Linh mục Tomas Halik: “Giáo hội phải ở đó cho tất cả mọi người, không phải chỉ dành cho những người tin”
Linh mục Tomas Halik người Séc, chịu chức chui dưới chế độ cộng sản, là nhà xã hội học, thần học gia, theo linh mục thì đại dịch là “dấu hiệu của thời đại” đối với Giáo hội. Giáo hội phải thoát ra khỏi sự cách ly thiêng liêng, tương lai của Giáo hội phải thông qua đối thoại với văn hóa đương đại.
Cha sống thời gian cách ly như thế nào và cá nhân cha rút tỉa được gì về thời gian này?
Linh mục Tomas Halik: Đời sống của tôi quanh năm ở trường đại học luôn sôi động, giữa các lớp dạy ở đại học, ở nước ngoài, cai quản giáo xứ và ở Viện Công giáo Séc, tôi còn tham dự vào các chương trình nghiên cứu quốc tế. Từ hai mươi năm nay, mỗi mùa hè tôi dành ra một tháng để sống trong rừng, trong cô tịch hoàn toàn: tôi không vào Internet, không vào các trang truyền thông, tôi chỉ chiêm niệm, nghiên cứu và viết. Không có sự thinh lặng này, tôi sẽ không sống sót về mặt thể lý, tinh thần và nhất là về mặt thiêng liêng.
Trước hết, với tôi, thời gian cách ly cũng như thời gian ở “ẩn cốc”. Nhưng thật ra thì không phải vậy, tôi tiếp tục công việc qua các buổi nói chuyện trực tuyến với sinh viên, các bài suy niệm với giáo dân. Tuy nhiên tôi cố gắng tìm giờ để yên tĩnh suy niệm và tiếp tục suy nghĩ để phát triển những gì tôi nghiên cứu trong các năm vừa qua: một diễn giải thần học các sự kiện văn hóa và xã hội (kairologie), một cách đọc suy niệm các “dấu hiệu của thời đại. Với tôi, điều này có vẻ cần thiết cho tình hình hiện tại.
Cuộc khủng hoảng này có nhắc lại cho cha thời cha sống trong Giáo hội chui dưới chế độ cộng sản không?
Đúng là một phần nó làm tôi nhớ lại mười một năm linh mục phục vụ “chui” dưới sự đàn áp của chế độ cộng sản. Vào thời điểm đó, tôi dâng lễ Phục Sinh ở các nhà riêng, trên chiếc bàn bình thường, không áo lễ, không hương trầm, không đàn ống. Nhưng sự bất đồng văn hóa và tôn giáo không quá cô lập ở Tiệp trong những năm 1970-1980. Nhiều triết gia và thần học gia đến Pra-ha với tư cách du lịch đã có các buổi giảng bài ở các nhà riêng, đó là các vị như Paul Ricoeur, Jacques Derrida, Walter Kasper, Hans Küng…
Thời đó không còn khủng khiếp như những năm 1950, khi thế hệ các thầy của chúng tôi bị tù, bị đày ở các trại tập trung của Stalin, họ trải qua cuộc sống của các nhóm nhỏ bí mật với một miếng bánh mì làm lậu…v.v. Một số người diễn giải đây là bài học của Chúa để thanh tẩy Giáo hội khỏi chiến thắng của quá khứ. Đến mức mà sau khi được giải phóng vào những năm cuối 1960, họ đã hiểu ngay tinh thần của công đồng Vatican II, một Giáo hội đơn giản, đáng kể và cởi mở mà họ mơ khi còn bị giam giữ…
Bản thân cha là một phần của di sản này. điều gì dẫn cha đến đức tin ở một trong những nước vô thần nhất thế giới?
Tôi lớn lên trong một gia đình trí thức của Pra-ha, được đánh dấu bằng tinh thần của chủ nghĩa nhân văn thế tục. Gia đình tôi xem kitô giáo là một phần của di sản văn hóa quá khứ. Trong những năm 1950 và 1960, Giáo hội đã bị trục xuất ra khỏi cuộc sống công cộng và cho đến trước tuổi trưởng thành, tôi đã không gặp một người công giáo giữ đạo nào.
Hành trình đức tin của tôi đã trải qua nhiều giai đoạn. Nó bắt đầu với niềm đam mê thẩm mỹ vì nghệ thuật, vì kiến trúc nhà thờ và âm nhạc thiêng liêng. Sự phản đối chính trị đối với chế độ, một chế độ dùng quân đội để áp đặt ý thức hệ vô thần đã đóng một vai trò quan trọng. Rồi đến cảm hứng trí tuệ thông qua văn học – Graham Greene, François Mauriac, Georges Bernanos, Léon Bloy, G. K. Chesterton, v.v. Vào mùa xuân Pra-ha năm 1968, tôi gặp cả một thế hệ linh mục, thần học gia và các nhà trí thức công giáo ở tù ra. Chính lúc đó, Giáo hội đã mang khuôn mặt con người đối với tôi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đến Phương Tây – trong chuyến đi trao đổi ở Hà Lan, rồi ở Anh, khi tôi thấy mình ở đúng lúc quân đội Liên Xô chiếm đóng Tiệp. Đó là tháng 8 năm 1968. Tôi dự định di cư. Nhưng lá thư của các bạn cho tôi biết quá nhiều người Tiệp đã di cư và phe chống đối rất yếu nên đã làm cho tôi thay đổi ý kiến, tôi trở về.
Đức tin của cha liên hệ chặt chẽ với bối cảnh kháng chiến này..
Đúng. Không lâu sau khi tôi trở về, một đồng nghiệp của tôi đã tự thiêu để chống việc bắt đầu hợp tác và sự suy yếu của cuộc kháng chiến. Tôi rúng động và tổ chức buổi lễ cầu hồn cho bạn. Tôi mang mặt nạ tử thần ở nhà thờ, rồi tôi cũng mang đến phân khoa nghệ thuật của tôi, và đó là thời điểm quyết định đối với tôi. Tôi đã có một cuộc đối thoại nội tâm với đồng nghiệp đã qua đời. Như thử hành vi của anh giao cho tôi một thách thức mà tôi phải trả lời. Tôi hiến mạng sống của tôi cho cái gì? Tôi nghĩ đó là bước đầu cho quyết định trở thành linh mục của tôi.
Nhưng thời đó chỉ có một chủng viện duy nhất ở Bohême và bị cảnh sát mật kiểm soát. Chỉ có các ứng viên nào chưa được đào tạo ở đại học mới được nhận vào chủng viện. Còn tôi, tôi đã xong chương trình triết lý và xã hội. Khi nhận bằng tiến sĩ, trong bài diễn văn của tôi, tôi đã cám ơn các giáo sư đã bị trục xuất khỏi trường đại học vì các lý do chính trị, và tôi trích lời của nhà văn nổi tiếng Tiệp Karel Capek (1890-1938): “Sự thật quan trọng hon quyền lực, vì sự thật là vĩnh hằng.”
Cha có biết điều này sẽ làm cha bị rắc rối không…
Chắc chắn rồi. Tôi bị vào sổ đen của chế độ: cho đến khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, tôi không được dạy ở trường đại học, không được xuất bản sách, không được đi Phương Tây, và tôi bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần. Tôi làm nhiều nghề, đặc biệt là tư vấn cho những người nghiện rượu và người nghiện ngập (từ năm 1984 đến năm 1990 ở Bệnh viện thuộc Đại học Tiệp). Cách duy nhất để tôi được làm linh mục là bí mật học thần học, tôi được chịu chức chui ở Erfurt, Đông Đức. Ngay cả mẹ tôi, bà cũng không biết. Đó là tháng 10 năm 1978, một hôm trước ngày Đức Gioan-Phaolô II nhậm chức. Sau đó tôi vào ban cố vấn chui của các linh mục và giáo dân suy nghĩ tìm chiến thuật cho Giáo hội để đối phó trong các trường hợp khó khăn này, nhưng cũng cho tương lai, tôi trở thành người cộng tác thân cận của hồng y Tomasek, ngài là hình ảnh của tinh thần phản kháng chế độ.
Cha đã nếm các khó khăn của một tín hữu kitô dưới chế độ vô thần công khai. Bây giờ tình trạng có trở nên đơn giản hơn dù phải sống trong bối cảnh thờ ơ và với chủ nghĩa tương đối không?
Tôi thích trả lời câu này bằng một giai thoại do thái. Ở nguyện đường có người viết: “Ai đi vào mà để đầu hở thì cũng tương tự như người ngoại tình.” Ngày hôm sau có người viết: “Tôi đã cố gắng làm cả hai, nhưng không thể so sánh được!” Tôi có kinh nghiệm của chế độ cộng sản và chế độ dân chủ tự do: không có gì có thể so sánh được! Vào thời đó, điều chúng tôi cần nhất là lòng can đảm, bây giờ chúng tôi cần khôn ngoan, để phân định kỹ, xa mọi tầm nhìn của chủ nghĩa thiện ác.
Cái gì làm cho cha lớn lên trong sự khôn ngoan này? Đâu là nguồn trợ lực thiêng liêng của cha?
Điều chính yếu đối với tôi là chiêm niệm. Chúng ta phải bình tĩnh trước các phản ứng đầu tiên non nớt của mình với những gì xảy ra chung quanh và trong chúng ta. “Con người bên ngoài” của chúng ta, cái tôi của chúng ta thường đứng ở ngưõng cửa ngăn không cho chúng ta bước qua. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Ta là cánh cửa.”
Trên đầu giường của tôi có treo một tượng hiện đại và lớn Chúa Kitô Phục Sinh cho thấy vết thương của Ngài. Trước khi ngủ và khi thức dậy, tôi suy niệm về các vết thương này. Các vết thương Chúa Giêsu là cánh cửa để đến với Chúa Cha. Và vết thương của Chúa Giêsu là vết thương của thế giới chúng ta: đại dịch, khủng hoảng kinh tế, nạn nghèo khổ, các lạm dụng trong Giáo hội… Chúng ta không thể bỏ qua chúng, nếu không chúng ta không có quyền nói như Thánh Tôma Tông đồ: “Chúa của con, Đức Chúa của con!” Các vết thương là nơi chúng ta gặp Chúa Giêsu hôm nay. Tôi không tin vào một Thiên Chúa mà không có vết thương, một đức tin không có vết thương, một Giáo hội mà không có vết thương.
Một thời gian dài cha đã là nhà trị liệu. Khoa tâm lý đã mang lại cho cha những gì?
Tôi được đào tạo theo truyền thống của tâm lý gia Jung, khoa tâm lý giúp tôi trong vai trò của cha giải tội. Khoa tâm lý cũng giúp tôi nhận diện nhiều loại mộ đạo, thường liên quan đến các nền tảng tâm lý khác nhau. Một số sử dụng tôn giáo như công cụ, để bảo vệ một bản sắc văn hóa chẳng hạn. Những người này đôi khi cứng nhắc, độc đoán… Ngược lại, với nhiều người khác, tôn giáo được được sống cho chính mình, như một con đường thiêng liêng, những người này họ thường bao dung hơn, tinh thần cởi mở và nhạy cảm hơn. Tôn giáo có thể là một phương thuốc và cũng có thể là một vũ khí.
Điều này gắn liền với những gì cha viết về đức tin và về sự nghi ngờ, cả hai giống như “anh em với nhau”…
Đức tin mà không có suy nghĩ phê phán thì có thể dẫn đến cuồng tín và không khoan dung. Ngay cả chủ nghĩa vô thần phê phán (tôi không nói đến chủ nghĩa vô thần giáo điều ngu ngốc, thực chất đó là ngụy tôn giáo) có thể là “người phục vụ cho thần học” : nó giúp chúng ta thanh tẩy suy nghĩ về một Chúa ngẫu tượng, dùng để phóng chiếu các nỗi sợ và các ước muốn của chúng ta. Chúng ta cần loại biện chứng giữa đức tin và hoài nghi này. Không quá nhiều về nghi ngờ Thiên Chúa, cho bằng nghi ngờ về khái niệm của chúng ta có về Chúa, trên đó chúng ta phóng chiếu quá nhiều mong chờ… Với tôi, dường như chúng ta không nên quá chờ đức tin mang đến cho chúng ta câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của chúng ta. Đúng hơn chúng ta nên cậy vào đức tin để cho chúng ta can đảm vào trong bóng tối của huyền nhiệm và gánh các câu hỏi, các nghịch lý còn để mở của cuộc sống. Đức tin không được ngừng tìm kiếm và chất vấn, không được hóa đá trong ý thức hệ, cũng không rời bỏ sự cởi mở của đức tin đối với một tương lai cánh chung.
Ở cái gì nơi kitô giáo vẫn còn là nguồn cho các xã hội chúng ta?
Thời đại của kitô giáo đã qua. Chúng ta là một tiếng nói trong số những tiếng nói khác trong xã hội dân sự, nhưng tiếng nói này phải được rõ ràng. Chúng ta cần tham gia vào cuộc tranh luận công khai về các vấn đề xã hội quan trọng. Theo tôi, ẩn dụ của Đức Phanxicô về Giáo hội là “bệnh viện dã chiến” rất có ý nghĩa. Một bệnh viện rất tốt phải chẩn đoán, trị liệu, chữa lành và làm miễn nhiễm. Ngày nay có rất nhiều ý thức hệ nguy hiểm, chúng ta cần một hệ thống miễn nhiễm tốt.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa trong thập kỷ vừa qua đã làm dấy lên những người theo chủ nghĩa dân tộc, những kẻ mị dân, các chủ nghĩa dân túy nguy hiểm ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Và tôi sợ rằng hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến bối cảnh chính trị quốc tế. Phương Tây rất ngây thơ đánh giá thấp cuộc chiến tranh lai tạp của Nga do Putin tiến hành. Thông qua tuyên truyền và hỗ trợ tài chính, nó hỗ trợ cho những người theo chủ nghĩa dân tộc và làm suy yếu niềm tin vào Liên minh châu Âu. Tuyên truyền này thường nhắm vào người công giáo bảo thủ. Sự tan rã của Liên minh châu Âu sẽ là sự tự sát tập thể của các quốc gia châu Âu. Các Giáo hội, các trường đại học phải là chất kháng virus để chống các căn bệnh này.
Nếu Giáo hội hoàn thành vai trò trị liệu và là “bệnh viện dã chiến” thì Giáo hội không thể hài lòng với chức vụ mục vụ cổ điển của mình trong giáo xứ và các hình thức truyền thống của hoạt động truyền giáo. Theo tôi, Giáo hội phải ở trong một xã hội đa nguyên thế tục hóa, triệt để mở rộng và đào sâu tận căn những gì các cha tuyên úy đã làm trong các bệnh viện, các nhà tù, trong quân đội, trong giáo dục… Có nghĩa là cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho tín hữu. Cung cấp cho tất cả mọi người sự hỗ trợ tinh thần mà không chiêu dụ, không cao ngạo trong vai trò giáo sĩ hay trong chủ nghĩa gia trưởng, trong một đối thoại và quan hệ đối tác thực sự, không đặt mình vào vị trí giảng dạy mà còn để cho người khác dạy mình. Theo tôi, đó là mô hình Giáo hội tương lai. Nếu Giáo hội muốn duy trì thì không thu vào chính mình như một tà phái, Giáo hội phải chịu sự thay đổi tận căn trong nhận thức về chính mình và trong sứ vụ của mình trên thế giới.
Làm thế nào đời sống của cha lại đưa cha đến suy nghĩ này?
Công giáo Pháp đã giúp chúng tôi rất nhiều về mặt diễn giải thần học tình trạng của chúng tôi dưới chế độ cộng sản. Kinh nghiệm linh mục trong Giáo hội chui của chúng tôi nhắc chúng tôi nhớ các khía cạnh truyền giáo của “linh mục-thợ”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn trung thành với sự hiệp nhất của chức tư tế và nghề dân sự – tôi là quản nhiệm giáo xứ đại học và giáo sư ở một trường đại học thế tục. Sự việc tôi không theo dõi việc đào tạo ở chủng viện và không sống ở nhà xứ nhưng suốt đời sống gần những người bình thường đã dạy tôi biết các vấn đề của họ, các câu hỏi và ngôn ngữ của thế giới trần tục. Và những gì tôi làm bây giờ là thành quả của tất cả những năm này.
Cha có thấy cha trong cái chúng ta gọi là “tân phúc âm hóa” không?
Theo tôi, dường như ý này của Đức Gioan-Phaolô II đã bị hiểu lầm. Chúng ta dựa theo mô hình cách truyền giáo của Mỹ. Tôi không nghĩ loại tâm linh cảm xúc, tay này cầm miếng bánh mì hamburger, tay kia cầm Thánh Kinh và hô Alléluia! là cách thích hợp để giao tiếp ở Âu châu. Theo tôi, tân phúc âm hóa là coi trọng văn hóa đương đại và xem xét các điểm trao đổi thật sự với nó. Đặc biệt phát triển một văn hóa suy niệm nhưng không tách rời với hành động: con người đang khao khát điều này và khi họ không tìm thấy trong Giáo hội công giáo, họ sẽ đi tìm nơi khác, trong các tôn giáo đông phương, trong yoga…v.v. Nhưng chúng ta có các điều này trong truyền thống công giáo, chẳng hạn ở cộng đoàn Taizé mà theo tôi đây là một ví dụ tốt.
Làm thế nào ngày nay chúng ta nghĩ về Thiên Chúa và làm sao để loan báo?
Tội lớn nhất trong lịch sử thần học và rao giảng của Giáo hội là nghĩ rằng rất dễ để nói về Chúa. Sự vô lo về lòng mộ đạo rẻ tiền này đã mở đường cho vô số khái niệm ngây ngô, nhưng cũng quái ác và độc hại về Chúa. May mắn thay, thần học gia Karl Rahner nhắc, Chúa của 60 đến 80 % người hình dung như thế không tồn tại! Chúng ta đừng đi tìm Chúa trong các cơn bão, các vụ động đất và đại dịch. Các người vô thần lập luận một cách đúng đắn, Chúa phạt con cái của Ngài tàn khốc chỉ là phản chiếu các nỗi sợ và các ước muốn của chúng ta.
Giống như tiên tri Êlia trên núi Horeb, chúng ta có nhiều khả năng tìm Chúa trong cơn gió thoảng, trong các diễn tả không giả vờ yêu thương và đoàn kết, trong hy sinh anh hùng hàng ngày vào các giờ đen tối của thảm họa. Chính trong các diễn tả tình yêu và phục vụ này mới mang lại hy vọng và can đảm để sống, rằng sự thánh thiện thực sự tự chính nó thể hiện.
Dù Thiên Chúa vẫn là huyền nhiệm nhưng huyền nhiệm này đã được mở ra qua nhân tính của Chúa Giêsu. Nhân tính của Chúa Giêsu là cửa sổ qua đó chúng ta thấy Thiên Chúa làm việc. Nó không những chỉ mở ra cho Chúa mà cho cả chúng ta, đặc biệt với những người nghèo nhất, yếu nhất, những người cần đến tình thương và sự gần gũi của chúng ta.
Đại dịch đã làm cho chúng ta đối diện với câu hỏi về ý nghĩa. Đây có phải là dịp để kitô giáo có thể nói thông điệp của mình, hy vọng của mình không?
Với tôi, giai đoạn các nhà thờ đóng cửa là lời cảnh báo mang tính ngôn sứ: trừ khi Giáo hội tiến hành cải cách theo yêu cầu của Đức Phanxicô – không chỉ cải cách cơ cấu, nhưng nhất là một bước ngoặt sâu thẳm, ở trọng tâm Tin Mừng -, các nhà thờ trống rỗng và bị khóa này sẽ không phải là ngoại lệ mà là quy tắc.
Cuộc khủng hoảng kitô giáo chủ yếu không do các lực bên ngoài – chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật. Và vì thế, nó không thể bị ngăn chặn bởi một cố gắng quay về thế giới công giáo đã bị mất, cũng không bằng sự “hiện đại hóa” rỗng tuếch và hời hợt để phù hợp với “tinh thần của thời đại”.
“Tinh thần của thời đại” chắc chắn không phải là tinh thần của Thần Khí; đó là ngôn ngữ của thế giới này mà tín hữu kitô không nên tuân thủ như Thánh Phaolô đã viết. Thay vào đó họ nên lắng nghe và hiểu các dấu chỉ của thời đại: đó là ngôn ngữ của Chúa trong các biến cố lịch sử mà chúng ta góp phần. Tôi hiểu, không phải dễ để thấy sự khác biệt giữa những gì là “người, quá người”, hời hợt và chóng qua trong lịch sử chúng ta, và “giây phút đúng lúc” mà tất cả chúng ta phải chấp nhận, qua đó chúng ta phải đáp trả như một thách thức của Chúa đối với đức tin của chúng ta.
Đại dịch đặt ra những câu hỏi tâm linh cho người tin, khi họ đối diện với sự dữ lớn lao này, và cho cả người không tin, dẫn họ đến câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Trước hết Giáo hội không nên đặt câu hỏi làm thế nào để tái hội nhập những người ở bên ngoài biên giới hữu hình của họ (có lẽ không phải là một mục tiêu thực tế), nhưng nên suy nghĩ về một loại trách nhiệm mà họ có thể thực hiện cho chính họ.
Cha phân tích cuộc khủng hoảng kitô giáo đang trải qua (lạm dụng tình dục, nhà thờ trống rỗng) như thế nào?
Vấn đề thực sự bắt nguồn từ việc Giáo hội không thể hiểu và đáp ứng một cách thích hợp với cuộc cách mạng tình dục trong những năm 1960. Thay vì đáp ứng bằng cách phát triển một thần học về tình yêu và tình dục dựa trên các nguồn gốc sâu thẳm của chủ nghĩa thần bí kitô giáo, thì Giáo hội lại có xu hướng đi lui về một tôn giáo của mệnh lệnh, của cấm đoán. Nỗ lực kỷ luật tình dục cách nghiêm ngặt nhất có thể, đã làm điều răn thứ sáu phát triển đến mức (chớ lấy vợ người) thành như điều răn đầu tiên – và có lẽ là điều răn duy nhất.
Chúng ta đã bắt đầu thấy người công giáo là người tiếp tục nói về bao cao su, phá thai, các kết hiệp đồng tính… Cho đến khi Đức Phanxicô đã có can đảm tố cáo “nỗi ám ảnh thần kinh” này và nhắc chúng ta nhớ những gì là trọng tâm của kitô giáo; lòng thương xót, tình thương lân tuất và hiệp nhất với tất cả mọi người, đặc biệt là những người sống bên lề, và phải có trách nhiệm với hành tinh.
Phản ứng tự nhiên của thế giới thế tục là: quý vị hãy nhìn vào hàng ngũ quý vị! … Đó là làn sóng tiết lộ trên toàn cầu về các vụ lạm dụng tình dục. Nó cũng cho thấy nhiều người phản đối ồn ào chống đồng tính luyến ái, họ làm như vậy để che giấu vấn đề riêng của họ trong các vụ này. Chính họ thường có đời sống hai mặt.
Khi Đức Phanxicô bắt đầu nói về nguyên nhân thực sự của tình trạng này – sự lạm quyền trong Giáo hội, chủ nghĩa giáo quyền, trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương, Amoris laetitia, ngài đã tìm cách sửa đổi các tín hữu biệt phái bằng đạo đức của lòng thương xót và thấu hiểu với những người gặp khó khăn, khuyến khích họ tin vào tiếng nói lương tâm, ngài đã khơi dậy lòng hận thù điên cuồng của những người biệt phái và kinh sư thời buổi chúng ta.
Thời kỳ mà các vết thương ẩn giấu này bắt đầu xuất hiện trên thế giới – những năm cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI và sau đó là của Đức Phanxicô – là một “dấu chỉ của thời đại” khác: nó trùng với sự thức tỉnh lương tâm về phẩm giá phụ nữ trong xã hội và trong Giáo hội. Nếu Giáo hội phớt lờ nó, Giáo hội có nguy cơ mất một số lớn phụ nữ, cũng như Giáo hội đã mất ảnh hưởng đối với tầng lớp lao động vì phản ứng trễ tràng của Giáo hội trong các vấn đề xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp. Chúng ta cần tạo thêm chỗ cho đặc sủng của họ trong Giáo hội.
Chúng ta nên sáng chế gì?
Vào lễ Phục sinh, tôi đã chỉ trích khuynh hướng của người công giáo thay thế việc cử hành Thánh Thể bằng việc tiêu thụ đại chúng trực tuyến. Sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể đòi hỏi có sự hiện diện của tín hữu xung quanh bàn thờ và sự hiện diện thực sự của các kitô hữu trong xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta không thể trở về với hoài niệm một thế giới đã biến mất và sẽ không bao giờ trở lại. Tôi tin rằng một hình thức kitô giáo đang chết dần. Nhưng trọng tâm của kitô giáo không phải là thông điệp của cái chết phải đi trước sự sống lại đó sao? Bây giờ sự phục sinh không phải là hồi sinh, trở lại trạng thái trước đó. Các Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã biến hình, ngay cả những người gần với Ngài lúc đầu cũng không nhận ra Ngài. Ngài phải chứng minh bằng các vết thương của Ngài. Tôi nghĩ “sự sống lại” của kitô giáo trong tương lai là trong cải cách, trong sự đào sâu và biến đổi của nó.
Điều này tùy thuộc vào mức độ mà Giáo hội có thể giao tiếp với những người đi tìm ý nghĩa này. Thần học nên nghiêm túc rút kinh nghiệm của những người ở bên lề Giáo hội và vượt ra ngoài ranh giới hữu hình của mình. Chúa Giêsu không chỉ hiện diện duy nhất trong bài giảng, trong các bí tích của chúng ta nhưng Ngài đến với chúng ta như Ngài đã đến với các môn đệ trên đường Ê-mau như người khách lạ. “Chúa Thánh Thần thổi ở đâu Ngài muốn.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch