2020
ĐTC Phanxicô thành lập Ủy ban mới nghiên cứu về chức nữ phó tế
ĐTC Phanxicô thành lập Ủy ban mới nghiên cứu về chức nữ phó tế
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một Ủy ban mời để nghiên cứu về chức nữ phó tế. Ủy ban này sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của nhóm trước đó về lịch sử của các nữ phó tế trong Tân Ước và trong các cộng đồng Kitô hữu sơ khai.
Hôm 08/04, Vatican cho biết Đức Hồng Y Giuseppe Petrocchi của Aquila sẽ là chủ tịch của Ủy ban mới và cha Denis Dupont-Fauville, một chức sắc của Bộ Giáo lý Đức tin, sẽ là Tổng Thư ký.
Trong số 10 thành viên được Đức Thánh Cha bổ nhiệm có 2 phó tế vĩnh viễn, 3 linh mục và 5 phụ nữ. Họ là các giáo sư và thần học gia đến từ một số nước châu Âu và Hoa Kỳ. Không có ai trong số các thành viên của Ủy ban mới này thuộc Ủy ban đã được Đức Thánh Cha thành lập hồi năm 2016.
Nghiên cứu về vấn đề nữ phó tế
Năm 2016 Đức Thánh Cha đã thành lập một Ủy ban gồm 12 thành viên để nghiên cứu các sự kiện lịch sử về những phụ nữ được gọi là nữ phó tế trong Tân Ước và về vai trò của các nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai. Tháng 5 năm ngoái Đức Thánh Cha nói rằng Ủy ban này đã không đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào để có thể sớm đưa ra một kế hoạch thực hiện, nhưng sẽ tiếp tục việc nghiên cứu của nó.
Việc thành lập Ủy ban mới này cũng xuất phát từ các cuộc thảo luận về chức phó tế nữ trong Thượng Hội đồng giám mục về miền Amazon hồi tháng 10/2019. Trong diễn văn kết thúc Thượng Hội đồng này Đức Thánh Cha nói rằng ngài sẽ mở lại Ủy ban năm 2016, có thể là thêm các thành viên mới, dựa trên yêu cầu của Thượng Hội đồng.
Vấn đề nữ phó tế đã được Giáo hội nghiên cứu trước đây, bao gồm tài liệu năm 2002 của Ủy ban Thần học Quốc tế. Trong tài liệu, Ủy ban Thần học kết luận rằng các nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai không tương đương với các nam phó tế và cũng không có “chức năng phụng vụ” hay bí tích. Tài liệu cũng nói rằng ngay cả trong thế kỷ thứ IV, đời sống của các nữ phó tế rất giống với đời sống của các nữ tu. (CNA 08/04/2020) Hồng Thủy – Vatican
2020
Chứng tá đức tin của thuyền trưởng tàu “Diamond princess”
Thuyền trưởng tàu “Diamond princess-Công chúa Kim cương”: “Trong bối cảnh này, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn, với ước mong có sức mạnh đi đến cùng. Đức tin là nguồn an ủi lớn cho tôi, đặc biệt mỗi khi đêm xuống, trở về phòng. Mệt mỏi sau một ngày dài, sau những khó khăn xảy ra trong ngày, tôi cố gắng tập trung cầu nguyện vì ý thức rằng đây là một sự trợ giúp vĩ đại nâng đỡ tôi”.
Trong đại dịch virus corona, toàn thế giới đều biết câu chuyện tàu “Diamond princess-Công chúa Kim cương”. Đó là một con tàu du lịch với 2700 hành khách và 1100 thành viên thủy thủ đoàn. Trên con tàu này hiện diện nhiều văn hóa và tôn giáo khác nhau và hơn 50 quốc tịch. Nó khởi hành vào ngày 20/01/2020 từ cảng Yokohama cho chuyến đi kéo dài hai tuần qua các quốc gia trên Biển Đông. Nhưng do virus corona đã xâm nhập con tàu nên nó phải đứng yên ngoài biển khơi nam Tokyo gần một tháng.
Trong thời gian này, ông Gennaro Arma người Ý, thuyền trưởng đã phải đối diện với biết bao khó khăn cần giải quyết. Ông đã trải qua 25 kinh nghiệm đường biển nhưng đối với ông đây là biến cố chưa từng có. Thế nhưng điểm đặc biệt nơi ông đó chính là giải quyết vấn đề trong sự tin tưởng phó thác và cầu nguyện. Khi hoàn thành nhiệm vụ ông đã được tổng thống Sergio Mattarella nhìn nhận công trạng cũng như khen thưởng vì cách hành động mẫu mực của ông.
Những hành động đầu tiên
Ông Arma kể lại: “Theo những chỉ dẫn của chính quyền Nhật Bản, các hành khách phải được cách ly trong phòng. Chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ hệ thống phân phối các bữa ăn cho khách, giao các bữa ăn cho tất cả 1350 phòng trên tàu. Chúng tôi cũng phải tổ chức các ca giám sát, để kiểm soát trong các hành lang, đảm bảo mọi người đều ở trong phòng. Và cũng để bảo đảm cho hành khách trong một ngày được hưởng một giờ không khí trong lành, nghĩa là họ có thể đi bộ trên boong tàu, hít thở không khí trong lành”.
Tình liên đới
Có nhiều thái độ cử chỉ của hành khách đã làm cho ông Gennaro Arma xúc động. Đặc biệt lúc các boong tàu được phép mở cho khách. Gennaro Arma kể lại: “Các hành khách ở phòng có ban công tự động rời phòng và đi lên các boong tàu để tạo thuận tiện cho những người ở trong phòng không có ban công, không có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng, có thể tận hưởng ánh sáng hoặc ít nhất được hít thở không khí trong lành. Đó là một cử chỉ hy sinh của một số người đối với những người khác”.
Trung thực
Theo thuyền trưởng, thông tin, giao tiếp với 2700 người là điều không dễ trong lúc hoảng loạn. Tất cả được đưa lên tàu cho một kỳ nghỉ và rồi bị ở một chỗ trong phòng, các bữa ăn được để ngoài cửa và chỉ được phép đi bộ một giờ trên các boong tàu. Nhưng ông Arma cho biết họ rất trung thực và minh bạch rõ ràng. Tất cả được thực hiện vì lợi ích của mọi người trên tàu.
Lòng biết ơn đối với thủy thủ đoàn
Các thủy thủ đã làm những điều vượt quá nhiệm vụ của họ. Thuyền trưởng Arma biết ơn tất cả các cộng tác viên của ông, và gọi họ là “các đấu sĩ của tôi”. Ông tự hào về họ. Đối với ông, họ như là một phần của gia đình. Ông nói: “Điều này có thể thấy được từ rất nhiều lời tích cực được viết và để bên ngoài cánh cửa phòng, để các thành viên của thủy thủ đoàn có thể đọc chúng. Trong số này tôi nhận được một lá thư viết cám ơn tôi và thủy thủ đoàn về tất cả những gì chúng tôi đang làm cho họ, để thời gian phải lưu lại trên tàu họ cảm nhận được sự thoải mái. Tôi ngạc nhiên vì thấy các thủy thủ đã thích ứng rất tốt hoàn cảnh khó khăn. Một hoàn cảnh mà phải đối phó không chỉ từng ngày mà từng giờ”.
Thủy thủ đoàn
Được an ủi trong đức tin
Ông nói tiếp: “Trong bối cảnh này, tôi đã cầu nguyện nhiều hơn, với ước mong có sức mạnh đi đến cùng. Tôi cảm thấy hình như mình đã bị nhiễm bệnh. Tôi đã thực hiện xét nghiệm với lòng phó thác và thanh thản và tôi đã nhận được kết quả âm tính với virus. Tôi cũng đã cầu nguyện nhiều cho những người phải rời tàu lên đất liền để đến bệnh viện chữa trị, và không may, một số người đã ra đi vĩnh viễn. Đức tin là nguồn an ủi lớn cho tôi, đặc biệt mỗi khi đêm xuống, trở về phòng. Mệt mỏi sau một ngày dài, sau những khó khăn xảy ra trong ngày, tôi cố gắng tập trung cầu nguyện vì ý thức rằng đây là một sự trợ giúp vĩ đại nâng đỡ tôi”.
Trở về Ý
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Arma cùng với thủy thủ đoàn trở về Ý. Vị chỉ huy thừa nhận: “Chuyến bay trở về Ý rất dài nhưng chuyến đi từ Roma đến Sant’Angello bằng xe còn dài hơn. Tôi và các chàng trai Ý trở về với đầy cảm xúc vì cuối cùng chúng tôi lại có thể ôm người thân trong vòng tay. Khoảnh khắc chúng tôi lên máy bay đặc biệt quan trọng bởi vì tất cả chúng tôi đều mong chờ giây phút này”.
Virus corona, tạm dừng để suy tư về những điều cần ưu tiên
Khi được hỏi về bài học rút ra từ chuyến đi đặc biệt này cũng như tình trạng nguy cấp hiện nay, ông nói: “Tôi rất tin tưởng vào thiên nhiên, nhưng sau khi sống trải nghiệm này trên tàu ‘Công chúa Kim cương’ và với những gì tôi đang chứng kiến bây giờ, tại Ý đất nước chúng tôi, tôi tin chắc rằng chúng ta phải hiệp nhất, với tinh thần hy sinh, như chúng tôi đã thực hiện trên tàu. Tại Ý, chúng ta đang chứng minh rằng ngay cả một chướng ngại lớn như virus corona, kẻ thù vô hình chúng ta có thể vượt qua. Sau này, sẽ có những khó khăn, điều này là rõ ràng, nhưng tinh thần hy sinh được thể hiện trong những ngày này cũng phải được thực hiện trong tương lai. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ trở nên những người tốt hơn. Theo tôi, đây là cơ hội duy nhất đã được trao cho chúng ta để suy tư, chia sẻ với những người sống gần bên chúng ta. Tất cả chúng ta đều có nhiều thời gian để có thể chăm sóc chính mình và gia đình. Chúng ta đang học cách đánh giá cao nhiều điều mà chúng ta đã trải qua, trong đó có nhiều điều bé nhỏ”.
Ông Gennaro Arma và chiếc áo con trai 10 tuổi thiết kế cho ông
Khi được tổng thống Ý vinh danh và nhìn nhận công trạng, thuyền trưởng Arma rất xúc động vì không nghĩ mình sẽ được vinh dự này. Ông nói ông không phải là một anh hùng, ngược lại ông nói chỉ làm công việc bổn phận. Giờ đây ông được ở với gia đình, cảm nhận hạnh phúc ở với gia đình. Ông nói: “Tôi sẽ trở lại con tàu ngay lập tức khi nào có thể. Du hành trên tàu là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với tôi”. Ngọc Yến – Vatican
2020
Vụ cáo gian Đức Hồng Y Pell: Công lý đã thắng – Alleuia, Alleluia
Với tỷ số tuyệt đối 7/7, Tối Cao Pháp Viện Úc Đại Lợi đã truyền rằng Đức Hồng Y George Pell hoàn toàn vô tội.
Ngài sẽ được trả tự do trong một vài giờ tới từ nhà tù Barwon gần Geelong, thuộc tiểu bang Victoria. Tạ ơn Chúa, Alleluia, Alleluia.
Chánh án Tòa án Tối cao Susan Kiefel đã đưa ra phán quyết tại Brisbane, nơi bà cư trú lúc 10 giờ sáng ngày thứ Ba, theo giờ địa phương.
Tòa án Tối cao truyền rằng có một khả năng quá đáng kể là một người vô tội đã bị kết án oan sai vì các bằng chứng đưa ra không xác định được các tội danh bị cáo buộc so với các tiêu chuẩn chứng minh cần thiết.
Bản tóm tắt phán quyết của Tối Cao Pháp Viện nói: “Tối Cao Pháp Viện thấy rằng bồi thẩm đoàn, nếu hành động một cách hợp lý dựa trên toàn bộ các bằng chứng, cần phải có sự nghi ngờ về lời tố cáo của của người nộp đơn liên quan đến từng tội trạng mà Đức Hồng Y đã bị kết án, và truyền rằng các phán quyết bị hủy bỏ và phán quyết sự tha bổng có hiệu lực tức khắc”. Quyết định đầy đủ gồm 26 trang đã được công bố trực tuyến tại đây.
Vì tình hình dịch bệnh, sáu thẩm phán khác vẫn ở nhà trong khi quyết định được tweet và công bố trực tuyến.
Đức Hồng Y George Pell vẫn ở trong nhà tù Barwon, nơi ngài dự kiến sẽ nhận được tin tức thông qua các luật sư của mình.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong hai ngày 11 và 12 tháng Ba, Tối Cao Pháp Viện Úc, đã nghe các lập luận của các luật sư biện hộ cho Đức Hồng Y Pell, và phía công tố là những người muốn duy trì bản án.
Hàng trăm người Công Giáo Việt Nam, và cả một nhà sư Phật Giáo, đã xếp hàng dọc theo lối vào Tối Cao Pháp Viện, cầu nguyện và hát thánh ca, nhằm bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Đức Hồng Y Pell.
Chúng ta hãy cùng tạ ơn Chúa và cám ơn nhau vì những lời cầu nguyện Đức Hồng Y Pell, cho công lý được hiển trị, cho sự thất bại của những mưu toan biến các giáo sĩ vô tội và các nhân viên mục vụ khác trở thành nạn nhân của các vụ bôi nhọ danh dự thông qua các cáo buộc sai trái – hoặc tệ hơn, trở thành các tội phạm bị kết án và giam cầm vì các tội ác thật tồi tệ, mà họ không bao giờ phạm.
Cho đến nay, Đức Hồng Y Pell là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican.
Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận – với sự cứng rắn của một cựu cầu thủ bóng đá theo luật Úc – trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác (và ngài thậm chí còn tham gia vào các cuộc tranh luận khoa học về các vấn đề như biến đổi khí hậu). Vì thế, ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục.
Từ một hiện tượng bất thường, trào lưu đồng tính trên thế giới ngày nay không chỉ dừng lại ở việc buộc xã hội phải chấp nhận đó là một chuyện bình thường mà các nhà hoạt động đồng tính còn muốn tiến xa hơn trong việc coi đó là một “chuẩn mực” của xã hội. Cáo gian hàng giáo sĩ, thay đổi sách giáo khoa, sa thải những người không chấp nhận “chuẩn mực” mới, tấn công các nhà thờ là các biểu hiện tiêu biểu của một ý thức độc tài muốn thay đổi tận gốc xã hội.
Hôm 17 tháng 11, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác rằng:
“Cuộc nổi loạn về phong tục và đạo đức này – như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh – thường vẫy những ‘lá cờ tự do’, nhưng thực tế, nó đã mang đến sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số con người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh cáo ý thức hệ độc tài về đồng tính này trong lá thư ngày 8 tháng 8, 2019. Nó không chấp nhận một cuộc đối thoại thẳng thắn dựa trên sự thật nhưng tìm cách triệt hạ những người có suy nghĩ khác mình.
Trường hợp của Đức Hồng Y George Pell là một ví dụ điển hình. Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada viết:
“Đức Hồng Y George Pell, một người quyết liệt chống đồng tính. Vì thế, người ta gán cho ngài vào chính cái tội khốn nạn mà ngài lên án gay gắt nhất.”
Nhận định về các diễn biến gần đây trên thế giới, Ông Jaroslaw Kaczynski, Chủ tịch Đảng Pháp luật và Công lý là đảng cầm quyền tại Ba Lan, nói rằng sau trào lưu cộng sản, trào lưu đồng tính là thách đố lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo hiện nay. “Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo Hội vì sức quyến rũ của các thông điệp đồng tính. Điều này đặt tương lai của xã hội chúng ta vào một tình thế rất nguy hiểm,” ông nói.
Những người Công Giáo cư ngụ tại Melbourne, đặc biệt là những người thường xuyên đến nhà thờ St. Patrick. Theo ý kiến của chúng tôi, bất cứ ai từng đến ngôi nhà thờ này và có thiện chí muốn nghiên cứu sự thật trong vụ án Đức Hồng Y Pell với một lòng trí công bằng sẽ, không chỉ nghi ngờ hợp lý rằng, ngài đã không làm những gì người ta buộc tội cho ngài, mà còn có thể chắc chắn về mặt đạo đức rằng ngài thực tế không thể làm như vậy.
Cáo buộc được đưa ra là vào ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996, sau một trong hai Thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ St. Patrick của Melbourne mới được trùng tu, Đức Tổng Giám Mục Pell cao 6 feet 3 inches (190.5 cm) đã bỏ rơi vị trưởng ban nghi lễ, người mang mũ mão, người mang quyền trượng và tất những người khác, để rời khỏi đám rước kết lễ rất trang trọng và theo hai cậu bé 13 tuổi trong hợp xướng – là những người phải đi thẳng đến buổi diễn tập cho lễ Giáng sinh – vào phòng áo phía sau bàn thờ. Ở đó, sau khi la rầy các ca viên dám uống rượu lễ, ngài đã lạm dụng cả hai chàng trai này trong suốt sáu phút trong khi cánh cửa phòng áo vẫn mở toang.
Một trong những người được cho là nạn nhân đã chết vào năm 2014 trước khi ra tòa làm chứng, đã nói với mẹ anh ta trong hai dịp khác nhau rằng anh ta chưa bao giờ bị ai lạm dụng. Còn người tự xưng là nạn nhân kia nói rằng Đức Hồng Y Pell đã buộc anh ta thực hiện hành vi quan hệ tình dục trong khi vị tổng giám mục vẫn mặc áo quần đầy đủ, một chiếc áo chùng dài đến chân, một chiếc áo alba cũng dài đến chân, một giây các phép quấn chặt như một chiếc thắt lưng, một dây stola và một áo lễ (mặc dù bất kỳ linh mục nào cũng sẽ nói với bạn rằng nó cực kỳ khó khăn ngay cả khi phải đi vào nhà vệ sinh với các phẩm phục đầy đủ như vậy).
Tất cả những điều này xảy ra mà không có ai phát hiện, trong một giáo đường mà vào bất kỳ Chúa Nhật nào cũng rất bận rộn như Nhà Ga Trung ương. Nhưng theo lời khai, vào Chúa Nhật này, nó đặc biệt vắng vẻ như một thị trấn ma quái. Ông từ nhà thờ đột ngột biến mất. Những người đọc sách biến mất. Những linh mục đồng tế cũng biến mất. Những người phụ giúp trên bàn thờ cũng hô biến luôn.
Sau khi cái biến cố lạm dụng ấy xảy ra, hai chú bé trong dàn hợp xướng được cho là đã trở lại buổi tập hát mà không có ai từ ca trưởng của họ cho đến bất cứ ai trong vài chục ca viên đồng nghiệp của họ nhận ra rằng họ (hay giọng hát của họ) đã biến mất trong một khoảng thời gian – thực tế, người ca trưởng nói rằng họ đã không hề mất tích – và Đức Tổng Giám Mục thực ra với áo mão đầy đủ vẫn đứng trước lối vào Nhà thờ để chào đón những người đi lễ đang vui mừng được gặp gỡ vị tổng giám mục mới của họ và chắc là đã phải kiên nhẫn chờ đợi suốt thời gian để có thể bắt tay ngài.
Trong suốt phiên tòa, không có bất cứ ai về hùa với người tố cáo hết cả, kể cả các nhân chứng được công tố viện triệu tập, trong khi có đến 20 người xác nhận tình trạng ngoại phạm của Đức Hồng Y Pell. Hơn nữa, người tự xưng là nạn nhân không bao giờ nói với ai về vụ lạm dụng giả định này trong suốt hơn 20 năm. Nạn nhân cho rằng Đức Hồng Y Pell đã tách quần áo giám mục của mình xuống giữa để tạo điều kiện cho việc lạm dụng, mặc dù có một vài sự thật nổi bật: 1) Áo Alba không được thiết kế để có thể tách ra theo cách này, 2) chiếc áo chùng phải được mở từng nút một khi nằm bên dưới áo alba, và 3) quần và thắt lưng mà tổng giám mục đang mặc bên dưới những lớp quần áo cồng kềnh này làm sao mà có thể cởi ra (chỉ có Chúa mới biết). Mỗi bước này đều tốn nhiều thời gian, làm hết những công đoạn như thế chắc chắn sẽ mất nhiều hơn sáu phút được cho là thời gian xảy ra tội ác.
Hơn nữa, các nhân viên làm việc tại nhà thờ chính tòa St. Patrick đã làm chứng rằng những người trong phòng áo không thể nào lấy rượu lễ ra uống- tất cả rượu lễ bị khóa trong một hầm rượu – và rượu được sử dụng luôn có màu trắng, không phải màu đỏ như đã được báo cáo trong phiên tòa. Mô tả từ ký ức của nạn nhân trong những lời buộc tội được đưa ra về cách bài trí trong phòng áo cũng không đúng sự thật.
Ngoài ra, vào năm 1996, khi trở thành tổng giám mục của Melbourne, Đức Hồng Y Pell đã đưa Giáo Hội tại Úc lên vị trí tiên phong trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, bằng cách nhấn mạnh vào các yêu cầu môi trường an toàn là những điều chỉ được đặt ra ở Hoa Kỳ sáu năm sau đó.
Đức Hồng Y Pell hẳn đã biết một cách thấu đáo những tai tiếng nào có thể xảy ra khi ngang nhiên bỏ đám rước để đi theo các thiếu niên vào phòng áo một mình. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.
Chúng tôi xin kết thúc bài tường thuật này ở đây với ước nguyện rằng chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và làm tất cả những gì có thể làm được để hàng giáo sĩ và những người tìm kiếm công lý dám lên tiếng mạnh mẽ như tiên tri trẻ Daniel khi bà Susanna bị hai tên thẩm phán băng hoại buộc tội vì bà đã dám từ chối những lời dụ dỗ của chúng (Daniel 13).
Source:Financial Review
2020
ĐTC lập Quỹ khẩn cấp đối phó với Covid-19
ĐTC lập Quỹ khẩn cấp đối phó với Covid-19
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quỹ khẩn cấp để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Covid-19.
Ngày 06/04 vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo Đức Thánh Cha “thành lập một Quỹ khẩn cấp tại các Hội Giáo hoàng Truyền giáo”. Số tiền thu được qua Quỹ này được dành để giúp cho những người và các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lây lan của Covid-19″, sẽ được gửi trực tiếp cho các nước truyền giáo” qua các cơ sở và tổ chức của Giáo hội.
Đức Thánh Cha kêu gọi mạng lưới rộng lớn của Giáo hội đối phó với Covid-19
Nhận định về việc thành lập Quỹ này, Đức Hồng y Luis Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, nói: “Trong nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của mình, Giáo hội thường ở tuyến đầu đối diện với những mối đe dọa lớn đối với hạnh phúc của con người. Chỉ riêng ở châu Phi, có hơn 74.000 nữ tu và hơn 46.000 linh mục điều hành 7.274 bệnh viện và phòng khám, 2.346 nhà cho người già và người dễ bị tổn thương, và giáo dục hơn 19 triệu trẻ em tại 45.088 trường tiểu học. Ở nhiều vùng nông thôn, họ là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục duy nhất. Đức Thánh Cha đang kêu gọi toàn bộ mạng lưới rộng lớn của Giáo hội ứng phó với những thách thức phía trước.
Đức Thánh Cha đóng góp đầu tiên
Đức Thánh Cha đã thành lập Quỹ khẩn cấp và còn là người đầu tiên đóng góp cho Quỹ này. Ngài đã góp 750.000 đô la. Ngài kêu gọi các thực thể Giáo hội và các cá nhân có thể và muốn giúp đỡ, đóng góp cho Quỹ này thông qua các Hội Giáo hoàng truyền giáo của mỗi quốc gia.
Mục đích của Quỹ khẩn cấp
Theo Đức Tổng giám mục Dal Toso, Chủ tịch các Hội Giáo hoàng truyền giáo, mục đích của Quỹ khẩn cấp là hỗ trợ sự hiện diện của Giáo hội tại các miền truyền giáo, cũng đang bị ảnh hưởng vì hậu quả của virus corona. Ngài nói: “Qua hoạt động giảng dạy Tin Mừng và các trợ giúp cụ thể nhờ mạng lưới rộng lớn của chúng ta, chúng ta có thể cho thấy rằng không ai đơn độc trong khủng hoảng này. Theo nghĩa này, các tổ chức Giáo hội và các thừa tác viên giữ một vai trò quan trọng. Đây là ý định của Đức Thánh Cha khi thành lập Quỹ này. Khi nhiều người đau khổ, chúng ta có thể nhớ và đến với những người mà có thể chẳng ai quan tâm đến họ, và bày tỏ tình yêu của Chúa Cha.”
Các đóng góp có thể chuyển qua ngân hàng đến:
IT84F0200805075000102456047 (SWIFT UNCRITMM) cho:
Amministrazione Pontificie Opere Missionarie,
ghi chú: Fund Corona-Virus
(REI 06/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican