2020
ĐTC gửi thư cho TGM Torino dịp buổi cầu nguyện với Khăn Liệm Chúa
Đáp ứng ước nguyện của nhiều tín hữu cầu nguyện với Tấm Khăn Liệm xác Chúa, xin cho đại dịch chấm dứt, chiều thứ Bảy Tuần Thánh, Đức cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám mục Torino Nosiglia đã chủ sự buổi cầu nguyện đặc biệt này.
Buổi cầu nguyện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Cảm nhận được tấm lòng mục tử của Tổng Giám mục Torino, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho Đức cha Cesare Nosiglia, bày tỏ sự quý mến và đánh giá cao về cử chỉ này của Đức cha.
Đức Thánh Cha viết: “Tôi hiệp nhất với lời khẩn nguyện của Đức cha. Hướng mắt nhìn vào Đấng in hình trong Khăn Thánh, chúng ta nhận ra các đặc điểm của Người Tôi Tớ Chúa mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong Cuộc khổ nạn của Ngài: ‘Người đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành’”(Is 53,3.4-5).
“Chiêm ngắm khuôn mặt của Đấng ở trong Khăn Thánh chúng ta thấy khuôn mặt của nhiều anh chị em đau bệnh, đặc biệt là những người cô đơn và ít được chăm sóc; nhưng cũng là của tất cả các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, nô lệ và bách hại”.
Đức Thánh Cha kết thúc lá thư với những lời động viên an ủi: “Là Kitô hữu, dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta chiêm ngắm Khăn Liệm của Chúa, dung mạo của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chết và sống lại. Chúng ta phó thác và tin tưởng nơi Chúa Giêsu. Chính Chúa cho chúng ta sức mạnh để đối phó mọi thử thách với đức tin và niềm hy vọng, trong sự tin chắc rằng Chúa Cha luôn lắng nghe tiếng kêu của con cái và cứu chúng ta”. (CSR_2497_2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha nhớ đến những người hy sinh vì các bệnh nhân
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại trực tiếp cho chương trình “A Sua Immagine” – Theo hình ảnh Người – để bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người đang hy sinh mạng sống để giúp đỡ người khác; ngài gọi họ là “những người nam nữ chịu đóng đinh, những người chết vì tình yêu”.
Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, khi chương trình “A Sua Immagine” đang phát trực tiếp trên Đài truyền hình Rai của Ý, về Thứ Sáu Tuần Thánh, sắp kết thúc, người dẫn chương trình Lorena Bianchetti đã nhận được một cuộc điện thoại. Khi nhận ra giọng nói của Đức Thánh Cha, cô Lorena rất cảm động và hỏi Đức Thánh Cha xem ngài đang sống thời khắc khó khăn do đại dịch corona thế nào.
Những người chịu đóng đinh ngày nay – hy sinh sự sống vì tình yêu
Đức Thánh Cha trả lời: “Tôi nghĩ về Chúa chịu đóng đinh và nhiều câu chuyện về những người bị đóng đinh của lịch sử, nhưng có những người chịu đóng đinh ngày nay, vì đại dịch này: các bác sĩ, y tá, nữ tu, linh mục… Họ chết ở tuyến đầu như những người lính, những người hy sinh mạng sống vì tình yêu, kiên vững như Mẹ Maria dưới chân Thánh giá, những cộng đoàn của họ, trong các bệnh viện khi chăm sóc cho các bệnh nhân. Ngày nay cũng có những người nam nữ chịu đóng đinh, những người chết vì tình yêu”.
Gần gũi với mọi người đau khổ
Đức Thánh Cha cũng nói rằng trong nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, ngài gần gũi với Dân Chúa, với những người đau khổ hơn, đặc biệt là các nạn nhân của đại dịch, những người đau khổ trên thế giới. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng ngài hướng nhìn về trời cao, về “niềm hy vọng, bởi vì hy vọng không làm thất vọng. Nó không cất đi đau khổ nhưng nó không làm thất vọng.”
Dấn thân của tình yêu để vượt qua khó khăn
Được hỏi rằng Phục Sinh năm nay sẽ là một Phục Sinh an bình dù cho tất cả những điều đã xảy ra, Đức Thánh Cha trả lời: “Lễ Phục sinh luôn kết thúc trong sự phục sinh và trong hòa bình, nhưng đó không phải là một “happy end”. Đó chính xác là sự thỏa hiệp, sự dấn thân của tình yêu giúp bạn vượt qua con đường khó khăn này. Nhưng Chúa đã làm điều đó trước nhất. Điều này an ủi chúng ta và cho chúng ta sức mạnh.” (CSR_2529_2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô cử hành nghi lễ tưởng niệm Thương Khó của Chúa Giêsu
Trong bài giảng, cha Cantalamessa suy tư về sự kiện cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cha khẳng định rằng như người cha người mẹ, Thiên Chúa đau khổ với chúng ta để vượt qua đau khổ. Cha mời gọi cầu khẩn xin Thiên Chúa giúp đỡ.
Lúc 6 giờ chiều thứ Sáu Tuần Thánh 10/04, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Cũng như Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trong hoàn cảnh phòng ngừa đại dịch, nghi lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó được cử hành hết sức đơn sơ, không có sự tham dự của đông đảo tín hữu như mọi năm.
Hiệu quả từ sự chết của Chúa GIêsu
Trong bài giảng, cha Cantalamessa, Giảng thuyết viên Phủ Giáo hoàng mời gọi các tín hữu suy niệm về khía cạnh tích cực của một sự kiện, dù là sự ác khủng khiếp nhất như Bài Thương Khó của Chúa Giêsu được thuật lại trong các Tin Mừng. Cha nói: “Nếu chúng ta dừng lại ở các nguyên nhân lịch sử về cái chết của Chúa Giêsu thì chúng ta bị bối rối và mọi người sẽ bị cám dỗ nói như quan Philato – tôi vô can trong vụ đổ máu người này. Thánh giá tốt hơn nên được hiểu bởi hiệu quả của nó hơn là bởi nguyên nhân. Hiệu quả sự chết của Chúa Kitô là được nên công chính nhờ tin vào Người, được hòa giải và giao hòa với Thiên Chúa, và được tràn đầy hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu.”
Một hiệu quả khác là thánh giá Chúa Kitô thay đổi ý nghĩa đau khổ của con người. Nó không còn là hình phạt, sự nguyền rủa. Khi Con Thiên Chúa mang lấy những đau khổ thì Ngài đã cứu độ con người tận gốc rễ của đau khổ.
Đại dịch Covid-19 giúp con người ý thức sự mong manh của mình
Áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, cha Cantalamessa nhìn ra những điểm tích cực trong tình trạng bi thương hiện này. “Đại dịch virus corona đã bất ngờ đưa chúng ta ra khỏi nguy hiểm lớn nhất mà các cá nhân và nhân loại luôn có: ảo tưởng về sự toàn năng của mình.” Con virus nhỏ xíu vô hình nhắc chúng ta rằng chúng ta không bất tử, và các sức mạnh quân sự và kỹ thuật không đủ để cứu chúng ta. Thiên Chúa không phải là đồng minh với virus nhưng là đồng minh của chúng ta. Ngài tham dự vào đau khổ của chúng ta để vượt qua nó.
Con người trở nên liên đới hơn
Cha Cantalamessa nêu lên một điểm tích cực nữa trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại là con người trở nên liên đới với nhau, cảm thấy cần nhau. Có khi nào các dân tộc trên thế giới lại cảm thấy mình hiệp nhất, bình đẳng và bớt xung đột hơn trong thời khắc đau khổ này?
Hãy kêu cầu Chúa trong mọi lúc
Cha giảng thuyết kết thúc bài giảng với lời mời gọi hãy kêu cầu Chúa trong mọi lúc. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta “hãy gõ thì sẽ được mở”. Như dân Do thái trong hoang địa bị rắn cắn, vào lúc đau khổ này, chúng ta hãy ngắm nhìn Đấng chịu đóng đinh vì chúng ta. Ai nhìn vào ngài với đức tin sẽ không chết và nếu người ấy chết thì sẽ được bước vào đời sống vĩnh cửu. (REI 10/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô với các linh mục: Hãy để Chúa Giêsu rửa chân cho anh em
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh, do tình hình đại dịch, Đức Thánh Cha cử hành Lễ Tiệc Ly không có nghi thức rửa chân như mọi năm. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói với các linh mục: “Hãy để cho chân mình được Chúa rửa, Chúa là người phục vụ anh em, Ngài gần gũi anh em, để ban cho anh em sức mạnh, để rửa chân cho anh em. Và với ý thức mình cần được rửa, anh em hãy trở thành những người luôn tha thứ, tha thứ với tâm hồn quảng đại”
Hiện diện trong Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô có khoảng 30 người. Trong đó có Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, và vị phụ tá là Đức cha Vittorio Lanzani, Đức ông Guido Marini, Trưởng ban phụng vụ và năm Đức ông khác trong Ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh cha, một phó tế, vài thầy giúp lễ, ca đoàn giảm xuống chỉ còn 8 ca viên và một vài nữ tu và các nhân viên thu hình.
Trong bài giảng ứng khẩu, trước hết, Đức Thánh Cha nhắc lại Bí tích Thánh Thể: “Chúa muốn ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Và chúng ta trở thành những nhà Tạm của Chúa, chúng ta mang Chúa theo mình; đến mức chính Chúa nói với chúng ta rằng nếu chúng ta không ăn Thịt Ngài và uống Máu Ngài, chúng ta sẽ không được vào Nước Trời. Đây là mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa: Chúa ở với chúng ta, và trong chúng ta”.
Tiếp theo Đức Thánh Cha nói đến việc phục vụ: “Điều kiện để vào Nước Trời là phục vụ tất cả mọi người và để cho Chúa phục vụ. Điều này thật khó hiểu, chính Thánh Phêrô cũng không hiểu được điều này. Nhưng chỉ khi chúng ta để cho Chúa rửa chân chúng ta, chúng ta mới có thể lớn lên, được tha thứ và được vào Nước Trời”.
Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc đến 60 linh mục đã chết ở Ý vì phục vụ người bệnh. Theo Đức Thánh Cha các linh mục và các bác sĩ, nhân viên y tá là những “vị thánh ở bên cạnh”.
Đức Thánh Cha nhắc đến đời sống chứng tá của các linh mục: “Hôm nay, tôi nhận được thư của một linh mục tuyên úy một nhà tù, ở xa, một cha dòng Phanxicô, kể lại việc cha ấy sống Tuần thánh này thế nào với các tù nhân. Có nhiều linh mục thừa sai đi xa rao giảng Tin Mừng và chết ở đó”. Đức Thánh Cha nói thêm về các linh mục bị vu khống. Có nhiều linh mục không thể ra đường, và nếu có ra cũng không dám mặc áo linh mục, vì bị người ta chửi rủa, lăng mạ.
Đức Thánh Cha nói: “Tất cả các linh mục, giám mục và Giáo hoàng đều là tội nhân, vì thế phải luôn cầu xin tha thứ, và học cách thứ tha”. Với các linh mục, Đức Thánh Cha nói thêm: “Hôm nay anh em ở với tôi trên bàn thờ. Tôi chỉ nói với anh em rằng: đừng cứng đầu như thánh Phêrô. Hãy để cho chân mình được Chúa rửa, Chúa là người phục vụ anh em, Ngài gần gũi anh em, để ban cho anh em sức mạnh, để rửa chân cho anh em. Và với ý thức mình cần được rửa, anh em hãy trở thành những người luôn tha thứ, tha thứ với tâm hồn quảng đại”.
Ngọc Yến – Vatican