2020
Cha Zollner: Bảo vệ trẻ em là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội bất chấp đại dịch
Cha Zollner: Bảo vệ trẻ em là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội bất chấp đại dịch
Cha Hans Zollner, giám đốc Trung tâm bảo vệ trẻ em của Đại học Giáo hoàng Gregoriana cho biết: Bảo vệ trẻ vị thành niên vẫn là ưu tiên hàng đầu bất chấp đại dịch Covid-19.
Chia sẻ với Vatican News hôm 26/05/2020, cha Zollner nói: “Chúng ta không thể cho phép mình xem các khoản đầu tư của chúng ta cho sự an toàn của trẻ vị thành niên giống như bất kỳ hoạt động giáo dục và xã hội nào khác”. Theo cha, những khó khăn kinh tế mà Giáo hội đang gặp không được ảnh hưởng đến các chương trình dành cho việc bảo vệ trẻ em.
Khủng hoảng đại dịch và khủng hoảng quyền trẻ em
Cha Zollner lưu ý rằng vấn đề này phải vẫn là ưu tiên trong Giáo hội. Đặc biệt là vì các biện pháp cách ly trong thời gian đại dịch, hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới “có thể phải đối mặt” với các mối đe dọa ngày càng gia tăng – lạm dụng, bạo lực, bóc lột và bị chia cách khỏi những người chăm sóc các em.
Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc khẳng định rằng khủng hoảng y tế do Covid-19 đang nhanh chóng trở thành khủng hoảng quyền trẻ vị thành niên, và các chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi và lo ngại về việc gia đình có thể là một nơi thực sự an toàn cho mọi người.
Hội nghị trực tuyến “Một Giáo hội an toàn hơn”
Để tiếp tục cuộc chiến chống lại mọi hình thức lạm dụng trong thời đại dịch, Hội nghị quốc tế về bảo vệ an toàn (ISC), hàng năm quy tụ các đại diện của Giáo hội, các chuyên gia và nhà khoa học về chủ đề bảo vệ trẻ em, sẽ tổ chức một loạt các hội thảo trực tuyến, mang tên “Một Giáo hội an toàn hơn”, bắt đầu từ ngày 29 tháng 5.
Loạt hội thảo này sẽ tập trung vào các cách thức mà các chuyên gia bảo vệ trẻ em trả lời cho các cộng đồng, đặc biệt là các nạn nhân, bằng cách tăng cường các thực hành tốt đã được phát triển, và nhằm mục đích khuyến khích Giáo hội Công giáo và các tổ chức của các hệ phái tôn giáo khác thực hiện các chương trình bảo vệ của họ , bất chấp cuộc khủng hoảng được dự kiến sau đại dịch Covid-19.
Buổi hội thảo trực tuyến đầu tiên vào ngày 29/05 sẽ nói về việc Giáo hội đang đảm nhận trách nhiệm bảo vệ trẻ em như thế nào trong đại dịch và sẽ đặc biệt chú ý đến việc các nạn nhân đang trải qua thời kỳ khó khăn này như thế nào. (CSR_4010_2020) Hồng Thủy – Vatican News
2020
Tinh thần Laudato Sì liên kết các tôn giáo ở Pakistan
Hưởng ứng “Tuần lễ Laudato Sì”, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tổng giáo phận Karachi, Pakistan đã gửi Thông điệp Laudato Sì đến các tôn giáo trong Giáo phận đồng thời mời các tín đồ suy tư về nội dung của văn kiện để chung tay giải quyết đại dịch theo tinh thần của Thông điệp.
Ngoài việc gửi bản văn đến các tôn giáo, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo đã đến thăm một số các trường học, các đền thờ Hồi giáo và các tôn giáo khác.
Ravi Dass Vaghela, nhà hoạt động của cộng đoàn Ấn giáo bày tỏ: “Laudato Sì thực sự là một thông điệp truyền cảm hứng, mời gọi chúng ta bảo vệ mẹ trái đất. Chúng ta phải nghĩ đến những gì chúng ta trao lại cho thế hệ sau. Văn kiện mời gọi tất cả các tổ chức hợp tác trong việc biến đổi thế giới và cùng nhau giải quyết những thách đố ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến môi trường. Đây là một lời mời gọi mạnh mẽ cho sự hiệp nhất và tình huynh đệ”.
Giáo sĩ Hồi giáo Abu Bakar Muhiuddin, chủ tịch đền thờ Hồi giáo bày tỏ: “Thông điệp thực sự là một điều quý giá cho Trái đất chúng ta. Nếu chúng ta hiệp nhất, sẽ có một sự thay đổi không chỉ về mặt khí hậu mà cả các mối tương quan của chúng ta, và điều này sẽ trở thành nguyên tắc chính giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái ảnh hưởng đến hành tinh của chúng ta”.
Cùng chung ý tưởng đối thoại liên tôn, tại Giáo phận Faisalabad, nhân dịp lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng Ramadan, ăn chay và cầu nguyện của Hồi giáo, Đức cha Indrias Rehmat đã tổ chức một phái đoàn, viếng thăm một số vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị của các tổ chức Hồi giáo.
Đức cha Indrias nói: “Là những Kitô hữu của Pakistan, chúng tôi hiệp thông chia sẻ niềm vui và hạnh phúc đến từ việc cử hành nghi lễ tôn giáo và sự kiện văn hóa. Qua lễ Eid al-Fitr, chúng tôi muốn phổ biến một sứ điệp về tình huynh đệ, hòa bình, tình yêu, chung sống giữa các cộng đoàn tôn giáo ở Pakistan. Điều này được thể hiện trong việc cùng nhau cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt”. (Tổng hợp) Ngọc Yến – Vatican News
2020
Caritas Hà Nội: 100 bệnh nhân được phẫu thuật mắt miễn phí
Ngày 26/5/2020, nhờ nguồn tài trợ của quý ân nhân, Caritas Hà Nội đã tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Mắt Hà Nội.
Cơn mưa nhẹ vào buổi sáng không làm chậm lại những bước chân của các bệnh nhân đang khao khát tìm lại ánh sáng. Mặc dù các nhóm bệnh nhân được hẹn đến vào các thời điểm khác nhau, nhưng ngay từ 7 giờ sáng tất cả đều đã có mặt đông đủ.
Theo lẽ thường, ai cũng mang tâm lý căng thẳng, lo lắng khi đi tới bệnh viện. Nhưng khi đi phẫu thuật mắt, các bệnh nhân lại hoàn toàn an tâm khi được đón tiếp và hướng dẫn rất chu đáo, tận tình của quý sơ và các cộng tác viên. Hôm nay, các bệnh nhân không chỉ được phẫu thuật mắt hoàn toàn miễn phí mà còn được phục vụ cơm ăn, nước uống đến tận giường với giá 0 đồng.
Ngày phẫu thuật khép lại trong niềm vui của tất cả mọi người, dù mắt vẫn đeo băng nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười hạnh phúc. Thay lời cho các bệnh nhân, Caritas Hà Nội xin chân thành cảm ơn sự hy sinh thầm lặng của các y bác sỹ, lòng nhiệt thành phục vụ của quý Sơ, quý hội viên và các bạn tình nguyện viên. Đặc biệt, xin tri ân quý mạnh thường quân đã tài trợ để mọi người cùng được vui hưởng ánh sáng – món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần chữa lành cho các bệnh nhân, gia tăng mối dây hiệp nhất và thổi bùng lên ngọn lửa yêu mến, để mỗi chúng ta sẽ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa xoa dịu những đau thương của nhân loại bằng liều thuốc tình yêu. Nt. Maria Bùi Thị Huệ
2020
ĐHY Bo lo ngại tin tức xấu trên phương tiện truyền thông ảnh hưởng xấu đến người trẻ
ĐHY Charles Maung Bo của Myanmar bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng xấu của truyền thông xã hội đối với người trẻ về luân lý đạo đức và ảnh hưởng về sự hòa hợp giữa con người trong xã hội.
Trong bài giảng hôm Chúa Nhật ngày 24 tháng 5, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, Đức Hồng y Charles Maung Bo, tổng giám mục Yangon, chủ tịch Liên HĐGM Á Châu, đã bày tỏ quan tâm của mình về việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của những người trẻ trong bầu khí hận thù lan rộng ở nước này. Ngài nói: “Một phần của thế hệ trẻ được nuôi dưỡng bằng một loại cocktail độc hại về những câu chuyện thù hận, hành vi bạo lực, lạm dụng, khiêu dâm gây nghiện và những quả bom tiêu cực phân mảnh khác.”
Đức Hồng y đặt câu hỏi: “Đâu là sự đóng góp của phương tiện truyền thông xã hội cho thế hệ mới?” Ngài lưu ý về việc các fake news, tin tức giả mạo, đã làm cho các mối quan hệ của con người trở nên lỏng lẻo và ảnh hưởng đến sự hòa hợp xã hội. Đức Hồng y giải thích: “Virus corona có thể biến mất sau khi vắc-xin được điều chế, nhưng virus truyền thông xã hội sẽ giáng một đòn chí tử vào đạo đức của thế hệ trẻ của chúng ta.” Theo Đức Hồng y, “những câu chuyện mà những kẻ xấu phổ biến trên mạng gây tổn thương về cảm quan cho các thế hệ tương lai, và chúng cũng không chừa các trẻ em.”
Chủ tịch Liên Hội đồng giám mục Á châu nhắc đến “những câu chuyện thù hận của các nhóm bên lề đã ảnh hưởng đến sự hòa hợp xã hội” như thế nào, nhưng các “phương tiện truyền thông xã hội đã làm cho sự hiệp nhất của chúng ta trở thành những mảnh vỡ tôn giáo, sắc tộc và ngôn ngữ như thế nào”.
Nhắc lại sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 54, Đức Hồng y nhắc rằng “Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta đừng lướt trên Faceboọk, nhưng hãy kể chuyện trực tiếp diện đối diện cho nhau nghe.” “Chúng ta biết tất cả chúng ta được nối kết với nhau không phải nhờ điện thoại nhưng qua cộng đoàn nhân loại của chúng ta.” (CSR_3986_2020)
Hồng Thủy