KHIÊM TỐN
9.8. Thứ Ba trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm
Ed 2:8; Ed 3:4; Tv 119:14,24,72,103,111,131; Mt 18:1-5,10,12-14
KHIÊM TỐN
Suốt ba năm đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ cũng có cao vọng muốn được trở thành người lớn nhất trong Nước Trời nên đã đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”.Hiểu được tâm tư ấy, Chúa Giêsu liền dạy các ông một bài học thật ý nghĩa đó là “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất cụ thể đó là trở nên khiêm tốn đơn sơ như trẻ thơ. Khiêm tốn là một đức tính cao quý của con người. Người người có tâm hồn trẻ thơ thì tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa,khiêm tốn không cậy dựa sức riêng nhưng biết nhìn nhận những giới hạn của mình.
Có câu chuyện kể rằng: Trong công viên nọ, một đám trẻ con đang xếp hàng chờ được một họa sĩ trang trí lên mặt thành những “người da đỏ” hay “người ngoài hành tinh” để tham dự lễ hội Halloween.
Một cậu bé trên mặt có rất nhiều đốm tàn nhang nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức. Thấy vậy, cô bé đứng ở hàng bên cạnh nói to:
– Mặt cậu lắm tàn nhang thế, làm gì còn chỗ nào mà vẽ! Cậu bé ngượng ngùng cúi gầm mặt xuống. Nghe thế, người họa sĩ liền quay xuống động viên cậu bé:
– Sao cháu buồn thế? Chú rất thích những đốm tàn nhang trên mặt của cháu.Chắc chắn cháu sẽ là người có khuôn mặt ấn tượng nhất trong lễ hội đêm nay.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau, chính sự khác biệt đó càng diễn tả quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.Hình dáng bên ngoài của một người dù đẹp hay xấu, cao hay thấp, trắng hay đen…đối với Chúa không có gì là xấu.Điều quan trọng nằm ở tâm hồn và thái độ sống của mỗi người. Dù nhỏ bé xấu xí nghèo hèn đến đâu, con người đều có phẩm giá và nhân vị vì họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Nhận biết được điều này, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ. Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: “Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta được chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa.
Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc hay hình thức bên ngoài nhưng dựa vào thái độ chúng ta đối xử với mọi người. Chúng ta không sống như một ốc đảo nhưng là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ nên Thiên Chúa không thể ban thêm điều gì, trái lại người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt yêu thích người có tâm hồn khiêm tốn. Chúa sẽ không mạc khải cho những bậc khôn ngoan thông thái biết về mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đón nhận người khác như đón nhận chính Chúa, vì “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13, 20).
Vì thế mỗi người chúng ta cũng đừng tự mãn cho mình là người có đầy đủ mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Trái lại chúng ta là một thụ tạo với đầy khuyết điểm và tính hư nết xấu. Mang trong mình di chứng của tội nguyên tổ, chúng ta luôn bị cám dỗ chiều theo sự xấu. Nhận ra điều này để chúng ta biết cậy nhờ vào ơn Chúa giúp mà hoàn thiện chính mình.
Và để minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ về người chủ chăn đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc. Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi. Ai khiêm tốn nhận mình là yếu hèn tội lỗi thì Thiên Chúa càng ban ơn giúp sức. Thánh Phaolô tông đồ có nhiều kinh nghiệm về điều này, thánh nhân đã khiêm tốn nhận mình là tôi tớ yếu đuối chẳng có gì để vênh vang.Chúng ta có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa. Còn thánh Augustinô thì xác quyết: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của một đứa trẻ con để làm căn nguyên cho cách sống của người môn đệ Chúa, bởi vì: Trẻ con thì luôn ngây thơ, chúng vô tội, chúng tuyệt đối tin tưởng, cậy dựa vào sự chở che, bảo bọc cha mẹ mình. Đời sống thiêng liêng cũng thế, những ai đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa cũng phải biết sống kết hiệp, sống gắn bó vào Chúa; tức là phải biết từ bỏ bản thân mỉnh, từ bỏ ý riêng mình để đi theo Chúa.
Và Chúa Giê-su khẳng định: Hễ ai tự hạ, coi mình như trẻ em bé nhỏ, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4).
Những ai muốn vào Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ. Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài, vì người lớn phải quay lại, hoán cải để đơn sơ như trẻ nhỏ, phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình, mở lòng đón nhận Nước Trời như quà tặng nhưng không. Như thế, trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng, hoàn toàn lệ thuộc đời mình vào Thiên Chúa.