2020
“Với cuộc khủng hoảng này, có một môi nguy hiểm toàn cầu là đặt sự phi lý vào trung tâm chính trị“
Nếu cuộc khủng hoảng sức khỏe liên quan đến coronavirus mang khía cạnh bi thảm, nhà nghiên cứu về văn hóa Hy Lạp Pierre Judet de La Combe, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Xã hội (EHESS) báo động về sự nguy hiểm của một loại diễn giải huyền thoại về các sự kiện.
Báo La Croix: Con khủng hoảng sức khỏe hiện nay có mang nét bi thảm không?
Pierre Judet de La Combe: Bi thảm là tình trạng thảm họa không thể đảo ngược lại được. Cái sau không còn như cái trước, và nó trải qua bằng thảm họa. Đó là cuộc khủng hoảng về trật tự của sự vật, của xã hội mà trong đó cá nhân con người, căn tính con người bị đảo lộn. Tình trạng khó xử của bi kịch là hoàn toàn, không lối thoát, gần như luôn dính vào câu chuyện về mối quan hệ huyết thống.
Chẳng hạn nhân vật Agamemnon phải giết con gái mình để được tham chiến ở thành Troie, đã viện dẫn các ý tưởng về luật pháp và công lý để hợp pháp việc giết hại chính gia đình mình, có nghĩa là tự bắt mình chịu các khổ hình nặng nhất.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, may thay chúng ta không ở trong các tình trạng thái cực như thế. Nhưng việc phải lọc bệnh nhân để chữa, cần quyết định giữa hai giải pháp mà không giải pháp nào có thể chấp nhận được, như thế thì thật đau lòng. Thêm nữa, không được thăm người thân trong giờ phút cuối ở bệnh viện vì sợ lây nhiễm, cũng tạo xung đột giữa hai mệnh lệnh, một bên là bổn phận với xã hội cần phải cách ly và một bên là tiếng gọi thiết yếu của tâm hồn mình.
Chúng ta có cùng thớ thịt với người thân, cùng máu mũ mà chúng ta phải cắt đứt vì họ qua đời. Không gần họ trong giây phút cuối dù họ không còn biết gì là cả một thảm họa.
Có phải nạn dịch cũng làm gợi lên hình ảnh anh hùng đó không?
Chủ nghĩa anh hùng là chiến đấu chống một loại thứ trật nào đó, vượt những gì có thể có trong thực tế. Các người chăm sóc hoàn thành sứ vụ của họ mà họ không có trong tay các phương tiện cần thiết để làm, họ anh hùng theo nghĩa họ phải hành động như thể họ mạnh hơn thế. Nhưng khó khăn của họ không đến từ số phận, nó đến một phần từ các quyết định chính trị, chẳng hạn như việc không làm việc trong các bệnh viện công.
Và ngoài việc nhắc đến các nhân vật phi thường, tốt hơn nên đưa ra khái niệm về đức hạnh. Vì ngoài các đức tính như can đảm, thận trọng, cũng còn các đức tính khác như bác ái, hy vọng nơi những người săn sóc, đó là các đức tính mang tính tập thể chứ không phải chỉ các cá nhân phi thường. Mỗi người đều tự do với lương tâm của mình, và họ tự đặt mình tuân thủ các đức hạnh này, đó là điều phi thường.
Đó sẽ là một trong các bài học lớn của cuộc khủng hoảng này?
Bi kịch đòi hỏi chúng ta, và đó là lý do nó luôn chất vấn chúng ta, suy nghĩ về những gì tạo nên xã hội. Các vị thần, các luật lệ, chính trị, tất cả đều làm cho chúng ta gắn kết với nhau. Cá nhân bi thảm không tồn tại một mình. Nó bị phá vỡ bởi một mâu thuẫn triệt để giữa cái tôi riêng tư nhất và các thể chế bao lên nó. Trong bi kịch, các cảm xúc, sợ hãi và thương hại là vừa cả cá nhân lẫn tập thể. Trên sân khấu, dàn hợp xướng phản ứng với âm mưu, hoảng loạn, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Sẽ phải có một cái về sau.
Bi kịch luôn là một suy tư về thực tế, luôn vượt ra ngoài những gì chúng ta có thể xây dựng một cách hợp lý. Triết lý, khoa học tìm cách đưa ra một lý thuyết về thực tế. Bi kịch không bằng lòng với nó, vì thực tế, cụ thể là các vị thần đối với bi kịch là ràng buộc, là nguyền rủa. Cái thực bị đóng lại vì chúng ta như tù nhân của các lựa chọn không thể thực hiện được, nhưng dù sao chúng ta cũng hành động.
Liệu bi kịch có thể đưa ra một lối thoát cho các mâu thuẫn này không?
Một vài vở kịch – không phải tất cả – có đưa ra một giải pháp. Những gì bi kịch nói ra là đưa ra một lý thuyết hài hòa xã hội trong một xã hội không hoạt động, vì cái ác là nọc độc dữ dội và nó ở khắp nơi. Thay vì cố gắng đẩy nó ra ra khỏi cổng thành thì phải hội nhập nó vào. Nhập nó vào trong các thể chế phần không nắm bắt này, cho nó một phần vào những điều mà chúng ta không biết.
Nhưng trên hết đừng thờ nó. Tổ chức chính trị xung quanh điều phi lý này là một sự nguy hiểm vô cùng lớn. Đặt huyền thoại vào trọng tâm chính trị đã tạo ra những điều khủng khiếp nhất: chủ nghĩa phát xít và gần đây là chủ nghĩa thánh chiến. Trong tác phẩm Huyền thoại của Quốc gia (Le mythe de l’État) của tác giả Ernst Cassirer xuất bản năm 1945, ông phân tích chủ nghĩa phát xít như một loại chính sách cực kỳ hiện đại của huyền thoại. Xem con người không làm chủ số phận mình dẫn đến sự man rợ.
Có một nguy cơ nào trong việc diễn giải các sự kiện chúng ta đang sống không?
Vì tất cả các lý do mang lại cho nó một chiều kích thảm kịch, chúng ta thấy nảy sinh ra cám dỗ muốn cho nó một ý nghĩa huyền thoại cho cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay. Một vài người sẽ nói đây là thần thánh phạt, hay là lỗi của người phương Tây, và chúng ta cũng còn nghe nói đây là thiên nhiên phạt. Điều này vô nghĩa. Có một nguy hiểm toàn cầu và khắp nơi, với cuộc khủng hoảng này chúng ta đặt điều phi lý vào trung tâm chính trị.
Trong tai ương hiện nay, có các yếu tố bi thảm, nhưng không phải các vị thần áp đặt lên chúng ta tai ương này. Vi-rút thì luôn tồn tại, và chúng ta có các giải pháp khoa học như vắc-xin. Mọi thứ được mở ra, con người có thể hành động cho tương lai. Mặt khác có một bi kịch về lý do chính trị và lịch sử.
Nếu sau giai đoạn cách ly này, các hệ thống chính trị trở lại như cũ thì sẽ rất khủng khiếp. Điều này có nghĩa xã hội chúng ta hoàn toàn bị chặn lại, dù có ý chí cải cách, cấu trúc không thể lay chuyển và không còn cho phép chúng ta hành động. Như thế mới thực sự bi thảm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
ĐTC Phanxicô: Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta
ĐTC Phanxicô: Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta
Niềm vui của người Kitô hữu là hoa trái của Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm tràn ngập niềm vui trong chúng ta. Không có Thánh Thần chúng ta không thể có niềm vui này; nhận lãnh niềm vui của Thánh Thần là một ân sủng
Trong Thánh lễ sáng thứ Năm tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha cầu nguyện đặc biệt cho các dược sĩ, những người đang làm việc không ngừng để giúp đỡ người bệnh trong thời điểm đại dịch. Đức Thánh Cha thú nhận: “Trong những ngày này có những người đã trách tôi vì tôi quên cám ơn một nhóm người cũng làm việc cho đại dịch. Họ nói rằng: Đức Thánh Cha cám ơn các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên…nhưng Đức Thánh Cha quên các dược sĩ. Họ cũng là những người đang làm việc rất nhiều để giúp đỡ người bệnh. Vì thế hôm nay chúng ta cùng cầu nguyện cho các dược sĩ”.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói rằng trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay, có một đoạn mang lại cho Đức Thánh Cha nhiều an ủi: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng”. Đức Thánh Cha nhận xét: “Niềm vui làm cho người ta không tin nổi. Niềm vui ấy quá lớn khiến họ phải nói: ‘không, điều này không thể là thật được.’ Niềm vui là một trong những mong ước mà Thánh Phaolô muốn các tín hữu Roma được lãnh nhận: ‘Xin Thiên Chúa của niềm hy vọng làm cho anh chị em tràn ngập niềm vui”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tràn đầy niềm vui là một thành ngữ thường được lặp lại trong Kinh Thánh. Ví dụ khi Thánh Phaolô cứu sống một viên cai ngục định tự tử vì tất cả các cánh cửa mở toang do động đất mạnh và sau đó Thánh Phaolô đã rửa tội cho viên cai ngục và ông được tràn đầy niềm vui (Cv 16). Và điều tương tự cũng đã xảy đến vào ngày Thăng thiên khi các môn đệ trở về Giêrusalem lòng tràn ngập vui mừng. Niềm vui này là hoa trái của Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm tràn ngập niềm vui trong chúng ta. Không có Thánh Thần chúng ta không thể có niềm vui này; nhận lãnh niềm vui của Thánh Thần là một ân sủng”.
Tới đây, Đức Thánh Cha gợi nhớ lại một văn kiện của Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI để xác quyết về điều vừa khẳng định: “Tôi nhớ đến những số cuối cùng của ‘Tông huấn Evangeli nuntiandi – Loan báo Tin Mừng’ của Thánh Phaolô VI nói về niềm vui của người Kitô hữu, niềm vui của những người loan báo Tin Mừng. Hôm nay là một ngày thuận tiện để đọc văn kiện này”.
Đức Thánh Cha tiếp tục trích dẫn một đoạn trong sách Nơkhemia để giúp mọi người suy tư về niềm vui. “Trong sách này có một đoạn nói đến sự kiện dân Chúa trở về Giêrusalem và tìm thấy sách luật. Đây là một niềm vui lớn, một lễ hội đối với dân Israel. Toàn dân tập hợp để nghe tư tế Étra đọc Sách luật. Họ lắng nghe, xúc động đến khóc vì vui mừng, bởi vì Sách luật đã được tìm thấy. Khi đọc xong, tư tế Étra nói với dân chúng: Anh em đừng khóc nữa, vì hôm nay là ngày thánh, hãy giữ niềm vui, vì niềm vui trong Chúa là sức mạnh của anh chị em” (Nkm 8).
Đức Thánh Cha kết luận: “Những lời này của sách Nơkhemia sẽ là sức mạnh vĩ đại giúp chúng ta biến đổi, rao giảng Tin Mừng và để tiến về phía trước như những chứng nhân của niềm vui của Chúa và hoa trái của Thánh Thần. Hôm nay chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hoa trái này”.
Ngọc Yến
2020
Khi linh mục trẻ sống cách ly: Giữ đạo nhờ mạng xã hội!
Khi linh mục trẻ sống cách ly: Giữ đạo nhờ mạng xã hội!
Chịu chức năm 2015, linh mục trẻ Thomas Sabbadini bây giờ là cha phó ở thành phố Verviers, nước Bỉ. Cũng như mọi người dân Bỉ, linh mục phải sống cách ly. Từ giữa tháng 3, cha dâng thánh lễ trên YouTube, nhưng vẫn tiếp tục cử hành các tang lễ. Cha kể những ngày sống cách ly của mình.
Linh mục Thomas chân thành kể: “Tuần đầu tiên tôi ngủ rất nhiều. Lịch làm việc của tôi bỗng không còn gì. Vì trước đây luôn bận, luôn mệt nên tuần đầu là tuần nghỉ ngơi, xem phim…” Vì đã học sống cô đơn khi còn chủng sinh nên bây giờ chuyện này không quá khó với tôi. Cách ly cũng như đi tĩnh tâm, mình đối diện với mình, xa các bận bịu hàng ngày. “Những gì nhiều người bây giờ mới khám phá, tôi đã trải nghiệm qua các giây phút chán nản, đặt lại vấn đề, xem xét những gì mình thiếu, nhưng cũng là một khám phá.”
Giữ kết nối
Khi biết thánh lễ phải đình chỉ, linh mục Thomas nghĩ trước hết: ba tuần không làm gì và được ngủ nướng. Linh mục trẻ khôi hài thú nhận: “Đối với một linh mục, ngủ thêm sáng chúa nhật là một hạnh phúc!” Nhưng nhanh chóng cha nhận ra “mình phải làm một cái gì cho giáo dân” để cùng nhau tiếp tục cầu nguyện và linh mục Thomas nhận ra mạng lưới giáo xứ gần như tự động hướng về mạng xã hội. “Tôi luôn nghĩ người công giáo ít có mặt trên internet.” Và bây giờ là dịp để thay đổi, Facebook trở thành nơi gặp gỡ của giáo dân bị cách ly. Vì thế kỹ thuật số bù cho sự thiếu hụt nối kết này. Nhưng phải cẩn thận với mạng xã hội. Các giáo dân lớn tuổi hay gọi linh mục, trước Lễ Lá họ cũng đã gọi nhiều, lo lắng không biết làm sao làm phép lá. Không bực mình, các câu hỏi này là dịp để gần giáo dân, “giáo dân đặt câu hỏi, họ đi tìm và tiến bước trên con đường đức tin.” Theo cha Thomas, dịp cách ly này là dịp để mọi người tìm về với cầu nguyện.
Thánh lễ 2.0
“Giáo hội là tụ họp”, đó là thực tế nền tảng nên cha Thomas quyết định dâng thánh lễ trên mạng. Và kinh nghiệm chơi game của cha đã có lợi! Cha Thomas bắt chước từ các game “live” chơi chung: “Tôi chưa bao giờ làm “live” trước đây, nhưng tôi có dụng cụ và tôi nghĩ đến việc làm theo cách này. Và tôi lên chương trình.” Ngày 15 thág 3, cha Thomas dâng thánh lễ đầu tiên trên Facebook và thánh lễ này có 80 người “tham dự.”. Nhưng có điều là cha Thomas không thấy và không biết ai xem lễ trừ người nào để lại phản hồi. Cha dành chỗ cho nhiều người, các bài đọc do giáo dân đọc được thâu trước. Sau bài Phúc Âm, linh mục trẻ tự phát trả lời với các phản hồi và các câu hỏi của ‘các followers’, họ chuyển cho cha các ý cầu nguyện. Một cách khác để kết hiệp, để cầu nguyện với nhau.
Trở về với điều chính yếu
Cha Thomas lấy làm buồn, “trước khi cách ly, đã là khó khi không được chúc bình an cho nhau”, bây giờ lại còn không gặp nhau, không trao đổi đời sống cộng đoàn với nhau. Cha cho biết cha nhớ các bài hát cùng hát với cộng đoàn. Cha nghĩ, ngày nay chúng ta làm với các phương tiện có trong tay, vì sao không đặt câu hỏi về các buổi họp ngày chúa nhật của chúng ta và đặc biệt là quay về với điều chính yếu. Khi tôi dâng thánh lễ trực tuyến, chén lễ, chén thánh của tôi thành đơn giản, tôi không cần có nhiều mới dâng thánh lễ được.” Một điểm tích cực là văn phòng, nơi cha dâng thánh lễ bây giờ ngăn nắp gọn gàng hơn!
Cha Thomas cũng nhận thấy bây giờ có nhiều người tham dự thánh lễ hơn. Cha nói: “Chúng ta không bao giờ có thể hình dung cho đủ dâng thánh lễ bây giờ lại thành khó khăn. Đó là một thử thách chúng ta chưa bao giờ biết qua, cũng như không biết bao giờ nó sẽ xong.” Các thánh lễ ‘tự biên’ này sẽ không bao giờ thay thế thánh lễ với cộng đoàn, nhưng đó là cổng vào cho những người còn xa nhà thờ. Các tiếp xúc ảo không sai nhưng sự hiện diện thể lý mang một tính cách hoàn toàn khác. Cha Thomas thú nhận, tôi nhớ thánh lễ, với tôi, thánh lễ trước hết là với giáo dân. Cha mong gặp lại giáo dân ở sân nhà thờ và cũng mong gặp họ ngoài đường.
Tuần Thánh
Cách ly có một tác động mạnh trên đời sống Giáo hội và Tuần Thánh là tuần đặc biệt với tín hữu kitô. Không được dâng lễ làm phép dầu cùng với các bạn là điều làm cha Thomas buồn nhất. Nhưng cha cũng được an ủi phần nào vì Giám mục Delville dời lại lễ này chứ không hủy năm nay. Còn các nghi thức Tuần Thánh thì cũng như các năm trước, cũng phải thức trắng vài đêm để chuẩn bị ba buổi lễ trực tuyến thứ năm, thứ sáu và thứ bảy Tuần Thánh. Chỉ có một chuyện buồn là không được cùng nhau mừng lễ sau đó, cha Thomas có thói quen mời bạn, một vài cộng sự đến nhà chia sẻ bánh ngọt và cốc sâm banh. Một giây phút gặp nhau năm nay không có.
Tang lễ
Tuy không có thánh lễ công cộng nhưng cha Thomas cũng còn cử hành vài tang lễ nhưng trong vòng rất hạn chế: “Chúng tôi phải dâng ngoài trời hay tại nghĩa địa, tối đa mười lăm người kể cả nhân viên giáo xứ và nhà đòn.” Đương nhiên là với hoàn cảnh khó khăn này, tang gia còn buồn hơn. “Tôi không thể an ủi bằng thể lý cũng không được đưa khăn cho người đang khóc, thật buồn nhưng buổi lễ không kém phần nghiêm trọng.” Lúc nào mục vụ tang lễ cũng tế nhị vì mình đối diện với người đang đau khổ, phải có lời đúng, cử chỉ đúng và bây giờ lại càng phải tập trung hơn.” Cha Thomas trấn an: “Chúng ta không hoàn toàn không có gì, nghi thức tang lễ có đó và giúp chúng ta”, chúng ta có thể tìm thấy ở đó lời nói, cử chỉ phù cho mỗi tình huống.
Và ngày mai?
Cha ghi nhận, “nhưng vì mọi người sợ lây nhiễm nhau nên có một căng thẳng nào đó khi thân nhân qua đời vì Covid-19.” Chúng ta có thể đọc trên khuôn mặt của mọi người: “Tôi không muốn lây nó.” Tuy nhiên linh mục trẻ Thomas tin chắc thế giới sẽ thay đổi, tuy vậy cha lại sợ bị rơi vào một thái cực khác, “thật đáng buồn nếu chúng ta không học một bài học nào từ những chuyện này.”
Và linh mục trẻ Thomas không xem cuộc khủng hoảng này là một dịp, thậm chí là một cơ hội, “vì theo tôi, đại dịch là thảm họa, trong khắc nghiệt của nó cho thấy.”
2020
Giám mục đầu tiên tại Brazil qua đời vì coronavirus
Giám mục đầu tiên tại Brazil qua đời vì bệnh dịch coronavirus, đó là Đức cha Aldo Di Cillo Pagotto, nguyên Tổng giám mục giáo phận Paraiba, qua đời hôm 14/4/2020 vừa qua, hưởng thọ 71 tuổi.
Đức cha Pagotto bị bệnh ung thư từ vài năm nay, nhưng gần đây ngài bị nhiễm coronavirus và từ trần vì bệnh này.
Ngài làm giám mục giáo phận Sobral từ năm 1977 đến năm 2004 thì được bổ nhiệm Tổng giám mục giáo phận Paraibá. 12 năm sau đó, Đức Tổng giám mục từ chức vì lý do sức khỏe.
Đức Tổng giám mục nổi bật về các hoạt động bênh vực sự sống, tố giác chủ trương ủng hộ phá thai của đảng Lao động, nhất là trong cuộc tranh cử hồi năm 2010.
- Trần Đức Anh, O.P.
(vietnamese.rvasia.org 16.04.2020/ Aci Prensa 14-4-2020)