Lúa tốt và cỏ dại
Lúa tốt và cỏ dại
Sự khôn ngoan của nước Trời
Kinh nghiệm nhà nông dạy rằng, công cấy công bỏ, công làm cỏ công ăn. Người nông dân phải chăm chỉ nhổ cỏ dại để có thể thu hoạch lợi tức. Trong đời sống xã hội cũng thế, muốn cộng đồng được an lành và phát đạt, chúng ta phải loại trừ tội ác và thanh trừng kẻ xấu. Đây là những suy tính rất thông thường, nhưng trong trật tự nước Trời, Chúa dạy chúng ta không được hành xử như thế. Hãy để cả lúa và cỏ lùng cùng mọc lên. Đến mùa gặt, ông chủ sẽ nhổ cỏ dại đem đi đốt, còn lúa tốt thì thu vào kho. Làm nghề nông chẳng ai thực hành như thế bao giờ. Tuy nhiên, Chúa lại muốn chúng ta ứng dụng theo sự chỉ dẫn khôn ngoan của Ngài. Sự khôn ngoan của nước Trời khác xa với sự toan tính khôn khéo theo kiểu cách thế gian.
Để minh họa thêm cho sứ điệp trên, Giáo hội giới thiệu thêm cho chúng ta một đoạn trong sách Khôn ngoan được đọc lên trong bài đọc 1 của phụng vụ hôm nay. Tác giả nêu bật phẩm tính khoan hậu và lòng từ bi của Thiên Chúa. Ngài luôn khơi dậy nơi con người niềm hy vọng vì được tha thứ. Tác giả viết : “Chúa xử khoan hồng, vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con. Làm như vậy, Chúa dạy chúng ta rằng, người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài cho con cái niềm hy vọng, vì người có tội được Ngài ban ơn sám hối”. Dụ ngôn ‘lúa tốt và cỏ lùng’ trong bài Tin mừng cũng mang chở sứ điệp tương tự như vậy. Thiên Chúa là đấng khoan dung luôn kiên nhẫn đợi chờ tội nhân quay đầu trở về.
Đừng vội kết án
Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta dễ có khuynh hướng thích kết án người khác, nhất là khi thấy những tội công khai sờ sờ trước mắt. Đây là một lề thói tự nhiên nơi bất cứ một tổ chức xã hội nào. Nhưng, Chúa Giêsu thì khác. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và cả đám đông trên tay mỗi người nắm chặt một hòn đá để toan tính ‘xử đẹp’ chị ta. Chúa Giêsu vẫn lặng lẽ cúi xuống viết trên đất. Ngài nhắc nhở thân phận tội lỗi nơi mọi người và đừng vội kết án tha nhân. “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc ném đá chị ấy đi”. Người còn nhẹ nhàng nói với chị “Tôi không kết án chị đâu. Hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8,6 ). Lòng khoan dung của Thiên Chúa là đặc nét nổi bật nói lên lòng thương xót vô điều kiện nơi Ngài. Chúa ghét cay ghét đắng thói vạch lá tìm sâu, bới tìm những cỏ lùng để bứng tận gốc và hay kết tội người khác. Thói xấu này phát xuất từ sự cao ngạo, coi mình là chuẩn mẫu để đánh giá anh chị em mình. Thánh Gia-cô-bê cũng dạy chúng ta: “Anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu và xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán lề luật. Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn bạn là ai mà dám xét đoán người thân cận” (Gc 4,11-12).
Có một giai thoại trong cuộc đời của thánh Đa-minh. Khi Ngài lâm trọng bệnh, các anh em trong cộng đoàn đến thăm. Ngài nói với mọi người : “Tôi không hiểu sao Thiên Chúa lại không cho lửa xuống thiêu rụi thành này vì ở đấy có một người tội lỗi xấu xa quá sức tưởng tượng”. Các anh em tu sĩ hỏi Ngài : “Thưa Cha, xin Cha cho chúng con biết người đó là ai, để chúng con cầu nguyện cho anh ta và đến khuyên bảo, giúp anh ta ăn năn sám hối”. Cha Đaminh thở dài và nói: “Người đó chính là tôi đây. Bởi vì tôi đã nhận biết bao ơn lành của Chúa mà tôi vẫn còn đầy những tội lỗi xấu xa. Tôi là tội nhân đáng ghét nhất”.
Sự khiêm tốn luôn đi đôi với lòng nhân hậu và sự khoan dung. Đức Giêsu đã khiêm tốn hạ mình cho đến chết và chết trên Thập gía. Đây là cách diễn bày lòng thương xót trọn vẹn nhất. Trong 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu không bao giờ kết án một ai. Ngài cận kề và đồng bàn với cả những tay thu thuế, bọn đĩ điếm hay phường trộm cướp. Ngài còn trực tiếp phong thánh cho một tên cướp chuyên nghiệp khi anh ta cùng bị đóng đinh trên thập giá, nhưng đã tín thác vào lòng thương xót của Ngài. Chúa không kết án những người có tội, song Ngài kịch liệt chỉ trích những biệt phái giả hình, những con người tự mãn về mình nhưng lại cứ hay kết án người khác.
Kiên nhẫn và nhân hậu trong sứ vụ giáo dục
Giáo dục là một nghệ thuật. Nghệ thuật ấy đòi hỏi sự kiên trì và tấm lòng bao dung. Suốt 40 năm trường ròng rã trong sa mạc, dân Do Thái đã được Chúa dạy dỗ và uốn nắn qua những thử thách, đồng thời Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn lấy tình cha mà sửa dạy họ. Người được giáo dục phải mở rộng cõi lòng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Trong thư gửi tín hữu Rôma được trình bày trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phao-lô đã nhắc lại điều kiện quan trọng này. Về phía nhà giáo dục, chúng ta cần phải noi gương Chúa Giêsu và thực thi những quy tắc mà bài Tin Mừng hôm nay nêu ra. Nhà giáo dục cần kiên nhẫn, chớ vội vã nhổ cỏ lùng để cho lúa tốt được phát triển. Thánh Phanxicô Salê, vị tiến sĩ Đức Ái đã đặt đức ái như quy chuẩn đầu tiên cho việc giáo dục. Có một lần, nơi giáo xứ Ngài phụ trách có một thanh niên tổ chức đánh bài ăn tiền ở nhà. Sợ hàng xóm dòm ngó, chủ nhà dọn chiếu bạc lên trên gác. Mải mê trong cuộc đỏ đen để sát phạt nhau, chủ nhà trượt chân ngã xuống đất và bị què. Với tấm lòng mục tử, Thánh Phanxicô Salê đã đến nhà để thăm hỏi. Sợ chàng thanh niên xấu hổ, Ngài không hề chửi mắng hay la rầy. Trước khi ra về, thánh nhân chỉ nhẹ nhàng nói : “Con hãy cẩn trọng, lần sau có đánh bài, con hãy ngồi dưới đất mà đánh, kẻo lại trượt chân và bị què tiếp”. Về đến nhà, người đệ tử đi theo Cha thánh mới hỏi Ngài: “Sao Cha lại khuyên người ta như thế, cứ tiếp tục đánh bài mà ngồi ở dưới đất”. Vị thánh mới từ tốn giải thích: ‘Sửa chữa một lỗi phạm không phải là chuyện đơn giản, nhưng phải kiên nhẫn từ từ. Nếu ngồi dưới đất đánh bài, hàng xóm nhìn thấy sẽ dị nghị khiến anh xấu hổ. Dần dần, anh ta sẽ bỏ được thói quen xấu”. Giáo dục cần phải có tấm lòng nhân ái và sự kiên trì. Cha Thánh Gioan Boscô cũng nhắc lại nguyên tắc này khi nói với các con cái Ngài: “Chúng con hãy nhớ rằng, một giọt mật ngọt bắt được nhiều ruồi hơn là một thùng dấm chua”.
Kết luận
Trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô, thánh Phaolô đã dạy chúng ta: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn hay la lối thóa mạ và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,29-32). Đây là những nguyên tắc rất căn bản khi chúng ta nhìn ra biết bao ‘cỏ lùng’, trong các giáo xứ, các giáo họ và ngay cả trong các cộng đoàn tu sĩ. Vậy, chúng ta đã hành xử như thế nào?
GB Trần văn Hào SDB