Andrea Tornielli: Chúng ta không bao giờ biết Chúa Giêsu cho đủ
Nhà báo người Ý xuất bản quyển sách “Cuộc đời Chúa Giêsu”, một câu chuyện nổi tiếng được Đức Phanxicô, người ông rất gần viết lời nói đầu. Bài phỏng vấn. Nhà xuất bản Cerf vừa phát hành quyển sách Cuộc đời Chúa Giêsu ấn bản tiếng Pháp của tác giả Andrea Tornielli, nhà báo, nhà vatican học. Ông làm việc cho nhật báo Ý La Stampa trong nhiều năm, tác giả của nhiều quyển sách về lịch sử Giáo hội và tiểu sử các giáo hoàng, bạn thân của Đức Phanxicô, hiện là giám đốc biên tập của các phương tiện truyền thông, đài phát thanh, truyền hình, bài viết được phát hành trên toàn thế giới.
Ấn bản tiếng Pháp Cuộc đời Chúa Giêsu ra mắt ngày 9 tháng 2 tại Pháp, với số lượng 20.000 bản. Với phong cách nhiều màu sắc, đúng là sách như một kỹ thuật phim màu, technicolor, các cảnh trong Phúc âm được tác giả dựng lên từng chi tiết, các đoạn trong sách thánh và các lời bình luận của Đức Phanxicô. Ông Jean-François Colosimo, sử gia tôn giáo và là ông chủ nhà xuất bản Cerf tuyên bố: “Không ai thực sự còn biết Chúa Giêsu là ai nữa. Người ta nói về một Chúa Giêsu do thái, Chúa Giêsu hồi giáo hay Chúa Giêsu phật giáo, nhưng ngày càng ít nói về Chúa Giêsu của các phúc âm kitô giáo. Với quyển sách này, độc giả bước vào cuộc đời của Chúa Kitô như đi vào một quyển tiểu thuyết. Đọc dễ dàng đến mức nó sẽ thu hút độc giả như Stephen King đã lôi cuốn độc giả với Harlequin của ông.”
Nhà văn Andrea Tornielli lấy cảm hứng từ các bản văn Kinh thánh, các bài giảng của giáo hoàng cũng như quyển sách Cuộc đời Chúa Giêsu sâu sắc và tinh tế của nhà văn công giáo François Mauriac, mà ở cuối lời nói đầu của ấn bản đầu tiên, ông đã nhắc lại câu nói của những người lính canh mà các giáo hoàng đã khiển trách vì đã không đặt tay trên Chúa Giêsu: “Chưa bao giờ có một người nào nói như người này.”
Vì sao ông kể lại cuộc đời Chúa Giêsu?
Andrea Tornielli: Vì chúng ta không bao giờ biết đủ về Chúa Giêsu. Vậy mà Chúa Giêsu lại hiện diện trong cuộc sống của mọi người. Khi chúng ta viết một bức thư hoặc một e-mail, chúng ta ghi ngày tháng bằng cách đếm số năm kể từ ngày Chúa giáng sinh. Tất cả chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc khi nhận quà Giáng sinh, hoặc ngủ nướng thêm một chút sáng chúa nhật, dù chúng ta không tin vào Chúa. Chúa Giêsu tiếp tục tác động đến cuộc sống chúng ta, nhưng ngày càng có nhiều người không nhận thức được ảnh hưởng của Ngài với nền văn hóa và xã hội chúng ta.
Cuộc đời của Chúa Giêsu “của ông” khác với cuộc đời của những người viết tiểu sử khác như thế nào?
Sự khác biệt lớn là tôi xen vào văn bản cổ điển của các sách Phúc âm, những bình luận ngắn gọn từ giáo hoàng và thành quả của trí tưởng tượng của tôi. Ba phần phù hợp với nhau trong một câu chuyện duy nhất và dễ tiếp cận, nhưng chúng khá khác biệt, cho phép độc giả nắm bắt được sự khác biệt. Tất cả mọi thứ được xây dựng thành một câu chuyện duy nhất, đọc dễ dàng.
Đâu là nguồn cảm hứng của ông?
Tôi đã đọc nhiều sách về cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng đặc biệt là quyển sách cơ bản của cha xứ Ricciotti xuất bản vào những năm 1940, tái tạo lại cuộc đời của Chúa Giêsu không chỉ từ quan điểm lịch sử mà còn từ quan điểm khảo cổ học và chú giải. Tôi cũng cảm hứng từ quyển sách Cuộc đời Chúa Giêsu của tác giả François Mauriac, trong đó tôi mượn đoạn văn viết về các Mối phúc và suy tư của linh mục thần học gia Thụy Sĩ Maurice Zundel, ngài nhấn mạnh và theo tôi, đó là đoạn văn đưa ra định nghĩa về kitô giáo phù hợp nhất, trước hết đó là cuộc gặp với một con người, chứ không phải với một học thuyết hay một triết lý.
Đó là ba quyển sách quan trọng vì chúng nắm bắt được toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu. Nhưng đó là bài bình luận thần học, cho phép chúng ta đi vào sự hiện hữu của Chúa Giêsu. Quyển sách của tôi ở mức độ thấp hơn. Tôi không tìm cách làm một công trình thần học, mà chỉ muốn kể câu chuyện cuộc đời của Chúa Giêsu.
Đức Phanxicô viết lời nói đầu mạnh mẽ cho quyển sách của ông, và những suy tư của ngài xuyên suốt văn bản. Một số người nói chính ngài nhờ ông viết quyển này…
Chuyện không phải như vậy. Trong thời gian khủng hoảng Covid, trong lần cách ly đầu tiên, mỗi buổi sáng Đức Phanxicô dâng thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Marta và được trực tiếp truyền hình, ngài chú giải cuộc đời Chúa Giêsu trong nhiều bài giảng khác nhau, như ngài vẫn làm kể từ đầu triều của ngài. Những bài giảng tự phát, xuất phát từ trái tim, không phải là bài diễn văn nên có nhiều tác động. Một hôm, một người bạn là linh mục gọi cho tôi và nói: vì sao anh không kể lại cuộc đời Chúa Giêsu qua các lời bình luận của giáo hoàng, dùng các bài giảng của ngài? Đây là cách ý tưởng được sinh ra.
Những nguồn nào ông đã dùng để kể cuộc đời Chúa Giêsu?
Tôi đã viết nhiều tác phẩm về tính lịch sử của các sách Phúc âm; và một khảo sát lịch sử về sự ra đời và phục sinh. Tôi đã đọc rất nhiều về chủ đề này nên đã giúp tôi nhiều để viết câu chuyện này. Từ đó tôi vào trọng tâm những cảnh trong Tin Mừng, cố gắng đặt mình vào vị trí của một nhân chứng kể lại những gì họ thấy, bằng cách mô tả càng sát càng tốt những cảnh sinh hoạt hàng ngày, họ ăn gì, mặc gì… Ngay cả những tên tôi dùng cũng gần nhất có thể với những tên của những người cùng thời.
Với ông, Chúa Giêsu là ai?
Tất nhiên, đó là Thiên Chúa nhập thể, Đấng bao gồm nhân tính trong con người của Ngài ở đỉnh cao. Chúng ta có thể nhìn thấy ở Ngài một nhân tính trọn vẹn, hoàn tựu. Đặc điểm của Chúa Giêsu trong mối quan hệ với người khác là để cho thực tại chạm đến mình, kể cả để cho chính mình bị tổn thương vì nó. Ngài không thờ ơ trước đau khổ của người khác. Như chúng ta thấy trong cảnh ở thành Naim. Chúa Giêsu dẫn môn đệ đi vào thành và Ngài đi ngang qua một đám tang. Một người phụ nữ góa chồng đưa con trai duy nhất của bà về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là một đám tang đầy đau khổ và nước mắt, rời thành phố để chôn đứa con. Hai nhóm chạm nhau. Chúa Giêsu nhìn người phụ nữ này, Ngài xúc động vì nỗi đau của người góa phụ, Ngài đến gần và làm cho con bà sống lại. Đức Phanxicô nhấn mạnh, trong các sách Tin Mừng, cái nhìn quan trọng hơn là lời nói.
Không phải chúng ta đã biết mọi thứ về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô sao?
Mỗi lần đọc lại Tin Mừng, chúng ta dừng lại ở một điều gì đó mới mẻ đang thách thức chúng ta. Chẳng hạn khi viết quyển sách này, tôi nhận ra sự vĩ đại của viên đại đội trưởng la-mã. Ông là người tốt, ngoại giáo, được các nhà chức trách tôn giáo của Capharnaum đánh giá cao. Mọi người vào thời điểm đó đều muốn đón Chúa Giêsu Kitô vào nhà họ. Và người đàn ông này, dường như rất xa cách với Chúa đã nói một câu cơ bản mà ngày nay được lặp lại trong tất cả các cử hành phụng vụ: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Và Chúa Giêsu ngạc nhiên, Ngài nói với các môn đệ: “Ta chưa bao giờ thấy ai có đức tin mãnh liệt như người này.” Vậy mà ông là người ngoại đạo.
Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn về tính xác thực của những câu chuyện này?
Không ai còn nghi ngờ Chúa Giêsu đã tồn tại. Hiện nay có một số nguồn bên ngoài các sách Phúc âm hỗ trợ thực tế này. Sau đó, việc tin Chúa Giêsu là con Đức Chúa Trời lại là một chuyện khác. Các thánh sử viết Phúc âm đi theo Ngài bằng con mắt đức tin. Trở thành một phần của câu chuyện này không có nghĩa là chúng ta kém khách quan hơn. Kitô giáo là một sự kiện nối liền với lịch sử thế giới. Mỗi chúa nhật, ở mọi nơi trên thế giới, người công giáo đọc Kinh Tin Kính, là một tổng hợp ngắn gọn về những gì họ tin. Và từ niềm tin này xuất hiện một cái tên, quan tổng trấn Philatô, một người ít được biết đến trong vùng Giuđê. Ông có một liên kết rất mạnh với lịch sử của thời điểm đó. Vì thế cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô có một liên hệ với không gian và lịch sử chính xác và không thể nghi ngờ. Những khám phá về khảo cổ học và lịch sử không phủ nhận lời tường thuật của Phúc âm.
Ông là người gần gũi với Đức Phanxicô, ông tìm thấy gì nơi ngài về Chúa Giêsu Kitô?
Tôi biết hồng y Bergoglio năm 2005, tôi chạy theo ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô để tặng ngài một trong những cuốn sách của tôi. Điều làm tôi ấn tượng nhất lúc đó là sự gần gũi của ngài với mọi người và lòng thương xót của ngài. Về điểm này, ngài là môn đệ xứng đáng của Chúa Giêsu. Thông điệp quan trọng nhất trong triều Đức Phanxicô là nói với mọi người, có một Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đang chờ chúng ta để ôm chúng ta trong vòng tay Ngài và tha thứ cho chúng ta.
Làm thế nào để ông đến gần với giáo hoàng?
Tôi biết ngài trước khi ngài là giáo hoàng. Vì vậy, khi cần, ngài gởi các tờ giấy viết tay, được một trong các thư ký của ngài chụp lại và gởi cho tôi qua e-mail. Hoặc ngài gọi cho tôi, ngài luôn dùng điện thoại bàn, không bao giờ ngài dùng điện thoại di động.
Ngài có thay đổi khi ngài là giáo hoàng không?
Tôi thấy không có khác biệt trong mối quan hệ cá nhân giữa tôi và ngài. Nhưng trong tiếp xúc với mọi người là có thay đổi, chắc chắn. Khi còn là hồng y, ngài là người rất dè dặt. Ngài đã biến đổi khi là giáo hoàng.
Bây giờ ngài như thế nào?
Chúng ta biết ngài bị đau đầu gối, ngài đi lại khó khăn. Nhưng ngài tiếp tục hoàn thành chức vụ của ngài, lên kế hoạch cho những chuyến đi, nghĩ về tương lai. Tôi có thể đảm bảo với ông, ngài sẽ đi trọn con đường. Sự chú ý của thế giới đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, nhưng ngài chuyển sự chú ý sang những cuộc xung đột đã bị lãng quên, đặc biệt là ở Nam Sudan, nơi tôi đã đi theo ngài gần đây.
Ông có sẽ nói, như một số người ở Rôma nói, rằng sự ra đi của Đức Bênêđictô XVI sẽ làm cho Đức Phanxicô được tự do hơn không?
Không. Đức Bênêđictô XVI không bao giờ là một gánh nặng, mà đúng hơn là một trợ giúp. Ngài là người hiện diện, ngài không chống đối. Năm 2013, trong một phỏng vấn trên máy bay, Đức Phanxicô đã nói về ngài như người ông chúng ta có trong nhà. Phải nhìn nhận mối quan hệ của họ như vậy.
Giáo hội Công giáo có thể làm gì để thoát khỏi cuộc khủng hoảng cấu trúc mà Giáo hội đang sa lầy?
Sự kiện gặp Chúa Giêsu vẫn là giải pháp cho mọi vấn đề của Giáo Hội, quá khứ, hiện tại và tương lai. Lịch sử đã trải qua những giai đoạn khó khăn hơn nhiều. Hồng y Consalvi là hồng y Quốc vụ khanh vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội dưới thời Đức Piô VII, khi được tin Napoléon muốn tiêu diệt Giáo hội, ngài đã vặn lại: “Ông sẽ không bao giờ thành công, chúng ta, chúng ta đã không đến đó trong suốt thời gian này, dù chúng ta tội lỗi, dù các tai tiếng của chúng ta.” Câu này đã được hồng y Ratzinger, trước khi là giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc lại năm 2000, khi trình bày việc thanh tẩy ký ức được Đức Gioan Phaolô II yêu cầu, cụ thể là lời xin tha thứ cho mọi tội lỗi giáo dân đã phạm trong suốt lịch sử. Có cần nhắc lại điều gì đã duy trì Giáo hội không thuộc thứ trật loài người không?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch