2020
Bộ Giáo dục Công giáo bày tỏ sự gần gũi với các tổ chức giáo dục Công giáo
Trong thư, Bộ Giáo dục Công giáo bày tỏ sự gần gũi và khuyến khích tất cả các trường Công giáo, các phân khoa giáo hội và các trường đại học Công giáo; đặc biệt cám ơn các giám đốc, hiệu trưởng, trưởng khoa, các giáo viên và nhân viên hành chính và dịch vụ trong những tháng gần đây đã quản lý và nỗ lực nghiêm túc để đảm bảo tiếp tục các hoạt động học tập và nghiên cứu. Cụ thể, qua hệ thống máy tính các tổ chức đã đảm bảo tính liên tục và “thường xuyên” cho năm học, cũng như đảm bảo các kỳ thi và kiểm tra được tiến hành.
Bộ lưu ý: “Trước những thay đổi bất ngờ chúng ta không dự tính trước được, và vì thế phải có những thay đổi mới phù hợp cho các gia đình. Trước hàng loạt vấn đề này, vấn đề đầu tiên chúng ta phải quan tâm đó là sức khoẻ và tất cả các biện pháp phòng ngừa cần được tuân giữ. Tiếp theo, cần phải đáp ứng nhu cầu trước mắt để có thể kết thúc năm học. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần phải xem xét tình hình thực tế, để tiếp tục hình thức giáo dục như vậy hay cần phải tổ chức lại cho tương lai. Chúng ta cũng phải biết nhận ra những cơ hội mà cuộc khủng hoảng này mang lại cho chúng ta.” (Acistampa 08/4/2020)
2020
Thiên Chúa đã làm gì trước những đau khổ của chúng ta?
Vào thời điểm lo lắng và đau khổ này, chúng ta dường như cảm thấy nhiều điều không chắn chắn và có thể đặt vấn đề về sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài ở đâu trong những lúc như thế này. Những nghi vấn về Thiên Chúa tìm thấy lời giải đáp nơi Đấng chịu đóng đinh và sống lại một nền tảng vững chắc cho phép chúng ta không bị chìm. Đó là chủ đề của bài giáo lý hàng tuần ĐTC Phanxicô, sáng Thứ tư Tuần thánh, 08/04/2020, tại Thư viện Tông tòa Vatican.
Trong những tuần đầy lo lắng vì đại dịch đang làm cho thế giới phải đau khổ này, qua đó chúng ta đặt ra rất nhiều câu hỏi, cũng có thể là những câu hỏi về Thiên Chúa nữa : Ngài đã làm gì trước những nỗi đau của chúng ta? Chúa ở đâu khi mà tất cả đều sai lầm? Tại sao Chúa không giải quyết những vấn đề như vậy cách nhanh chóng? Đó là những câu hỏi chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ chúng ta, đồng hành cùng chúng ta trong những ngày thiêng liêng này. Thực ra, ngay cả ở đó, nơi cuộc Khổ nạn, cô đọng rất nhiều câu hỏi. Dân chúng, sau khi đón Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem, họ đã tự hỏi liệu cuối cùng Ngài có giải phóng dân khỏi những kẻ thù của họ không (x. Lc 24,21). Họ đang mong đợi một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng, chiến thắng bằng gươm giáo. Trái lại, xuất hiện một người hiền lành, khiêm nhượng trong lòng, kêu gọi hoán cải và lòng xót thương. Và chính đám đông đã từng tung hô Ngài trước đó, giờ đây hét lên: “đóng đinh vào thập giá đi!” (Mt 27,23). Những người đã từng đi theo Ngài thì sợ hãi và bỏ trốn, họ bỏ rơi Ngài. Họ nghĩ : nếu số phận của Chúa Giêsu là như vậy, thì Vị Cứu Tinh không phải là Ngài, bởi vì Thiên Chúa thì mạnh mẽ, bất khả chiến bại.
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đọc trình thuật về Cuộc Khổ Nạn, chúng ta sẽ thấy một sự thật đáng kinh ngạc. Khi Chúa Giêsu đã sinh thì, người lính Rôma, hẳn không phải là một tín hữu, không phải là người Do Thái mà là một người ngoại giáo, đã thấy Chúa Giêsu đau khổ trên thập giá, đã nghe được lời tha thứ cho tất cả mọi người, đã chạm đôi tay vào tình yêu vô biên của Chúa và ông thốt lên rằng : “Quả thực ông này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Quả thực ông đang nói ngược lại với những người khác. Ông nói rằng người đó là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật.
Ngày nay chúng ta có thể tự hỏi: đâu là gương mặt đích thực của Thiên Chúa? Thường chúng ta gán cho Ngài những gì là của chúng ta, với quyền lực tối đa: sự thành công của chúng ta, tinh thần công lý của chúng ta, và ngay cả sự phẫn nộ của chúng ta nữa. Thế nhưng Tin mừng nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không phải như vậy. Ngài hoàn toàn khác và chúng ta không thể biết về Ngài bằng sức mạnh của mình. Vì thế, Ngài đã trở nên gần gũi, đã đến để gặp chúng ta và đã mạc khải hoàn toàn về chính mình qua sự Phục sinh. Và việc Chúa đã mạc khải về mình được hoàn tất ở đâu? Trên thập giá. Ở đó chúng ta học biết được những nét mặt của Thiên Chúa. Anh chị em đừng quên rằng, thập giá là ngai tòa của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ được chữa lành khi nhìn lên Thập giá trong thinh lặng và thấy được Ngài là Chúa của chúng ta : là Đấng không hề chỉ tay chống lại bất cứ ai, cũng không chống lại những kẻ đang đóng đinh mình, nhưng giang rộng vòng tay cho tất cả mọi người; không đè bẹp chúng ta bằng vinh quang của mình, nhưng để cho mình bị tước đoạt vì chúng ta; không yêu chúng ta bằng lời, nhưng đã trao mạng sống cho chúng ta trong thinh lặng; không cưỡng ép chúng ta, nhưng giải phóng chúng ta; không coi chúng ta nhưng người xa lạ nhưng nhận lấy nơi bản thân tội lỗi của chúng ta. Ngài làm như vậy là để giải thoát chúng ta khỏi những thành kiến về Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, sau đó mở Tin mừng ra. Trong những ngày này, mọi người đều ở trong thời gian cách ly và ở nhà, đóng cửa, chúng ta cầm hai thứ này trong tay : Chúa chịu đóng đinh và hãy nhìn lên Ngài; mở Tin mừng ra. Có thể nói, đối với chúng ta, điều này thật tuyệt vời, nó giống như phụng vụ tại gia, bởi vì trong những ngày này chúng ta không thể đến nhà thờ. Chúa chịu đóng đinh và Tin mừng.
Chúng ta đọc trong Tin mừng và biết rằng, sau khi hóa bánh ra nhiều, mọi người tuôn đến với Chúa Giêsu để tôn Ngài lên làm Vua, nhưng Ngài đã rời đi (x. Ga 6,15). Và khi ma quỉ muốn tiết lộ vẻ uy nghiêm thánh thiện của Chúa, Ngài bắt chúng phải câm miệng (x. Mc 1: 24-25). Tại sao vậy? Bởi vì Chúa Giêsu không muốn bị hiểu lầm, không muốn mọi người lẫn lộn vị Thiên Chúa thực sự, là tình yêu khiêm nhường, với vị thần giả tạo, một vị thần trần tục thích thể hiện và áp đặt bằng vũ lực. Thiên Chúa không phải là ngẫu tượng. Ngài là Thiên Chúa đã nhập thể làm người như mỗi người chúng ta, và tự biểu lộ mình như con người nhưng bằng sức mạnh của thần tính Ngài. Thực ra, khi nào thì căn tính của Chúa Giêsu được Tin mừng long trọng công bố? Khi người lính nói : “Quả thực ông này là Con Thiên Chúa”. Lời này đã được nói ở đó, ngay lúc Chúa vừa phó mạng sống trên thập giá, để người ta không thể nhầm lẫn Ngài thêm nữa, để người ta thấy rằng Thiên Chúa quyền năng trong tình yêu, không theo bất kỳ cách nào khác. Đó là bản tính của Ngài, vì Ngài đã làm như vậy. Thiên Chúa là tình yêu.
Bạn có thể phản đối: “Tôi phải làm gì với một vị Thiên Chúa yếu đuối, đã chết như vậy? Tôi thích một vị thần mạnh mẽ, một vị thần uy quyền! Nhưng bạn có biết, quyền lực thế gian này đang qua đi trong khi tình yêu vẫn tồn tại. Chỉ có tình yêu mà chúng ta có mới bảo vệ được cuộc sống, bởi vì tình yêu ôm lấy những yếu đuối của chúng ta và biến đổi nó. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, qua sự Phục sinh, đã chữa lành tội lỗi của chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài, đã biến cái chết trở thành lối đi của sự sống, đã biến đổi nỗi sợ hãi của chúng ta trong sự tin tưởng, nỗi buồn phiền của chúng ta trong niềm hy vọng. Sự phục sinh nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể làm cho tất cả mọi sự nên tốt đẹp. Cùng với Ngài chúng ta có thể thật sự tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Đây không phải ảo ảnh, đây là sự thật! Bởi vì vào sáng sớm Phục sinh Chúa đã nói với chúng ta : “các con đừng sợ” (x. Mt 28,5). Và những câu hỏi buồn đau về sự dữ không biến mất đột ngột, nhưng được tìm thấy nơi Đấng Phục sinh một nền tảng vững chắc cho phép chúng ta không bị chìm.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử bằng cách tự làm cho mình gần gũi với chúng ta và làm cho nó thành lịch sử cứu rỗi, dẫu cho lịch sử ấy còn bị đánh dấu bởi sự dữ. Bằng việc hiến dâng mạng sống mình trên thánh giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Từ con tim rộng mở của Đấng chịu đóng đinh, tình yêu của Thiên Chúa hướng đến mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi lịch sử của mình bằng cách làm cho mình được gần gũi với Ngài, bằng cách đón nhận ơn cứu chuộc mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa qua lời cầu nguyện, qua những ngày trong tuần này : với Chúa chịu đóng đinh và Tin mừng. Phụng vụ tại gia chính là đây. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa qua lời cầu nguyện, hãy để Chúa đoái nhìn mỗi người chúng ta và qua đó chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô đơn, nhưng được yêu thương, vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và không bao giờ quên chúng ta. Và với những ý nghĩ này, tôi chúc cho chị em một Tuần Thánh và mùa Phục Sinh thánh thiện.
2020
Thánh tích Mão Gai Chúa được tôn kính vào Thứ Sáu Tuần Thánh
Sau một năm cả thế giới chứng kiến Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Paris bị cháy, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Mão Gai Chúa sẽ được trưng bày trong buổi phát sóng trực tiếp để mọi người chiêm ngắm và cầu nguyện.
Tại một cuộc họp báo trực tuyến thứ Ba 07/4, Đức cha Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris thông báo như trên và khẳng định: “Khi Đức Maria đứng dưới chân Thánh Giá, Mẹ biết, từ cái xấu tuyệt đối Thiên Chúa luôn có thể rút ra một điều vĩ đại hơn”. Đức cha nói thêm “Tôi không nhìn thấy bất kỳ ý nghĩa nào trong vụ cháy nhà thờ hoặc dịch Covid-19. Nhưng mặt khác, tôi biết rằng Thiên Chúa có thể mang lại nhiều điều hơn từ điều bất hạnh xảy đến với chúng ta”.
Buổi suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh trước Mão Gai sẽ được truyền hình trực tiếp từ bên trong Nhà thờ Chính tòa từ lúc 11:30 đến 12:30 trưa giờ Paris, vài ngày trước ngày kỷ niệm vụ cháy. Đức cha Aupetit sẽ hướng dẫn buổi cầu nguyện cùng với Đức ông Patrick Chauvet, cha sở nhà thờ chính tòa và Đức cha Phụ tá Denis Jachiet.
Đức Tổng Giám mục cho biết dự tính ban đầu sẽ có một cuộc rước kiệu trên đường phố Paris với Thánh tích, nhưng điều này không thể thực hiện do phải tuân giữ các biện pháp phòng ngừa đại dịch. (CNA 07/4/2020)
Trong khi đó tại Salermo ở Ý, Đức cha Andrea Bellandi, Tổng Giám mục Salermo-Campagna-Acermo sẽ tổ chức cuộc rước kiệu và chúc lành cho thành phố Salermo và toàn Tổng giáo phận với Thánh tích Gai Thánh, được gỡ từ Mão gai Chúa và được lưu giữ ở Giffoni Valle Piana vào thời Trung Cổ. Mục đích cuộc rước kiệu là để cầu nguyện xin Đức Kitô Đấng Bị Đóng Đinh cứu thế giới thoát khỏi đại dịch.
Vào đầu giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức cha sẽ rước Gai thánh trước hết đến chúc lành cho các bệnh nhân của bệnh viện Thánh Gioan Thiên Chúa và bệnh viện Ruggi d’Aragona ở San Leonardo. Tiếp theo Thánh tích được rước đến nhà thờ chính tòa và tại đây vào lúc 19 giờ sẽ có cử hành phụng vụ Tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa. (Sir. 06/4/2020)
Từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Mão Gai đã được tôn kính tại Giêrusalem. Sau đó vào năm 1063 Thánh tích được đưa đến Constantinople. Năm 1239 vua Baudouin II đã trao lại cho vua Louis IX, vua nước Pháp. Trên hành trình về Paris, nhiều Gai Thánh đã được gỡ ra để tặng cho các nhà thờ và đền thánh. Vì thế, ngày nay có nhiều nơi ở Pháp và Ý tự hào vì đã sở hữu được một Gai Thánh hoặc nhiều hơn được gỡ từ Mão Gai Chúa (Aleteia 31/3/2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Linh mục làm “mục vụ điện thoại”
Linh mục làm “mục vụ điện thoại”
Cha Jião Alves, quản xứ của Giáo xứ Vera-Cruz, thuộc giáo phận Aveiro, Bồ Đào Nha, trong những ngày này luôn tất bật với sứ vụ “mục vụ điện thoại” để có mặt và nói chuyện với những người già và người bệnh trong giáo xứ của mình.
Cha Jião Alves, quản xứ của Giáo xứ Vera-Cruz, thuộc giáo phận Aveiro, Bồ Đào Nha, trong những ngày này luôn tất bật với sứ vụ “mục vụ điện thoại” để có mặt và nói chuyện với những người già và người bệnh trong giáo xứ của mình.
Vì đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu và nhiều quốc gia đã buộc phải phong tỏa toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, cha Jião Alves, một linh mục người Bồ Đào Nha trở thành “người tông đồ qua điện thoại” khi cha quyết định đồng hành với những người già và người bệnh qua chiếc điện thoại, một phương tiện hữu hiệu trong hoàn cảnh hiện nay.
Chia sẻ với giới chức và Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, vị linh mục này bày tỏ rằng “chỉ đơn giản là tôi nhận thấy rằng thời gian mục vụ bị thu hẹp lại, mà với tư cách là một linh mục, tôi phải làm điều gì đó để phục vụ mọi người trong mùa chay này”.
Và đó chính là lí do, vị linh mục nghĩ ngay đến chiếc điện thoại. Ngay lập tức, cha đã hỏi xin danh sách số điện thoại liên lạc của tất cả giáo dân, đặc biệt những người bị bệnh trong giáo xứ và ngài bắt đầu gọi cho hàng tá người trong danh sách.
Cha chia sẻ, các cuộc điện thoại được thực hiện thường xuyên và ưu tiên hơn với những người lớn tuổi, những người già neo đơn và bị cách ly.
Cha Jião Alves nói rằng: “có một số người trả lời điện thoại với sự hoang mang vì bây giờ họ phải sống trong sự bất an; một số khác dù không ra khỏi nhà nhưng họ luôn lo lắng vì những tin tức và họ thực sự sợ hãi”. Và đương nhiên cũng có một số người cảm kích và bày tỏ niềm vui của họ khi nhận được những tương tác qua đường dây điện thoại. Trong các cuộc gọi, cha Alves thường tìm cách hỏi han xem mọi người có ổn không, có cần gì không, và nếu họ đã có mọi thứ trong nhà thì ngài luôn hứa một lời cầu nguyện và hẹn một cuộc gọi tiếp theo cho họ.
Vị mục tử nói thêm rằng: “Đây cũng là một cách thế khác để những con chiên của ngài thấy rằng Giáo Hội có mối liên hệ chặt chẽ với giáo dân, và có mối quan tâm đến cộng đồng”.
Theo cách này, cha Alves đã khởi xướng hoạt động gọi là “Vizinhos de Aveiro” (“Những người thân cận của Aveiro”), nơi đó các bạn trẻ năng nổ trong cộng đoàn giáo xứ giúp hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Trên trang web “Vizinhos de Aveiro” của mình, vị linh mục giải thích rằng: “cảm giác bị cô lập có tác động nghiêm trọng đến các nhóm người ít được bảo vệ nhất trong cộng đồng của chúng ta”. Sáng kiến này đi vào hoạt động nhờ có một nhóm giám sát dân sự về Covid-19 để cảnh báo và trợ giúp cộng đồng vượt qua giai đoạn đầy khó khăn thách thức này trong tình liên đới. (Aciprensa 28/3/2020) Hoài Thương