Đức Hồng y Zenari: Thảm trạng Syria bị quên lãng
Đức Hồng y Zenari: Thảm trạng Syria bị quên lãng
Đức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Damasco tố giác rằng thảm trạng tại Syria bị quên lãng, trong khi dân chúng tại đây tiếp tục chịu đau khổ. Đây là thảm trạng trầm trọng nhất do con người gây ra từ sau Thế chiến thứ hai.
Photo: Vatican News
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài truyền hình Telepace ở Ý, hôm 28 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Hồng y Zenari kể rằng: “điều đầu tiên mà nhiều người dân ở Syria này, nhất là những người trẻ, xin tôi là giúp đỡ để họ xuất cư. Họ không thấy tương lai tại nước này: họ chỉ thấy tối tăm, lạnh lẽo, những người xếp hàng trước các tiệm bán bánh, với giá do nhà nước kiểm soát”. Điều kiện sinh sống tại đây thật là ở mức tối thiểu để sống còn; đối với đại đa số dân chúng, với bao nhiêu gia đình Syria, giải pháp duy nhất là ra đi.
Đức Hồng y cũng nói rằng: “Bao nhiêu người mới đây đã ra đi Âu châu, nhưng giờ đây họ bị kẹt lại ở Ucraina. Chưa hết, tôi được biết từ những nguồn trực tiếp, đó là các gia đình trả 20.000 Mỹ kim cho những kẻ buôn người để được tới Âu châu. Thật là một số tiền khổng lồ đối với mức sống tại Syria này. Họ phải bán ít tài sản mà họ có, mang công mắc nợ, rồi rốt cuộc phải trở lại đây”.
Sau 11 năm chiến tranh, Syria vẫn còn bị Mỹ và Âu châu cấm vận, với lý do để chống Tổng thống Assad được Nga ủng hộ.
Theo Đức Hồng y Zenari, có nguy cơ Syria bị quên lãng: từ hai, ba năm nay những tin tức về Syria không còn được các cơ quan truyền thông nói tới và thế là tiếng kêu đau khổ của bao nhiêu anh chị em chúng ta diễn ra trong im lặng. Đức Hồng y cho biết để thoa dịu phần nào đau khổ, có những đồ cứu trợ được chuyển tới dân chúng qua trung gian của Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Damasco. Và ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với bao nhiêu người Samaritano nhân lành: “trong số họ, không phải chỉ có những người khá giả nhưng cả những người kém hơn. Tôi cảm động vì lòng quảng đại của họ. Đó là những giọt nước hoặc những vòi nước nhỏ trong sa mạc. Chúng tôi tìm cách gia tăng những vòi nước ấy, nhưng cần cộng đồng quốc tế mở ra một con sông cứu trợ cho Syria”.
Đức Hồng y Zenari nhắc lại rằng theo các chuyên gia, cần ít nhất 400 tỷ Mỹ kim để khởi sự công trình tái thiết, điều chỉnh lại kinh tế và mang lại hy vọng cho dân Syria”.
(Vatican News 29-12-2021)
- Trần Đức Anh, O.P