2020
ĐTC Phanxicô: Giải pháp công nghệ không đủ để vượt qua cuộc khủng hoảng
Nhân dịp Lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha viết thư chúc mừng Phục Sinh các Phong trào Bình dân và mời gọi các chỉnh phủ hiểu rằng các mô hình công nghệ không đủ để vượt qua cuộc khủng hoảng.
Trong thư, Đức Thánh Cha bày tỏ sự ủng hộ và ca ngợi công việc dành cho các vùng ngoại ô thành phố của các Phong trào Bình dân. Đây là một công việc giúp phát triển kinh tế cho những người bị gạt ra bên lề xã hội đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng này. Đức Thánh Cha viết: “Nếu cuộc chiến chống Covid-19 là một cuộc chiến, thì anh chị em thực sự là một đội quân vô hình, đang chiến đấu trong những chiến hào nguy hiểm nhất”.
So sánh sự dấn thân của các Phong trào Bình dân với các tổ chức khác, Đức Thánh Cha phản đối các giải pháp thị trường, không đi đến các vùng ngoại biên, nơi mà các Phong trào Bình dân đang hoạt động mặc dù họ không có các nguồn lực để thay thế thị trường. Các thành viên của các Phong trào này thuộc về một thế giới không bao giờ xuất hiện trên truyền thông, họ là những người làm việc âm thầm từ trong căn tin đến các nông dân tiếp tục canh tác đất đai để sản xuất lương thực nhưng không phá hủy thiên nhiên.
Đức Thánh Cha hy vọng các chính phủ hiểu rằng các mô hình công nghệ không đủ để ứng phó với cuộc khủng hoảng này hoặc với những vấn đề lớn khác của nhân loại. Bởi vì, hơn bao giờ hết, trong lúc này, con người, các cộng đoàn và các dân tộc phải là trung tâm, phải hiệp nhất để được chữa lành, để được chăm sóc và để được chia sẻ.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến việc các Phong trào Bình dân bị loại trừ ra khỏi các lợi ích của toàn cầu hóa. Nhiều người trong số họ không được luật pháp bảo vệ, công việc trở nên bấp bênh không có mức lương ổn định để có thể trụ vững tại thời điểm này. Vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi cho những người này có được thù lao cơ bản, một hình thức nhìn nhận và trao cho họ phẩm giá vì những nhiệm vụ cao quý và không thể thay thế mà họ đang thực hiện. Một mức lương có thể đảm bảo và thực hiện khẩu hiệu mang tính nhân văn và Kitô: không có công nhân nào mà không có các quyền.
Đức Thánh Cha còn bày tỏ niềm hy vọng về cuộc khủng hoảng hiện nay có thể làm thức tỉnh lương tâm đang ngủ của con người để tạo ra một sự hoán cải cho con người và sinh thái, đặt dấu chấm hết cho việc tôn thờ tiền của và đặt nhân phẩm con người vào trung tâm cuộc sống. “Nền văn minh cuồng nhiệt và cá nhân này cần một sự thay đổi”. (Acistampa 13/4/2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
ĐTC cầu nguyện cho các phụ nữ, đặc biệt những người đối mặt với bạo lực gia đình
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến nhiều cách thức mà các phụ nữ chăm sóc tha nhân trong đại dịch virus corona, nhưng ngài cũng cầu nguyện cho những người đang đối mặt với nguy hiểm vì bạo lực gia tăng tại gia đình trong thời gian cách ly.
Sự hiện diện phục vụ của phụ nữ
Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa ngày 13/04 Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay tôi muốn nhắc với anh chị em về những công việc mà bao nhiêu phụ nữ đang làm – bao gồm trong thời gian khẩn cấp về sức khỏe này – để chăm sóc cho tha nhân: các nữ bác sĩ, y tá, nhân viên thực thi pháp luật và nhân viên trại giam, nhân viên bán hàng trong các cửa hàng nhu yếu phẩm và tất cả các bà mẹ, các chị em và các người bà, những người đang ở trong nhà với cả gia đình, với trẻ em, người già, người khuyết tật.”
Nguy cơ bị bạo lực tại gia đình
Đức Thánh Cha cũng lưu ý: “Đôi khi, họ có nguy cơ bị bạo lực vì hoàn cảnh sống mà trong đó họ phải mang một gánh nặng quá lớn.” Và ngài mời gọi: “Chúng ta cầu nguyện cho họ, xin Chúa ban cho họ sức mạnh và để cộng đồng của chúng ta sẽ hỗ trợ họ cùng với gia đình của họ.”
Cầu nguyện cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Sau khi cầu nguyện cho các phụ nữ, Đức Thánh Cha cũng nhớ đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ngài nói: “Tôi muốn nhớ đến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona như Ý, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Pháp. Tôi cầu nguyện cho họ. Anh chị em đừng quên: Tôi cầu nguyện cho anh chị em”. (CNS 13/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐHY Tagle: Chiến thắng virus corona với một đức tin không biên giới
“Covid-19 không biết biên giới, nhưng nó cũng không biết đức tin, niềm hy vọng và bác ái”. Điều này đã được ĐHY Louis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế khẳng định trong một sứ điệp được công bố trên trang web của Caritas Quốc tế nhân dịp lễ Phục sinh.
Đức Hồng y viết: “Trong lúc mọi người trên khắp thế giới mừng Phục Sinh nhưng lại không thể cử hành Thánh lễ như bình thường, điều này làm cho chúng ta suy tư sâu sắc hơn về ‘Thân Mình Chúa Kitô’ nghĩa là cho mỗi chúng ta. Chúng ta tin chắc rằng Đức Kitô thực sự đã sống lại, và áng sáng của Người sẽ chiếu sáng vào bóng tối của cuộc khủng hoảng hiện tại”.
Chủ tịch Caritas Quốc tế mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho sự bình an trong việc chấp nhận những điều mà chúng ta không thể thay đổi, cho sự can đảm để thay đổi những gì chúng ta có thể thay đổi và sự khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt.
Tiếp đến Đức Hồng y hướng cái nhìn đến những người yếu đuối và những người dễ bị tổ thương, như “người di cư và người tị nạn, người già, người bệnh, người nghèo và người thất nghiệp” và nhấn mạnh rằng “đại dịch đang làm cho họ đau khổ thêm”; vì điều này, cần phải thúc giục “các chính phủ đảm bảo quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe và bảo vệ xã hội cho mọi người.
Đức Hồng y viết tiếp: “Lịch sử thế giới đã bước sang một bước ngoặt, một bước ngoặt đang ném cuộc sống và xã hội của chúng ta vào hỗn loạn. Vì lý do này, một số nhà lãnh đạo chính trị và xã hội phải biết thừa nhận rằng họ đã sai lầm trong việc đảm bảo điều kiện sống xứng nhân phẩm cho cả gia đình nhân loại”.
Đức Hồng y lưu ý, thực tế hiện nay cho thấy giữa những thiếu sót, bất an và đau khổ, các mối liên hệ gia đình nhân loại đang nổi lên một cách “không thể tin được”: Các mối tương quan trước đây chúng ta đã bỏ qua, giờ đây, sống thời gian cách ly và bị gạt ra bên lề và dễ bị tổn thương, làm cho chúng ta hiểu một cách đáng ngạc nhiên rằng chúng ta cần nhau. Theo một nghĩa nào đó, “nỗi sợ của ngày mai” và “đau khổ toàn cầu” đã hợp nhất nhân loại. Không chỉ vậy: một số thay đổi “không thể tưởng tượng” so với cách đây ba tháng: ở một số quốc gia chất lượng không khí đã được cải thiện và các bên tham chiến ở một số quốc gia đã kêu gọi ngừng bắn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng những vấn đề mà con người không thể giải quyết được không có nghĩa là tồn tại vĩnh viễn và cái chết không có lời cuối cùng khi hy vọng vần còn chỗ”. (CSR_2519_2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Chuyện dài nữ phó tế
Trong Tân Ước có nữ phó tế không? Nếu có, sứ vụ của họ có giống nam phó tế không? vv. Những câu hỏi về “nữ phó tế” là một câu chuyện dài qua các cuộc nghiên cứu học hỏi trước đây và được tiếp nối với Ủy ban mới do Đức Thánh Cha thành lập.
Trong Tuần Thánh vừa kết thúc giữa đại dịch Covid-19, ngoài tin tức về các hoạt động của ĐTC, có hai tin đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận là: ĐHY George Pell được tòa án tối cao Australia tha bổng và xóa bỏ mọi cáo buộc, sau 405 ngày bị cầm tù bất công. Thứ hai là tin ĐTC thiết lập Ủy ban mới để nghiên cứu về các nữ phó tế trong thời Giáo Hội sơ khai.
Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh
Trong thông cáo công bố hôm thứ tư Tuần Thánh 8-4-2020, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong một buổi tiếp kiến mới đây dành cho ĐHY Francisco Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐTC Phanxicô đã thiết lập Ủy ban mới nghiên cứu về phó tế phụ nữ. Ngài bổ nhiệm ĐHY Giuseppe Petrocchi, TGM giáo phận L’Aquila, trung Italia, làm chủ tịch Ủy ban mới, và LM Denis Dupont-Fauville, thuộc bộ giáo lý đức tin làm thư ký ủy ban mới gồm 10 thành viên thuộc 8 nước khác nhau, trong đó có 5 nam giáo sư và 5 nữ giáo sư.
Bắt đầu cách đây 4 năm
Chuyện dài nữ phó tế bắt đầu cách đây 4 năm: chính thức từ ngày 12-5 năm 2016, trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với các tham dự viên khóa họp toàn thể của các nữ Bề trên Tổng quyền, ĐTC đã bày tỏ ý định thành lập một Ủy ban chính thức để có thể nghiên cứu về chức phó tế phụ nữ, nhất là trong thời kỳ đầu của Giáo Hội.
3 tháng sau đó, ngày 2-8 cùng năm 2016, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: sau khi suy nghĩ và cầu nguyện chín chắn, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Luis Francisco Ladaria Ferrer, dòng Tên, Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, làm chủ tịch Ủy ban này, đồng thời chỉ định 12 thành viên trong đó có 6 nữ thần học gia là nữ tu và giáo sư. Phần còn lại là 6 LM giáo sư.
Phỏng vấn ĐTC
Gần 3 năm sau đó, trong cuộc họp báo chiều tối ngày 7-5-2010, trên máy bay từ thành Skopje, thủ đô Bắc Macedonia, về Roma, ĐTC đã trả lời câu hỏi do 1 ký giả nêu lên: ĐTC có thể cho chúng con biết ngài đã học được điều gì từ ủy ban nghiên cứu về sứ vụ của phụ nữ trong những năm đầu của Giáo Hội và ĐTC có đưa ra quyết định nào không?
ĐTC đáp: ”Một Ủy ban được thành lập và đã làm việc trong gần 2 năm. Họ rất khác biệt, thuộc các xu hướng khác nhau, tất cả nghĩ khác nhau; nhưng họ đã làm việc với nhau và đồng ý với nhau về một điểm nào đó. Nhưng rồi mỗi người có cái nhìn riêng, không hòa hợp với quan điểm của những người khác, và họ dừng lại ở đó như một ủy ban, và mỗi người đang nghiên cứu thêm. Về chức phó tế phụ nữ: có một cách thức quan niệm không giống như chức phó tế của nam giới. Ví dụ, theo Ủy ban, những công thức truyền chức phó tế phụ nữ người ta tìm được cho đến nay không giống như cách thức truyền chức phó tế cho nam giới, và đúng hơn nó giống như lễ chúc phong nữ viện mẫu của một đan viện giống ngày nay. Đó là kết quả nghiên cứu của một vài thành viên của Ủy ban. Một số thành viên khác thì nói không phải như vậy, họ nói dó là công thức truyền chức phó tế.. Và họ tranh luận với nhau nhưng không rõ. Có những nữ phó tế ban đầu, nhưng đó có phải là bí tích truyền chức hay không? Và điều người ta tranh luận không rõ. Họ nói: Đúng vậy, các nữ phó tế giúp trong phụng vụ, rửa tội: vì việc rửa tội ngày xưa bằng cách dìm mình trong nước, khi một phụ nữ chịu phép rửa tội, thì các nữ phó tế giúp đỡ họ, và cả trong việc xức dầu trên cơ thể phụ nữ tân tòng.. Và cũng có văn kiện nói rằng các nữ phó tế được Đức GM gọi đến để trợ giúp ngài khi có những cãi lộn trong hôn nhân, để tiến tới việc tháo hôn phối, hoặc ly dị hay là ly thân. Khi một bà vợ cáo buộc chồng đã đánh đập mình, thì các nữ phó tế được ĐGM phái tới để kiểm chứng cơ thể của bà vợ ấy xem có những vết bầm tím hay không, và họ cứu xét những điều đó để phân xử. Đó là những điều tôi nhớ được. Nhưng điều cơ bản là không có sự chắc chắn theo đó việc truyền chức cho phụ nữ có hình thức và mục đích giống như truyền chức cho nam phó tế. Một số người nói: có sự nghi ngờ về điều đó, nhưng chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Tôi không sợ nghiên cứu, nhưng cho đến mức độ hiện nay thì việc nghiên cứu đó không có kết quả. Một điều lạ là tại những miền có các nữ phó tế, hầu như luôn luôn là cùng một miền địa lý, nhất là Siria, và tại các miền khác thì không có gì cả. Đó là tất cả những điều tôi đã nhận được từ ủy ban nghiên cứu. Mỗi người tiếp tục nghiên cứu và họ đã làm một công việc tốt vì đạt tới một điểm chung tới mức nào đó, và điều này có thể giúp tạo nên một cái đà để tiến bưởc, nghiên cứu để mang lại một câu trả lời chung kết: có chức phó tế phụ nữ hay không, như một bí tích?
Phản ứng từ Âu Mỹ
Việc ĐTC tuyên bố thành lập một Ủy ban mới để nghiên cứu về phó tế phụ nữ được các cơ quan truyền thông ở Đức và Mỹ đặc biệt chú ý, vì đó là những vùng có nhiều yêu cầu Giáo Hội truyền chức Phó tế cho phụ nữ và trong Công nghị đang tiến hành của Giáo Hội Công Giáo ở Đức có nhiều người, kể cả các GM, muốn đi xa hơn nữa và ủng hộ cả việc truyền chức LM cho phụ nữ, mặc dù ĐTC Phanxicô đã tuyên bố ĐGH Gioan Phaolô 2 đã tuyên bố chung kết về vấn đề này. Trong thời gian qua, có những nữ bề trên hoặc viện mẫu của các đan viện lên tiếng kêu gọi Tòa Thánh cho phép truyền chức thánh cho nữ giới, đứng trước tình trạng những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do các nam giáo sĩ gây ra.
Ủy ban thần học quốc tế
Cũng nên nhắc lại rằng cách đây 17 năm, tức là vào năm 2003, dưới thời ĐGH Biển Đức 16, Ủy ban thần học quốc tế, gồm 30 chuyên gia tên tuổi, đã nghiên cứu và công bố văn kiện tựa đề ”Chức phó tế. Tiến hóa và các viễn tượng”, qua đó Ủy ban đi tới kết luận rằng không có những bằng chứng về việc chức phó tế phụ nữ trong Giáo Hội sơ khai là một chức thánh và một bí tích như trường hợp các phó tế nam giới, nhưng các phụ nữ ấy giữ các vai trò như ĐTC Phanxicô đã nhắc đến trong cuộc họp báo hôm 7-5 năm vừa qua (2019), tức là họ giúp kiểm chức về phụ nữ, xức dầu cho các phụ nữ rửa tội theo nghi thức dìm mình, v.v.
Nay dư luận lại chờ đợi kết quả nghiên cứu của Ủy ban mới.
G. Trần Đức Anh, O.P