Đức Phanxicô mở ra một con đường sống cho những người ly dị tái hôn
Đức Phanxicô mở ra một con đường sống cho những người ly dị tái hôn
Đức Phanxicô bày tỏ mong muốn đồng hành với những người ly dị tái hôn một cách mạnh mẽ hơn. Linh mục Dòng Tên Patrick Langue, huấn luyện viên, người tháp tùng giải thích cho trang Aleteia những thách thức của việc tháp tùng này.
Ngày 15 tháng 6, bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống ban hành hướng dẫn mục vụ đồng hành cho các cặp vợ chồng trẻ, nhân dịp này Đức Phanxicô bảy tỏ mong muốn có một tài liệu khác được soạn thảo “càng nhanh càng tốt” cung cấp các phương pháp mục vụ cụ thể để đồng hành với những người ly dị tái hôn. Ngài tuyên bố, Giáo hội muốn gần gũi với những cặp vợ chồng này “để họ không cảm thấy bị bỏ rơi và có thể tìm thấy nơi cộng đồng, họ có thể tìm được tình anh em, hợp tác và giúp đỡ họ trong phân định”.
Một mối quan tâm không phải gần đây, vì ngài đã phát triển ở chương VIII trong tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Amoris Laetitia. Vấn đề đến với các bí tích, điều mà ngài không xem là một quy tắc chung, nhưng là kết quả của phân định theo từng trường hợp cụ thể, vẫn là một trở ngại với nhiều tín hữu. Sự phân biệt theo từng trường hợp này là gồm những gì? Đâu là các thách thức? Linh mục Dòng Tên Patrick Langue giáo phận Versailles, Paris trong nhiều năm ngài đã tháp tùng với những người ly dị tái hôn, ngài đào tạo các tháp tùng viên trên khắp nước Pháp. Tác giả của quyển sách Những người ly dị tái hôn: từ loại trừ đến hội nhập (Divorcés remariés: de l’exclusion à l’intégration, nxb. Fidélité) làm sáng tỏ “hành trình đồng hành và phân định” trong mục đích hướng dẫn những tín hữu này “nhận thức được vị trí của họ trước mặt Thiên Chúa” (Amoris Laetitia).
Aleteia: Một trong những mong muốn của giáo hoàng là đồng hành với người đã ly hôn tái hôn. Ngài đề cập đến vấn đề này trong tông huấn Amoris Laetitia sáu năm trước, và gần đây nhân dịp phát hành cẩm nang dành cho các cặp vợ chồng trẻ. Cha có nghĩ có một sự thiếu hỗ trợ mục vụ cho những người ly hôn tái hôn không?
Cha Patrick Langue: Chắc chắn là thiếu tháp tùng, vì ở Pháp, và chắc chắn cũng ở các nước khác, tòa giám mục hơi ngạc nhiên trong việc thực hiện tông huấn Amoris Laetitia, lý do đơn giản là có rất ít hoặc không có tháp tùng viên được đào tạo. Vì thiếu người tháp tùng được đào tạo nên việc kêu gọi người ly dị tái hôn được thực hiện rất ít! Do đó, bước đầu tiên là đào tạo tháp tùng viên. Công việc này đòi hỏi họ phải được đào tạo thêm so với cách tháp tùng cổ điển: tháp tùng viên phải học cách lắng nghe, giúp những người ly dị tái hôn đọc lại câu chuyện đời họ. Công việc này không tùy cơ ứng biến! Với kinh nghiệm, tôi nhận ra, chúng ta hiếm khi có thái độ đúng đắn ngay từ đầu: hoặc chúng ta quá lỏng lẻo và điều này không có lợi cho những người có một con đường thiêng liêng để theo, hoặc chúng ta quá cứng nhắc và do đó miễn cưỡng nghe câu chuyện cá nhân của họ. Ngoài ra, đây là tháp tùng trong một thời gian khá dài, đôi khi nhiều năm, để hiểu những gì đã xảy ra trong cuộc sống của họ và cho họ thời gian để đi theo con đường thiêng liêng.
Việc đến với các bí tích là một vấn đề tế nhị. Một mặt, Giáo lý Giáo hội công giáo cho rằng những người ly dị tái hôn ở trong tình trạng ngoại tình và do đó không thể đến với các bí tích, mặt khác, Đức Phanxicô đề cập đến “một số trường hợp nhất định” họ có thể tham dự vào đời sống bí tích. Là người tháp tùng, cha làm như thế nào để phân định?
Giáo luật có một phán xét bên ngoài mà không tính đến câu chuyện của từng người. Chính sự bế tắc này mà Đức Phanxicô đã đáp ứng với mức độ thông minh thiêng liêng cao cả. Giáo luật đóng cứng trong cùng một trạng huống, nạn nhân và thủ phạm, những người bị ly dị và những người chủ động. Theo giáo luật, họ bị đặt trên cùng một tầm mức, một phụ nữ bị chồng bay bướm bỏ rơi, để mặc bà lo cho bốn đứa con hoặc một phụ nữ quyến rũ một ông khác và bỏ con mình. Có điều gì đó không công bằng. Điều này không có nghĩa là không nên có giáo luật, nhưng phải có sự đón nhận của mọi người, không phải để phán xét mà để hiểu câu chuyện đời của họ. Chúa phán: “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (Lc 6: 37). Đây không phải rơi vào tình trạng lỏng lẻo. Nhưng nó giúp phân định, trong từng trường hợp, vì mỗi người có một câu chuyện riêng của mình. Đó là mời người ly dị tái hôn lắng nghe Chúa Thánh Thần, nghe Lời Chúa, đọc lại câu chuyện đời mình, nhận ra tội lỗi và ân sủng trong đó, để khám phá xem mình có ở trong tình bằng hữu với Chúa hay không. Nhiều người đau khổ vì ở trong tình trạng phức tạp sau khi ly hôn và không thể quên nó được. Theo nghĩa này, Đức Phanxicô đã mở ra một con đường sống.
Làm thế nào để cha giúp họ tiến về phía trước trên hành trình thiêng liêng này? Và đâu là thách thức?
Dần dần trong các cuộc họp, thường là hàng tháng, tôi chứng kiến tiến trình của một phụ nữ ly hôn tái hôn và bà đã biến qua hành động: xin người chồng cũ tha thứ, thú nhận phần trách nhiệm của mình, bà được tha thứ, một lời của sự thật được nói với con cái, một đối thoại bình an giữa những người vợ/chồng cũ… Tôi cũng nhận thấy lời cầu nguyện cá nhân của họ ngày càng sốt sắng, một cam kết sống trong tinh thần bác ái rõ rệt hơn. Những người này nhận được ơn sủng lớn lao: một số cảm nhận được lòng thương xót của Chúa trong lời cầu nguyện, một số khác bắt đầu tiến trình tha thứ… Bằng chứng có Chúa ở đó và trong tình bằng hữu với họ!
Khi một ai sống trong tình bằng hữu sâu đậm với Chúa, thì có dấu hiệu của hoán cải ở đó.
Người tháp tùng ghi nhận tất cả các giai đoạn này và nhận ra ơn Chúa. Nhiều người trong số này có một tình yêu cho Chúa, trong khi có một số lớn tín hữu không có! Khi một ai sống trong tình bằng hữu sâu đậm với Chúa, có một đời sống cầu nguyện, bác ái thì ở đó có dấu hiệu của hoán cải. Lúc đó có thể hòa giải họ trong bí tích, để họ tìm thấy, “trong kín đáo” như Đức Phanxicô nói, chỗ đứng của mình trong Giáo hội và đến với bí tích. Sau đó, chúng ta sẽ nhận ra, thực sự ý Chúa là nuôi những ai đang đói và khát. Và sự tha thứ của Chúa sẽ cho phép bánh hằng sống sẽ được nhận trong kín đáo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch