở tuyến đầu vì lợi ích của hoạt động nhượng bộ thuê bên ngoài”. Logic bảo hiểm, đã được thử nghiệm bởi các công ty lớn, gồm một phần là để phòng ngừa, một phần khác là để quản lý thảm họa. Dĩ nhiên nhà nước vẫn chịu trách nhiệm về quy định và trên hết là truy tìm tội phạm. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể được chấp nhận, đặc biệt là để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, những người không có một công ty đa quốc gia đứng sau họ để có thể đưa ra chính sách bảo hiểm chống bắt cóc. Cách tiếp cận của ông Étienne Dignat là “tự do” mà ở Pháp thường bị xem như một từ bẩn thỉu. Nhưng về cơ bản, chẳng phải các dòng cứu chuộc trong quá khứ đã đóng vai trò trung gian chuyên nghiệp, kín đáo và thực dụng đó hay sao?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch