2020
ĐTC Phanxicô: Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có
Sáng thứ Hai, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho các tù nhân và cho những người có trách nhiệm tìm ra các giải pháp cho tình trạng quá tải trong các nhà tù. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung nói về người nghèo, nạn nhân của chính sách kinh tế bất công và nhắc các tín hữu nhớ rằng trong ngày phán xét chung, chúng ta sẽ chịu phán xét về mối tương quan của chúng ta với người nghèo.
Bắt đầu Thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến một vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Hôm nay, tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho tình trạng quá tải trong các nhà tù. Trong đại dịch này, đây là một mối nguy hiểm sẽ dẫn đến thảm họa nghiêm trọng. Chúng ta cầu nguyện cho những người có trách nhiệm tìm ra giải pháp đúng và sáng tạo để giải quyết vấn đề này”.
Bài giảng của Đức Thánh Cha tập trung về người nghèo, vì Tin Mừng hôm nay có một đoạn nói về người nghèo. Tin Mừng thuật lại việc Marta và Maria đón tiếp Chúa tại nhà mình cùng với Ladarô đã được Chúa cho sống lại. Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu. Cả nhà sực mùi thơm. Giuđa phản ứng trước hành động của Maria với câu hỏi sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo. Trong Tin Mừng cũng chỉ rõ Giuđa nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.
Bài giảng của Đức Thánh Cha khởi đi từ cuối đoạn Tin Mừng, việc các thượng tế quyết định giết Ladarô vì ông là “chứng nhân của sự sống lại”, nhưng sau đó Đức Thánh Cha dừng lại trên những lời của Chúa Giêsu: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có”.
Đức Thánh Cha giải thích: “Câu chuyện về người quản lý không trung tín như Giuđa luôn có trong mọi thời. Nó xảy ra ngay cả trong các tổ chức từ thiện, nhân đạo. Các tổ chức này có nhiều nhân viên, cuối cùng khi phúc lợi đến với người nghèo chỉ còn 40%, vì phần còn lại để trả lương cho nhiều người. Đó là một cách lấy tiền của người nghèo”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng xung quanh chúng ta có rất nhiều người nghèo, từ “người nghèo mà chúng ta có thể thấy, họ chỉ là phần nhỏ”, và “người nghèo chúng ta không thấy”. Đức Thánh Cha giải thích: “Chúng ta không thấy người nghèo nguyên nhân do sự dửng dưng, thờ ơ của chúng ta. Hoặc do chúng ta có thói quen xem người nghèo như một vật trang trí”.
Theo Đức Thánh Cha, phần lớn người nghèo mà chúng ta không thấy họ là “nạn nhân của chính sách kinh tế, tài chính”, nạn nhân của cơ cấu bất công của nền kinh tế thế giới. Hậu quả là nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu phải âm thầm tới tổ chức Caritas để xin hỗ trợ, họ không dám lộ diện vì xấu hổ.
Đức Thánh Cha cảnh báo: “Đây là hình thức nghèo đói mới, thành phần này rất nhiều. Trong cuộc phán xét chung, câu hỏi đầu tiên của Chúa Giêsu sẽ là: Các ngươi đã làm gì cho người nghèo? Các ngươi đã cho họ ăn? Đã thăm viếng khi họ ở trong tù, trong bệnh viện? Đã giúp đỡ người góa phụ, người mồ côi? Bởi vì Ta là những người nghèo đó. Chúng ta sẽ bị xét xứ về những điều này”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta sẽ không chịu phán xét vì sự xa hoa hoặc những chuyến đi đây đó hoặc các hoạt động xã hội quan trọng mà chúng ta đã thực hiện. Chúng ta sẽ chịu phán xét theo các tương quan của chúng ta với người nghèo. Nhưng nếu hôm nay, chúng ta phớt lờ người nghèo, để họ qua một bên, thì trong ngày phán xét Thiên Chúa cũng sẽ phớt lờ chúng ta”.
Ngọc Yến
2020
ĐHY Piacenza: Lòng Thương Xót Chúa không dừng lại ngay cả trong thời điểm đại dịch
Hôm 04/4/2020, ĐHY Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân giải Tối cao gửi thư cho các vị giải tội, mời gọi họ ý thức việc cách ly xã hội trong thời gian đại dịch không phải là cách ly thần học-bí tích.
Chánh Tòa Ân giải Tối cao viết: “Việc cách ly xã hội là điều cần thiết vì lý do sức khỏe, nhưng điều này không thể và không bao giờ dẫn tới cách ly Giáo hội”.
Đức Hồng y nhắc lại sắc lệnh về ơn toàn xá được ban hành vào 19/3 và khẳng định: “Lòng Thương xót Chúa không dừng lại vì do không thể cử hành các bí tích theo cách thông thường”. Các linh mục giải tội được mời gọi cầu nguyện, an ủi và dẫn dắt các linh hồn đến với Lòng Thương Xót Chúa, bằng cách làm tròn vai trò chuyển cầu của linh mục, đã được trao trong ngày chịu chức. Lòng Thương Xót không dừng lại bởi vì tất cả chúng ta cần sự gần gũi và âu yếm của Chúa Giêsu. Đây là điều được cụ thể hóa trong việc lắng nghe và đối thoại, có khả năng khơi dậy niềm hy vọng và ánh sáng trong hoàn cảnh thử thách này. Lòng Thương Xót không dừng lại nhưng được biểu lộ qua sự sáng tạo mục vụ của rất nhiều anh em linh mục khi tìm cách gần gũi với những người được giao phó cho họ, làm chứng cho đức tin, lòng can đảm, tình phụ tử và sống trọn chức tư tế của mình.
“Lòng Thương Xót không dừng lại nhưng được thể hiện trong những cử chỉ dịu dàng, tình yêu dành cho người nghèo, những người qua đời trong bệnh viện, các nhân viên y tế, người cô đơn và sợ hãi. Lòng Thương Xót không dừng lại bởi vì sự hiến dâng của Thánh lễ không dừng lại, mặc dù việc cử hành không có sự hiện diện của dân chúng”.
“Lòng Thương Xót không dừng lại nhưng được thể hiện trong việc tái khám phá các giá trị liên quan đến sự sống và cái chết, tái khám phá sự thinh lặng: thinh lặng thờ lạy và cầu nguyện, tái khám phá sự gần bên của người khác và trên hết là của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót không dừng lại trong cử hành phụng vụ thánh nhưng trở thành hành vi bác ái”.
Cuối cùng theo Đức Hồng y Chánh Tòa Ân giải Tối cao nói “Lòng Thương Xót cũng không dừng lại nơi những ai đã được kêu gọi trở về nhà Cha, bởi vì mỗi người đã được ân hưởng ơn Phục Sinh. Nhờ ân sủng này, cái chết không phá vỡ các mối liên hệ nhưng được biến đổi và củng cố trong sự hiệp thông với các thánh”. (CSR_2270_2020) Ngọc Yến – Vatican
2020
Đài Loan cộng tác với Tòa Thánh giúp người nghèo trong đại dịch
Để đối phó với tình trạng khẩn cấp do virus corona, ông Mátthêu Lý Thế Minh (Matthew Shieh-Ming Lee), Đại sứ Đài Loan cạnh Tòa Thánh đã thực hiện một số chương trình để hỗ trợ Tòa Thánh trong các hoạt động chống đại dịch giúp đỡ người nghèo.
Ngày 23/03, Đại sứ Đài Loan đã trao cho Đức Hồng y Krajewski 600 hộp cá. Số thực phẩm này đã được chuyển đến tòa nhà Migliori, gần đền thờ thánh Phêrô, là nơi Đức Thánh Cha Phanxicô muốn dùng để đón tiếp người vô gia cư.
Đài Loan sẽ tiếp tục ủng hộ Tòa Thánh và các sáng kiến từ thiện của Tòa Thánh
Đại sứ quán Đài Loan cạnh Tòa Thánh cho biết Đại sứ Mátthêu Lý “đã bày tỏ sự ngưỡng mộ tối đa đối với những nhân viên của Tòa thánh, những người tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho những người nghèo khổ bất chấp tình trạng khẩn cấp của virus corona.” Đại sứ Lý nói thêm rằng “mặc dù cá ngừ không phải là một loại thực phẩm đắt tiền, nhưng nó diễn tả tình yêu của Đài Loan dành cho những người không có gì” và nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ tiếp tục ủng hộ Tòa Thánh và các sáng kiến từ thiện của Tòa Thánh.
Đại sứ quán Đài Loan cũng đã tặng các khẩu trang y tế của Đài Loan cho một số cơ quan và cơ sở thuộc Tòa Thánh, như Chủng viện Giáo hoàng Urbano, Hàn lâm viện Tòa Thánh. Số khẩu trang đã được phan phát cho các linh mục và chủng sinh đang học ở Roma. Bằng cách này, Đài Loan muốn giúp đối phó với tình trạng thiếu khẩu trang khi số ca lây nhiễm gia tăng.
Số khẩu trang được tặng cho Tòa Thánh cũng có sự cộng tác của tổ chức Cứu trợ Phật giáo Từ Tế (Tzu Shi). Bốn ngàn khẩu trang đã được tặng cho nhà thuốc của Vatican. Đại sứ Lý khẳng định “giúp đỡ là một nghĩa vụ luân lý đối với chúng ta.”
Đại sứ quán Đài Loan giúp các nữ tu dòng thánh Camillo
Đại sứ quán Đài Loan cũng tặng một số khẩu trang và thức ăn cho cộng đoàn các nữ tu dòng thánh Camillo chăm sóc bệnh nhân ở Roma. Toàn cộng đoàn của các sơ phải cách ly và 17 trong số 24 sơ có thể đã bị nhiễm virus. Do đó không ai có thể đi ra ngoài, thậm chí là để mua thức ăn.
Một nhân viên của Đại sứ quán Đài Loan nói: “Trong những tuần này, nhiều tặng phẩm được gửi đến cho các nhà truyền giáo Ý, những người đã từng hy sinh sự sống vì người Đài Loan. Giờ đây họ và các anh chị em của họ đang đau khổ, đặc biệt là ở Bắc Ý. Vì thế những người Đài Loan chúng tôi muốn làm điều gì đó cho họ.” (ACI 04/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Đón nhận và chấp nhận trong đời tu
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Thật vậy, cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Bên cạnh những hạnh phúc, vẫn có những bất hạnh. Trong dòng đời vẫn có những nét mặt vui tươi nhưng không thiếu những giọt nước mắt của kẻ đau khổ và hối hận muộn màng. Trong cuộc sống, ngoài những đoạn đường đầy ắp tiếng cười của sự thành công, vẫn còn những tiếng gào thét ai oán, hận thù trong thất vọng tràn trề. Con người hình như có xu hướng dễ đón nhận những niềm vui hơn là đau khổ, dễ đón nhận hạnh phúc hơn là bất hạnh, dễ đón nhận những điều thuận ý hơn là trái ý. Trong thực tế, cách chung đón nhận thì dễ; còn chấp nhận thì khó hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình cũng như tu trì, luôn cần phải có cả hai: đón nhận và chấp nhận. Noi gương Đức Maria, người tu sĩ cách riêng cũng được mời gọi đón nhận và chấp nhận trong hành trình dâng hiến.
Đón nhận
Khi nói tới đón nhận là bao hàm việc đón nhận một điều gì đó từ bên ngoài vào trong. Nó mang nghĩa chủ động. Chẳng hạn, đón nhận một con người mới, một lối sống mới trong một địa điểm mới. Hôm nay hội dòng hân hoan đón mừng anh chị là thành viên chính thức của nhà dòng. Tôi cảm thấy vui mừng và hãnh diện vì được đón nhận để cùng chia sẻ đời sống tu trì dưới mái nhà một hội dòng nào đó. Đây là mức độ đón nhận căn bản nhất trong đời sống tu trì. Đón nhận có thể theo từng cấp độ, từng thời gian và từng trách nhiệm. Khi tôi được đón nhận như là một thành viên của gia đình hội dòng, tôi cũng phải sống làm sao cho tương xứng với vai trò và trách nhiệm của mình được đón nhận. Khi tôi được đón nhận với tư cách là một bề trên của một hội dòng, tu viện, hay cộng đoàn, thì tôi phải chu toàn trách vụ cao hơn là một thành viên trong cộng đoàn. Cho nên, việc đón nhận không chỉ bao hàm việc sống trong mái nhà nào đó của hội dòng nhưng còn phải chấp nhận những anh em mình sống chung trong một cộng đoàn và dám trao ban cả số phận mình nữa. Một trong đặc tính căn bản của đời sống cộng đoàn tu trì là đón nhận lẫn nhau. Nếu thiếu vắng chiều kích này, đời sống tu trì chỉ như là một “văn hóa ở trọ” trong một hội dòng.
Mới nhìn qua, đón nhận xem ra dễ thực hiện nhưng trong thực tế thì không mấy dễ dàng. Thật vậy, trong thực tế bề dưới có khi không muốn chấp nhận quyền bính của bề trên. Bề trên cũng đôi lần không đón nhận hay tôn trọng ý kiến của bề dưới với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí ngay cả trong những bề trên với nhau cũng không muốn chấp nhận nhau, muốn cắt đứt liên hệ với nhau để tự do hành động ý riêng của mình chứ không phải phục vụ cho công ích. Đây là một điều rất phương hại cho cộng đoàn và nhà dòng. Còn hơn thế nữa, khi mà những bề trên khó đón nhận nhau trong quan điểm, cách làm việc, có thể nói rằng bề dưới chịu thiệt thòi khá nhiều. Thật vậy, chính điều bất đồng này sẽ làm cho bề dưới mất đi nhiệt huyết trong việc đáp trả ơn gọi. Nếu thời gian này kéo dài, bề dưới có nguy cơ mất ơn gọi của mình. Ngoài ra, nếu chúng ta để ý một chút thì sẽ thấy trong cộng đoàn tu trì có những người này thân thiện với người kia hơn. Đây là điều thường tình của con người vì có nhiều lý do như: hợp tính tình, hợp sở thích, cùng đồng hương,…
Nhưng một thực tế mà không ai muốn là trong cộng đoàn tu trì vẫn có một vài người không bao giờ nói chuyện với nhau, thậm chí “không đội trời chung”. Họ như “mặt trời” và “mặt trăng” với nhau không bao giờ gặp nhau trong đối thoại, quan điểm. Họ vẫn sống chung trong một mái nhà linh đạo, trong cùng một cộng đoàn nhưng hình như lại không ý thức sự hiện diện của nhau. Điều tệ hại hơn là nếu gặp những anh chị em khác, họ thích bàn luận và dư luận về những người mà mình thực sự không sẵn sàng hoặc không thể đón nhận. Và như chúng ta biết, cũng chỉ vì “dư luận”, nên đôi khi cao hứng quá mà những người trong cuộc “luận dư” (luận quá dư) so với những gì đang xảy ra hoặc đang có. Hậu quả của điều này, như chúng ta biết, là gây mất tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn và gây gương mù gương xấu cho những tu sĩ trẻ trong hội dòng.
Thật vậy, cuộc sống con người là một hành trình mà trong đó niềm vui và nỗi khổ luôn đan xen lẫn nhau. Cũng vậy, đời sống tu trì là một hành trình trên trần gian để đi tìm hạnh phúc cho đời này và đời sau. Trên đoạn đường này sẽ có những lúc thật khó khăn để đón nhận: đón nhận ý Chúa, đón nhận ý của bề trên, và đón nhận anh chị em mình trong một hội dòng, cộng đoàn. Trong những lúc này, chúng ta cần phải chấp nhận, chấp nhận sự thực, chấp nhận với những gì đã và đang đón nhận từ Chúa và hội dòng.
Chấp nhận
Chấp nhận xem ra mang nghĩa bị động. Điều này có nghĩa là: một khi trong đời tu tôi tạm không còn khả năng để đón nhận anh chị em mình trong cùng một cộng đoàn, hoặc những điều xảy ra không có lợi cho hội dòng, tôi tạm chấp nhận mọi chuyện như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa tiêu cực là chấp nhận mọi thứ như vậy rồi bỏ mặc phó thác mọi sự muốn làm sao thì làm. Nhưng chấp nhận là dám nhìn nhận thực tế vào chính mình, vào hoàn cảnh thực tế của hội dòng mà mình đã và đang đón nhận. Chấp nhận có thể khởi đi từ bên trong ra ngoài.
Chấp nhận trước tiên là khởi đi từ chính mình. Chấp nhận chính mình. Có chuyện kể thế này: có người khi được chọn làm bề trên, khóc như mưa và quyết không chịu nhận. Nhưng khi mọi người trong hội dòng năn nỉ và phân tích thì đón nhận. Tuy nhiên, sau một nhiệm kỳ thì tới lúc không còn được anh chị em mình tín nhiệm nữa, thì vị bề trên ấy lại không chịu chấp nhận nghi thức ‘tiễn cựu nghinh tân”! Hoặc có người không còn làm bề trên nữa nhưng sống trong tư tưởng mình vẫn còn là bề trên. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là vị này không có đức vâng lời nhưng hình như họ chưa sẵn sàng chấp nhận sự thực mình đã không còn là bề trên nữa. Hầu như trong một số lời nói, chia sẻ, bài viết vẫn còn mang tính giáo huấn của một người bề trên. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho vị bề trên đương nhiệm trong việc điều hành và quản trị hội dòng nhưng đôi khi gây phản chứng cho các anh chị em trẻ về tinh thần lời khấn vâng lời. Dĩ nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt trong số nhiều những tấm gương hy sinh và khiêm nhường của những bậc bề trên tiền nhân trong việc phục vụ anh em và công ích cho nhà dòng.
Kế tiếp, chấp nhận là biện biệt về mối tương quan giữa vai trò và trách nhiệm của mình với những anh chị em khác trong hội dòng cũng như nhìn nhận thực tế và thực trạng hội dòng mình đã và đang đón nhận. Vào những tháng năm mùa xuân của đời sống tu trì, người tu sĩ rất dễ dàng đón nhận và chấp nhận: dễ đón nhận thuận ý và chấp nhận trái ý. Tuy nhiên, khi thời gian qua đi với những “cuộc chạm trán nảy lửa” vì bất đồng quan điểm trong cách làm việc, trong cuộc sống, họ bắt đầu cảm thấy khó chấp nhận nhau. Khi mà đi tới đoạn đường gồ gề với những đố kỵ, ghen tương, toan tính của con người mà thiếu đi sự tác động của Thần Khí, người tu sĩ dễ loại bỏ nhau và thật khó chấp nhận nhau.
Khi mà thời điểm mùa xuân của đời tu nhường chỗ cho mùa thu của tuổi đời xế bóng, người tu sĩ cần đủ nghị lực để nhìn nhận và chấp nhận. Trong giai đoạn này, người tu sĩ thực sự cần đến sự từ bỏ tận căn để dám chấp nhận những thực tế mà mình đang có. Có như vậy, người tu sĩ, đặc biệt những tu sĩ lớn tuổi mới thanh thản và vui vẻ chấp nhận về hưu an dưỡng tuổi già. Những người đã từng làm bề trên nhưng nay không còn nữa sẽ vui vẻ chấp nhận và nhường “sân khấu” cho những đàn em của mình có cơ hội chia sẻ và gánh vác những công việc chung của hội dòng.
Trong cuộc sống ngoài đời hay tu trì không phải lúc nào cũng bằng phẳng lặng im nhưng không ít đôi lần chúng ta phải chạm trán với những đoạn đường lên đồi Gôn-gô-tha. Tuy nhiên, “Ví phỏng đời bằng phẳng cả…anh hùng hào kiệt có hơn ai,” phải có sóng gió mới biết ai là anh hùng đích thực. Nếu chỉ là những điều thuận ý ai mà chẳng đón nhận được nhưng cũng cần phải có những điều trái ý để giúp chúng ta có cơ hội xác quyết hơn với những gì mình đã chọn và từ bỏ. Đời tu cần cả hai: đón nhận và chấp nhận. Dám buông rơi để đón nhận và dám chấp nhận để đón nhận những gì mà chúng ta chưa thể buông rơi được.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con đã được kêu gọi và được đón nhận vào đời sống tu trì để đi theo Chúa cách mật thiết hơn. Chúng con được mời gọi đón nhận nhau, đón nhận ý Chúa qua những người có trách nhiệm. Xin Chúa ban cho chúng con sống sao cho xứng đáng với những gì mà chúng con đã được đón nhận. Ngoài ra, cũng xin Chúa ban cho chúng con đủ mọi nghị lực để dám chấp nhận nhau, chấp nhận chính mình, và chấp nhận thực tế của hội dòng nơi chúng con đang đón nhận để chúng con sẵn sàng từ bỏ và vui vẻ trong đời tận hiến.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài