2020
ĐTC thành lập Quỹ khẩn cấp trợ giúp các miền truyền giáo đối phó với Covid-19
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quỹ khẩn cấp để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Covid-19.
Ngày 06/04 vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Thánh Cha “thành lập một Quỹ khẩn cấp tại các Hội Giáo hoàng Truyền giáo”. Số tiền thu được qua Quỹ này được dành để giúp cho những người và các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lây lan của Covid-19″, sẽ được gửi trực tiếp cho các nước truyền giáo” qua các cơ sở và tổ chức của Giáo hội.
Đức Thánh Cha kêu gọi mạng lưới rộng lớn của Giáo hội đối phó với COvid-19
Nhận định về việc thành lập Quỹ này, Đức Hồng y Luis Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, nói: “Trong nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của mình, Giáo hội thường ở tuyến đầu đối diện với những mối đe dọa lớn đối với hạnh phúc của con người. Chỉ riêng ở châu Phi, có hơn 74.000 nữ tu và hơn 46.000 linh mục điều hành 7.274 bệnh viện và phòng khám, 2.346 nhà cho người già và người dễ bị tổn thương, và giáo dục hơn 19 triệu trẻ em tại 45.088 trường tiểu học. Ở nhiều vùng nông thôn, họ là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục duy nhất. Đức Thánh Cha đang kêu gọi toàn bộ mạng lưới rộng lớn của Giáo hội ứng phó với những thách thức phía trước.
Đức Thánh Cha đóng góp đầu tiên
Đức Thánh Cha đã thành lập Quỹ khẩn cấp và còn là người đầu tiên đóng góp cho Quỹ này. Ngài đã góp 750.000 đô la. Ngài kêu gọi các thực thể Giáo hội và các cá nhân có thể và muốn giúp đỡ, đóng góp cho Quỹ này thông qua các Hội Giáo hoàng truyền giáo của mỗi quốc gia.
Mục đich của Quỹ khẩn cấp
Theo Đức Tổng giám mục Dal Toso, Chủ tịch các Hội Giáo hoàng truyền giáo, mục đích của Quỹ khẩn cấp là hỗ trợ sự hiện diện của Giáo hội tại các miền truyền giáo, cũng đang bị ảnh hưởng vì hậu quả của virus corona. Ngài nói: “Qua hoạt động giảng dạy Tin Mừng và các trợ giúp cụ thể nhờ mạng lưới rộng lớn của chúng ta, chúng ta có thể cho thấy rằng không ai đơn độc trong khủng hoảng này. Theo nghĩa này, các tổ chức Giáo hội và các thừa tác viên giữ một vai trò quan trọng. Đây là ý định của Đức Thánh Cha khi thành lập Quỹ này. Khi nhiều người đau khổ, chúng ta có thể nhớ và đến với những người mà có thể chẳng ai quan tâm đến họ, và bày tỏ tình yêu của Chúa Cha.”
Các đóng góp có thể chuyển qua ngân hàng đến:
IT84F0200805075000102456047 (SWIFT UNCRITMM) cho:
Amministrazione Pontificie Opere Missionarie,
ghi chú: Fund Corona-Virus
(REI 06/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Cuộc sống của một Hồng Y trong cảnh cách ly xã hội ở Roma
Nằm gọn trong lãnh thổ nước Ý, các sinh hoạt của Vatican, tuy là một nước độc lập, cũng tùy thuộc rất nhiều vào các cơ chế của Ý, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19. Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, kể lại cuộc sống của ngài giữa mùa đại dịch.
4 tuần cách ly
Tính đến chúa nhật Lễ Lá 5-4-2020, nước Ý ở trong tình trạng cách ly xã hội được 4 tuần lễ, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Coronavirus. Vatican cũng chấp nhận và áp dụng các biện pháp do chính phủ Ý ban hành để đối phó với đại dịch này, đặc biệt là tại các thánh đường, ngưng cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự. Quảng trường và Đền Thờ thánh Phêrô cũng bị đóng cửa, như các biện pháp nhiều nơi khác đang áp dụng. Các cơ quan của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican cũng hạn chế tối đa số nhân viên làm việc tại chỗ. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh tiếp tục hoạt động ở mức tối thiểu để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ. Và thực tế là các hoạt động này bị giảm đến mức thấp nhất.
Phỏng vấn ĐHY Koch
Trong bối cảnh này, hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ (cath.ch) mới truyền đi cuộc phỏng vấn một Hồng Y đồng hương của họ, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, về cuộc sống và hoạt động cũng như tâm tình của ngài trong thời kỳ cách ly xã hội hiện nay.
ĐHY Kurt Koch là người Thụy Sĩ Đức, mới mừng sinh nhật thứ 70 hôm 15-3 vừa qua (1950-2020), nguyên là một giáo sư thần học tín lý tại Đại chủng viện Lucerne, trước khi được chọn làm GM giáo phận Basel, cách đây 25 năm (1995). Đây là giáo phận lớn nhất tại Thụy Sĩ với 1 triệu 60 ngàn giáo dân, bao trùm 11 bang của nước này. Cách đây 10 năm (2010), Đức Cha Koch được ĐGH Biển Đức 16 thăng TGM và mời về Vatican để phụ trách Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.
”Thứ Sáu Tuần Thánh” kéo dài
Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Koch gọi tình trạng cách ly xã hội ở Roma, ở Vatican, là một ”Thứ Sáu Tuần Thánh kéo dài”. Giữa mùa xuân, có một trạng thái ”vật vờ’ lạ kỳ bao phủ thành Roma. Đại lộ Hòa Giải (Via della Conciliazione) nối liền Quảng trường Thánh Phêrô với con sông Tevere, từ cửa sổ Văn phòng của ĐHY Koch nhìn xuống, thường là nơi đi dạo của hàng ngàn du khách, nay trống vắng, các tiệm bán đồ kỷ niệm đóng cửa từ lâu, các quán nước cũng vậy.
Hạn chế đi lại
Trong tư cách là Chủ tịch Hội đồng Hiệp nhất Kitô, ĐHY Koch thường dành một nửa thời gian của ngài để đi công vụ trên thế giới, nhưng bây giờ vì Coronavirus, ngài chỉ đi bộ mỗi ngày từ căn hộ của ngài trong tòa nhà của Bộ giáo lý đức tin, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô tới văn phòng, một quãng đường chưa tới một cây số.
Các hoạt động bị cản trở
Tình trạng cách ly xã hội hiện nay cản trở rất nhiều hoạt động của Hội đồng do ĐHY Koch điều khiển. Ngài cho biết cốt yếu hoạt động đại kết là đối thoại, nhưng đối thoại đâu có thể làm một mình. Các cuộc viếng thăm của những đại diện các Giáo Hội Kitô từ nước ngoài đến Vatican, các cuộc hội họp làm việc bị hoãn lại vô thời hạn. Nhưng đàng khác, ĐHY Koch cũng nhận thấy các Giáo Hội Kitô bày tỏ tình liên đới với nhau trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo ĐHY, sự hưởng ứng của các hệ phái Kitô trên thế giới đối với đề nghị của ĐTC Phanxicô cùng đọc kinh Lạy Cha chung lúc 12 giờ tại mỗi địa phương ngày 25 tháng 3 mới đây, Lễ Đức Mẹ Truyền Tin, là một thí dụ điển hình và thật cảm động.
Trong những ngày trước đó, ĐHY Koch đã ngồi trong văn phòng viết thư mời gọi các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô trên thế giới tham gia buổi đọc kinh Lạy Cha này với ĐTC và các tín hữu Công Giáo. Thật là một cuộc biểu dương tinh thần đồng loạt. ĐHY cho biết ”hầu hết mọi người đã gửi thư hưởng ứng”.
Ảnh hưởng của Covid-19
ĐHY Koch vốn là người thầm lặng và kín đáo, nhưng cũng là người thường tìm đến tha nhân. Vì thế, ngài cho biết chưa bao giờ sống trong tình trạng cách ly xã hội như hiện nay. Theo ĐHY, cuộc khủng hoảng hiện nay có ảnh hưởng tới những thái độ, thói quen xã hội của dân chúng và nhất là tới trọng tâm của sứ điệp Kitô. ĐHY nói: ”Coronavirus chứng tỏ rằng chúng ta không nắm mọi sự trong tay”. Đây cũng là một lời mời gọi chúng ta hãy ”xét lại những ưu tiên trong cuộc sống chúng ta”.
Làm sao nói về Thiên Chúa trước đại dịch Covid-19?
Về phương diện thần học, ĐHY Koch so sánh đại dịch Covid-19 hiện nay với cuộc động đất khủng khiếp ngày 1-11 năm 1755 tại vùng Lisboa thủ đô Bồ đào nha làm cho khoảng 90 ngàn người chết trên tổng số 275 ngàn dân cư. Thiên tai ấy đã nêu lên vấn nạn cơ bản hơn bao giờ hết trong lịch sử trí thức ở tây phương: cụ thể là làm sao nói về Thiên Chúa đứng trước những đau khổ lớn lao như vậy.
Theo ĐHY Koch, câu trả lời cho vấn nạn đó ở trong sự kiện Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, đã đích thân tham dự vào đau khổ của con người. ”Đó là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà Kitô giáo có thể mang lại, nhất là trong thời điểm hiện nay”. Nhưng công bố sứ điệp ấy bằng lời nói và các bí tích là một trong những khó khăn hiện thời. Như các chức sắc và các LM khác, ĐHY Koch cũng không được phép cử hành các thánh lễ và bí tích công cộng. Hiện thời ngài chỉ cử hành thánh lễ trong nhà nguyện riêng thuộc căn hộ của ngài với 2 nữ tu người Ấn độ giúp việc.
ĐHY Koch cho biết trong thời điểm đại dịch này, dân chúng càng tỏ ra dè dặt hơn, tránh các tiếp xúc với nhau. ”Hiện thời tất cả đều yên tĩnh, và bạn cảm thấy mình sống một mình”. Không còn những cuộc viếng thăm đột xuất, không có những hoạt động trong Cộng đoàn Teutonico nói tiếng Đức trong nội thành Vatican.
Cuộc sống thường nhật
Mỗi ngày ĐHY Koch cử hành thánh lễ ban sáng, và ban chiều ngài dành một giờ để suy niệm trong nhà nguyện. Phần còn lại dành để làm việc. Ngài không có thói quen ngủ trưa như dân Ý. Hai lần mỗi tuần, ĐHY đi dạo trong vườn Vatican, thật là một đặc ân, vì các công viên tại Roma đều bị đóng cửa.
Dầu sao, trong tư cách là một người của Giáo Hội, đối với ĐHY Koch, sự kiện phải giảm bớt công việc trong những tuần lễ này là một cơ may để suy niệm: ”Số lượng giờ rảnh bạn có, được đầu tư nhiều hơn vào việc cầu nguyện… Tình trạng hiện nay tuy buồn thảm, nhưng chắc chắn. Chúng ta ở trong những bàn tay tốt lành.. được những sức mạnh cao cả từ nhân bảo bọc, bạn tin tưởng và yên hàn”.
ĐHY Koch gợi lại bài thơ của Dietrich Bonhoeffer, nhà thần học Tin Lành, sáng tác vài tháng trước khi bị Đức quốc xã hành quyết, biểu lộ niềm hy vọng Phục Sinh: ”Sự chết chỉ là tiếng nói tiền cuối cùng – Thiên Chúa dành cho mình tiếng nói cuối cùng, và điều này có nghĩa là sự sống” (Cath.ch 31-3-2020)
- Trần Đức Anh OP
2020
ĐTC tặng thực phẩm và vật dụng y tế cho người nhập cư thất nghiệp ở ngoại ô Roma
ĐTC tặng thực phẩm và vật dụng y tế cho người nhập cư thất nghiệp ở ngoại ô Roma
Chiều ngày 04/04 vừa qua, Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, đã mang thực phẩm và vật liệu y tế cho khoảng một ngàn người nhập cư đang sống tại tòa nhà Selam ở ngoại ô Roma.
Không bỏ rơi những người rốt cùng, những người mà các kênh hỗ trợ chính thức không biết đến, những người có nguy cơ bị lây nhiễm virus corona nhất. Theo tinh thần này, Giáo hội đang đóng góp về tinh thần và vật chất cho những người ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona và với tinh thần này Đức Hồng y Krajewski đã mang đến cho những người nhập cư ở Tòa nhà Selam sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha.
Tòa nhà này có 7 tầng, được xây dựng như một cơ sở đại học và nay được dùng làm cơ sở đón tiếp những người tị nạn đang chờ quốc tế can thiệp. Phần lớn những người này đến từ vùng Sừng châu Phi. Tại đây họ sống chật chội trong điều kiện vệ sinh y tế bấp bênh.
Đức Hồng y Krajewski cùng các cộng tác viên của ngài đã mang đến cho họ các nhu yếu phẩm như pasta, gạo, cà chua và sữa, cũng như xà bông, thuốc khử trùng, khẩu trang và dụng cụ đo thân nhiệt để đối phó với tình trạng khẩn cấp.
Bác sĩ Donatella D’Angelo, người đồng hành với Đức Hồng y, cho biết những người dân này không có ý niệm về tình trạng khẩn cấp do virus corona đang xảy ra bên ngoài tòa nhà này. Họ thiếu thông tin do không biết tiếng Ý và không thể kết nối với truyền thông. Phần lớn đã bị mất việc và không còn thu nhập nữa vì họ thường làm việc không có hợp đồng.
Việc làm này của Đức Hòng y Krajewski là hành động bác ái ngài đã thực hiện nhiều làn kể từ khi đại dịch bùng phát; ngài dấn thân trợ giúp 24/7 cho người nghèo và người vô gia cư ở khu vực Vatican.
Hồng Thủy
2020
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với bệnh viện Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII
Theo thông tin ngày 03/4/2020 từ trang web của Giáo phận Bergamo, để bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao tặng 60 ngàn euro cho Bệnh viện Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Đức cha Francesco Beschi, Giám mục Bergamo là người đã trực tiếp nhận món quà này.
Giáo phận Bergano là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona, với con số người chết và nhiễm bệnh cao. Vì thế, việc Đức Thánh Cha gửi quà cho Bệnh viện Giáo hoàng Gioan XXIII là một dấu chỉ ân cần và bác ái Đức Thánh Cha dành cho Giáo phận, quê hương của Thánh Gioan XXIII. Đức cha Beschi cho biết, đây là một cử chỉ gần gũi mới của Đức Thánh Cha tiếp theo cử chỉ trước đó với cuộc điện thoại cho Đức cha. Qua cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha bày tỏ tình cảm chia sẻ sự đau buồn vì nhiều linh mục và tín hữu đã qua đời do virus corona, cũng như với những người chăm sóc họ, các gia đình, giáo xứ và tất cả cộng đoàn Bergamo.
Theo ghi chú từ trang web của Giáo phận Bergamo, mọi người đều cảm nhận được tình phụ tử của Đức Thánh Cha dành cho các Giáo phận bị ảnh hưởng do sự lây lan của virus; cách riêng với việc gửi quà này, Đức Thánh Cha dành ưu ái đặc biệt cho Bệnh viện Bergamo, điều này mang một giá trị biểu tượng lớn lao, diễn tả sự gần gũi của Đức Thánh Cha.
Đức cha Beschi đại diện Giáo phận bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đức Thánh Cha và hứa sẽ đồng hành và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Đức cha đã chuyển số tiền cho tổng giám đốc Bệnh viện Giáo hoàng Gioan, đồng thời gửi lời thăm hỏi và biết ơn sâu sắc đối với tất cả những người chăm sóc và làm việc ở đó. Bệnh viện sẽ sử dụng số tiền này để đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân Bergamo trong những ngày tới. (Sir. 03/4/2020)
Ngọc Yến