2020
Nữ Đan Sĩ Livestream Giữa Tâm Dịch
Tin giáo hội Hoàn Cầu
Cứ vào 6 giờ chiều, nữ tu Sandra lại livestream kể chuyện cho các bé với một giọng nói dí dỏm và cử điệu vui tươi được minh họa bằng những nhân vật hoạt hình vui nhộn. Chị tếu táo với các bé rằng sở dĩ có những ngày cách ly nghiêm ngặt này là tại “cái con virus đội vương miện” mà ra. Các hình nộm chị sử dụng đã đem lại tiếng cười cho mọi người từ già đến trẻ. Đến 6 giờ chiều, các bé lại háo hức chờ nữ tu Sandra kể chuyện trong chương trình mang tựa đề “Những câu chuyện của sơ Sandra”. Chương trình này được dành riêng cho trẻ em, nhưng cũng dành cho cả người lớn để họ có được ít phút thư giãn mỗi ngày đang khi phải cấm túc trong bốn bức tường nhà mình.
Chị Sandra vốn là giáo viên tiểu học ở Padova và hiện là nữ đan sĩ của đan viện Santa Cristiana tại Santa Croce sull’Arno, Pisa, Italia.
Để tạo hiệu ứng cho những câu chuyện, chị đã sử dụng các nhân vật hoạt náo vui nhộn và bằng chính giọng nói của mình, chị lồng tiếng cho mỗi nhân vật.
https://www.youtube.com/watch?v=sf362PtHCS0
Nữ tu Sandra cho biết lý do của chương trình: Tuy là các nữ tu chiêm niệm, nhưng lúc này khi mọi người buộc phải ở nhà vì dịch coronavirus, các chị đã tìm cách để gần gũi hơn với dân chúng ở Santa Croce sull’Arno. Trước hết là bằng lời cầu nguyện, rồi cùng với cha xứ, các chị đã có sáng kiến làm các video clip dành cho thiếu nhi. Sơ Sandra còn chia sẻ rằng từ khi làm các video clip này, chị đã nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ trên ứng dụng WhatsApp, nhiều người gửi lời cảm ơn vì nhờ những câu chuyện đơn sơ của chị, họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn và cảm nhận được sự gần gũi của các nữ đan sĩ dành cho họ.
Kết thúc buổi livestream, khi chào tạm biệt các khán giả tí hon của mình, chị Sandra lại gửi đến mọi người tiếng cười vui và hy vọng: “Mai gặp lại nhé! Cười lên mỗi ngày nhé, cười lên thì cái con virus kia sẽ bỏ chạy mất dép. Ciào, ciào!”
theo Avvenire
2020
Đại hội giới trẻ giữa dịch Corona, tại sao không?
Đại hội giới trẻ, ngày mà triệu con tim hướng về trong niềm háo hức chờ đợi, diễn ra 3 năm một lần toàn thế giới, và mỗi năm một lần cấp giáo phận dịp Lễ Lá, nay đang là điều được các bạn trẻ nhắc đến nhiều nhất trong nỗi buồn pha chút hụt hẫng,nuối tiếc. Tâm sự đó tình cờ tôi đọc được trong đoạn hội thoại của các bạn
– Thế là năm nay mình không được cùng nhau tham dự việc cử hành nghi thức suy tôn thánh giá nữa rồi.
– Ừ, tiết mục diễn nguyện của giáo xứ mình cũng đã tập xong từ Tết, mà bây giờ…
Và rồi cũng tình cờ tôi thấy trong status của một bạn nam: “‘buồn quá! Mình đã bỏ thời giờ học thuộc hết lời thoại, và còn nữa, cái bộ râu mất công nuôi bấy nay để đóng cái vai Giuđa!
Thế đấy, tôi hiểu đó không chỉ là những chuyện bên ngoài, mà là chính nỗ lực của các bạn trong việc sống và diễn tả niềm tin của mình. Ngày Đại hội mỗi năm- nơi gặp gỡ, nối kết, nhưng hơn thế nữa,nơi mà ngàn trái tim, triệu tâm hồn với tất cả khát vọng, tình yêu, sức trẻ, đang cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô như vị vua và là Đấng cứu độ duy nhất.
Vậy thì các bạn ơi, Đại hội giới trẻ giữa đại dịch, tại sao không? Corona khiến chúng ta không có cơ hội về Tòa Giám mục, nhà thờ chính tòa, hay Trung tâm mục vụ dự lễ như mọi năm thì chúng ta đã có một không gian khác, với muôn vàn phương thức khác cho ngày đặc biệt này mà, đúng không? Thử đề nghị với các bạn 3 điểm sau nhé!
1. GẶP NHAU TRONG MỘT KHÔNG GIAN MỚI
Trên facebook, Zalo, viber, twitter …nói chung tất cả các phương tiện nơi các bạn giao tiếp gặp gỡ nhau mỗi ngày, hãy dành nó cho đại hội.
Là người trẻ bạn rất linh hoạt, thông thạo và am hiểu về lãnh vực này mà. lẽ ra là con cái Chúa chúng ta nên có “chút gì của Chúa” trong thế giới ảo mà rất cụ thể này của chúng ta, nhưng nếu bạn chưa bao giờ làm điều đó thì hôm nay hãy làm. Trên mỗi trang chủ thay vì những thứ linh tinh, phim ảnh, thời trang, hình ảnh thần tượng,,,thì hôm nay hãy dành chỗ trang trọng đó cho điều mà bạn và các bạn trẻ Kitô giáo khắp thế giới cùng quan tâm.
Để rồi từ khung cảnh này chúng ta sẽ nói với nhau về câu chuyện Đức Giêsu.
2. CÙNG TRAO ĐỔI MỘT ĐỀ TÀI
Đại hội thế giới năm nay với chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14). Đoạn văn cho chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu vào thành Naim, tình cờ gặp một đám tang đưa một anh thanh niên đi chôn, anh là con trai duy nhất của bà mẹ góa. Chúa Giêsu, bị đánh động bởi nỗi đau tột cùng của người mẹ, Ngài đã làm một phép lạ làm cho con trai của bà chỗi dậy.
Tin Mừng không nói tên của thiếu niên được Chúa làm cho sống lại ở Naim, để tên chúng ta được điền vào đó với lời mời gọi của Đức Giêsu “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”
– Hãy chỗi dậy. vì người trẻ chúng ta dễ ngã vào những cuộc chơi bất tận của hào nhoáng, đam mê nghiện ngập, những thần tượng ảo, để rồi kiệt sức với nó.
– Hãy chỗi dậy để sống có trách nhiệm, chiếc điện thoại của chúng ta thay vì rút ra chụp và tung tán những cảnh bạo lực, bạn trẻ công giáo hãy dùng nó để cấp báo hay loan những tin tốt lành.
– Hãy chỗi dậy khỏi sự thờ ơ vô cảm đang ngày càng lây lan trong xã hội. Đừng lướt qua các sự kiện đau khổ hằng ngày như lướt qua một trang facebook. Tin tức cho biết dịch Corona hôm nay nâng số ca lây nhiễm lên đến con số triệu, số tử vong tới ngàn ngàn. Nhưng các bạn ơi đó không chỉ là con số, mỗi đằng sau nó là một mạng người.
Nhiều và còn nhiều lắm những điều chúng ta trao đổi với nhau, giúp nhau chỗi dậy, vươn tay lên cho sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành và không bao giờ bỏ rơi chúng ta
3. CÙNG TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Đó là phần các bạn thường làm trong các đại hội, là hiệp thông với toàn thể Giáo hội để long trọng cử hành thánh lễ Chúa nhật lễ lá. Chúng ta sốt sắng chuẩn bị tâm hồn cùng nhau tham dự thánh lễ trực tuyến.
Chương trình của các giáo phận đã có sẵn và ít nhiều sẽ dành ưu tiên cho các bạn qua ý lễ, qua các bài giảng.
Để bảo đảm rằng chúng ta có thể hiệp thông trọn vẹn với giáo hội, hãy canh đúng giờ dự lễ, chứ đừng xem lại thánh lễ như coi video.
Vậy nhé! Chúc các bạn ngày đại hội thật vui và ý nghĩa.
Sr. Lucia Cao Thị Xuân Trang
2020
ĐHY Turkson đại diện Đức Thánh Cha đến thăm bệnh viện Gemelli
Chiều thứ Sáu 03/04, Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện đã đến thăm bệnh viện Gemelli ở Roma, để bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với những người bị nhiễm virus corona và các nhân viên y tế.
Đi cùng với Đức Hồng y Tổng trưởng có Đức ông Segundo Tejado Muño, Phó Tổng Thư ký của Bộ và cha Nicola Riccardi. Phái đoàn đã gặp các nhân viên y tế, những người đã tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Phái đoàn cũng gửi lời chào thăm của Đức Thánh Cha đến tất cả những người bị nhiễm virus corona, gia đình của họ và các linh mục đang thi hành thừa tác vụ mục vụ trong bệnh viện.
Trước khi ra về, Đức Hồng y Turkson đã tặng các chuỗi Mân Côi được Đức Thánh Cha làm phép và bảo đảm với họ rằng Giáo hội cầu nguyện và nâng đỡ họ trong thời điểm khó khăn chiến đấu chống đại dịch, cũng như những khó khăn về thể lý cũng như tinh thần.
Các nhân viên y tế đang làm công việc của các vị tử đạo
Trong cuộc phỏng vấn sau cuộc viếng thăm, Đức Hồng y khen ngợi các nhân viên và ban quản trị của bệnh viện. Trích lời của thánh Carlo Boromeo, người đã sống trong một trận đại dịch, ngài nhận định rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang làm công việc của các vị tử đạo. Đức Hồng y cho biết Đức Thánh Cha đang chuẩn bị tặng 30 đến 50 máy thở để giúp bệnh viện Gemelli thi hành công việc quan trọng là cứu sự sống.
Tình liên đới chia sẻ của gia đình nhân loại trong đại dịch
Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ phục vụ và Phát triển con người toàn diện cho biết ngài thấy hy vọng khi thế giới “học sống tình huynh đệ và liên đới.” Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, chia sẻ kiến thức, hoạt động liên đới với nhau, cùng nhau làm việc và xem toàn thế giới trong hoàn cảnh đại dịch hiện tại như một gia đình, trong đó tất cả chúng ta là các thành viên và là anh chị em, và học cách giúp đỡ nhau từ các nguồn kiến thức của chúng ta.
Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐHY Parolin nói: Trong khủng hoảng đại dịch, đừng đóng kín mình nhưng liên đới với tha nhân
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã khẳng định sự gần gũi của Giáo hội đối với những người đau khổ trong thời gian đại dịch virus corona. Ngài kêu gọi tinh thần liên đới quốc tế và nói rằng đây không phải là lúc để chúng ta khép kín mình với người khác.
Giáo hội gần gũi chia sẻ khó khăn với mọi người
Trước hết, Đức Hồng y cho biết Đức Thánh Cha và giáo triều Roma chia sẻ thời gian khó khăn bi kịch với mọi người. Giáo hội gần gũi với những người đau khổ và thiếu thốn. Đức Thánh Cha vẫn tìm mọi cách có thể để gần gũi mọi người trên khắp thế giới. Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta là một ví dụ. Một ví dụ khác là Đức Thánh Cha không ngừng cầu nguyện cho mọi người.
Thời gian nhận ra mình là thụ tạo yếu đuối, cần tha nhân và cần trở về với Thiên Chúa
Theo Đức Hồng y, trước cuộc khủng hoảng đại dịch, chúng ta nhận ra sự yếu đuối dễ tổn thương của mình, nhận ra mình không phải là những người sáng tạo, nhưng là các thụ tạo nghèo hèn; chúng ta hiện hữu là do có Đấng ban sự sống cho chúng ta. Đồng thời trong thời gian này, chúng ta có cơ hội tái khám phá giá trị của gia đình, tình bạn, các mối liên hệ mà chúng ta thường bỏ qua, sự liên đới, lòng quảng đại, chia sẻ, gần gũi cụ thể trong những điều nhỏ bé. Chúng ta cần tha nhân, cần xã hội. Và đây cũng là thời gian thích hợp để chúng ta hết lòng trở về với Thiên Chúa.
Đức tin giúp tín thác vào Chúa và nhận ra điều tốt quanh mình
Đức tin Kitô giáo giúp chúng ta trong thời gian khó khăn hiện tại biết phó thác vào Chúa hơn, cầu nguyện không ngừng để xin Chúa chấm dứt đại dịch. Đức tin giúp chúng ta nhận ra mọi điều tốt chung quanh mình: các sáng kiến mục vụ của các linh mục tu sĩ, sự dấn thân của giáo dân. Giáo hội gần gũi với các bệnh nhân qua những người chăm sóc họ. Đức Hồng y nói: “Thật là đẹp và có ý nghĩa Tin Mừng khi nghĩ rằng vào thời gian khó khăn, cách nào đó, ngay cả bàn tay của các bác sĩ, y tá, các nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người mỗi ngày an ủi, chữa lành và đồng hành với các bệnh nhân vào giây phút cuối của họ, trở thành những bàn tay của tất cả chúng ta, của Giáo hội, của gia đình để chúc lành, từ giã, tha thứ và an ủi. Đó chính sự âu yếm chữa lành và ban sự sống của Thiên Chúa, ngay cả sự sống vĩnh cửu.”
Không phải là lúc đóng kín bản thân nhưng cần tình liên đới
Cuối cùng, khi cuộc khủng hoảng đại dịch lây lan khắp thế giới, Đức Hồng y nhận định đây là thời gian thực sự cần cầu nguyện và cùng nhau dấn thân để tình liên đới quốc tế không bị mất đi. Ngài nói: “Dù cho tình trạng khẩn cấp, dù cho sợ hãi, đây không phải là lúc khép kín mình với tha nhân… Đây là cơ hội để cảm thấy hiệp nhất hơn và nuôi dưỡng tinh thần liên đới và chia sẻ giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, giữa mọi người trên thế giới… (REI 02/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican