Đức Phanxicô là mục tử của thế giới
Đức Phanxicô chào một bà lớn tuổi ở khu dân cư nghèo ở Asuncion, Paraguay ngày 12 tháng 7 năm 2015. Ảnh CNS/Paul Haring
ncroline.org, Michael Sean Winters, 2023-02-13
Một tháng kể từ hôm nay sẽ là ngày đánh dấu kỷ niệm 10 năm bầu chọn Đức Phanxicô. Trong những tuần sắp tới, tôi sẽ viết một số bài để suy ngẫm về thập kỷ đáng kể này trong lịch sử giáo hoàng. Đây không phải là một bài cáo phó sớm. Tôi cũng sẽ giải thích trong 10 năm qua lịch sử đã vẽ như thế nào về những gì chúng ta có thể mong chờ ở giáo hoàng khi ngài bắt đầu thập kỷ thứ hai lèo lái chiếc thuyền Phêrô.
Điểm nổi bật đầu tiên là cách tiếp xúc của Đức Phanxicô trong chức vụ giáo hoàng là tính nhạy cảm mục vụ của ngài. Đây là điều làm cho ngài nổi bật vào đêm đầu tiên khi ngài được bầu năm 2013. Sau khi chào đám đông bằng câu “chào buổi chiều, buona sera” và nói các hồng y đã đi “tận cùng thế giới” để tìm một giám mục mới cho Rôma, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài, cho giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI tiền nhiệm của ngài. Sau đó, ngài xướng Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh ở Quảng trường Thánh Phêrô, những kinh mà cả trẻ em cũng thuộc. Trước khi ban phép lành, ngài xin mọi người cầu nguyện cho tân giám mục của họ, ngài nghiêng mình cúi đầu và để thinh lặng bao phủ đám đông khổng lồ ở đây. Tiếp theo ngài nói lời chúc phúc và chúc mọi người ngủ ngon.
Ngày hôm sau, chúng ta biết ngài sẽ không ở dinh tông tòa mà về ở Nhà trọ Thánh Marta, nhà khách dành cho các giáo sĩ vãng lai khi họ có việc về Vatican. Điều này nói lên tinh thần khó nghèo của ngài. Căn hộ của giáo hoàng ở dinh tông tòa thật sự không đặc biệt sang trọng. Bức họa Raphael và các căn hộ Borgia mà khách du lịch có thể ghé thăm trong chuyến thăm bảo tàng Vatican đều sang trọng, nhưng căn hộ của giáo hoàng thì không. Và Đức Phanxicô cho biết, việc ngài dọn về ở Nhà trọ Thánh Marta là ngài muốn được ở gần mọi người.
Ngay từ đầu triều giáo hoàng, ngài đã tạo xôn xao khi, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Brazil về Rôma, ngài nói về các linh mục đồng tính. “Nếu ai đó là người đồng tính và họ có thiện tâm đi tìm Chúa thì tôi là ai để phán xét?” Đầu óc nổ tung, mọi người ngạc nhiên! Làm sao một giáo hoàng lại có thể nói như vậy? Những nhà phê bình bảo thủ tỏ ra “bối rối”, nhưng phần còn lại của chúng tôi, chúng tôi nhận ra đây là một mục tử thực sự quan tâm đến việc khuyến khích mọi người hơn là phán xét họ.
Sau đó ngài giảng lễ mỗi ngày ở Nhà nguyện Thánh Marta và Vatican đăng bài giảng tóm tắt. Các bài giảng là nồng ấm, dễ đọc. Có một mức độ dày đặc trong bài giảng của Đức Bênêđictô XVI, nhưng với Đức Phanxicô thì không. Điều đó không có nghĩa các bài giảng của ngài nhẹ nhàng. Nhưng ngược lại nó có một mức độ triệt để. Sở trường của ngài là đi vào trọng tâm vấn đề và vì thế tạo được tiếng vang nơi người ngồi nghe.
Một trong những bài giảng tôi yêu thích là bài giảng ngày 15 tháng 12 năm 2014, khi ngài giảng về các thầy cả chất vấn Chúa Giêsu về thẩm quyền nào mà Chúa Giêsu giảng dạy. Ngài nói về sự quá thận trọng của mỗi thời: “Đây là vở kịch đạo đức giả của dân tộc này. Chúa Giêsu không bao giờ nhân nhượng với trái tim Con Thiên Chúa của mình, nhưng Ngài cởi mở với dân chúng, luôn tìm con đường để giúp họ. Họ: “Nhưng điều này không thể làm được; kỷ luật của chúng tôi, học thuyết của chúng tôi nói rằng điều này không thể làm được! Tại sao các môn đệ của ông ăn lúa trên cánh đồng ngày sa-bát, không thể được!” Kỷ luật của họ quá cứng nhắc: “Không, không được đụng vào kỷ luật, kỷ luật là thiêng liêng.” Ngài thú nhận: “Khi tôi thấy một tín hữu kitô thuộc loại này, với một trái tim mềm yếu, không vững vàng, không bám trên đá là Chúa Giêsu, với sự cứng nhắc bên ngoài của họ như vậy, tôi xin Chúa: ‘Nhưng lạy Chúa, xin xin Chúa để vỏ chuối trước mặt họ, để họ ngã, họ xấu hổ vì mình là kẻ tội lỗi, làm cho họ đi tìm Chúa, nhận ra Chúa là Đấng Cứu Rỗi’. Thường thường tội lỗi làm chúng ta cảm thấy xấu hổ, và làm chúng ta đi tìm Chúa, Đấng tha thứ cho chúng ta, như những người bệnh đã ở đó, họ đến xin Chúa chữa lành.”
Tôi nhớ tôi đã bật cười thành tiếng khi ngồi trước máy tính và đọc đoạn vỏ chuối này!
Đôi khi, phong cách mục vụ của giáo hoàng làm cho những người theo chủ nghĩa tự do cảm thấy khó chịu. Ngay từ đầu triều, rõ ràng ngài thường đề cập đến ma quỷ nhiều hơn là các tiền nhiệm sau công đồng của ngài. Xem sự dữ như một điều gì đó được nhân cách hóa không phải là cách mà hầu hết những người hiện đại nghĩ về sự dữ, nhưng Chúa Giêsu không có cùng đắn đo như vậy. Lòng đạo đức bình dân, đặc biệt là nơi những người thực sự bị gạt ra bên lề luôn có ý tưởng, cái ác hiện diện theo cách gợi ý về một nhân cách hóa mạnh mẽ siêu việt.
Chúng ta không còn thấy ngài ở giữa đám đông như những năm đầu tiên. Đầu gối đau của ngài làm cho ngài đi đứng khó khăn. Nhưng hình ảnh ngài dừng xe giáo hoàng để các cha mẹ bồng con cho ngài ban phép lành, hoặc bước ra khỏi xe để gần gũi thăm hỏi người bị biến dạng nghiêm trọng, những hình ảnh này cho thấy ngài đã dấn thân vào thế giới bằng con mắt của Chúa Giêsu. Khó có thể tìm ra một định nghĩa nào tốt hơn về một mục tử hơn là định nghĩa đó, đến với mọi người bằng con mắt của Chúa Giêsu.
Đức Phanxicô dừng lại để hôn một em bé khi ngài đi trên xe giáo hoàng ở Hội trường Độc lập ngày 26 tháng 9 năm 2015 ở Philadelphia. (CNS/Reuters/Jim Bourg)
Một phẩm chất đáng lưu ý của ngài là ngài chỉ dành những lời cay nghiệt cho những người đạo đức giả và những chiếc áo nhồi bông, hay nói đúng hơn là những chiếc áo chùng nhồi bông. Với dân Chúa, ngài quảng đại và thông cảm. Còn với âm mưu của Giáo triều la-mã thì không.
Sự bất công cũng làm cho ngài nổi giận, nhưng nó không bắt nguồn từ một cam kết cao cả nào để có một trật tự xã hội khác, nhưng từ kinh nghiệm của ngài với tình trạng nghèo đói cùng cực, đầu tiên là ở các khu ổ chuột ở Buenos Aires và bây giờ là ở các khu ổ chuột khác nhau trên toàn thế giới, gần đây nhất là ở châu Phi. Ngài tố cáo kinh tế học tân tự do không phải từ quan điểm kinh tế mà từ quan điểm con người, từ những gì con người làm, chứ không từ các lý thuyết của nó. Ngài hiểu và yêu thương những người bị bỏ rơi bên lề đường sau khi gặp những tên cướp Giêricô tân tự do. Có phải chỉ có tôi nghĩ thế, hay dường như ngài có vẻ thoải mái hơn khi ở nhà giữa những người nghèo cùng cực hơn là ở các buổi lễ chào đón ở sân bay khi xung quanh ngài là những người có quyền lực và các người cầm quyền của họ không?
Trong hầu hết hai thế kỷ qua, các hồng y đã bầu các nhà ngoại giao hoặc các ứng cử viên có kinh nghiệm mục vụ làm giáo hoàng. Trớ trêu thay, các nhà mục vụ như Đức Piô IX và Đức Piô X lại có khuynh hướng phản đối sự thay đổi hơn, và các nhà ngoại giao như Đức Piô VII, Đức Bênêđictô XV và Đức Gioan XXIII lại có khuynh hướng mục vụ hơn. Vào thời chúng ta, Đức Gioan-Phaolô II không phản động, nhưng ngài đưa ra một cách giải thích Công đồng Vatican II bảo thủ hơn so với nhiều giám mục anh em của ngài. Đức Bênêđictô XVI đã ngồi bàn giấy ở Giáo triều 24 năm khi ngài được bầu chọn. Đức Phanxicô, người con của Châu Mỹ Latinh hưởng lợi từ việc lục địa này đón nhận Công đồng Vatican II với quyết tâm không ngừng đặt ra câu hỏi: Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo có nghĩa là gì? Cuộc đấu tranh để trả lời câu hỏi đó đã định hình phong cách mục vụ của ngài rất nhiều.
Mục tử. Đó là từ đầu tiên đến trong đầu chúng ta khi chúng ta cố gắng hiểu Đức Phanxicô. Chắc chắn ngài sắc sảo về mặt thần học, nhưng ngài được đào tạo về thần học mục vụ cũng như nghiên cứu về tín lý hoặc đạo đức. Ngài không ngại tiếp xúc với các chính trị gia trên thế giới, nhưng ngài thiếu sự thận trọng của một nhà ngoại giao. Ngài bước vào thế giới với vòng tay rộng mở và thế giới yêu mến ngài vì điều này. Giáo hoàng Phanxicô là cha xứ của thế giới, và phẩm chất này tạo cơ sở và định hình mọi khía cạnh khác trong triều giáo hoàng của ngài.
Marta An Nguyễn dịch