2020
Hội đồng các Giáo hội Thế giới: virus corona không phải là một hình phạt của Thiên Chúa
Nhân dịp Phục Sinh, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) đã gửi một sứ điệp cho các tín hữu, khẳng định Đức Kitô đã chiến thắng sự chết; và virus corona không phải là một hình phạt của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và sự sống.
Các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô Thế giới mời gọi các tín hữu tin tưởng vào sự Phục sinh cứu độ của Đức Kitô, Đấng thực sự đã sống lại: “Ngay cả trong những thời điểm khó khăn mà nhân loại đang trải qua, Phục Sinh nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa trong Đức Kitô tiếp tục yêu thương và quan tâm đến thế giới, vượt qua cái chết bằng sự sống, chinh phục nỗi sợ hãi và sự bất ổn bằng niềm hy vọng”.
Hội đồng các Giáo hội nhấn mạnh: “Nhiều người trong chúng ta đang trải qua nỗi sợ hãi và bất an, thương tổn, cách ly, cô đơn và thậm chí cả cái chết của các thành viên trong gia đình và cộng đoàn. Mặc dù đau thương như thế, thì sứ điệp mà Lễ Phục Sinh mang lại cho chúng ta vẫn tiếp tục là một sứ điệp vui mừng, can đảm và hy vọng”.
Đối với những người bị cám dỗ giải thích tình trạng hiện nay như là một hình phạt và sự biểu lộ giận dữ của Thiên Chúa, các vị lãnh đạo Các Giáo hội Kitô nhắc nhớ chính sứ điệp Phục Sinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa Tình yêu, nguồn sự sống, không phải sự chết, vì như Tin Mừng của Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17) (CSR_2490_2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Các Giám mục Hàn Quốc khẳng định giá trị nền tảng của sức khỏe và sự sống
“Chúng ta đang trải qua một giai đoạn đau khổ sâu sắc và chúng ta biết ơn tất cả những người ở tiền tuyến chiến đấu chống đại dịch. Một lần nữa virus Corona đã khẳng định rằng sự sống và sức khỏe là trên hết”.
Trên đây là những lời phát biểu của Đức cha Mathias Lee Yong-Hoon, chủ tịch Ủy ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, nhân dịp kỷ niệm lần thứ mười của “Chủ nhật sự sống”, lễ kỷ niệm do các giám mục thiết lập nhằm mục đích bảo vệ sự sống.
Đức cha nhấn mạnh: “Kỷ niệm 25 năm Thông Điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng Về Sự Sống, và chưa bao giờ như trong giai đoạn lịch sử này, Giáo hội muốn nhắc lại rằng chỉ có Chúa là Chủ sự sống”. Từ điểm này, Đức cha trở lại nói về việc hợp pháp hóa phá thai vào năm ngoái, sau 66 năm Tòa án Hiến pháp bác bỏ luật cấm chấm dứt thai kỳ. Việc hợp pháp hoá phá thai được coi là “không phù hợp” với tinh thần của Hiến chương cơ bản. Không chỉ vậy. Chính Tòa án này đã chấp nhận quyền tự do lựa chọn của phụ nữ và kêu gọi quốc hội sửa đổi luật vào cuối năm 2020 nhằm nới lỏng các liên kết về chấm dứt thai kỳ trong giai đoạn đầu.
Chủ tịch Ủy ban đạo đức sinh học nói thêm rằng: “Chúng ta không được làm điều này, thay vào đó, cần phải đi đến các quy tắc bảo vệ thai nhi, phụ nữ mang thai và đồng thời cung cấp cho bác sĩ quyền tự do lương tâm”. Theo Đức Hồng y Lee Yong-Hoon, nghiên cứu và thử nghiệm trên phôi, cũng như thao tác di truyền, tránh thai khẩn cấp, nêu lên những câu hỏi cơ bản về thời điểm sự sống của con người bắt đầu. Tất cả phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.
Đức cha cũng đề cập thực tế có nhiều vụ tự tử và tố cáo gia tăng các trường hợp trợ tử: “Chúng tôi yêu cầu một cam kết mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng mạng lưới an toàn xã hội, đó là sự tham gia của các chuyên gia ngăn chặn sự lựa chọn cực đoan kết thúc sự sống. Và phải vượt qua cám dỗ ngày càng phổ biến trong việc ngưng hỗ trợ y tế cho những người đang ở trong giai đoạn cuối cuộc đời. Hỗ trợ và thúc đẩy cuộc sống là một sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho tất cả mọi người”.
Tại Hàn Quốc, các trường hợp chấm dứt thai kỳ ước tính lên tới khoảng 30.000 ca mỗi năm. (CSR_2448_2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Thánh lễ và Sứ điệp Phục sinh cùng Phép lành toàn xá của Đức Thánh cha
- Sứ điệp Phục sinh cùng Phép lành toàn xá của Đức Thánh cha
Lúc gần 11 giờ sáng, Chúa nhật 12/4/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Phục sinh trực tuyến, tại Đền thờ thánh Phêrô và cuối lễ, ngài công bố Sứ điệp Phục sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới.
Đức Thánh cha Phanxicô công bố Sứ điệp Phục sinh | Vatican Media
Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô
Như những ngày Tuần thánh, đền thờ thánh Phêrô trống rỗng, và tại khu vực trước bàn thờ Ngai tòa, nơi Đức Thánh cha dâng lễ, chỉ có khoảng 30 người có nhiệm vụ trong thánh lễ, như sáu Đức ông phụ giúp Đức Thánh cha, ban giúp lễ, ca đoàn thu hẹp với sáu người và những người đọc sách thánh.
Bài Phúc âm, như thông lệ, được thầy Phó tế công bố trước tiên bằng tiếng Ý và tiếp đến bằng tiếng Hy Lạp, để nói lên sự liên kết giữa Giáo hội Tây và Đông phương. Đức Thánh cha không giảng vì có Sứ điệp Phục sinh sau thánh lễ.
Trong phần lời nguyện tín hữu, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Hội thánh của Thiên Chúa; cho các nhà cầm quyền được ánh sáng Phục sinh soi sáng, để đi tới những quyết định tránh mọi thỏa hiệp với sự ác, nhưng tận tụy xây dựng nền văn minh tình thương; cầu cho những người nghèo và sầu muộn để họ được giải thoát khỏi lầm than và lo âu, được hưởng đời sống trọn vẹn; cầu cho mọi tín hữu tân tòng tái khám phá ước muốn nên thánh; cho các bệnh nhân và những người đang sinh thì, để họ được chiến thắng Phục sinh an ủi và được sự gần gũi của các anh chị em nâng đỡ.
Sứ điệp Phục sinh
Thánh lễ Phục sinh kết thúc quá 12 giờ trưa, Đức Thánh cha thay phẩm phục phụng vụ, và sau đó ngài tiến đến khu vực trước Bàn thờ Tuyên xưng đức tin, ở trên mộ thánh Phêrô Tông đồ, để công bố Sứ điệp Phục sinh, thay vì từ bao lơn Đền thờ thánh Phêrô như mọi năm.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nói đến hy vọng do Chúa Cứu Thế Phục sinh mang lại, đồng thời ngài bày tỏ quan tâm đến các bệnh nhân coronavirus, nhắc đến tình trạng các tín hữu không được nhận lãnh bí tích vì đại dịch, cám ơn các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhân viên công lực giúp đỡ các bệnh nhân và phục vụ công ích. Đức Thánh cha kêu gọi mọi người đoàn kết để chống đại dịch, mời gọi Âu châu liên kết với nhau, kêu gọi chấm dứt nạn chế tạo và buôn bán khí giới, và đừng quên những người di dân và tị nạn. Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chúc mừng anh chị em Lễ Phục sinh tốt đẹp!
Hôm nay, vang vọng trên toàn thế giới lời loan báo của Giáo hội: “Chúa Giêsu Kitô đã sống lại!” – “Ngài thực sự đã sống lại!”
Như một ngọn lửa mới, Tin vui này đã được thắp lên trong đêm: đêm đen của một thế giới đang phải đương đầu với những thách đố lớn lao và giờ đây đang bị đại dịch đè nén, làm cho đại gia đình nhân loại chúng ta bị thử thách nặng nề. Trong đêm qua đã vang lên tiếng nói của Giáo hội: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!” (Ca tiếp liên Phục Sinh).
Sứ điệp Hy vọng
Đó là một sự “lây nhiễm” khác, được thông truyền từ tâm hồn này đến tâm hồn khác – vì mỗi tâm hồn con người đang chờ đợi Tin vui này. Đó là một sự lây nhiễm hy vọng: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”. Đây không phải là một công thức thần chú, làm biến tan mọi vấn đề. Không phải vậy, sự phục sinh của Chúa Kitô không phải như thế. Trái lại, đó là chiến thắng của tình thương trên căn cội sự ác, một chiến thắng không “cưỡi lên” đau khổ và chết chóc, nhưng xuyên qua chúng bằng cách mở ra một con đường trong vực thẳm, biến ác thành thiện: đó là nhãn hiệu độc quyền của quyền năng Thiên Chúa.
Đấng Phục sinh là Đấng đã bị đóng đanh, không phải vị nào khác. Trong thân thể vinh hiển của Ngài vẫn mang những vết thương không bị phai mờ: những vết thương đã trở thành những vết hy vọng. Chúng ta hướng nhìn lên Ngài để Ngài chữa lành những vết thương của nhân loại sầu khổ.
Quan tâm đến các nạn nhân bị coronavirus
Ngày hôm nay, tôi nghĩ đến trước tiên là những người đang bị coronavirus trực tiếp tấn công: tôi nghĩ tới các bệnh nhân, những người đã chết và thân nhân của họ đang khóc thương những người thân yêu qua đi, những người mà nhiều khi người ta không thể giã từ lần chót. Xin Chúa Tể sự sống đón nhận những người quá cố vào trong nước của Ngài và ban ơn an ủi, hy vọng cho người còn đang ở trong thử thách, đặc biệt là những người già và những người lẻ loi. Ước gì không thiếu sự an ủi của Chúa và những trợ giúp cần thiết cho những người ở trong tình trạng đặc biệt dễ bị tổn thương, như những người đang làm việc trong các nhà thương, hoặc sống trong các doanh trại và các nhà tù. Đối với nhiều người, đây là một lễ Phục sinh cô đơn, sống giữa tang tóc và bao nhiêu cơ cực mà đại dịch đang tạo nên, từ những đau đớn thể lý cho tới các vấn đề kinh tế.
Các tín hữu không được lãnh nhận Bí tích
Thứ bệnh này không những tước đoạt khỏi chúng ta những tình cảm thương mến, nhưng còn làm cho chúng ta không được đích thân đón nhận an ủi trào dâng từ các bí tích, nhất là từ Thánh Thể và bí tích Hòa giải. Tại nhiều quốc gia, người ta không thể lãnh nhận các bí tích ấy, nhưng Chúa không để chúng ta lẻ loi! Khi liên kết với nhau trong kinh nguyện, chúng ta tin chắc rằng Chúa đã đặt bàn tay của Ngài trên chúng ta (x. Tv 138,5), mạnh mẽ lập lại với chúng ta: con đừng sợ, “Cha đã sống lại và luôn ở với con” (x. Sách Lễ)!
Cám ơn các bác sĩ, nhân viên y tế và an ninh
Xin Chúa Giêsu, Lễ Vượt Qua của chúng ta, ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sĩ và nhân viên y tế, khắp nơi đang làm chứng tá về sự săn sóc và yêu thương tha nhân đến độ kiệt lực và nhiều khi hy sinh cả sức khỏe của mình. Chúng ta biết ơn nghĩ đến họ, cũng như những người đang chăm chỉ làm việc để bảo đảm những dịch vụ thiết yếu cho sự sống chung giữa mọi người, các nhân viên công lực và quân nhân, tại nhiều nước, đang góp phần thoa dịu những khó khăn và đau khổ của dân chúng.
Đời sống dân chúng bị thay đổi vì đại dịch
Trong những tuần lễ này, cuộc sống của hàng triệu người đột nhiên bị thay đổi. Đối với nhiều người, ở lại trong nhà là cơ hội để suy tư, ngăn lại những nhịp sống vội vã, để ở cạnh những người thân yêu và vui hưởng sự sống chung với nhau. Nhưng đối với bao nhiêu người khác, đây cũng là một thời kỳ lo âu về tương lai bất định, về công ăn việc làm có nguy cơ bị mất và về những hậu quả khác mà cuộc khủng hoảng hiện nay kéo theo. Tôi khuyến khích tất cả những người có trách nhiệm chính trị hãy tích cực hoạt động để mưu ích chung cho các công dân, cung cấp những phương thế và biện pháp cần thiết để tất cả mọi người sống một cuộc sống xứng đáng và tạo điều kiện cho việc mở lại các hoạt động thường nhật như thói quen, khi hoàn cảnh cho phép.
Đoàn kết để đối phó với đại dịch
Đây không phải là thời điểm dửng dưng, vì tất cả thế giới đang đau khổ và phải tìm lại sự đoàn kết trong việc đối phó với đại dịch. Xin Chúa Giêsu phục sinh ban hy vọng cho tất cả những người nghèo, những người sống ở các khu bên lề, những người tị nạn và những người không gia cư. Ước gì những anh chị em yếu thế nhất, sống trong các thành thị và các khu ngoại ô ở các nơi trên thế giới không bị lẻ loi. Chúng ta đừng để họ bị thiếu những nhu yếu phẩm, giờ đây khó tìm được trong lúc nhiều hoạt động bị ngưng lại, cũng như những thuốc men, và nhất là để họ có thể được săn sóc thích hợp về sức khỏe. Xét vì hoàn cảnh hiện nay, xin giảm bớt những biện pháp cấm vận quốc tế đang ngăn cản khả năng của các nước bị biện pháp này, trong việc cung cấp những hỗ trợ thích đáng cho các công dân của mình và làm sao để tất cả các quốc gia, nhất là những nước nghèo, có thể đương đầu với những nhu cầu lớn lao trong lúc này, bằng cách giảm bớt, hoặc thậm chí tha những nợ nần đang đè nặng trên ngân sách của họ.
Kêu gọi các nước Âu châu liên đới với nhau
Đây không phải là thời điểm của ích kỷ, vì thách đố chúng ta đang đương đầu liên kết tất cả chúng ta với nhau và không phân biệt giữa con người với nhau. Trong số bao nhiêu vùng trên thế giới bị coronavirus, tôi đặc biệt nghĩ đến Âu châu. Sau Thế Chiến Thứ Hai, đại lục yêu quí này đã có thể trỗi dậy nhờ tinh thần liên đới cụ thể đích thực, giúp vượt lên những cạnh tranh quá khứ. Nay là lúc cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, ước gì những cạnh tranh đó không tái diễn mạnh mẽ, nhưng tất cả đều nhìn nhận mình là thành phần của một gia đình duy nhất và nâng đỡ nhau. Ngày nay, Liên Hiệp Âu Châu đang có trước mặt một thách đố lớn lao, tương lai của đại lục này và của cả thế giới tùy thuộc thách đố đó. Ước gì đừng để mất cơ hội chứng tỏ thêm tình liên đới, kể cả việc dùng những giải pháp mới mẻ. Giải pháp khác với tình liên đới như thế chỉ là sự ích kỷ, chỉ quan tâm đến tư lợi và cám dỗ trở lại quá khứ, với nguy cơ tạo nên thử thách cam go cho sự sống chung hòa bình và sự phát triển của các thế hệ tới đây.
Chấm dứt xung đột và buôn bán võ khí
Đây không phải là lúc chia rẽ. Xin Chúa Kitô Hòa Bình của chúng ta soi sáng những người có trách nhiệm trong các cuộc xung đột, để họ có can đảm đón nhận lời mời gọi ngưng chiến toàn cầu và tức khắc ở các nơi trên thế giới. Đây không phải là lúc tiếp tục chế tạo và buôn bán võ khí, chi tiêu những ngân khoản khổng lồ, lẽ ra phải được dùng để chăm sóc con người và cứu vãn các sinh mạng. Trái lại, ước gì đây là lúc chấm dứt chung kết chiến tranh dài dẳng làm cho Siria bị đẫm máu, xung đột tại Yemen và những căng thẳng tại Irak cũng như tại Liban. Ước gì đây là lúc người Israel và Palestine mở lại đối thoại, để tìm kiếm một giải pháp bền vững và kéo dài, giúp cả hai dân tộc sống trong hòa bình. Hãy chấm dứt những đau khổ của dân chúng đang sống ở miền đông Ucraina. Chấm dứt các cuộc tấn công khủng bố chống lại bao nhiêu người vô tội tại các nước Phi châu.
Đừng quên Á, Phi, tị nạn và di dân
Đây không phải là lúc quên lãng. Ước gì cuộc khủng hoảng chúng ta đang đương đầu đừng làm chúng ta quên những tình trạng cấp thiết khác, mang theo bao nhiêu đau khổ cho dân chúng. Xin Chúa Tể sự sống gần gũi các dân tộc ở Á, Phi đang trải qua các cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo, như miền Cabo Delgado ở mạn bắc Mozambique. Xin sưởi ấm tâm hồn của bao nhiêu người tị nạn và tản cư vì chiến tranh, hạn hán và đói kém. Xin ban sự bảo vệ cho bao nhiêu người di dân và tị nạn, nhiều người trong số họ là trẻ em đang sống trong những điều kiện không thể chịu nổi, đặc biệt tại Libia và vùng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Xin Chúa giúp đạt tới những giải pháp cụ thể và tức khắc tại Venezuela, cho viện trợ quốc tế được đưa tới cho dân chúng đang đau khổ vì tình trạng trầm trọng về chính trị, xã hội-kinh tế và y tế.
Anh chị em thân mến,
Sự dửng dưng, ích kỷ, chia rẽ, quên lãng quả là những lời chúng ta không muốn nghe nói trong lúc này. Chúng ta hãy khai trừ chúng mãi mãi! Chúng dường như trổi vượt khi sợ hãi và chết chóc chiến thắng trong chúng ta, nghĩa là khi chúng ta không để Chúa Giêsu chiến thắng trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Chúa đã chiến thắng sự chết, mở ra cho chúng ta con đường cứu độ vĩnh cửu, xin Chúa phá tan bóng đen của nhân loại chúng ta đang đau khổ và dẫn chúng ta tiến vào ngày vinh hiển không bao giờ tàn lụi của Ngài.
Phép lành toàn xá
Sau khi Đức Thánh cha kết thúc Sứ điệp Phục sinh, Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô thông báo chủ ý của Đức Thánh cha ban ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu lãnh nhận phép lành qua các phương tiện truyền thông, theo hình thức đã được Giáo hội thiết định.
Rồi, Đức Thánh cha đọc công thức xin hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô, chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa, và nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, thánh Micae Tổng Lãnh thiên thần, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phêrô, Phaolô Tông đồ và toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng tha thứ mọi tội lỗi cho các tín hữu và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa các tín hữu đến sự sống đời đời.
Sau đó, Đức Thánh cha ban phép lành toàn xá cho tất cả mọi người. Trần Đức Anh, O.P.
2020
Các tu sĩ dòng Cappucchino: những thiên thần tại bệnh viện Gioan XXIII
Các tu sĩ dòng Cappucchino:
những thiên thần tại bệnh viện Gioan XXIII
Tại bệnh viện Gioan XXIII của thành phố Bergamo, nơi đang là tâm điểm đại dịch virus corona của Ý, các thiên thần có gương mặt của các bác sĩ, y tá và của các tu sĩ dòng Cappucchino, những người mỗi ngày bất chấp nguy hiểm đến sự sống để mang an ủi và hy vọng đến với các bệnh nhân nhiễm virus corona.
Trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này, những nỗ lực phi thường của các nhân viên y tế trong các bệnh viện thật đáng quý trọng và ngưỡng mộ. Họ đã và đang tiếp tục công việc phi thường với hy vọng cứu sống bao nhiêu người có thể khỏi căn bệnh quái ác đang là mối đe dọa đối với mọi người trên thế giới.
Và trong những ngày này, đang hy sinh dấn thân tại các bệnh viện, bất chấp nguy hiểm, cũng có các linh mục, tu sĩ can đảm, ở trong bệnh viện cả ngày để tìm cách an ủi các bác sĩ, y tá và bệnh nhân. Trong số họ có tu sĩ Piergiacomo Boffelli và 4 tu sĩ khác cùng dòng Cappucchino. Các cha không ngừng rong ruổi giữa các khoa trong bệnh viện để an ủi, cầu nguyện cho các bệnh nhân và cho cả các bác sĩ và y tá giữa tình trạng khẩn cấp của đại dịch.
Dưới chiếc áo bảo hộ và chiếc khẩu trang là một tu sĩ
Cha Boffelli kể: Khi các bệnh nhân nhìn thấy các tu sĩ, “ban đầu họ hơi ngạc nhiên bởi vì sau nhiều ngày nằm bệnh viện điều trị virus corona họ mới lại thấy một người không phải là bác sĩ mà cũng không phải là y tá. Họ rất vui mừng khi khám phá ra dưới chiếc áo bảo hộ và chiếc khẩu trang là một tu sĩ. Tôi nhận thấy họ bớt căng thẳng một tí và tôi hiểu rằng sự hiện diện của chúng tôi cho thấy rằng Thiên Chúa ở với họ và ở gần với sự đau đớn của họ giống như người Samaria nhân hậu. Khi có thể nói chuyện với họ, tôi cũng yêu cầu ban bí tích xức dầu cho họ, là một sự an ủi trong giờ phút thử thách.” Thật thế, khi ở trong một cuộc chiến khó khăn như thế, luôn cần có sự an ủi xoa dịu cho linh hồn và tâm trí.
Sẵn sàng đi xức dầu cho những người đang hấp hối
Vì không thể ban phép giải tội cho họ trong hoàn cảnh này, cha Boffelli nói: “Thông thường chúng tôi yêu cầu họ thống hối chân thành và đọc kinh thống hối, và khi tình trạng khẩn cấp qua đi thì hãy đi xưng tội với một linh mục. Tôi hy vọng điều này sớm xảy đến.” Cha cũng tiếc rằng vì trong thời gian đại dịch nên các tu sĩ không thể đi đến các phòng chăm sóc đặc biệt và các phòng các bệnh nhân lây nhiễm vì thiếu đồ bảo hộ. Tuy thế các ngài luôn luôn sẵn sàng đi xức dầu cho những người đang hấp hối.
Các tu sĩ không bỏ cuộc
Thật không may là cũng có những lúc, nhất là trong những ngày này khi số bệnh nhân hấp hối quá nhiều, các tu sĩ không thể đến kịp để cầu nguyện hay ban bí tích xức dầu. Ngay cả như thế, các tu sĩ cũng không bỏ cuộc. Mỗi ngày các tu sĩ Cappucchino cũng đi đến nhà xác nơi mà ngay cả những người thân trong gia đình nạn nhân cũng không thể đến để chào vĩnh biệt thân nhân của mình. Cha Boffelli kể: “Tất cả mọi ngày đều có một tu sĩ đến cầu nguyện và làm phép các quan tài được đặt tạm ở đó. Và nếu như họ không có người thân khóc thương sự ra đi của họ, thì các bác sĩ và y tá là luôn là những người thân thương tiếc họ. Tôi đã thấy nhiều người trong số họ đau đớn, và họ đồng hành với những người không thể vượt qua được đại dịch.”
Gần gũi cầu nguyện với mọi người
Các tu sĩ không chỉ an ủi chăm lo phần thiêng liêng cho các bệnh nhân nhưng cũng có mối tương quan rất chặt chẽ và gần gũi với các nhân viên y tế. Cha Boffelli kể tiếp: “Đôi khi chính các trưởng phòng gọi chúng tôi đến với các đồng nghiệp của họ: chúng tôi ở bên nhau vài phút để đọc một Kinh Kính Mừng hay một Kinh Lạy Cha”. Cha kết luận: “Trong thời gian đại dịch, chúng tôi muốn rằng sự hiện diện của mình thật sự là sự gần gũi cầu nguyện với tất cả.”
Hồng Thủy – Vatican