2020
Thư chúc mừng của Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam gửi tới Đức Hồng Y George Pell
Thư chúc mừng của Đức cha Chủ tịch HĐGM Việt Nam
gửi tới Đức Hồng Y George Pell
TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
Toà Giám mục: 6 NGUYỄN TRƯỜNG TỘ – P VĨNH NINH – TP HUE – VIETNAM
E-mail: [email protected]
Tél.: + 84 91 239 5558
WEB: http://tonggiaophanhue.net
Kính gửi Đức Hồng y George Pell
Nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Sydney, Úc châu
THƯ CHÚC MỪNG
Trọng kính Đức Hồng y,
Cuối cùng, Đức Hồng Y được toà án Sydney tuyên bố trắng án.
Đó chính là điều Dân Chúa khắp nơi đã tin tưởng ngay từ những giây phút đầu của vụ án.
Đại gia đình Giáo hội, Đức Thánh Cha, Hồng y đoàn, Giám mục đoàn, Linh mục đoàn, cách riêng cộng đồng công giáo Úc châu và Tổng Giáo phận Sydney, đã liên lỉ cầu nguyện cho Đức Hồng Y. Và quả thật, Chúa đã nhận lời Dân Ngài trong cơn thử thách.
Chúng con tin rằng đây là một kỷ niệm đầy ấn tượng của Đức Hồng Y và là một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo Hội.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và trong Tuần Thánh 2020 này, Đức Hồng Y tựa hồ đã phục sinh và đã hát Alleluia trước khi Chúa sống lại.
Giáo Hội Việt Nam xin chúc mừng Đức Hồng y.
Xin Đức Hồng y cũng cầu nguyện cho chúng con.
Chúng con rất mong sẽ có dịp đón tiếp Đức Hồng y tại Việt Nam.
Trong tình hiệp thông,
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Tgp. Huế
Chủ Tịch HĐGM VN
2020
Buổi cầu nguyện đặc biệt với Tấm Khăn Liệm vào Thứ Bảy Tuần Thánh
Buổi cầu nguyện đặc biệt với Tấm Khăn Liệm vào Thứ Bảy Tuần Thánh
Hôm 04/4/2020, Đức cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám mục Torino Nosiglia đã thông báo về một buổi cầu nguyện đặc biệt với Tấm Khăn Liệm thành Torino. Buổi cầu nguyện do nhóm Mục vụ giới trẻ của Giáo phận Torino tổ chức.
“Tình yêu mà Đức Giêsu đã trao ban chính sự sống cho chúng ta, tình yêu mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh mạnh mẽ hơn bất kỳ sự đau khổ, bệnh tật hay bất kỳ sự lây nhiễm, bất kỳ thử thách và sự thất vọng nào. Không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu này, bởi vì tình yêu đó mãi mãi trung tín và kết hợp chúng ta với Ngài bằng một mối dây ràng buộc không thể bị chia cắt”.
Với những lời trên Đức Tổng Giám mục Torino đã thông báo buổi cầu nguyện đặc biệt vào Thứ Bảy Thánh 11/4/2020 trước Tấm Khăn Liệm, trong nhà nguyện nơi Khăn Liệm được lưu giữ. Buổi phụng vụ cầu nguyện sẽ được truyền hình trực tiếp cho mọi người trên thế giới có thể hiệp thông, gồm các lời cầu nguyện, suy tư và các nhân chứng. Đức Tổng Giám mục giải thích rằng buổi cầu nguyện đặc biệt này nhằm nâng đỡ các tín hữu trong đại dịch và cầu xin Chúa ân sủng để vượt qua thử thách như Chúa đã làm trên Thánh Giá.
Liên quan đến việc chọn buổi cầu nguyện vào Thứ Bảy Thánh, Đức cha Cesare Nosiglia cho biết: “Chúng tôi quyết định chọn buổi cầu nguyện vào Thứ Bảy Thánh vì Khăn Liệm cũng thể hiện ngày thinh lặng đặc biệt và suy gẫm về mầu nhiệm sự chết và trong sự chờ mong phục sinh”.
Theo Đức cha Cesare Nosiglia đây không phải là một sự trưng bày như một điều của quá khứ. Khăn Liệm vẫn được đặt trong lồng kính và mọi người có thể suy ngắm các hình ảnh qua tivi. Điều này cũng đã được thực hiện trong năm 2013 với cuộc gặp gỡ các bệnh nhân và các bạn trẻ, và năm 2018 với các bạn trẻ.
Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một sứ điệp gửi cho buổi trưng bày Khăn Liệm Thánh: “Chính Chúa đang nhìn chúng ta, làm cho chúng ta hiểu tình yêu vĩ đại Ngài đã trao ban cho chúng ta. Tình yêu Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Ngài mời gọi chúng ta hãy tin tưởng phó thác, không để mất niềm hy vọng, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa và của Đấng Phục Sinh chiến thắng tất cả”.
Chính các bạn trẻ, những người đang chuẩn bị cho cuộc Gặp gỡ giới trẻ châu Âu lần thứ 43, tổ chức buổi cầu nguyện. Mỗi năm có hàng ngàn bạn trẻ, tuổi từ 18 đến 35 từ hơn 70 quốc gia tham dự Cuộc Gặp gỡ do cộng đoàn Taizé tổ chức. Và năm nay dự kiến Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra từ ngày 28/12/2020 đến 01/01/2021 tại giáo phận Torino. Cũng theo chương trình trong thời gian diễn ra Cuộc Gặp gỡ sẽ có cuộc trưng bày Khăn Liệm Thánh. (Acistampa 04/4/2020)
Ngọc Yến
2020
Ấn Độ và Indonesia có nữ tu đầu tiên chết vì virus corona
Hôm 06/4/2020, Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Jakarta, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia đã thông báo: Tại Indonesia trong số các nạn nhân của virus corona có một nữ tu và đây là nữ tu đầu tiên chết nguyên nhân do đại dịch.
Sơ Maria Roseline thuộc Hội dòng Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi, qua đời vào Chúa nhật 05/4 tại bệnh viện ở Samarinda, Tỉnh Kalimantan, hưởng thọ 69 tuổi. Ngay lập tức, sơ đã được chôn cất theo các quy định cho trường hợp khẩn cấp, vì thế không có ai hiện diện tại lễ tang của nữ tu này.
Trước khi qua đời sơ Maria Roseline phụ trách Ủy ban Giáo lý của Tổng giáo phận Samarinda. Mọi người cho rằng sơ đã bị nhiễm virus vào ngày 20/3/2020 trong thời gian họp Tổng công hội của Dòng. Tất cả 33 thành viên của Tổng công hội đã được xét nghiệm.
Đến nay, tại Indonesia số người bị nhiễm visurs corona tiếp tục gia tăng, đã có hơn 2.000 người bị nhiễm và hơn 200 người chết. Giáo hội cộng tác chặt chẽ với chính quyền để đối phó với tình trạng nguy cấp. Hôm Chúa nhật Lễ Lá, Đức Hồng y Suharyo đã nhắc lại lời kêu gọi người Công giáo tôn trọng các quy định chống đại dịch của chính phủ, Đức Tổng nói đây là “một hành động của tình yêu” đối với người thân cận.
Trong khi đó tại Ấn Độ, các Nữ tu thuộc Hội dòng Thừa Sai Bác Ái cũng đã thương tiếc người chị em đầu tiên trong Dòng bị chết do virus corona. Đó là sơ Sienna, 73 tuổi, người gốc bang Jharkhand, chết vào ngày 01/4/2020 tại bệnh viện ở xứ Wales, Vương quốc Anh, nơi sơ đã làm việc từ năm 2016, trợ giúp người nghèo và vô gia cư. Chính tại thời điểm khó khăn này sơ đã bị nhiễm bệnh. Được biết, trong những ngày gần đây sơ đã phân phát các gói thức ăn cho người nghèo nhiễm virus corona. Tất cả các nữ tu thuộc tu viện ở Swanea, nơi sơ Sienna sinh sống trước đây đều bị nhiệm bệnh. (CSR_2318_2020)
Ngọc Yến
2020
Tình Yêu Phát Lộ Trong Cơn Đại Nạn
Kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trong khi cả thế giới phải gồng mình đối phó với cơn đại dịch kinh hoàng do Virus Corona chủng mới gây ra, thì người dân Miền Tây Việt Nam lại còn phải gồng gánh thêm một cơn đại nạn “khát nước” chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua. Khiến cho đời sống người dân bị đảo lộn tất cả, bởi nguồn nước ngọt trở nên cạn kiệt do hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tháng 3 dòng chảy từ đầu nguồn sông Mekong về tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn ở mức rất thấp, xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt người dân. Dự đoán hạn mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tiếp theo.
Với kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp hàng chục năm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã nhận xét hạn mặn năm nay “gay gắt chưa từng thấy”. Ông đánh giá “Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”.
Theo nguồn thông tin trên các báo đài thì hiện nay để có nước sinh hoạt, người dân ở các tỉnh ven biển, nhất là Bến Tre buộc phải mua lại nước ngọt từ những người chuyên chạy xe bồn để lấy nước ở các khu vực xa hơn. Với mỗi khối nước, người dân có thể phải chi trả mức giá dao động từ 100.000-150.000 VNĐ, tùy khoảng cách đường gần xa. Thậm chí có những nơi phải mua nước với mức giá 200.000 VNĐ/ khối nước.
Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ gia đình ở khu vực hạn mặn như tỉnh Bến Tre phải chi trả thêm ít nhất 500.000-1,5 triệu đồng để có đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, có lúc có tiền muốn mua nước cũng không thể có ngay lập tức, mà người dân phải gọi điện đặt hàng trước hoặc chạy tới nhà người cung cấp kêu chở. Bà Lan, ngụ tại xã Bình Thành tỉnh Bến Tre thở dài nói rằng “có khi 2-3 ngày họ mới chở cho mình, vì ưu tiên người đặt trước”.
Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tính đến giữa tháng 2/2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn mặn. So với đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng, hạn, mặn năm nay được cho là sớm hơn 1 tháng và nguy cơ vượt ngưỡng năm 2016 là hoàn toàn có thể xảy ra. (báo Kinh tế & Xã hội, 18/02/2020).
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết: nước mặn có thể xâm nhập sâu vào đất liền từ 95-100 km, với độ mặn là 4-5%. Do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn khốc liệt của năm nay, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng. Lúa vụ Đông Xuân nơi nào gieo mạ sớm cũng chỉ thu hoạch được 20%. Nếu tình trạng này kéo dài, lúa và hoa màu, cây ăn trái cũng sẽ chết hết, chưa kể hàng trăm ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu lương thực, nước uống và gây ra cảnh nợ nần.
Trong tình cảnh đại nạn chồng chất đại nạn này, có lẽ điều quan trọng lúc này không phải là thời điểm chúng ta ngồi lại để đặt vấn đề, bàn cải xem ai là người gây nên những hiểm họa cho nhân loại, để rồi lên án kết tội nhau, cho bằng chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết chung tay giúp sức vượt qua những ngày dài gian khó.
Lưu tâm trước nguy cơ thiếu gạo và nước uống của người dân sống trên địa bàn Giáo Phận Cần Thơ, Đức Giám Mục đã thiết tha kêu gọi mọi người, nhất là bà con giáo dân hãy tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách: Nạo vét kinh mương, khơi thông dòng chảy; đào ao trữ nước ngọt tưới tiêu; xây và mua thêm bồn chứa nước… Nhất là ý thức chung tay gìn giữ và bảo vệ môi trường, ngôi nhà chung của nhân loại.
Trong 14 ngày cách ly này và rất có thể nhiều ngày nữa, sẽ có những hộ gia đình phải chịu cảnh thiếu hụt lương thực và nước uống. Nhìn thấy trước tình cảnh ấy, Đức Giám Mục cũng đã nhanh chóng gửi đến mỗi Họ đạo gần 1.000 kg gạo, cũng như nhiều bồn nhựa trữ nước, với mong muốn trợ giúp cho những hộ nghèo phải làm mướn kiếm sống hàng ngày, tạm thời vượt qua được thời điểm khó khăn này. Thật cảm động và trân quý biết bao trước tấm cao quý mà vị Cha chung của Giáo Phận Cần Thơ đã dành cho đoàn con!
Có thể nói chưa bao giờ hành động yêu thương, hiệp nhất, tương trợ và sẻ chia được coi trọng như lúc này. Phải chăng đây cũng là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà Thiên Chúa muốn gửi đến nhân loại chúng ta ngang qua những cơn đại nạn này.
Ý thức điều đó nên trong lời cầu xin cho cơn đại dịch Covid-19, cũng như đại hạn Miền Tây sớm mau qua, chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả nhân loại biết mau quay về với cội nguồn của “tình yêu”. Bởi có yêu Chúa con người mới biết khiêm tốn bỏ đi những ý riêng ích kỷ mà vâng theo thánh ý tốt lành của Thiên Chúa; Có yêu người chúng ta biết trân quý bảo vệ sự sống và tôn trọng phẩm giá con người. Chính nhờ yêu thương, chúng ta mới biết hy sinh góp phần xây dựng cuộc sống này thật sự nhân bản hơn. Yêu thương chính là giải pháp căn cơ nhất để nhân loại vượt qua mọi hiểm nguy, không phải chỉ trong cơn dịch và đại hạn này, nhưng phải kéo dài mãi trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Linh mục Seoka