2020
Thư mục vụ Tuần Thánh và Phục Sinh năm 2020 của Giáo phận Phan Thiết
TOÀ GIÁM MỤC PHAN THIẾT
422 Trần Hưng Đạo
Tp. Phan Thiết, Bình Thuận
( (84) 252 381 9560
E.mail : [email protected]
THƯ MỤC VỤ TUẦN THÁNH VÀ PHỤC SINH NĂM 2020
Kính gởi: Quý cha, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ, và quý ông bà anh chị em trong đại gia đình Giáo phận Phan Thiết.
Anh chị em thân mến,
- Chúng ta cử hành Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay (năm 2020) “một cách âm thầm”trong lúc nạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid – 19 đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Tuy không thể họp mặt với nhau như mọi năm để cử hành các Nghi thức Thánh, chúng ta vẫn có thể hiệp thông trong đức tin, trong tình liên đới và trong lời cầu nguyện.
Với tâm lý tự nhiên, chúng ta cảm thấy rất buồn. Tôi nhớ đến một bài viết trên website của Đài Vatican News, bài viết của linh mục Gia An, Dòng Tên, và đã được đăng lại trên website của Giáo phận Phan Thiết. Bài viết có tựa đề: “Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch?” Và ý chính của câu trả lời: “ở đây không phải là không cử hành Thánh Lễ mà là Thánh Lễ được cử hành theo một cách khác.”
- Chính trong âm thầm, chúng ta không cử hành tất cả những nghi thức bên ngoài. Tuy nhiên, trong Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm sâu xa hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Chúa Giêsu. Con Thiên Chúa đã hy sinh trên thập giá để cứu độ, để ban cho chúng ta sự sống đời đời. Tình yêu thương này Thiên Chúa muốn trao ban cho mọi người, không loại trừ ai. Trong nạn đại dịch Covid -19 này, mọi thành phần nhân loại: chính quyền, tôn giáo, bác sĩ, y tá, công nhân, trí thức, công ty, xí nghiệp, quân đội … hết thảy mọi người cùng liên đới, hợp tác để đối phó với một chủng loại virút rất nguy hiểm đang tấn công sự sống tự nhiên của con người. Trong bối cảnh liên đới này, chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa từ trời cao, nhập thể. Ngài đã đến liên đới, chia sẻ với con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, để trả lại cho con người sự sống vĩnh cửu.
Hiện nay, có biết bao “con rắn lửa”, có biết bao “loại virút hiện đại” đang hủy hoại tâm hồn, hủy hoại sự sống siêu nhiên của con người. Giống như năm xưa trong sa mạc, khi dân Do Thái bị rắn cắn, “Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21,9); trong Tuần Thánh năm nay, chúng ta hãy ngước nhìn Thánh Giá Chúa Giêsu. Nơi gia đình nào của anh chị em cũng có Thánh Giá. Có người đeo Thánh Giá trên mình. Đơn giản anh chị em hãy nhìn lên Thánh Giá với một lời cầu nguyện đầy tin yêu: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” Nhìn lên Thánh Giá nhiều lần trong ngày với lời cầu nguyện tắt như trên là một cách thức chúng ta cử hành Tuần Thánh, cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu một cách “riêng tư và âm thầm”.
- Cách riêng đối với các bạn trẻ, ngày Chúa nhật Lễ Lá năm nay là Ngày Giới trẻ Thế giới 2020, được cử hành ở cấp Giáo phận trên toàn thế giới với chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”(x. Lc 7,14). Đức Thánh Cha đã mời gọi các bạn trẻ suy nghĩ năm hành động của Chúa Giêsukhi vào thành Na-im ở Galilê. Ngài tình cờ gặp một đám tang đang đưa một anh thanh niên đi chôn. Anh là con trai duy nhất của một bà mẹ góa (x. Lc 7,11-15). Thứ nhất, Chúa Giêsu “thấy“ bà mẹ đau đớn đem con đi chôn. Thứ hai, Ngài “đã chạnh lòng thương“. Thứ ba, Chúa đến gần. Thứ tư Chúa chạm vào quan tài. Thứ năm, Chúa nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!” Đức Thánh cha đã gợi ý: “Có thể các con luôn nghe thấy tiếng rên rỉ của những người đau khổ; hãy để bản thân mình bị lay động bởi những người khóc và chết trong thế giới ngày nay… Hãy để vết thương của họ trở thành của các con, và các con sẽ là người mang hy vọng vào thế giới này.” (Sứ điệp Giới trẻ 2020, số 15).
Các bạn trẻ thân mến,
Đại dịch Covid -19 đang gây ra đau khổ và sự chết, các con cảm nhận sự hiện diện của Chúa như thế nào, để cùng với Ngài có những lời nói và hành động cụ thể cho những người chung quanh ?
- Anh chị em thân mến,
Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ cái chết với con người. Đối diện với cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giêsu đã vô cùng lo sợ đến nỗi “mồ hôi máu chảy ra”, đã nhiều lần ngã xuống và trong giây phút cuối cùng trên thập giá, đã thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con” (Mc 15, 34). Nhưng rồi lòng tin vào Chúa Cha đã vượt thắng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Cũng thế, người trộm lành, khi đối diện với những đau khổ trên thập giá, đã tìm được niềm hy vọng khi hướng đến Chúa Giêsu: “Lạy Ngài Giêsu, khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42). Và anh đã nhận được lời hứa đầy an ủi của Chúa Giêsu trong cảnh đau thương này: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Là những con người còn nhiều lỗi lầm và thiếu sót, trong lúc chịu đau khổ của nạn dịch này, chúng ta tin tưởng hướng lên Chúa Giêsu để có sự bình an và hy vọng.
- Cùng với niềm tín thác vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là tình yêu liên đới với tất cả anh chị em chung quanh. Trong bóng tối của sự chết do nạn dịch gây ra, Giáo Hội cùng với mọi thành phần trên thế giới nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền. Tất cả đều mong manh, nhưng được kêu gọi cùng chèo với nhau. Và quan trọng là có Chúa Giêsuđang ở với chúng ta, đang chia sẻ tất cả những lo sợ, khó khăn đau khổ của chúng ta. Chúng ta hãy kết hợp những đau khổ của chúng ta với cuộc thương khó của Chúa Giêsu, với xác tín rằng : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8).
Thực vậy, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và đã sống lại. Cùng với sự đồng hành đầy an ủi của Đức Mẹ Tàpao, xin Tin Mừng Chúa Phục Sinh mang lại bình an, hy vọng và yêu thương cho mọi người chúng ta.
Chung niềm hy vọng của toàn thể Giáo Hội, chúng ta tuyên xưng : “Chúa đã sống lại. Alleluia! Alleluia!“
Tòa Giám mục Phan Thiết, ngày 03 tháng 04 năm 2020
(đã ấn ký)
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Gp. Phan Thiết
2020
Toàn văn sứ điệp Phục Sinh 2020
Lúc 11h ngày 12/04, ĐTC Phanxicô dâng Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh. Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá urbi et orbi (cho Roma và toàn thế giới). Vatican News Tiếng Việt xin gởi đến quý độc giả toàn văn sứ điệp.
Anh chị em thân mến, tôi xin gởi lời chúc mừng Phục Sinh đến toàn thể anh chị em!
Hôm nay khắp thế giới vang vọng lời loan báo của Giáo Hội: “Đức Giêsu Kitô đã phục sinh!” – “Ngài đã thực sự phục sinh!”
Như một ánh lửa mới, Tin Mừng này được thắp lên trong đêm tối: đêm tối của thế giới đang ở trong những thách đố mang tính đời đại và giờ đây còn bị bủa vây bởi dịch bệnh khiến cho cả gia đình nhân loại rơi vào thử thách tột cùng. Trong đêm tối ấy, lời loan báo của Giáo Hội lại vang vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”
Lời loan báo ấy là một sự “lây lan” khác, từ con tim đến con tim, bởi mọi con tim nhân loại đang chờ đợi Tin Mừng này. Đây là sự loan truyền của niềm hy vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!” Đây không phải là một công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn. Không phải như thế, sự phục sinh của Đức Kitô không phải như vậy. Niềm vui phục sinh là sự vinh thắng của tình yêu trước cội rễ của sự dữ, một chiến thắng không “dè bẹp” đau khổ và cái chết, nhưng vượt qua chúng ngang qua ngả đường nơi vực thẳm, ngang qua việc cải tà quy chính, đó chính là quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa.
Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải ai khác. Thân thể phục sinh của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xoá nhoà, những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương chúng ta phải chịu.
Hôm nay, tôi muốn nhớ đến cách đặc biệt những ai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi corona virus: những bệnh nhân, những người đã qua đời và gia quyến đang khóc thương họ, những người mà thậm chí họ không thể nói lời từ biệt sau cùng. Xin Thiên Chúa của sự sống đón nhận vào vương quốc Ngài tất cả những ai qua đời và ban an ủi và hy vọng cho những ai còn trong thử thách, nhất là những người cao niên và đơn chiếc. Xin Chúa cũng không quên an ủi và trợ lực những ai trong hoàn cảnh hiểm nguy, đó là những nhân viên bệnh viện, những ai sống trong quân đội và nhà tù. Đối với nhiều người, sẽ là một lễ Phục Sinh trong cô đơn, sống giữa nước mắt và đau khổ do dịch bệnh gây ra, từ những đau khổ thể lý đến khó khăn tài chính.
Dịch bệnh tước đi không chỉ người thân yêu của chúng ta, mà còn cả cơ hội nối kết con người đến nguồn ai ủi phát sinh từ các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải. Nhiều nơi giáo dân không thể đến với các bí tích này, nhưng Thiên Chúa không để chúng ta đơn côi! Chúng ta liên đới trong lời cầu nguyện, chúng ta biết chắc rằng Ngài đặt bàn tay trên ta (x. Tv. 138, 5), luôn nhắc nhớ chúng ta: đừng sợ, “Thầy đã phục sinh và luôn ở bên con!” (x. Sách lễ Roma)
Lạy Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, xin ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sỹ, y tá khắp nơi, những người đang thực hành chứng tá bác ái và liên đới với tha nhân với tất cả sức lực của mình và ngay cả đến hy sinh sức khoẻ bản thân. Chúng ta hướng đến họ với niềm cảm kích và tri ân, những người đang làm việc không ngừng nghỉ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội, cho sự ổn định và tri ân đến lực lượng quân đội mà ở nhiều nước, họ đang góp phần giải quyết những khó khăn và đau khổ của tha nhân.
Trong những tuần này, cuộc sống của nhiều triệu người bị thay đổi cách miễn cưỡng. Đối với nhiều người, ở nhà là cơ hội để suy ngẫm, để giảm bớt nhịp sống tất bật thường ngày, để ở với người thân và trân quý thời gian bên nhau. Tuy vậy, với nhiều người lại là thời điểm đầy lo lắng bởi tương lai phía trước thật vô định, công việc có thể bị đình chỉ và những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi khuyến nghị những ai có trách nhiệm chính trị dấn thân hết mình cho an sinh của người dân, cung cấp phương tiện và hỗ trợ cần thiết để đi đến đồng thuận về một cuộc sống đúng nhân phẩm và hướng đến, khi điều kiện cho phép, việc trở lại nhịp sống thường ngày.
Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, bởi cả thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất chống lại bệnh dịch. Xin Đức Giêsu phục sinh ban tặng niềm hy vọng cho tất cả người nghèo, những ai đang sống ở vùng xa, những người tị nạn và người vô gia cư. Ước gì những anh chị em thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi, họ có thể được nhận ra ở các thành phố, vùng ven đô khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không để họ thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu, những điều mà hiện tại rất khó đáp ứng vì nhiều hoạt động bị đình chỉ, cũng như thuốc men và nhất là trợ giúp y tế cần thiết. Trước tình hình hiện tại, ước gì các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng, những lệnh ngăn cản các Quốc gia hỗ trợ công dân của mình và hỗ trợ các Nước, nhất là những nước nghèo nhất, đối diện với nhu cầu hiện tại bằng cách giảm bớt, nếu không thể xoá bỏ, khoản nợ đang làm cho tình hình thêm khó khăn.
Đây không phải thời điểm của ích kỷ, bởi vấn đề chúng ta đang đối diện liên hệ đến tất cả và không phân biệt ai. Trong nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại do corona virus, tôi bày tỏ tâm tình đặc biệt đến Châu Âu. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, châu lục quý mến này có thể hồi sinh là nhờ tinh thần liên đới cụ thể giúp vượt qua xung đột quá khứ. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện tại, những xung đột ấy không được phép tái hiện, nhưng mọi người cần nhận ra mình là một phần của một gia đình duy nhất và cần giúp đỡ lẫn nhau. Hiện tai, Châu Âu đang đối diện với một thử thách thời đại, quyết định không chỉ tương lai của mình mà còn của cả thế giới. Ước mong chúng ta không được đánh mất cơ hội thể hiện nỗ lực liên đới, ngay cả khi phải thử đến những hướng giải quyết mới. Nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa ích kỷ của tư lợi và cám dỗ trở về với quá khứ, cùng với nguy cơ phá vỡ tương giao hoà bình và phát triển cho các thế hệ kế tiếp.
Đây không phải thời điểm của chia rẽ. Xin Đức Kitô, hoà bình của chúng ta, soi sáng những ai có trách nhiệm trong các xung đột, hầu chúng ta có đủ can đảm tuân thủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức trên khắp thế giới. Đây không phải là thời điểm để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, sử dụng những khoản đầu tư lớn mà đáng lẽ phải được dùng để chăm lo cho con người và cứu vớt mạng sống. Ước gì đây là lúc để kết thúc cuộc chiến dai dẳng đã nhuốm máu cả Siria, kết thúc xung đột ở Yemen và kết thúc những căng thẳng ở Iraq cũng như ở Liban. Cầu mong đây là lúc Israen và Paletine nối lại đàm phán để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và ổn định để cả hai bên được sống trong hoà bình. Cũng là lúc ngừng lại những đau khổ của dân chúng ở các vùng phía đông Ucraina và ngừng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người vô tội ở nhiều nước của Phi Châu.
Đây không phải là thời điểm của lãng quên. Cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối diện không làm chúng ta quên đi nhiều tiếng kêu cứu của rất nhiều người đau khổ khác. Xin Thiên Chúa hằng sống đến với các dân tộc ở Châu Á và Châu Phi, những nơi đang trải qua khủng khoảng nhân đạo, như ở vùng Cabo Delgado, phía bắc Mozambic. Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn những ai đang chịu tị nạn và di dời vì chiến tranh, hạn hán và đói kém. Xin Chúa che chở những người tị nạn và di dân, trong số họ có rất nhiều trẻ em, đang sống trong cảnh cơ cực, đặc biệt là ở Libia và ở vùng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Cầu mong cho Venezuela có thể đạt đến những giải pháp cụ thể và mau chóng, nhiều khi cần đến trợ giúp quốc tế đối với dân tộc đang chịu cảnh đau khổ do tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và y tế gây ra.
Anh chị em thân mến,
Vô tâm, ích kỷ, chia rẽ, lãng quên thực sự không phải là những ngôn từ mà chúng ta muốn nghe lúc này. Chúng ta muốn cấm nói đến chúng luôn mãi! Những từ ngữ này dường như chiếm ưu thế khi nơi chúng ta, lo sợ và cái chết đang thắng thế, khi chúng ta không để cho Đức Giêsu ngự trị trong con tim và đời sống chúng ta. Ngài đã chiến thắng sự chết và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu độ vĩnh cửu, xoá đi bóng tối của kiếp nhân sinh và dẫn đưa con người tới ngày vinh thắng không bao giờ tàn lụi.
Mai Kha, SJ
2020
Virus corona ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của Vatican
Hôm 09/04 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn với cơ quan thông tấn Công giáo Đức KNA, Đức Hồng y Reinhard Marx nói rằng đại dịch Covid-19 là một thách đố tài chính đối với Vatican và Giáo hội tại Đức.
Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên báo trực tuyến MK-Online, Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich, nguyên là Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức và là điều phối viên của Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh, đã nói về hậu quả của đại dịch Covid-19. Ngài nói: “Virus corona phải làm cho đôi mắt chúng ta sắc bén để nhận ra điều gì là quan trọng.”
Cần xác định lại các ưu tiên
Đối với Giáo hội ở Đức cũng như Tòa Thánh, khủng hoảng Covid-19 làm cho các khoản thu nhập của Giáo hội bị giảm sút và điều này dẫn đến những hậu quả đối với các tổ chức của Giáo hội. Tuy nhiên, theo Đức Hồng y, Vatican không nên sợ bị phá sản. Dù thế, Giáo hội không thể thiếu nợ hay tăng thuế như Nhà nước, và do đó cần phải rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng và xác định lại các ưu tiên. Đức Hồng y Marx nói: “Cuộc khủng hoảng này cho thấy chủ nghĩa tư bản lan tràn không phải là hướng đi. Bây giờ chúng ta phải đối mặt với các hậu quả xã hội, chính trị và sinh thái của nó và suy nghĩ về một trật tự mới thật sự bền vững và có lợi cho tất cả mọi người bao nhiêu có thể.
Cắt giảm tài chính
Trong khi đó, báo Il Messagero ở Roma đưa tin Vatican đang có kế hoạch cắt giảm tối đa về tài chính do áp lực của cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo đó, các cuộc họp, hội nghị và triển lãm trong năm nay sẽ bị hủy. Các chuyến công tác cũng như các mua sắm vật dụng phải đình chỉ. Vấn đề nhân sự và thời gian làm thêm cũng cần giảm bớt.
Mất 11 triệu euro từ khi Bảo tàng Vatican đóng cửa
Một trong những nguồn thu nhập chính của Vatican là Bảo tàng Vatican, nơi đón trung bình khoảng 20.000 lượt khách mỗi ngày. Bảo tàng này cũng đã phải đóng cửa từ ngày 08/03 do virus corona. Tòa Thánh đã mất khoảng 11 triệu euro thu nhập từ vé vào Bảo tàng, cộng với các chi phí về tiền lương và chi phí hoạt động. (Cath.ch 10/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Hội Hiệp sĩ Columbus tài trợ việc truyền phát các nghi lễ Tuần Thánh của ĐTC
Giữa tình trạng khẩn cấp Covid-19, tổ chức từ thiện Hiệp sĩ Columbus đã quyên góp cho bệnh viện nhi Bambino Gesù của Tòa Thánh để chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi virus và hỗ trợ việc truyền phát các nghi lễ được Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh.
Trong Tuần Thánh đặc biệt năm nay do đại dịch Covid-19, Hội Hiệp sĩ Colombus, tổ chức bác ái Công giáo được Đấng Đáng kính Michael McGivney thành lập cách đây hơn 130 năm, đã đóng góp hỗ trợ Tòa Thánh trong hai mặt trận quan trọng và quý giá đối với Tòa Thánh.
Đóng góp cho bệnh viện nhi Chúa Giêsu Hài đồng của Tòa Thánh
Trước hết tổ chức này đã đóng góp 100.000 đô la để giúp bệnh viện nhi Chúa Giêsu Hài đồng của Tòa Thánh để chăm sóc trẻ em bị virus corona. Bệnh viện sẽ dùng số tiền này để sửa đổi một khu vực trong khoa sơ sinh thành phòng chăm sóc đặc biệt cho các bé sơ sinh bị nhiễm virus. Khu vực này, sẽ được đặt tên của vị sáng lập Hội hiệp sĩ Colombus, sẽ được trang bị các máy quạt và các thiết bị cần thiết để điều trị các triệu chứng về hô hấp liên quan đến virus corona.
Tài trợ truyền hình vệ tinh các lễ nghi Tuần Thánh
Một hoạt động khác được Hội hiệp sĩ Colombus tài trợ trong tình trạng khẩn cấp do Covid-19 là truyền qua vệ tinh một số nghi lễ do Đức Thánh Cha cử hành; cụ thể là Đàng Thánh Giá vào tối thứ Sáu, Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh với phép lành Urbi et Orbi – cho thành Roma và toàn thế giới. Sự hỗ trợ này sẽ giúp cho hàng triệu người có thể hiệp thông cầu nguyện với Đức Phanxicô. Tháng trước, tổ chức này cũng đã tài trợ cho các chi phí cho buổi cầu nguyện đặc biệt của Đức Thánh Cha vào ngày 27/03 tại quảng trường thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng.
Các Hiệp sĩ Columbus đã hỗ trợ trên mặt trận truyền thông của Vatican từ rất lâu. Tổ chức này đã tài trợ một máy phát sóng ngắn cho Đài phát thanh Vatican vào năm 1965 và từ năm 1977, tổ chức đã hỗ trợ cho việc truyền hình vệ tinh của Vatican. Tổ chức này cũng tài trợ cho một đơn vị sản xuất thiết bị cho trung tâm truyền hình Vatican.
Hồng Thủy – Vatican