2020
Cha Michael McGivney, người sáng lập Hội Hiệp sĩ Columbus, sẽ được tuyên phong chân phước
Cha Michael McGivney, người sáng lập Hội Hiệp sĩ Columbus, sẽ được tuyên phong chân phước
Cha Michael McGivney, một linh mục người Mỹ, người sáng lập Hội Hiệp sĩ Columbus, mới được Bộ Phong thánh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của ngài và sẽ được tuyên phong chân phước.
Cha McGivney đã thành lập tổ chức Công giáo phục vụ huynh đệ lớn nhất thế giới, đó là Hội Hiệp sĩ Columbus. Ngày nay Hội đã phát triển với hơn 2 triệu thành viên và đóng góp hàng triệu đô la cho các hoạt động bác ái mỗi năm.
Cha Michael McGivney
Cha McGivney sinh tại Waterbury, Connecticut, vào năm 1852, là con đầu lòng trong số 13 người con của đôi vợ chồng nhập cư gốc Ailen, Patrick và Mary McGivney. Thân phụ cha là một thợ hàn tại nhà máy đồng ở Waterbury, nơi cậu bé McGivney làm việc trong một thời gian ngắn khi còn nhỏ để giúp đỡ gia đình.
Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, cha đã cảm nhận được tiếng gọi làm linh mục (hai trong số các anh em của cha cũng trở thành linh mục). Cha được thụ phong linh mục vào ngày 22/12/1877, và làm cha sở tại giáo xứ Đức Maria ở New Haven, giáo xứ đầu tiên của thành phố.
Thành lập Hội Hiệp sĩ Columbus
Trong bầu khí thù ghét chống Công giáo tại New Haven, cha McGivney đã thành lập Hội Hiệp sĩ Columbus tại giáo xứ Đức Maria vào năm 1882 để trợ giúp tinh thần cho người Công giáo và giúp đỡ tài chính cho các gia đình mà người lao động chính đã qua đời. Cha hy vọng tổ chức sẽ khuyên người Công giáo không chuyển sang các hội bí mật khi họ gặp khó khăn.
Phép lạ
Phép lạ nhờ lời cầu bầu của cha McGivney liên quan đến một hài nhi chưa chào đời ở Hoa Kỳ, được chữa lành khỏi tình trạng sức khỏe đe dọa sự sống của em bé từ trong lòng mẹ vào năm 2015, sau khi gia đình em cầu nguyện với cha McGivney.
Sự hợp tác hiệu quả giữa giáo dân và giáo sĩ.
Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Colombus Carl Anderson nói: “Cha McGivney đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tín hữu Công giáo xắn tay áo và biến niềm tin thành hành động. Cha đã đi trước thời đại hàng thập kỷ khi trao cho giáo dân một vai trò quan trọng trong Giáo hội. Ngày nay, tinh thần của cha tiếp tục định hình công việc từ thiện phi thường của các Hiệp sĩ khi họ tiếp tục phục vụ những người bên lề xã hội như cha đã phục vụ những góa phụ và trẻ mồ côi trong những năm 1880. Cha McGivney cũng vẫn là một hình mẫu quan trọng cho các cha sở trên khắp thế giới và để lại cho chúng ta một di sản có sức biến đổi về sự hợp tác hiệu quả giữa giáo dân và giáo sĩ.” (CNA 27/05/2020)
Hồng Thủy
2020
Hội thảo Giáo dục Công giáo thời Covid-19
Hội thảo Giáo dục Công giáo thời Covid-19
Nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục trong giai đoạn đại dịch, trong những ngày vừa qua, Scholas Occurentes, một tổ chức dấn thân trong lĩnh vực học đường hiện diện ở 190 quốc gia, đã tổ chức cuộc hội thảo kết nối trực tuyến dành cho các giáo viên và giáo sư ở khắp nơi trên thế giới.
Tại buổi gặp gỡ, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Zani, Tổng thư ký của Bộ Giáo dục Công giáo đã cám ơn mạng lưới thế giới của Scholas Occurentes. Theo Tổng thư ký, đây đúng là một hiệp ước giáo dục toàn cầu. Một kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu và vấn đề mà đại dịch Covid-19 đã chỉ ra.
Tiếp đến, Đức TGM Zani chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã gây ra các đại dịch khác: đại dịch xã hội và đại dịch kinh tế; nhưng có một đại dịch mà ít được nói đến đó là đại dịch giáo dục, nó rất nghiêm trọng. Như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở, yêu cầu của giáo dục là “tâm trí, con tim và đôi bàn tay”. Nhưng đối với giáo dục từ xa, người ta chỉ tập trung vào tâm trí, thiếu con tim và bàn tay. Vì thế, điều quan trọng là phải xây dựng lại hiệp ước giáo dục.
Từ Congo, học giả Lazare Rukundwa Sebitereko chỉ ra rằng, ngày nay, điều cần thiết là chúng ta phải quan tâm đến các hình thức giáo dục khác. Nhưng phải chú ý đến các rủi ro mà các hệ thống giáo dục được giao phó cho công nghệ và kết nối internet, để giáo dục theo hình thức này không trở thành một đặc quyền chỉ dành cho ai đó. Do đó, các hình thức học tập truyền thống phải được xem xét lại.
Từ Argentina, ông Jaime Perchot, thư ký quốc gia về chính sách đại học của Bộ Giáo dục, đã suy tư về những điều đã học được qua đại dịch này. Ông nói: “Thách đố giáo dục của chúng ta là tất cả những gì chúng ta đang làm trong những tháng này trở thành kiến thức, thành một nền giáo dục mới. Chúng ta không trở lại trường với một mô hình cũ đã có vấn đề, trong đó những người nghèo bị loại trừ. Trên thực tế, chúng ta đang xây dựng một ý tưởng: đặt học sinh làm trung tâm. Khi chúng ta trở lại trường, tất cả những điều này phải được đưa vào kinh nghiệm tích lũy của chúng ta”.
Ông Gonzalo Sánchez Terán, giám đốc các khóa học về các trường hợp khẩn cấp và các vấn đề chiến lược trong hỗ trợ nhân đạo, cho hành động nhân đạo quốc tế thuộc Đại học Fordham, Hoa Kỳ, giải thích rằng: Đây không phải là một cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay nhưng nó là một cuộc khủng hoảng đã có của ngày hôm qua, với việc một số người đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn những người khác. Giám đốc nhấn mạnh rằng khi đại dịch bắt đầu đã có 260 triệu trẻ em thuộc thành phần người di cư, người tị nạn không thể đến trường; và đối với các em việc trở lại bình thường là quay trở lại với thảm kịch.
Cuối cùng, ông Jose María del Corral, giám đốc của tổ chức Scholas Occceedes và ông Enrique Palmeyro, chủ tịch của tổ chức cảm ơn sự quan tâm và nhiệt tình của các tham dự viên của tất cả các trường đại học, đã tích cực thảo luận cho vấn đề quan trọng này. Cả hai cũng nhắc lại, hai mươi năm trước Đức Bergoglio đã quan sát và nhận thấy rằng hiệp ước giáo dục đã bị phá vỡ; và để thay đổi thế giới chúng ta cần phải bắt đầu lại từ giáo dục. (Osservatore romano 28/5/2020)
Ngọc Yến
2020
Chân phước Charles de Foucauld sắp được tuyên thánh
Được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận, Bộ Phong thánh đã công bố các sắc lệnh đưa án phong thánh của 12 nhân vật thánh thiện tiến thêm một bước, trong đó có sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời cầu bầu của chân phước Charles de Foucauld, một đan sĩ người Pháp tử đạo tại Bắc Phi.
Trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, Đức Thánh Cha cũng phê chuẩn sắc lệnh nhìn nhận các phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai Đấng Đáng kính Michael McGivney, sáng lập Hội Hiệp sĩ Coloumbus, và Pauline-Marie Jaricot, sáng lập Hội truyền bá Đức tin và Hiệp hội chuỗi Mân Côi sống. Hai vị sẽ được tuyên phong chân phước.
3 vị tân hiển thánh
3 phép lạ được Bộ Phong thánh nhìn nhận nhờ lời chuyển cầu của 3 chân phước: Charles de Foucauld, Cesare de Bus, và Maria Domenica Maritovani. Với các phép lạ này, các chân phước sẽ được tuyên phong hiển thánh.
Tử đạo vì đức tin
Bên cạnh đó, Bộ Phong thánh cũng nhìn nhận sự tử đạo vì đức tin của cha Cosma Spessotto, dòng Phanxicô, truyền giáo tại El Salvador, bị giết năm 1980, và 6 tu sĩ dòng Xitô ở Casamari, bị giết vào tháng 05/1799, vì cố gắng bảo vệ Thánh Thể khi đan viện của họ bị quân lính Pháp tấn công trong cuộc chiến của vua Napoleon.
Cuối cùng là sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Đức cha Melchiorre Maria de Marion Brésillac, Đại diện Tông tòa của giáo phận Coimbaore và sáng lập Hội Truyền giáo châu Phi.
Chân phước Charles de Foucauld
Chân phước Charles de Foucauld sinh tại Strasbourg, nước Pháp, năm 1858. Ngài đã mất đức tin trong thời niên thiếu. Tuy nhiên, trong một chuyến đi đến Maroc, ngài đã nhìn thấy người Hồi giáo bày tỏ đức tin của họ như thế nào, vì vậy ngài trở lại nhà thờ. Việc tái khám phá đức tin Kitô giáo đã thúc đẩy ngài gia nhập các đan viện dòng Trappist trong bảy năm ở Pháp và Syria, trước khi chọn sống một cuộc đời cầu nguyện và chầu Thánh Thể một mình.
Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1901, cha Charles de Foucauld đã chọn sống giữa những người nghèo và cuối cùng định cư tại Tamanrasset, Algeria, cho đến khi bị một nhóm cướp sát hại vào ngày 01/12/1916. (CSR_4029_2020)
Hồng Thủy
2020
Các Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ không bỏ quên người nghèo trong đại dịch
Sau khi nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha trong sứ điệp Phục sinh 2020 về việc không được lãng quên những anh chị em nghèo khổ đang hiện diện khắp nơi trên thế giới, phải bảo đảm cho họ những nhu cầu cơ bản, Đức cha chủ tịch nhắc lại những lá thư trước ngài đã gửi cho các thành viên của Quốc hội để phổ biến lời kêu gọi này và để mở rộng sự trợ giúp cho những người yếu đuối. Nội dung các lá thư liên quan đến: “An ninh lương thực, nhà ở, tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe hợp lý, bảo vệ trẻ em chưa được sinh ra, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, viện trợ cho các tổ chức bác ái”.
Đức cha Paul nhấn mạnh: “Các nhà làm luật không được quên những người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong khi bàn thảo, cân nhắc về các gói viện trợ. Trong thời điểm đại dịch, ngoài những điều trên người nghèo còn cần được hỗ trợ thêm những nhu cầu khác, như phân phối các dụng cụ an toàn cá nhân cho người lao động, bảo vệ hạnh phúc và sự toàn vẹn các gia đình. Ngoài ra cần phải nghiên cứu mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và những ảnh hưởng của virus corona đối với sức khỏe, giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn và tác động của nó đến người lao động”
Trong bản văn được gửi đến Quốc hội, Đức cha chủ tịch còn bày tỏ sự tin tưởng vào Ủy ban Covid-19 do Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện của Tòa Thánh thành lập cùng với sự hợp tác với các Bộ và cơ quan khác của Giáo triều Roma. Từ đó, Đức cha Paul mời gọi mọi người làm việc vì công ích và trong thời điểm khó khăn này luôn thể hiện niềm hy vọng Kitô giáo.
Đức cha kết luận: “Chúng ta cùng bước đi trong niềm hy vọng này, cầu xin Chúa sự khôn ngoan để tìm ra cách đối phó tốt nhất trong giai đoạn này. Hãy ở bên cạnh những anh chị em nghèo khổ của chúng ta, tin tưởng hy vọng sự hiện diện của Chúa cho đến tận cùng thế giới”. (CSR_3966_2020)