Lúa mì và cỏ lùng
Lúa mì và cỏ lùng
(Mt 13, 24-43)
Trong tất cả, Thiên Chúa vẫn luôn tuyệt vời, vì Ngài không mệt mỏi yêu thương và cứu độ. Sự kiên nhẫn và khoan dung của Ngài lớn lao hơn tội lỗi của con người. Tình thương ấy chiếu sáng và bóng tối của lòng người và lòng đời, khơi lên cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao.
Vàng thau lẫn lộn…
Hình ảnh cánh đồng có lúa mì và cỏ lùng cùng mọc lên là hỉnh ảnh rất cụ thể về tình trạng vàng thau lẫn lộn của ruộng lúa. Có một sự giao tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu, hữu ích và tai hại.
Ruộng lúa ấy là thế giới rộng lớn của nhân loại và cũng là thế giới thu nhỏ của tâm hồn mỗi người. Luôn có lúa và cỏ lùng, có mầm mống sự thiện và mầm mống sự ác, có ánh sáng và bóng tối…
Thế giới này không trung tính, nó thường nghiêng chiều về sự ác, đôi khi sự ác còn được đa số hoặc luật pháp công nhận (ví dụ phá thai, ly dị…). Có quá nhiều bóng tối đang phủ vây lòng người, nhất là bóng đêm vô cảm và bạo lực… Nói thế không có nghĩa là không còn ánh sáng, nhưng gương sáng xem ra ít ỏi và lu mờ trước bóng tối dày đặc…
Kẻ thù đã gieo…
Ma quỷ luôn làm việc và làm việc cách “tinh ma quỷ quyệt”. Nó nhằm lúc chúng ta “ngủ”: mất cảnh giác, không ý thức, không tỉnh thức, không canh gác. Cách gieo cỏ cũng rất ma mị, vì gieo “ngay vào giữa lúa”, rồi gieo xong thì “chúng đi mất”, chỉ đến khi “lúa lớn lên và trổ bông thì mới lộ ra”…
Cỏ lùng có thể được gieo vào giữa lòng ta, giữa cộng đoàn ta một cách rất tinh vi: ta không hay biết, vì lẫn lộn vào vỏ bọc đạo đức, chìm khuất và cơ cấu… Có khi là những danh hiệu rất mĩ miều, những chiêu bài rất kêu và những phong trào rất rầm rộ. Có khi là cả một trào lưu xã hội, một lối sống thịnh hành, một tâm lý đám đông… Mãi cho đến một ngày, ta thấy mình khác, con cháu mình khác, cộng đoàn chúng ta khác…
Đợi đến mùa gặt…
Chúng ta thường muốn xử lý vấn đề nhanh gọn, kiểu “luôn và ngay”. Kiểu suy nghĩ nhanh, gọn và tốc độ này, đôi khi đồng nghĩa với nông, non và ngắn. Cái nhìn bị gắn chặt vào cỏ lùng, đầy ắp tiêu cực và sân hận, chỉ muốn loại trừ, nhổ bỏ, hủy diệt. Vì quá nôn nóng loại bỏ cái xấu, cái ác, tâm hồn mình lại trở nên xấu xí và ác ôn.
Nhưng ông chủ thì hành xử khác, ông muốn “đợi đến mùa gặt”. Đây là cách hành xử của khoan dung, độ lượng và lạc quan hy vọng. Ông chủ nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu. Ông cho mọi sự có thời gian, có cơ hội, có hy vọng, có tương lai… Đây không phải là ông thỏa hiệp hay nhượng bộ cái ác, nhưng ông muốn xử lý ngay cả cái ác một cách khoan dung và hiền lành nhất: “Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung” (x. Bài đọc 1: Kn 12, 13.16-19).
Hạt cải… nắm men
Quả thực niềm hy vọng của ông chủ xem ra không tưởng: cỏ lùng sao có thể cho lúa, cây gai sao có thể cho trái nho. Hình ảnh hạt cải và nắm men khơi mở cho chúng ta những hy vọng lớn về công trình của Chúa. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, Ngài có thể biến những cái “không thể” thành “có thể”, thậm chí Thiên Chúa có thể biến đổi sự dữ ra sự lành.
Đôi khi chúng ta thất vọng và quá bức xúc về thế giới hay chính mình, vì thấy có quá nhiều cỏ lùng. Phải chăng chúng ta cần khiêm tốn hơn, sống chậm hơn, tĩnh tại và an nhiên hơn, để bình tâm giải quyết các vấn đề xã hội và giải tỏa các rối rắm tâm hồn trong bình an và sức mạnh của Chúa?
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người ca tụng lòng khoan dung nhẫn nại của Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta hành xử trong cuộc sống giống như Ngài: “Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối” (Kn 12, 18-19).
Nguyện xin Chúa Thánh Thần “nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta” và “cầu xin” cho chúng ta (x. Bài đọc 2: Rm 8, 26-27), để chúng ta khôn ngoan trước mưu kế ma quỷ và trổ sinh các hoa trái của Ngài: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gl 5, 22-23).
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng