Mẹ Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả: Hai cách trở thành Kitô hữu
Mẹ Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả: Hai cách trở thành Kitô hữu
Có hai cách cơ bản để gặp được Lời Chúa.
Cách đầu tiên là tiếp nhận Lời Chúa. Cách thứ hai là chia sẻ Lời Chúa. Mẹ Maria là gương mẫu cho cách đầu tiên; Thánh Gioan Tẩy giả là gương mẫu cho cách thứ hai. Giáo Hội đặt hai nhân vật này trước mặt chúng ta như những tâm điểm của việc chiêm ngắm.
Chúng ta đến được với đức tin vào Chúa Kitô nhờ việc lắng nghe lời Ngài, như Thánh Phaolô nói trong Rôma 10:17: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô.” Theo nghĩa này, Đức Maria là Kitô hữu nguyên mẫu: đức tin của Mẹ có được nhờ việc lắng nghe lời Chúa, như được sứ thần Gabriel truyền tin: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà…Nghe lời ấy, bà rất bối rối…Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa…Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”…Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Luca 1: 28,30, 35,38).
Thời điểm quyết định của Mẹ không phải trong khi Mẹ đọc Kinh thánh, khi Mẹ lãnh nhận một bí tích, hoặc khi Mẹ gặp gỡ một Kitô hữu khác. Mẹ chỉ có lời của Thiên Chúa.
Thoạt tiên, Mẹ Maria “bối rối”, thậm chí có thể sợ hãi trước lời chào của sứ thần. Khi chúng ta đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta muốn tập trung chú ý đến phần này. Chúng ta muốn bỏ qua phần Mẹ Maria đáp lại lời mời gọi thánh thiêng này với lời xin vâng hết lòng! Nhưng phản ứng ban đầu của Mẹ là điều kiện tiên quyết cho những gì tiếp sau. Mẹ Maria phản ứng như bất kỳ con người nào trước những lời như vậy – như tác giả này lưu ý. Chính con người đích thực của Mẹ đã làm cho sự đồng ý của Mẹ trở nên đáng giá như vậy.
Điều quan trọng là Mẹ Maria vẫn mở lòng đón nhận lời Chúa. Mẹ không quay vào trong bản thân mình. Mẹ không khép kín tâm trí hoặc con tim của mình khi nghe thấy thông điệp của sứ thần. Sau đó khi Mẹ cất tiếng nói, Mẹ đã sẵn sàng chấp nhận lời Chúa rằng Mẹ sẽ sinh một người con. Mẹ chỉ đặt câu hỏi “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào”, vì Mẹ là một trinh nữ “không biết đến việc vợ chồng!” (Luca 1: 34)
Sự đồng trinh tuyệt đối của Đức Maria hóa ra là một điều kiện thiết yếu cho vai trò của Mẹ trong công cuộc Nhập thể. Rốt cuộc đó là dấu hiệu cho thấy sự đón nhận trinh trong của Mẹ đối với Thiên Chúa. Như Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ đã từng nhận xét, việc Mẹ đón nhận cưu mang Thiên Chúa Nhập Thể bắt nguồn từ sự cởi mở của Mẹ với lời Chúa. “Mẹ Maria đón Chúa Thánh Thần vào trong chính mình. Sau khi trở thành người lắng nghe thuần khiết, Mẹ hoàn toàn tiếp nhận Lời Chúa đến nỗi Lời đó trở nên xác thịt trong Mẹ” (Joseph Cardinal Ratzinger & Hans Urs von Balthasar, Mary: The Church at the Source – Maria: Hội Thánh Nơi Nguồn Cội, Dịch giả sang tiếng Anh: Adrian Walker, Nhà xuất bản: Ignatius Press, 2005, trang 190 và tiếp theo).
Là “người chỉ lắng nghe”, Mẹ Maria là một hình mẫu về ý nghĩa của việc trở thành Kitô hữu. Chúng ta cũng phải đón nhận Lời Thiên Chúa một cách trọn vẹn để lời Chúa “thấm nhậpvào máu thịt” của chúng ta.
Nhưng có một cách thứ hai. Sau khi đón nhận Lời của Thiên Chúa, Tin Mừng, chúng ta phải công bố Lời đó. Điều này được thể hiện qua hình ảnh của Gioan Tẩy giả. Giống như Mẹ Maria là “người chỉ lắng nghe”, Gioan Tẩy giả trở thành “chỉ là tiếng nói.” Chúng ta hãy lắng nghe Ông tự nhận mình như thế nào khi bị các thầy tư tế và Lêvi chất vấn:
“Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? ” Ông nói: Tôi là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Thiên Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.” ( Gioan 1: 22-23).
Câu trả lời của Gioan quá quen thuộc với chúng ta đến nỗi chúng ta thường không nhận ra nó kỳ quặc đến mức nào. Hãy nghe lại những gì ông nói: Tôi là tiếng hô trong hoang địa. Để ý những gì ông không nói. Ông không tự nhận mình là “một người đang hô trong sa mạc.” Một lần nữa, ông không phải là “một người trong sa mạc cất lên tiếng hô.” Không phải thế, ông chỉ là tiếng hô.
Giống như Mẹ Maria “chỉ là người lắng nghe”, Gioan Tẩy giả “chỉ là tiếng nói.” Đối với Mẹ Maria, sự đón nhận Thiên Chúa cách triệt để đã khẳng định con người của Mẹ sâu xa đến mức Thiên Chúa “đã mặc lấy xác thịt” trong Mẹ. Tương tự đối với Gioan Tẩy giả cũng như vậy, việc công bố Lời Chúa đã làm tiêu hao toàn bộ con người của ông, thế chỗ cho sự hiện hữu của cá nhân ông: “Tôi là tiếng nói của một người đang hô to.” Tiếng nói của ông, công bố lời tiên báo của Thiên Chúa, mới là điều quan trọng. Còn cá nhân ông – “một người hô to” – chỉ là thứ yếu.
Như chính Gioan đã nói, “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Gioan 3:30). Đối với Gioan, ông đã làm hết sức mình tất cả những việc đó. Mẹ Maria cũng khẳng định cùng một thực tại: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa” — chứ không phải, Chúa đã ngợi khen tôi (Luca 1:46).
Điều này đã trở thành khuôn mẫu cho tất cả các Kitô hữu sau này. Hãy lắng nghe những gì Phaolô nói trong Galát 2:20, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” Và, giống như Gioan Tẩy giả, Phaolô là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất. Ngay cả Mẹ Maria cũng là một nhà thuyết giáo tầm cỡ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Luca 1:49).
Chúng ta cần có cả hai cách thức để đáp lại sứ điệp Tin Mừng: tiếp nhận và công bố. Giống như Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi trở nên “chỉ là người lắng nghe” thế thôi, và giống như Gioan Tẩy giả, chúng ta trở thành “chỉ là tiếng nói” cất lên trong sa mạc vì Chúa Kitô.
Stephen Beale
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
từ catholicexchange.com.