2020
Cha Michael McGivney: Một nạn nhân Coronavirus sẽ sớm được phong Chân Phúc
Tìm kiếm một vị thánh trong thời gian Covid-19 đầy rắc rối này? Hãy nhìn đến không ai khác ngoài Bậc Đáng Kính Cha Michael McGivney, nhà sáng lập Knights of Columbus, một vị đã qua đời trong một nạn dịch coronavirus vào năm 1890.
Nạn dịch coronavirus đã lật đổ cuộc sống của chúng ta và lấy đi một vài sự an toàn mà xã hội của chúng ta đang dựa vào.
Trong thời gian khó khăn này, nhiều người đang tìm kiếm sự giúp đỡ để làm cho dịch này có ý nghĩa. Thời gian tôn vinh truyền thống Công Giáo của việc khẩn cầu các vị nam nữ đã có sự thánh thiện được chứng tỏ để chuyển cầu cùng với Chúa Cha cho chúng ta mang lại một con đường của bình an và niềm tin thẳm sâu vào Thiên Chúa.
Nạn nhân Coronavirus
Với điều đó ở trong tư tưởng, có lẽ Bậc Đáng Kính Cha Michael McGivney là một chọn lựa tốt lành.
Vị linh mục người Mỹ đã qua đời vì chứng viêm phổi vào năm 1890 trong thời gian mà một số người trong giới khoa học hiện tại sẽ nói rất có thể là dịch coronavirus. Khoảng 1 triệu người đã qua đời vì nạn dịch này.
Gần đây Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhìn nhận một phép lạ thuộc về Cha McGivney, mở đường cho việc phong chân phúc cho Ngài. Cha McGivney đã sáng lập nên tổ chức Knights of Columbus, một tổ chức phục vụ mang tính huynh đệ của những người giáo dân Công Giáo.
Cha McGivney, cầu cho chúng con
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Chiến Sĩ Tối Cao Carl Anderson nói rằng việc nhìn nhận phép lạ diễn ra tại một thời điểm thuận tiện đối với Giáo Hội.
Cha McGivney “đã chịu khổ và qua đời giống như quá nhiều người Mỹ và người khác trên khắp thế giới”, ông nói.
“Vì thế giờ đây khi chúng ta nói ‘Cha McGivney, cầu cho chúng con’, thì chúng ta có ai đó đang ở đó và trải qua gian khó này. Tôi nghĩ những lời cầu nguyện của Ngài sẽ rất mang tính cá nhân”.
Sự xác nhận về gương của Ngài
Ông Anderson đã cho biết việc phong chân phúc sắp tới của Cha McGivney “xác nhận điều mà chúng ta nghĩ về đời sống thánh thiện của Ngài và động lực của Ngài đối với hàng triệu người nam nữ trong hơn một thế kỷ”.
Từ những khởi đầu khiêm tốn vào năm 1882 tại một giáo xứ ở New Haven, Connecticut, Knights of Columbus giờ đã có hơn 16,000 hội đồng ở các nước trên khắp thế giới.
Các Chiến Sĩ từ Hoa Kỳ, Philippines, Mexico, Canada, Pháp, Ba Lan, Ukraine, và Hàn Quốc có thể nhìn đến nhà sáng lập tổ chức của họ với niềm tin vào gương thánh thiện của Ngài.
“Hầu như mỗi ngày chúng tôi đều có một sự hiểu biết sau về việc sống đời sống hiệp nhất và huynh đệ nghĩa là gì, và chúng tôi thêm nguyên tắc ái quốc, vốn quan trọng đối với Cha McGivney”, ông Anderson cho biết.
Lòng bác ái huynh đệ
Trích lời mời gọi thường xuyên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về một xã hội “huynh đệ” hơn, Chiến Sĩ Tối Cao nói Vị Chân Phúc sắp tới có cách tiếp cận tương tự với bác ái.
“Không phải là về việc viết một tờ ngân phiếu giá trị lớn hơn hay đặt thêm vài đô la hay euro vào trong giỏ quyên góp”, ông nói. “Đó là về việc nhìn vào người thân cận của bạn như là anh chị em và khi họ khó khăn, hãy giúp họ”.
Cộng đồng giáo dân Công Giáo
Qua lịch sử, những dòng tu lớn đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu trong Giáo Hội.
“Thế còn về người giáo dân Công Giáo?” ông Anderson tự hỏi. “Thế con người không thể thực hiện lòi khấn khó nghèo vì người ấy lập gia đình, có một gia đình, và phải làm việc trong thế giới và hỗ trợ gia đình mình?”
Cha Michael McGivney, ông cho biết, mang lại cho người giáo dân Công Giáo một cộng đồng huynh đệ nơi mà người ấy “có thể gặp gỡ những người khác để coi họ là anh em, những người sẽ giúp nhau, những người quan tâm nhau, và cũng có thể có một đời sống thiêng liêng cùng nhau”.
Chiến Sĩ Tối Cao Carl Anderson cho biết đây là chìa khoá cho sự thành công của Knights of Columbus.
Joseph C. Pham (Vatican News)
2020
Những gương mặt của Giáo hội đã chống lại sự phân biệt chủng tộc
Những gương mặt của Giáo hội đã chống lại sự phân biệt chủng tộc
Dù đó là những bậc thánh nhân, chân phước hay đáng kính, Giáo hội cũng có rất nhiều gương mặt mà trong suốt cuộc đời họ đã chống lại sự phân biệt chủng tộc. Aleteia mời bạn khám phá vài người trong số họ khi các cuộc biểu tình tố cáo phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ lan rộng.
“Phân biệt chủng tộc là một bệnh dịch”, Thánh Gioan Phaolô II từng nhắc lại trong một bài giảng của Ngài. Khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát đang lan rộng ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, nhiều người đã lên tiếng trong nhiều thế kỷ. Trong số đó, một số nhân vật của Giáo hội ít được công chúng biết đến nhưng sự dấn thân của họ thật không thể phủ nhận.
- CHÂN PHƯỚC PIERRE KASUI KIBE (1587 – 1639)
Sinh ra ở Nhật Bản có cha mẹ là Kitô hữu, Pierre Kasui Kibe từ rất sớm đã cảm thấy được mời gọi gia nhập Dòng Tên. Bị lưu đày cùng với số lượng lớn Kitô hữu, sau đó Ngài đến Macau để học tiếng Latin và học thần học. Nhưng tại Macau, lãnh thổ Bồ Đào Nha, người Nhật không được nhận vào chức linh mục. Theo đuổi ước muốn trở thành linh mục, Pierre Kasui Kibe sau đó đã tới Goa, nơi anh cũng bị từ chối.
Không nản lòng hay tức giận vì sự phân biệt đối xử này, anh đã thực hiện một hành trình dài đến Rome để cuối cùng được thụ phong linh mục vào tháng 11 năm 1620. Trở thành một tu sĩ Dòng Tên, cha trở về Nhật Bản để phục vụ các Kitô hữu bị bắt bớ đang sống chui. Bản thân cha cũng bị bắt, bị tra tấn và sau đó bị xử tử vì đức tin.
Ngài được phong chân phước vào ngày 24 tháng 11 năm 2008 tại Nagasaki, cùng với 187 vị tử đạo khác. Giáo hội tưởng nhớ Ngài vào ngày 4 tháng 7.
- CHERABA TERESA CHIKABA (1676 – 1748)
Giống như thánh Josephine Bakhita, Teresa Chikaba, đến từ Ghana, bị bắt cóc và bán làm nô lệ khi cô còn nhỏ. Mặc dù được bà chủ Tây Ban Nha đối xử tốt, Teresa Chikiba dù sao cũng là nô lệ và phải chịu những lời lăng mạ, chế nhạo phân biệt chủng tộc và đánh đập bởi những người hầu khác trong nhà. Sau cái chết của bà chủ, chị được trả tự do và muốn vào tu viện. Mặc dù thực tế rằng chị được tự do và có một số tài sản được thừa kế từ bà chủ, chị tiếp tục bị từ chối đội lúp dòng. Cuối cùng, chị được phép vào một tu viện Đa Minh ở Salamanca nhưng bị buộc phải sống ở đó với tư cách là một người hầu hơn là một nữ tu. Tuy nhiên, chị vẫn trung thành với Chúa và tận hiến cuộc đời cho Ngài.
- FRANÇOIS DE PAULE VICTOR (1827 – 1905)
Sinh ra là một nô lệ từ người cha vô danh, ở Brazil, François de Paule Victor, khi còn là một thiếu niên, đã cảm thấy ước muốn tận hiến cuộc đời mình cho Chúa. Anh trình bày điều đó với ông chủ của mình, ông đã lôi anh xuống đường và đánh anh dữ dội. Nhưng chàng trai trẻ vẫn kiên trì và thành công trong việc thuyết phục Đức Cha Antônio Ferreira Viçoso, giám mục của mình, người sau này cũng trở nên bậc đáng kính, người quyết định đưa cho anh làm chủng sinh. Là người da đen duy nhất trong chủng viện, nên ít nhất là anh phải chịu đựng sự khinh bỉ và chế nhạo của người khác. Nhưng qua nhiều ngày, lòng tốt và sự rạng rỡ của anh khiến người khác im lặng. Khi được phong chức linh mục, nhiều giáo dân da trắng đã từ chối rước lễ từ tay ngài. Ở đây một lần nữa, tìm cách đến gần Chúa hàng ngày, Cha François de Paule Victor, qua cuộc sống hàng ngày, đã thành công trong việc bịt miệng những lời nhạo báng, lăng mạ và miễn cưỡng và trở thành một nhân vật tốt bụng trong cộng đồng của mình. Ngài được mừng lễ vào ngày 23 tháng 9.
- CHÂN PHƯỚC CEAXINO NAMUNCURÁ (1886 – 1905)
Ceferino Namuncurá là người may mắn đầu tiên được sinh ra ở Argentina. Là con trai của một thủ lĩnh của bộ lạc Mapuche, một người dân bản địa sống ở Chile và Argentina, anh cảm thấy rất khao khát Chúa trong lòng và xin phép cha cho học tại Buenos Aires.
Vì là người bản địa duy nhất trong lớp, anh là mục tiêu của những trò nhạo báng và phân biệt chủng tộc độc ác. Nhưng nếu những lời nói đó làm tổn thương anh, thì hành vi của anh đã thể hiện lòng tốt đối với mọi người. Cuối cùng anh vào Dòng Sa-lê-diêng với ước mong trở thành linh mục, nhưng anh đã chết vì bệnh lao vào năm 18 tuổi.
“Ceferino là sự phản chiếu chân thực và là hoa trái từ các giá trị của các dân tộc mà Giáo hội đánh giá cao và khuyến khích,” Đức giám mục của Ngài nói sau đó. Ngài được kính nhờ vào ngày 11 tháng Năm.
- CHÂN PHƯỚC ISIDORE BAKANJA (1887 – 1909)
Một giáo lý viên nơi các cha dòng Trappist ở Mbandaka, Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo), Isidore Bakanja làm công trong một đồn điền cao su. Anh không ngại nói lên tình yêu của mình dành cho Chúa và khao khát giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người mà anh biết.
Nhưng ông chủ của anh, kẻ đã từ chối bài diễn văn của Giáo hội về sự bình đẳng và không cho phép anh được đọc kinh Mân côi, rồi đã đánh anh đến chết. Anh chết vì những vết thương sau khi đã tha thứ cho những kẻ tấn công mình.
Thánh Gioan Phaolô II phong chân phước cho anh vào năm 1984 và Isidore Bakanja được kính nhớ vào ngày 12 tháng 8. Meg Hunter Kilmer
Đình Chẩn dịch từ Fr.aleteia.org
2020
Bác sĩ Công Giáo đến ở cùng những người vô gia cư để bảo vệ họ khỏi đại dịch
Được truyền cảm hứng từ gương Mẹ Têrêsa, bác sĩ Thomas Huggett và đội của ông đã và đang nỗ lực chăm sóc nhóm dân cư có nguy cơ nhiễm virus cao trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 lan tràn…
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành, những người có nguy cơ nhiễm bệnh nhất là những người vô gia cư. Bác sĩ Thomas Huggett, vốn là một chuyên viên dược ở Chicago, Mỹ, đã dành nhiều năm trong công tác chăm sóc nhóm dân cư nói trên. Khi virus lan đến Chicago, ông cùng đồng nghiệp tại trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale biết rằng họ cần phải hành động để bảo vệ những con người có cơ hội sống sót tưởng chừng như rất mong manh.
Giải pháp của họ chỉ đơn giản là thuê hàng trăm căn phòng từ 2 khách sạn tại trung tâm thành phố và biến chúng hành một cơ sở cách ly tạm thời dành cho những người vô gia cư, với sự tương trợ của chính quyền thành phố Chicago.
‘’Tôi đã làm việc hàng thập kỷ với những người lang thang cơ nhỡ, và trong thời gian khó khăn này, chúng tôi rất muốn bảo vệ họ khỏi đại dịch nhưng lại không có cơ sở vật chất để che chở những người vô gia cư’’ Bác sĩ nói trong một cuộc phỏng vấn với Aleteia. Ông giải thích một vài lý do đằng sau quyết định này:
Hiện tại, để giữ an toàn cộng đồng, người ta tiến hành cách ly xã hội tại nhà. Tuy nhiên, những người này không có lấy một mái nhà để trú thân. Nhiều người chọn ẩn náu ở những nơi rất rộng lớn, được xem là những cơ sở sống tập trung, với 200 đến 300 người chen chúc trong 1 căn phòng. Đây là một tình huống hết sức nguy hiểm do virus rất dễ lan truyền nơi đông người. Tình trạng này cũng xảy ra ở những nhà hưu dưỡng với nhiều người cùng tập trung lại một nơi.
Chúng tôi rất quan ngại việc virus có thể phát tán nhanh trong môi trường đông người nói trên, trên hết là mạng sống của những con người này đang bị đe dọa. Họ là những người ngoài 55 hoặc ngoài 60, họ có thể đang bị tiểu đường hoặc gặp những vấn đề về tim mạch, hoặc có những mối lo về sức khỏe khác. Điều đó có nghĩa là họ có nguy cơ tử vong cao, vì vậy, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những con người không nơi cư trú này.
Huggett là bác sĩ lãnh đạo chương trình và đã quyết định chuyển vào ở trong những khách sạn được thuê cho người vô gia cư, để chăm sóc sức khỏe cả ngày lẫn đêm cho họ. ‘’Tôi ở đây hầu hết các đêm trong tuần’’ Ông cho biết. ‘’nhưng tôi có về nhà 1 lần mỗi tuần để giặt giũ, lấy thư và chăm sóc những khóm hồng của tôi’’
Những nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Hugget đối với những người vô gia cư thực sư phi thường, nhưng đối với ông thì đây không phải chuyện gì khác hơn việc tiếp tục một thập kỷ khác làm việc ăn ý cùng đội ngũ. Bác sĩ Huggett là một phần của trung tâm đã thực thi công việc của Thiên Chúa ngay tại khu vực tây và nam của Chicago kể từ những năm 1980. Trên trang web của tổ chức, người ta có thể đọc thấy:
Nhiệm vụ của trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale là biểu lộ và lan tỏa tình thương của Chúa Giêsu qua việc gìn giữ sức khỏe, cung cấp dịch vụ chất lượng, vừa túi tiền cho khu vực Lawndale và những vùng phụ cận.
Trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe về tâm bệnh, thể xác và cả về đời sống tâm linh của bệnh nhân. Công việc của họ thực sự cần thiết và chẳng có gì phải thắc mắc khi chính quyền thành phố Chicago đã nhờ sự cộng tác của trung tâm trong việc chăm sóc những người không có nơi cư trú trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay.
Huggett không phải là người duy nhất chăm sóc sức khỏe tại những khách sạn được cải tạo, những đồng nghiệp của ông cũng thay phiên nhau ở lại khách sạn qua đêm. Bác sĩ Huggett cho biết: ‘’Tôi giúp đỡ họ liên tục nhờ vào những cộng sự. Những nhân viên điều hành và những cộng sự khác của tôi cũng ở lại đây qua đêm.. thường ngày chúng tôi có khoảng 35 người làm việc tại khách sạn chỉ để phân phát đồ ăn và đưa người ta lên xuống thang máy, kèm theo 10 nhân viên y tế thăm hỏi mọi khách trọ trong phòng của họ mỗi ngày’’
Ở khách sạn, mỗi một người có một phòng riêng với nhà tắm và vòi sen, thức ăn mỗi ngày 3 bữa được giao tận phòng, mỗi ngày đều được chăm sóc y tế.
Những khách sạn được cải tạo đã trở thành nơi cư ngụ của hơn 240 người. Vào ngày tôi trò chuyện cùng bác sĩ Huggett thì số lượng khách trọ là 163 “chúng tôi đang làm việc với 20 cơ sở cư trú khác xuyết suốt Chicago, và chúng tôi thường xuyên khảo sát để nhận những người đang có nguy cơ nhiễm dịch cao và sắp xếp cho họ chuyển đến những khách sạn’’
Tất cả mọi việc đều phù hợp với tinh thần và nhiệm vụ của trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale: chăm sóc người nghèo với tình yêu của Chúa Kitô. Với bác sĩ Hugget, Đức tin của ông đã truyền cảm hứng và sức mạnh cho ông để thực hiện nhiệm vụ ấy.
“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ những người như Mẹ Têrêsa và những người đã mở rộng vòng tay với những người nghèo khổ khốn cùng. Chúng tôi noi gương các vị thánh.’’ Ông chia sẻ.
Khi bác sĩ Hugget lo lắng hồi hộp, ông luôn tìm được sự cổ vũ tinh thần trong những câu chuyện về cha Walter Ciszek, một linh mục dành hàng thập kỷ trong nhà giam và trại lao động cải tạo đầy khó nhọc ở Liên Xô cũ từ năm 1939 đến 1963, và về hạnh của các thánh khác.
‘’Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ta không thể là Mẹ Têrêsa hay cha Walter Ciszek, nhưng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa, và xin vâng theo ý người’’. Bác sĩ nói.
Với Huggett, tiếng gọi ấy là hy sinh quên mình để phục vụ cho ‘’những người bé mọn nhất trong chúng ta’’ (Mt 25:40). Song song với việc cải tạo lại những khách sạn để ứng phó với dịch bệnh, ông cùng những đồng nghiệp vẫn ngày đêm miệt mài làm việc để cải thiện đời sống những bệnh nhân của họ một các tích cực và lâu dài:
Chúng tôi không chỉ cố gắng bảo vệ họ khỏi virus corona, hay cứu chữa họ, mà còn giúp đỡ họ có nơi lưu trú lâu dài. Chúng tôi không muốn mai này họ phải rời khách sạn mà trở về những nhà cơ nhỡ. Họ sẽ được an toàn hơn nếu ở trong căn hộ của chính họ, đặc biệt là vào mùa thu, khi virus trở lại như nhiều người đã dự đoán. Vài người trong số những người khách trọ sẽ phải sống một mình, vì vậy họ rất cần một cơ sở lưu trú tại chỗ và hiệu quả, và lúc này chính là lúc chúng tôi sẽ biến điều đó thành hiện thực.
Trên tất cả mọi sự, bác sĩ Huggett mong mỏi những kinh nghiệm sống và làm việc của mình với những người lang thang cơ nhỡ có thể đem ánh sáng vào nơi tăm tối nhất của tình hình hiện tại.
‘’Có rất nhiều hiểu lầm xoay quanh những người không có nơi cư trú’’, ông nói. Đã có những người đến hỏi tôi rằng liệu khách sạn có thể bị hư hại vì những người vô gia cư không biết giữ gìn? Câu trả lời là hoàn toàn không. Họ không chỉ giữ cho phòng ốc luôn ngăn nắp gọn gàng mà còn hỏi xin tôi những vật dụng để lau dọn nhà cửa.’’
Bác sĩ chia sẻ với chúng tôi rằng Ngày Của Mẹ là một ngày thực sự khó khăn cho những vị khách trọ, họ nhớ gia đình, bạn bè và những người thân yêu. Như bất kì ai, những bệnh nhân của ông đều muốn được khỏe mạnh, sống trong một nơi an toàn và có những mối tương quan tích cực với những người họ quan tâm.
‘’Những người bị mất nhà cửa cũng như bao người khác, họ cũng cố gắng sống lương thiện, họ cũng là hình ảnh của chính Chúa như chúng ta mà thôi’’ Bác sĩ nói. ‘’Nếu người ta đến khách sạn, ngồi xuống, nói chuyện, lắng nghe họ, chắc chắn người ta sẽ hiểu vì sao một ai đó đang sống yên ổn bỗng dưng trở thành vô gia cư’’
Bác sĩ và đội của ông vẫn đang ra sức bảo vệ những người mỏng dòn yếu đuối nhất trong chúng ta, cho họ một mái nhà giữa tâm bão của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hy vọng rằng nỗ lực phi thường của bác sĩ cùng những đồng nghiệp sẽ là bàn đạp nâng đỡ họ không những trong đại dịch mà còn trong quãng đời còn lại.
Bác sĩ Huggett tâm tình: ‘’Vẫn còn đó sự kì thị người vô gia cư, nhưng họ cũng là con người như chúng ta, họ xứng đáng được tôn trọng, được có tiếng nói trong cộng đồng, và một nơi để tựa đầu, một nơi để dừng chân’’.
Theresa Civantos Barber
Minh Thảo dịch từ Aleteia
2020
Cuộc đời của Rob Kenney, người cha dạy những kỹ năng căn bản trên Youtube
Cuộc đời của Rob Kenney, người cha dạy những kỹ năng căn bản trên Youtube
Tuổi thơ của Rob Kenney đầy những thương đau, nhưng anh đã vươn lên và cố gắng tha thứ cho người khác theo Lời Chúa dạy. Rob trở thành một người hữu ích cho xã hội qua việc dạy những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày trên Youtube cho giới trẻ, những điều các em không được học ở trường lớp.
Tuổi thơ bất hạnh
“Em đi đâu?” câu hỏi của người anh cả đang đứng trong nhà bếp vào thập niên 1970 ở Bellevue, Washington hỏi Rob, người em út của mình. Rob không biết sẽ đi đâu khi cha đã nói rằng ông không còn muốn các con nữa. Người anh cả 23 tuổi đã dẫn Rob 14 tuổi đến sống ở khu dân cư gần đó. Từ đó Rob sống nhờ vào sự thương cảm của anh mình cũng là người thường xuyên phải chịu trách nhiệm về đứa trẻ buồn rầu, ủ rũ.
Rob Kenney lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc. Mẹ anh là người Kansas trong đại gia đình có 12 anh chị em. Sau khi kết hôn bà bị chồng buộc phải rời quê hương và những người thân của mình để theo chồng và các con đến sống ở Orleans rồi chuyển đến Washinton. Những thay đổi này đã làm cho bà cảm thấy không hạnh phúc, bị mất cân bằng, dần dần rơi vào khủng hoảng và say sưa rượu chè. Khi Rob lên 10, 11, 12 tuổi gia đình đã trở nên rất lộn xộn vì mẹ Rob không dọn dẹp nhà cửa, bà không muốn làm gì chỉ muốn trở về Kansas. Cha của Rob làm việc ở thành phố lân cận, ông bắt đầu chán gia đình và yêu một người phụ nữ khác. Ông trở nên cáu gắt và nhẫn tâm với vợ con. Đời sống gia đình của họ ngày càng căng thẳng và cuối cùng họ quyết định ly dị. Cha Rob tiếp tục bảo trợ cho các con. Những đứa trẻ phải tự sống một mình trong nhiều tuần lễ vối sự chu cấp của người cha đi làm xa cả tuần mới về một lần. Mọi sự đều tan vỡ vào một ngày ông nói vối các con rằng: “Ta đã làm những gì có thể làm được, bây giờ chúng mày hãy tự lo cho bản thân hoặc vào viện mồ côi sống”. Thật lòng ông không còn muốn nhìn nhận những đứa trẻ này là con của mình nữa. Rob 14 tuổi cùng với 7 anh chị em của mình bị cha bỏ rơi, trở thành những đứa trẻ bất hạnh không có tình thương và sự hướng dẫn của cha.
Trải nghiệm về dấu đen vào sổ đời đời
Trong thời gian sống với mẹ, mỗi khi làm điều xấu mẹ Rob thường nói rằng: “con đã bị ghi một dấu đen vào sổ đời đời”. Mỗi khi Rob làm việc tốt mẹ nói: “một vết đen của đời con đã được xóa”. Đó chính là khái niện của bà về đạo Công giáo và cũng là những khởi đầu của Rob trong đời sống đức tin.
Đời sống đức tin
Sau khi kết hôn, gia đình Rob Kenny cũng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đúng vào lúc vợ mang thai không thể đi làm được cũng chính là lúc Rob bị mất công ăn việc làm, và . . . tất cả những dự tính tốt đẹp cho tương lai đều biến tan như mây khói. Rob tâm sự: “Tôi đã khóc và cầu nguyện với Chúa. Lạy Chúa, con đang ở bờ vực thẳm. Xin giúp con vượt qua khó khăn này, con sẽ tìm kiếm và học hỏi về Chúa”. Từ đó Rob bắt đầu đọc Kinh Thánh và nhận ra rằng Thiên Chúa sẳn sàng tha thứ những sai lỗi của chúng ta. Chúa không đánh dấu đen vào sổ đời đời như trước đây Rob đã từng biết, ngược lại Rob quả quyết rằng: “Tôi biết tôi sẽ được vào Thiên Đàng bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện điều đó.” Khi nghĩ đến cha của mình Rob tự nhủ: “ . . . Tôi biết Thiên Chúa luôn tha thứ cho tôi. Tại sao tôi cứ giữ trong lòng sự căm giận người khác?” Rob và anh trai đã quyết định đi thăm cha và mời ông cùng đi câu cá để có dịp giải hòa. Cha của Rob đã ngã bệnh và qua đời vào tuổi 80, một thời gian không lâu sau khi đã được giao hòa với các con.
Mục tiêu trở thành người cha tốt
Vợ chồng Rob đã nuôi dạy hai con nên người. Con gái, Christine tốt nghiệp sư phạm. Con trai, Kyle là kỹ sư vi tính. Rob nói: “Mục đích của đời tôi là nuôi dạy các con trở nên những người tốt và trưởng thành, không phải chỉ là những đứa con ngoan bởi vì tôi đã có một thời thơ ấu đau buồn vì thiếu vắng tình cha”.
Ở tuổi 50, Rob nhận thấy nơi mình có sự khôn ngoan, kiến thức và sự thấu hiểu có thể giúp ích cho những người trẻ. Rob ước ao làm bản sưu tập videos về những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày nhưng những kỹ năng này các em lại không được học ở trường. Ví dụ như: cách ủi áo sơ mi, Kiểm tra dầu nhớt trong xe, tháo gỡ những khó khăn, những bế tắc trong cuộc sống . . . Rob do dự, suy nghĩ và thời gian thuận tiện cũng đã đến. Đó chính là thời gian phải cách ly vì đại dịch. Rob quyết định thực hiện ước mơ của mình. “Tôi muốn giúp các bạn trẻ thực hiện công việc hằng ngày cách dễ dàng hơn và tôi cũng muốn chia sẻ sự khôn ngoan tôi đã học được trên đường đời để động viên người khác, đặc biệt là các trẻ em không có cha hoặc thiếu vắng sự hiện diện của người cha trong cuộc đời”.
Những kỹ năng cơ bản của đời sống hằng ngày trên Youtube của Rob Kenny với tiêu đề “cha, con làm thế nào?” (Dad, How do I?) đã có 1.9 triệu người đăng ký. Lời cám ơn cho những videos của Rob đã lên đến 1.4 triệu lượt. Nó thật sự đã vượt xa sự mong đợi của Rob.
Thế giới cần những người như Rob Kenney – người cha lạc quan, thực tế, chu đáo muốn chia sẻ những kỹ năng sống của mình cho người khác. Không lạ gì khi chúng ta thấy Rob đã được nhiều người ngưỡng mộ. Lời nhắn nhủ của Rob là: “Hãy xin được tha thứ khi chúng ta sai lỗi và hãy sống tốt lành tử tế với mọi người”.
Ngọc Yến