Hồng y Walter Kasper tròn 90 tuổi, ngài nhìn lại Công đồng, Giáo hội và Con đường Công nghị Đức
Hồng y Walter Kasper tròn 90 tuổi, ngài nhìn lại Công đồng, Giáo hội và Con đường Công nghị Đức
Hồng y Walter Kasper | Flickr – CC BY-NC-SA 2.0
Năm nay hồng y người Đức Walter Kasper 90 tuổi, ngài có cái nhìn sáng suốt về Giáo hội của đất nước ngài và Giáo hội hoàn vũ. Từ lâu ngài đã được xem là nhà cải cách, bây giờ ngài cảnh báo về nguy cơ lệch lạc của Con đường Công nghị ở Đức, ngài lưu ý: “Giáo hội đang ở trong cuộc khủng hoảng rất sâu đậm. Nếu không nhìn thấy nó sẽ là mất trí.”
Sinh ngày 5 tháng 3 năm 1933 tại Hedenheim, Würtemberg, Walter Kasper là giáo sư thần học ở Münster, sau đó ở Tübingen trước khi được bổ nhiệm làm giám mục Rottenburg-Stuttgart năm 1989. Năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II xin ngài về Rôma để đứng đầu Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, một vị trí ngài giữ cho đến khi ngài về hưu năm 2010. Mặc dù không còn giữ chức vụ chính thức, nhưng ngài vẫn là giám mục được lắng nghe ở Rôma và ở Đức. Ngài cũng là tác giả của nhiều quyển sách.
Nhìn lại hơn 90 năm cuộc đời, điều gì đặc biệt làm cho cha xúc động?
Hồng y Walter Kasper: Trên hết là lòng biết ơn. Vì tôi vẫn còn tương đối khỏe mạnh, tôi vẫn có thể tự mình làm mọi việc, điều này không dễ dàng ở tuổi tôi. Và biết ơn cho tất cả những gì tôi đã sống trong những năm tháng này.
Cha đã sống qua thời Công đồng Vatican II cách đây 60 năm, cha còn nhớ gì không?
Đó là thời điểm đổi mới! Thật là một ngạc nhiên lớn khi chúng tôi nghe tin Đức Gioan XXIII công bố tổ chức công đồng đại kết. Khi đó tôi đang học ở Đại học Tübingen, tôi vừa xong tiến sĩ và sau đó là chính thức. Công đồng đã khơi dậy một nhiệt tình lớn lao, đó cũng là thời gian tuyệt vời với tôi. Rất nhiều thứ đã thay đổi. Những người cho rằng Giáo hội không thể cải cách, họ nên nhớ sự thay đổi sâu sắc này! Tôi đã sống kinh nghiệm này.
Vào thời đó, người ta thích được là người công giáo, mọi cánh cửa mở ra. Bỗng nhiên, các nhà thần học công giáo và tin lành có thể gặp gỡ và thảo luận với nhau, điều chưa từng có trước đây. Chúng tôi trau dồi điều này rất nhiều ở Tübingen, mỗi tháng một lần chúng tôi gặp nhau, Hans Küng, Jürgen Moltmann, Eberhard Jüngel và tôi (hai người công giáo và hai người tin lành), trước tiên chúng tôi ăn với nhau, sau đó uống rượu vang và thảo luận sôi nổi cho đến quá nửa đêm. Đó là thời gian không thể nào quên.
“Tôi không thích cách thần học gia Hans Küng hành động và tranh luận nơi công cộng. Người ta nói đây là người Thụy Sĩ cứng đầu”
Nhưng không vì thế mà cha không lên tiếng ủng hộ việc loại thần học gia Hans Küng ra khỏi phân khoa thần học.
Những tuần đó là thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp học vị của tôi. Tôi có quan hệ ở trường học với ngài và đã học rất nhiều từ ngài. Nhưng sau đó tôi không đồng ý với ngài về những quan điểm lớn. Trước khi bị rút giấy phép giảng dạy, các giảng viên đã chia rẽ, một số phản đối quyết định này, một số cho rằng quyết định đó là hợp lý. Tôi là một trong số những người cho đó là quyết định hợp lý. Nhưng những người khác quyết định. Điều làm cho tôi đặc biệt không hài lòng là cách Küng hành động và tranh luận trước công chúng, ngài là người Thụy Sĩ cứng đầu.
Chúng ta trở lại với Công đồng: 60 năm sau, dường như những vấn đề quan trọng, mang tính thời sự ngày nay, vẫn chưa được giải quyết vào thời điểm đó.
Những vấn đề rất quan trọng đã được giải quyết, nhưng tất nhiên không phải tất cả. Chẳng hạn, Công đồng đã đặt sự tương tác giữa các giám mục và giáo hoàng, cũng như giữa giáo dân và giáo sĩ trên cơ sở thần học mới. Nhưng cụ thể công việc này như thế nào thì vẫn chưa được làm rõ. Đây là điều mà bây giờ Đức Phanxicô muốn làm sáng tỏ với Thượng hội đồng về tính đồng nghị.
“Vấn đề phụ nữ trong Giáo hội vào thời điểm đó vẫn chưa được giải quyết, và bây giờ nó rơi vào chân chúng ta”
Hơn nữa, trên thực tế, đây là cuộc cải cách rất bảo thủ, bởi vì các thượng hội đồng luôn là một phần của đời sống Giáo hội. Sau thời Trung cổ, nó đã bị mất đi một chút và bây giờ nó đang được hồi sinh theo một cách mới. Mặt khác, giáo dân, cũng như các ông hoàng, ngày đó có ảnh hưởng lớn trong các thượng hội đồng.
Và các vấn đề mới nào đã xuất hiện? Vấn đề phụ nữ, chủ đề của bản sắc và khuynh hướng tình dục?
Công Đồng đã nói rất nhiều về vấn đề phụ nữ, nhất là về địa vị của họ trong xã hội. Nhưng vấn đề phụ nữ trong Giáo hội đã bị bỏ ngỏ vào thời điểm đó, và bây giờ nó rơi vào chân chúng ta. Điều tương tự cũng xảy ra với các vấn đề khác. Mối quan hệ đồng giới vẫn còn là điều cấm kỵ vào thời đó. Tất cả những điều này chỉ xuất hiện sau năm 1968, tức là sau Công đồng.
Sau này một trong những người tiếp nhận những vấn đề này là học trò của cha, thần học gia luân lý Eberhard Schockenhoff, đã qua đời năm 2020. Đối với Con đường Công nghị ở Đức, ông là người đi trước về những chủ đề này. Mối quan hệ của cha với học trò của cha là gì?
Chúng tôi là bạn bè. Mỗi lần ông về Rôma, chúng tôi có những cuộc trao đổi rất sâu đậm. Không phải lúc nào chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhau. Nhưng khi ông đi xa, khi nào lập luận của ông cũng rất vững chắc. Tôi đã đọc nhiều đoạn trích từ quyển sách đạo đức tình dục xuất bản sau khi ông qua đời. Rõ ràng đây là cả một thay đổi não trạng – nhưng nó không đi xa như những gì hiện đang xảy ra trên Con đường Công nghị. Đó là những phần mở đầu, nhưng luôn dựa trên Kinh thánh và truyền thống. Điều này hiện đang thiếu, đặc biệt là để cung cấp cho Con đường Công nghị một nền tảng thần học tốt.
Điều dẫn chúng ta đến Con đường Thượng hội đồng. Cha nghĩ sao? Nó dẫn đến đâu?
Tôi sợ chúng ta đang có một số ảo tưởng. Tôi nghĩ hoàn toàn loại ra việc chúng ta có thể áp đặt mình vào Giáo hội hoàn vũ với các quyết định của Con đường Công nghị. Tất nhiên, cũng có những người ở các quốc gia khác cũng nghĩ như vậy. Nhưng không phải đa số. Chẳng hạn vấn đề liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ. Hay tư tưởng dân chủ tham gia quản lý Giáo hội. Giáo hội không phải là một nền dân chủ! Về chủ đề này nói riêng, nhiều điều chưa được nghĩ ra về mặt thần học hay truyền thống. Chúng ta không thể tái tạo lại Giáo hội.
Hồng y Kasper: “Con đường Công nghị Đức mắc phải một lỗi từ khi phát sinh”
“Đức không nên cư xử như thể mình nắm sự thật”
Các giám mục và hồng y khác cảnh báo về một cuộc ly giáo. Đây có phải là nỗi sợ của cha không?
Con đường Công nghị tiếp tục nhấn mạnh họ không muốn ly giáo, và tôi tin điều đó. Nhưng chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng ly giáo. Kiểu như các cường quốc vấp phải trong Thế chiến thứ nhất, trong khi không ai thực sự muốn. Họ nên thực hiện điều này một cách nghiêm túc. Các câu hỏi đến từ các hội đồng giám mục khác cũng nên được xem xét một cách nghiêm túc ở Đức và không nên cư xử như thử mình nắm sự thật. Vì thế người Đức luôn làm cho họ không được yêu chuộng ở nước ngoài. Khi tôi gặp các hồng y Đức ở Rôma, người Đức lắc đầu. Vì vậy, tôi cũng cố gắng giải thích một số điều.
Một tuần sau sinh nhật lần thứ 90 của cha, sẽ tròn mười năm Đức Phanxicô được bầu chọn. Tôi nghĩ cha đã bầu cho ngài lúc đó. Có khi nào cha hối hận không?
Tôi ủng hộ ngài, nhưng không có nghĩa tôi thấy mỗi lời hay mỗi hành động của ngài là đúng. Nhưng khi một giáo hoàng được bầu, nguyên tắc trung thành được áp dụng, đặc biệt là với Giáo triều, nếu không thì công việc không chạy. Hiện tại, tôi không còn gặp ngài thường xuyên như trước nhưng mỗi khi ngài gọi điện cho tôi, tôi đều đến và có lời khuyên nếu ngài yêu cầu.
Ngài đang chịu áp lực từ hai phía: trước hết là với những người bảo thủ, ngay từ đầu họ đã từ chối phong cách của ngài, và bây giờ, ở phương Tây, chẳng hạn như ở Đức, cũng có người chỉ trích ngược lại, họ muốn thúc đẩy cải cách. Nhưng ngài là người đến từ Nam bán cầu, ngài có những mối quan tâm khác quan trọng với ngài, chúng ta phải hiểu điều này. Những gì ngài đã đặt ra sẽ cần một hoặc hai triều giáo hoàng để hoàn thành đầy đủ. Tôi hy vọng sau ngài sẽ có người thực hiện những thôi thúc này theo cách riêng của họ.
“Giáo hội đang ở trong một cuộc khủng hoảng sâu đậm. Nếu không nhìn thấy nó thì sẽ là mất trí”
Một số nhà cải cách tin rằng thay đổi sẽ là câu trả lời tốt nhất cho cuộc khủng hoảng lớn trong Giáo hội thời chúng ta. Cha nhìn thấy nó như thế nào?
Giáo hội đang ở trong cuộc khủng hoảng rất sâu đậm. Nếu không nhìn thấy nó sẽ là mất trí. Và nguyên nhân không chỉ là vụ tai tiếng lạm dụng. Cuộc khủng hoảng rộng hơn và sâu hơn nhiều. Nó ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới phương Tây. Giáo hội đang trong thời kỳ biến động. Chúng ta không thể tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra, đó là điều không thể chối cãi.
Nhưng tương lai của Giáo hội sẽ diễn ra cụ thể như thế nào thì không ai trong chúng ta biết được. Điều tôi biết là nếu thời đó tôi không sống qua sự đổi mới do Công đồng mang lại, thì tôi sẽ gặp khó khăn khi đương đầu với cuộc khủng hoảng này. Nhưng tôi nghĩ nhiệm vụ của một thế hệ mới trong Giáo hội là đưa ra câu trả lời.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch