Con đường cứu độ của Chúa
8.8 Thánh Đa Minh, Lm
Ed 1:2-5,24-28; Tv 148:1-2,11-12,12-14,14; Mt 17:22-27
Con đường cứu độ của Chúa
Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã mến mộ sự học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo. Mỗi ngày đều có giờ nhất định để cầu nguyện và ngài ăn chay hãm mình luôn. Ngày kia có người đến xin Ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói:
– Tôi không còn tiền, nhưng này chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về.
Người này không thể chấp nhận được đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của Ngài.
Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gọi đến thụ giáo với một Linh Mục ở Gumiel d‘Izan. Năm 14 tuổi, Ngài gia nhập Đại chủng viện tại Palencia. Sau khi hoàn tất việc học, Ngài được Đức cha Diégo de Azsvedo truyền chức Linh mục. Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám mục Martin de Bazan đặt ngài làm Kinh sĩ ở Osma.
Lúc Đức cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được đi theo. Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn do bè rối Albigeois gây ra cho Hội Thánh. Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa: muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ. Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Nhưng nhận thấy một mình không thể đương đầu với sức bành trướng quá mạnh của họ nên ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác. Đó là những người sau này sẽ trở nên tu sĩ hội dòng Ngài sáng lập, gọi là “Dòng Anh Em Thuyết Giáo”.
Một cộng tác viên của ngài kể lại:
“Đaminh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và ơn thánh. Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của Ngài.”
“Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin mừng, cả trong lời nói lẫn hành động.”
“Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta. Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, Ngài đã lập ra “Dòng Anh Em Thuyết Giáo.”
Suốt sáu năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi moị người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu. Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Maria và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Môi Côi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội Thánh. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi Côi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này. Kết quả thật là lùng! Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở về với Chúa. Thánh nhân hết sức vui mừng, tạ ơn Chúa và tri ân Đức Mẹ.
Năm 1215, thánh nhân đến Rôma, xin Đức Thánh Cha Honoriô III châu phê luật dòng vào ngày 22/10/1216. Từ đó, dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới .
Thánh nhân qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221. Năm 1231 Đức Thánh Cha Gregoriô thứ IX đã tuyên hiển thánh cho ngài.
Tường thuật phúc âm trong ngày lễ kính Cha Thánh hôm nay, gồm tóm tất cả những điều nhắn nhủ của Chúa Giêsu dành cho những ai muốn làm môn đệ của Ngài, muốn bước đi theo Ngài trên con đường rao truyền Tin Mừng cứu độ đặc biệt bằng linh đạo Đa Minh.
Trước hết, theo cái nhìn của thánh Luca con số 72 muốn nói lên rằng, tất cả mọi Kitô hữu chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu, là những người được Chúa chọn, được Chúa chỉ định và sai đi. Chúng ta được nhắc nhở phải ý thức về nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ ấy phải được thi hành chung với những môn đệ khác (c.1). Và khi thi hành nhiệm vụ người môn đệ cũng ý thức mình thuộc về nhóm môn đệ của Chúa Giêsu và dưới quyền chỉ đạo của Ngài. Qủa vậy, ý thức rằng mình được Chúa mời gọi, ý thức rằng phải hiệp thông với Hội Thánh, ý thức rằng mình thuộc về Chúa Giêsu và ra đi làm môn đệ cho Ngài đó là điều quan trọng nhất của một người môn đệ.
Hơn nữa, người môn đệ cũng ý thức về lời mời gọi đi đến mọi nơi, đến “tất cả các thành”, loan truyền Tin Mừng cho mọi người. Người môn đệ cũng được nhắc nhở ý thức rằng : loan Tin Mừng là sứ vụ cần thiết như “lúa chín đầy đồng” không thể bỏ bê, cũng không thể chậm trễ. Tuy nhiên, người môn đệ cũng được khuyến cáo lưu tâm về những hiểm nguy và khó khăn mà mình sẽ gặp phải “như chiên con đi vào giữa bầy sói”.
Sau khi Chúa Giêsu nhắc nhở về toàn bộ những điều mà người môn đệ phải ý thức khi thực thi sứ vụ. Chúa Giêsu tiếp tục nhắn nhủ người môn đệ về hành trang mà họ cần phải mang theo. Hành trang ấy phải gọn nhẹ, chỉ để phục vụ sứ mạng, không cồng kềnh để rồi bị chi phối làm chậm hoặc làm chùn bước chân sứ vụ. Người môn đệ cũng không bận tâm về nơi ăn chốn ở, về những phương tiện vật chất cá nhân, những nhu cầu phục vụ đời sống thường ngày.
Về các tương quan Chúa Giêsu cũng nhắc thêm cho người môn đệ rằng : người môn đệ phải thanh thoát không dính bén và níu kéo những tình cảm nảy sinh dọc đường theo kiểu “chào hỏi” Đông phương. Một lòng một ý chu toàn sứ mạng cách khẩn thiết, không la cà, không chậm trễ, không phân tán. Chỉ liên đới và cộng tác trong sứ vụ mà thôi.
Về tác phong, Chúa Giêsu muốn người môn đệ không tìm thỏa mãn vật chất cá nhân, không tìm tư lợi cho riêng mình, không mong thù lao, không yêu cầu lương bổng, không quan tâm đến những đòi hỏi mang nặng tính trần thế. Người môn đệ phải biết bằng lòng với những sự đón tiếp, những gì sẽ gặp phải trong khi thi hành sứ vụ cách vui tươi.
Cách riêng,về lời nói và hành động của người môn đệ phải có dấu hiệu mang bình an và chữa lành. Đối với mọi người thì người môn đệ đem “bình an”, nhưng đối với những tâm hồn đau thương tan nát thì người môn đệ phải “xoa dịu và chữa lành”. Không chỉ đem bình an hoặc chữa lành, nhưng Chúa Giêsu còn đòi hỏi cao hơn là đem niềm vui, bằng cách loan báo rằng “triều đại Thiên Chúa đã đến gần”.
Nghe lại tường thuật của Thánh Luca hôm nay trước những đòi hỏi của Chúa Giêsu về người môn đệ, chúng ta như thấy mình được nhắc nhở rằng : Đôi khi chúng ta muốn làm môn đệ cho Chúa, nhưng chúng ta lại quên đi mình đang thuộc về Chúa, được Chúa hướng dẫn ; đôi khi chúng ta lại quên rằng mình cần phải hiệp thông trong Hội Thánh, chúng ta mải mê nhiệt tình đi con đường của riêng chúng ta, mà rời xa dần Hội Thánh cũng như rời xa dần thầy Giêsu.
Đôi khi làm môn đệ cho Chúa, nhưng chúng ta lại ưa thích ngồi những chỗ an toàn, chọn những tiện nghi dễ chịu, níu kéo và bám víu vào những tình cảm chóng qua… Tất cả những thứ ấy đã làm bước chân sứ vụ của chúng ta như chậm lại, những thứ ấy đã làm cho nhiệt tâm tông đồ của chúng ta như cạn kiệt, những thứ ấy làm cho chúng ta bị chi phối vỡ vụn, phân mảnh.
Ước chi khi nghe Lời Chúa hôm nay, mỗi người trong chúng ta cũng hãy mau mắn lên đường vì “lúa đã chín đầy đồng”, ước gì mỗi chúng ta cũng thực thi được những đòi hỏi mà Chúa muốn khi làm tông đồ cho Ngài. Điều này lại càng được thôi thúc hơn, bởi chúng ta là con cái của Cha Thánh Đa Minh, người Cha hết lòng cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Chúng ta hãnh diện về điều đó. Chúng ta hăng say lên đường với niềm tin tưởng cùng đi với Cha Đa Minh.