2020
Giáo hội – Người bạn của giới trẻ
Giáo hội đang mở ra một thời đại mới, tiến một bước quan trọng hướng đến với từng bạn trẻ. Trong cuộc họp tiền Synod của giới trẻ với Đức Giáo Hoàng vào tháng 3 ở Roma, đại diện các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau chia sẻ, đưa ra quan điểm qua con mắt đức tin của họ trong thế giới hôm nay. Và gần đây, trong cuộc họp BILA IV vừa qua tại Thái Lan, 5 bạn trẻ đã tham dự tiền Synod đến từ Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, và Philippines đã có cơ hội chia sẻ lại cảm nhận và những điểm chính yếu làm nên tiếng nói chung của người trẻ khắp thế giới thuộc mọi thành phần, đa sắc tộc và thuộc các tôn giáo khác nhau. “Để tóm tắt toàn bộ kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ so sánh nó với một cuộc đua. Nó đòi hỏi nhiều chuẩn bị trước khi chúng tôi đạt đến đích.” Bạn Trish – Philippine đã mở đầu phần chia sẻ của mình. Đến với cuộc họp Tiền Synod, bạn ý thức được tầm quan trọng, vai trò đại diện của mình và đã chuẩn bị rất kỹ để có thể truyền tải trọn vẹn và chân thực nhất tiếng nói của người trẻ nơi vùng và lãnh thổ mình đại diện. Điều đó cho thấy thái độ nghiêm túc làm việc và khát khao đóng góp của giới trẻ khi được là dự phần vào công việc chung của Giáo hội.
Một vài điểm nổi bật được tóm trong bốn chữ qua chia sẻ của Trish: “Thức tỉnh lại, Chân thực, Thách thức, Phong phú”. Qua kinh nghiệm bản thân, bạn nói cách sống động cảm nhận mạnh mẽ, cảm giác tràn đầy hy vọng khi được chứng kiến niềm khát khao cháy bỏng của những người trẻ muốn đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Trish đã không thể quên được giây phút Đức Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ sự chân thành của Giáo hội mong muốn tiếp cận và lắng nghe người trẻ. Mỗi nhóm đều có các Cha, Sơ đồng hành nhưng họ luôn khuyến khích các bạn trẻ nói những gì sâu thẳm trong trái tim mình cách chân thực nhất. Việc các bạn đến từ khắp nơi trên thế giới mang theo sự đa dạng về văn hóa, phong cách, tư tưởng, kinh nghiệm và ngôn ngữ rất riêng từ vùng miền của mình đã tạo nên một thách thức không nhỏ khi được yêu cầu tạo nên một tài liệu thống nhất đúc kết cho buổi họp. Nhưng cũng chính thử thách này giúp các bạn trẻ học cách lắng nghe Thần Khí, mở ra để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong quá trình làm việc với nhau. Một kinh nghiệm thật sự rất đẹp như các Tông đồ xưa bắt đầu sứ vụ sau Lễ Ngũ Tuần.
Và cũng chính sự đa dạng sắc tộc, thậm chí đa tôn giáo làm cho cái nhìn của người trẻ trở nên phong phú hơn rất nhiều khi có cơ hội tìm hiểu bối cảnh đức tin thuộc các tôn giáo khác. Và bạn kết rằng: “Mọi điều không kết thúc ở đây, tôi muốn thêm một chữ S vì như chúng ta, những người trẻ Giáo hội đồng hành, chúng ta cũng phải bước đến để chia sẻ tình yêu của Đấng Tạo Hóa của chúng ta với người khác.”
Cùng tâm trạng như Trish, Gerard xúc động khi nói về cảm giác đầu tiên của bạn khi bạn gặp Đức Giáo Hoàng và các bạn trẻ từ những nơi khác. Đó là cảm giác choáng ngợp áp đảo khi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng trong ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của cuộc họp. Vào ngày đầu tiên Đức Thánh Cha đã chào đón họ, Ngài đã ở bên họ và nói rằng “đã đến lúc lắng nghe người trẻ, giới trẻ có những câu chuyện khác nhau để kể và chúng tôi nên loại bỏ ý tưởng rằng “đây là những gì chúng tôi thường làm”. “Ngài khuyến khích người trẻ chia sẻ những câu chuyện thật chân thành đúng với những gì họ muốn nói”. Thật ngây ngất khi nghe người đứng đầu Giáo hội khuyến khích như vậy. Gerard cũng thấy thật tuyệt vời khi từ mọi nơi trên thế giới, có rất nhiều người đặt hy vọng vào người trẻ. Ý tưởng của người trẻ đang được Giáo hội quan tâm, lắng nghe trong cuộc họp làm các bạn trẻ có mặt thật sự được truyền cảm hứng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các nền văn hóa đã tạo nên một bức tranh muôn màu. Thật ngạc nhiên là bất chấp sự khác biệt họ có một mong muốn chung và đó là tiếng nói của người trẻ. Người trẻ từ khắp bốn phương trở thành bạn của nhau nhờ sự nối kết của Giáo hội. Và Giáo hội cũng trở thành người bạn đồng hành của họ khi cùng nhau lắng nghe và chia sẻ.
Họ cũng có những khó khăn khi chia sẻ nhóm. Đôi khi, có những điểm họ không đồng ý với tư cách là một nhóm. Gerard chia sẻ rằng: “Thật khó khăn vì chúng tôi không biết cách trình bày nó cho đến khi chúng tôi quyết định sử dụng “một số thanh thiếu niên”.” Họ sử dụng thuật ngữ “một số thanh thiếu niên” để giải quyết bối cảnh của thiểu số. Vì tình hình có thể không áp dụng được cho tất cả các bạn trẻ, và nhóm của Gerard muốn rằng một số thanh thiếu niên cũng sẽ được lắng nghe. Vì vậy họ sử dụng thuật ngữ “một số thanh thiếu niên”. Bằng cách này, ngay cả các nhóm thiểu số cũng sẽ được lắng nghe trong tài liệu. Họ học cách mang đến cho Giáo hội tiếng nói của cả những nhóm thiểu số. Bằng ngôn ngữ riêng của mình, họ ao ước cho một Giáo hội đích thực. Họ khao khát một Giáo hội bao gồm cho tất cả, chào đón mọi người, minh bạch, và trung thực.
Người trẻ hôm nay mong muốn tham gia chủ động vào Giáo hội với tư cách những người mục vụ giới trẻ hoặc các nhà lãnh đạo trẻ trong việc nối kết giới trẻ với Giáo hội. Điều quan trọng là quá trình này thực hiện được thông qua đối thoại chân thành giữa hàng giáo phẩm và người trẻ, và mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Giao tiếp là điều cần thiết, chia sẻ ý tưởng cho nhau là quan trọng. Người mục vụ giới trẻ cũng nên nhận thức được rằng họ là cộng tác viên của các linh mục, họ chia sẻ vai trò trong việc chăm lo cho các bạn trẻ. Họ cần chủ động đi bước trước trong việc đáp ứng nhu cầu của người trẻ. Một người bạn mà giới trẻ đủ tin tưởng để cho phép họ bước vào thế giới của họ và đồng hành giúp họ thăng tiến về các khía cạnh cuộc sống.
Bên cạnh đó, chính Tiền Synod đã thay đổi suy nghĩ của Gerard cũng như nhiều bạn trẻ khác. Nó đã trở thành một kỷ nguyên, Giáo hội đang lắng nghe người trẻ, lắng nghe những câu chuyện của họ, cuộc đấu tranh với những nghi ngờ, niềm vui và nỗi buồn. Rất hiếm hoi mà Giáo hội làm điều này. Và điều này thực sự đã đánh động các bạn tham dự viên với vai trò là những người làm công việc mục vụ giới trẻ. Họ đã ở đó để đại diện cho giới trẻ, và khi tài liệu Tiền Synod được phát hành, họ cảm thấy được củng cố và nâng đỡ để trở thành tiếng nói của một Giáo hội cho người trẻ.
Chúng ta đã nói rất nhiều đến việc huấn luyện cho những người đồng hành với người trẻ, hướng dẫn họ đến cộng tác với Giáo hội. Tuy nhiên, người trẻ cũng cần người đồng hành như những người bạn. Chị Marie trong nhóm Coya đã hỏi rằng: “Sau cuộc họp BILA IV này, bạn rút ra được điều gì?” – “Giáo hội qua những vị đồng hành hãy trở thành những người bạn của giới trẻ.”
Đặc biệt, trong bối cảnh Á châu đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, người trẻ sau khi được huấn luyện cần những người đồng hành ngay trong chính bối cảnh và xã hội mà họ đang sống. Người đồng hành không chỉ đứng trước giảng dạy và huấn luyện mà còn hiểu và chia sẻ cùng người trẻ kinh nghiệm ngay trong chính môi trường của họ và cùng đi như một người bạn. Chính nhờ đó, Giáo hội mới có thể duy trì những người trẻ là người không Công giáo, Công giáo hay Kitô hữu từ đó giúp họ phân định đức tin, vai trò và ơn gọi của họ trong phục vụ Giáo hội. Alex Ngo
2020
ĐTC Phanxicô: Hãy dạy các trẻ em biết làm dấu Thánh Giá
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bất chấp tội lỗi lan tràn, có những người “có khả năng cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết số mệnh của con người theo một cách khác”. Và ngài yêu cầu dạy các trẻ em làm dấu Thánh Giá, “lời cầu nguyện đầu tiên”.
2020
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long khai mạc ngày tĩnh huấn huynh – dự trưởng TNTT Gp. Vinh
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, 24/05/2020, tại khuôn viên giáo xứ Lưu Mỹ, Ban Điều hành Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) Gioan Phaolô II Giáo phận Vinh đã tổ chức ngày tĩnh huấn cho các huynh, dự trưởng thuộc các xứ đoàn, hiệp đoàn trong toàn giáo phận. Đây không chỉ là thời gian quý báu để hâm nóng lại tinh thần hy sinh, nhiệt huyết đối với sứ vụ phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân nơi các bạn trẻ, nhưng còn để tìm ra những đường lối và hướng đi mới cho sự phát triển của Hội đoàn TNTT.
Trong ngày tĩnh huấn năm nay, Liên đoàn hân hoan chào đón sự hiện và đồng hành của Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long trong phần khai mạc của chương trình. Trong những giây phút gặp gỡ này, Đức cha Anphong đã có bài huấn dụ ngắn tới các tham dự viên về vai trò cũng như sứ mạng vô cùng quan trọng của các huynh, dự trưởng đối với sự phát triển của phong trào TNTT giáo phận. Đồng thời, chủ chăn giáo phận cũng bày tỏ ước nguyện rằng tất cả giáo xứ trong giáo phận đều sẽ có sự hiện diện và hoạt động của TNTT.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi Tuyên úy hiện tại của Liên đoàn TNTT Giáo phận là cha Antôn Hoàng Trung Hoa được Đức cha Anphong tái bổ nhiệm Tuyên úy Liên đoàn nhiệm kỳ tiếp theo 2020-2023. Quyết định bổ nhiệm được long trọng công bố trước giờ khai lễ trong sự hân hoan của cộng đoàn hiện diện.
Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ do Đức cha Anphong chủ sự. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có cha Tuyên úy Antôn Hoàng Trung Hoa, quý cha trong và ngoài giáo hạt Bảo Nham, quý nam nữ tu sĩ, quý huynh, dự trưởng thuộc các xứ đoàn, hiệp đoàn TNTT trong giáo phận cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giảng trong thánh lễ, khởi đi từ biến cố thăng thiên của Đức Kitô, Đức cha chủ tế mời gọi mỗi người luôn biết ái mộ và tìm kiếm những sự trên trời như lời thánh Phaolô: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” (Cl 3,1-4). Chúa về trời không có nghĩa Người bỏ rơi nhân loại nhưng là để khai mở cánh cửa vào nước hằng sống cho con người. Vì vậy, mỗi người cần biết gạt bỏ những thú vui chóng qua, những hạnh phúc tạm bợ ở đời này để luôn hướng mắt về những thực tại vĩnh cửu trên trời.
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Là người môn đệ của Đức Kitô, mỗi tín hữu bất kể là giáo dân hay tu sĩ, linh mục đều được mời gọi ra đi, đi đến những ‘vùng ngoại biên’ để rao giảng Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình.” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng 49). Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên… Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).
Phát biểu cuối thánh lễ, cha Tuyên úy Antôn Hoàng Trung Hoa đã thay lời cho cộng đoàn hiện diện, đặc biệt các huynh, dự trưởng thuộc các xứ đoàn, hiệp đoàn TNTT trong toàn giáo phận bày tỏ niềm tri ân, cảm tạ trước sự quan tâm và ưu ái của Đức cha, quý cha đồng tế, đồng thời, bày tỏ quyết tâm sẽ không ngừng dấn thân và cống hiến hơn nữa cho các hoạt động cũng như sự phát triển của phong trào TNTT. Quốc Diện
2020
Bệnh viện Công giáo Nhật bản ở tuyến đầu chăm sóc người nhiễm virus corona
Tại Nhật Bản, từ khi có khủng hoảng sức khỏe, trong khi các cơ sở y tế khác từ chối người nhiễm virus corona, thì Bệnh viện Đại học Công giáo Đức Maria đã mở rộng vòng tay đón tiếp bệnh nhân.
Tính đến nay, tại Nhật Bản đã có hơn 16 ngàn ca nhiễm Covid-19, gần 800 người chết và theo chính quyền thì tình hình đã tương đối ổn định. Từ khi có các ca nhiễm đầu tiên trên tàu du lịch “Diamond princess-Công chúa Kim cương”, Bệnh viện Đức Maria vẫn đang tiếp tục chăm sóc cho các trường hợp nhiễm bệnh trong tình trạng nặng.
Nằm ở khu vực phía nam Tokyo, nơi có nhiều người lao động, Bệnh viện Đức Maria được biết đến nhiều trong giai đoạn khủng hoảng sức khỏe vì đã mở rộng vòng tay đón tiếp người bị nhiễm virus. Thực tế, khi đại dịch tấn công Tokyo, trong khi các bệnh viện khác không muốn tiếp nhận các bệnh nhân, thì bệnh viện Đức Maria không ngần ngại sẵn sàng điều trị cho họ.
Giáo sư Yasuhiko Taira của Bệnh viện Công giáo cho biết, Bệnh viện muốn dấn thân chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân virus corona, những người “không có nơi nào để đến”. Vào tháng Hai, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, trong lúc các cơ sở y tế tư và công đều gặp gặp khó khăn do thiếu nhân viên chuyên môn và trang thiết bị bảo vệ, thì lúc đó Bệnh viện Đức Maria Tokyo đã điều trị cho nhiều ca nhiễm. Giáo sư Yasuhiko Taira chia sẻ: “Chúng tôi nói thật với các nhân viên rằng, các bạn có nguy cơ bị lây nhiễm, và chính chúng tôi, là những nhân viên y tế, chúng tôi không thể làm gì khác hơn. Nhưng nếu chúng ta chạy trốn, ai sẽ chăm sóc bệnh nhân?”. Với những lời động viên chân thành này, toàn thể nhân viên và chuyên viên y tế của Bệnh viện Đức Maria đã sẵn sàng đón tiếp và nỗ lực chăm sóc các bệnh nhân Covid -19.
Năm 2021, Bệnh viện Đại học Công giáo Đức Maria sẻ kỷ niệm 50 năm thành lập. (Cath. Ch 26/5/2020)
Ngọc Yến