2020
Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước tình hình hiện nay.
Ngay khi Hoa Kỳ vẫn đang còn phải vật lộn với đại dịch coronavirus, sự phẫn nộ, đau buồn và tức giận về vụ giết một người đàn ông da đen không vũ trang đã dấy lên các cuộc biểu tình lôi cuốn hàng trăm ngàn người trên toàn quốc.
Đã có các báo cáo cho biết nhiều người Việt mất trắng cơ ngơi sau một tuần bạo loạn. Ra làm ăn đương nhiên phải có bảo hiểm. Tuy nhiên, trước tình trạng đóng cửa vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, một số người do không có thu nhập, doanh nghiệp phải đóng cửa nên đã không đóng bảo hiểm. Vì thế, cơ nghiệp dành dụm trong bao nhiêu năm phúc chốc tan thành mây khói.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ tìm được ơn an ủi và giữ được lòng trông cậy trong hoàn cảnh quá khắc nghiệt này.
Trước những diễn biến hiện nay, nhiều Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã tham gia kêu gọi công lý cho các nạn nhân và gia đình họ. Trước hết là cho linh hồn anh George Floyd và gia đình anh, sau là cho những nạn nhân khác bất ngờ mất hết sinh kế.
“Các phẫn nộ xung quanh cái chết của George Floyd là dễ hiểu và công lý phải được phục hồi.” Tổng giám mục Samuel J. Aquila của Denver cho biết trong một tuyên bố ngày 30 tháng 5 liên quan đến cái chết của anh Floyd 46 tuổi.
Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago cho biết:
“Minneapolis là một thành phố thường được ca ngợi là một mô hình của sự hội nhập, tôi thật ngỡ ngàng khi biết rằng mạng sống của một người da đen chỉ đáng một tờ giấy bạc $20”.
Trong một tuyên bố hôm 31 Tháng Năm, Đức Hồng Y nói rằng ngài đã trải qua vài đêm xem các cuộc biểu tình “trong đau đớn khi sự giận dữ dồn nén của người dân bốc cháy trên khắp nước ta.”
Đức Hồng Y Cupich cho biết ngài đã chứng kiến sự phát triển của “thành phố nơi tôi sinh ra, các thành phố nơi tôi đã sống, thành phố bây giờ tôi đang coi sóc, thành phố nơi tôi đã được đào tạo, ” và bây giờ bất thình ngài nhìn thấy các thành phố ấy “bốc cháy”.
Mặc dù các cuộc biểu tình phần lớn là hòa bình, nhưng các nhóm nhỏ trong quần chúng biểu tình đã đốt xe, đột nhập và cướp bóc các doanh nghiệp tại các thành phố như Minneapolis, Los Angeles, Philadelphia, New York và Washington – tất cả hiện đã đưa ra lệnh giới nghiêm.
Ở một số địa phương, như Coral Gables, Florida và Flint, Michigan, chính quyền đã đối thoại và thậm chí cầu nguyện với người biểu tình.
Vào ngày 30 tháng 5, các sĩ quan cảnh sát ở Coral Gables đã tham gia biểu tình, quỳ xuống cúi đầu tưởng niệm trong 8 phút 46 giây là thời gian anh George Floyd bị đè nghẹt cổ. Cảnh sát trưởng Chris Swanson ở Flint Township cũng nói trước một đám đông những người biểu tình, rằng ông đã đặt vũ khí của mình xuống và nói với họ rằng: “Lý do duy nhất chúng tôi ở đây là để bảo đảm rằng tiếng nói của các bạn được nghe thấy.” Sau đó, họ yêu cầu ông đi với họ và ông đã làm như thế.
Nhưng ở những nơi khác, chẳng hạn như tại Tòa Bạch Ốc, xe hơi bị đốt cháy, các doanh nghiệp bị cướp phá và chính quyền đã phải sử dụng hơi cay đối với những người biểu tình.
“Các vụ cướp bóc, phá hoại và bạo lực chúng ta đang chứng kiến ở Minneapolis và trong cả nước làm nhục quốc gia chúng ta, hạ nhục những di sản của Floyd và làm phức tạp thêm một tình huống bi thảm, ” Đức Cha Michael F. Burbidge của giáo phận Arlington, Virginia nhận định.
Những lời này cũng được lặp lại bởi Terrence, anh của Floyd. Terrence nói trên một chương trình truyền hình quốc gia rằng bạo lực đã “làm lu mờ những gì đang xảy ra” bởi vì Floyd là một con người hòa bình. Những hành động phá hoại không phải là những gì Floyd muốn”.
“COVID-19, vụ giết chết anh George Floyd, những cái chết không cần thiết của rất nhiều người da màu, việc khai thác không biết xấu hổ của các bộ phận xã hội đối với sự thỏa mãn cá nhân hoặc lợi ích chính trị – đây là những sự kiện cánh chung mà không chỉ khiến chúng ta phải run sợ – lấy đi hơi thở chúng ta – nhưng còn cảnh báo chúng ta về những rắc rối nghiêm trọng trên đường chân trời cũng như ý nghĩa thực sự của một tình trạng nguy hiểm đã giữa chúng ta, ” Đức Hồng Y Joseph W. Tobin của tổng giáo phận Newark, New Jersey, nói trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 31 tháng Năm.
Đức Tổng Giám Mục Aquila của Denver đã nhắc nhở người Công Giáo hãy ghi nhớ giáo lý của Giáo Hội, chứ không phải là các sở thích chính trị, khi nói đến việc giết chóc.
“Giáo Hội Công Giáo đã luôn luôn thúc đẩy một nền văn hóa của sự sống, nhưng quá thường là xã hội chúng ta đã mất đi ý nghĩa của nó trong những phẩm giá của mỗi con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, ” ông nói. “Mỗi người tín hữu Công Giáo đều phải có trách nhiệm thúc đẩy nhân phẩm của mọi người ở mọi cấp độ của cuộc sống. Quá nhiều người đã biến các thứ ý thức hệ, tinh thần đảng phái chính trị, hoặc màu da của họ mình thành những thứ mà họ tôn thờ, chứ không phải là Tin mừng về cuộc sống và phẩm giá của mỗi con người.”
Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “ Tôi khuyến khích các tín hữu hãy xét mình về cách chúng ta thúc đẩy một nền văn hóa sự sống trên tất cả mọi cấp độ, và cầu nguyện cho sự hoán cải trái tim của những người cổ vũ cho phân biệt chủng tộc, và cầu nguyện xin cho xã hội chúng ta có thể trở lại một nền văn hóa sự sống, và cuối cùng và quan trọng nhất là cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn anh George Floyd, xin cho gia đình anh ta được ủi an trước sự mất mát quá lớn này, và công lý đó có thể được phục hồi.”
Tại Giáo Phận El Paso, Texas, Đức Cha Mark J. Seitz, là người năm ngoái đã công bố một lá thư mục vụ về phân biệt chủng tộc, đã tụ tập với các linh mục thuộc giáo phận và mang theo tấm bảng “Sinh mạng người da đen đáng giá” và quỳ gối tưởng niệm chung với những người biểu tình trong suốt tám phút 46 giây.
Source:Our Sunday Visitor
2020
Giáo hội Libang chung tay xây dựng xã hội và kêu gọi bảo tồn hiến pháp
Do đại dịch Covid-19, đất nước Libang đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Và tình trạng trở nên nguy cấp hơn khi một số người vì lợi ích cá nhân đã lên tiếng đòi thay đổi hệ thống chính trị của đất nước; Đức Hồng y Bechara Rai, Thượng Phụ Giáo chủ Công Giáo Maronite đã lên tiếng yêu cầu bảo tồn hiến pháp và kêu gọi mọi người chung tay xây dựng xã hội.
Trong việc khôi phục kinh tế của đất nước, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Hồng y, các tổ chức Giáo hội tham gia hỗ trợ trực tiếp các sáng kiến do các hiệp hội ngành nghề cung cấp và định hướng. Sáng kiến đặc biệt dành cho những người trẻ đang quay trở lại tham gia vào hoạt động nông nghiệp để lo cho chính mình và gia đình trong thời điểm khủng hoảng này.
Hôm thứ Ba 02/6, Đức Hồng y Bechara Rai đã tham gia buổi khai mạc ra mắt dự án đào tạo nông nghiệp “Đất – kho báu của bạn” do Hiệp hội “Câu lạc bộ Libang xanh” tổ chức. Đây là dự án dành cho những người trẻ quan tâm đến việc phát triển các sáng kiến sản xuất nông nghiệp. Sáng kiến được Bộ Nông nghiệp tài trợ cùng với trợ giúp của các tổ chức khác như Quỹ Diane hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Đại học Thánh Giuse ở Beirut và Trung tâm Phát triển Con người của Tòa Thượng phụ Maronite.
Tại buổi khai mạc, Thượng Phụ Giáo chủ Công Giáo Maronite cũng đã kêu gọi những người Libang sống ở nước ngoài đừng để mình bị mất gốc. Và một trong những điều có thể thực hiện được đó là gìn giữ các hoạt động nông nghiệp. Ngài nhắc nhở mọi người: “Ngôi nhà mất mẹ thì việc đoàn tụ sẽ rất khó khăn. Nếu chúng ta mất đi sự gắn bó với quê hương, sẽ rất khó để nói rằng chúng ta là người Libang”.
Liên quan đến thể chế chính trị của đất nước. Từ năm 1943, Libang theo một hệ thống chính trị phân quyền giữa các nhóm tôn giáo khác nhau trong nước. Trong thời gian qua, do số người Hồi giáo gia tăng nên có những nhóm Hồi giáo đòi thay đổi hiến pháp và hệ thống chính trị của đất nước. Về vấn đề này, Đức Hồng y nói mô hình hệ thống chính trị là một di sản cần được bảo vệ.
Trong lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Hồng y lên tiếng: “Chúng tôi nhận thấy có một số người đang kêu gọi thay đổi hệ thống, trong khi điều cần thiết là thay đổi lối sống và chấm dứt vi phạm hệ thống này. Chúng ta phải tôn trọng Hiến Pháp”. Đức Hồng y ủng hộ và kêu gọi gìn giữ vẻ đẹp của hình thức sống chung và lòng trung thành với đất nước: “Một lần nữa Libang sẽ trở thành một quốc gia mẫu mực ở Phương Đông này. Chúng ta đừng làm cho hệ thống phải gánh chịu hậu quả của các thực hành sai lầm cũng như những vi phạm Hiến pháp, Hiệp ước quốc gia”.
Đức Hồng y Rai cũng đã khẳng định rằng Libang đại diện cho một mô hình chính trị tôn trọng tất cả các cộng đồng đức tin, chứ không cho một tôn giáo hay một hệ phái tín ngưỡng nào. Vì thế, cần hiệp lực với nhau để bảo tồn và phát huy đặc tính khác biệt ấy trong một môi trường Đông Phương. (Tổng hợp)
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Giáo hội Tây Ban Nha chuẩn bị cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô
Hiệp thông với những ai đang đau khổ do bị nhiễm bệnh hoặc do cái chết của người thân, và trong sự gần gũi với nhiều người thiếu những nhu cầu thiết yếu để sống xứng với nhân phẩm, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy đến chia sẻ bàn ăn với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài. Và khi đến lúc, Ngài mời gọi chúng ta ra đi thi hành sứ vụ.
Các Giám mục Tây Ban Nha đã viết như trên trong một sứ điệp gửi cho các tín hữu trong tinh thần chuẩn bị lễ trọng Mình Máu Chúa Kitô.
Các vị chủ chăn khuyên các tín hữu đừng để đau khổ làm cho tâm hồn bị đóng kín, bởi vì “Chúa tiếp tục kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ truyền giáo, đi khắp các ngã đường gặp gỡ những người không có niềm hy vọng, người nghèo và những người bị loại trừ, những người phải chịu đựng bạo lực và bách hại, và những người đang sống ở các vùng ngoại vi khắp các nơi trên thế giới”.
Từ đoạn Tin Mừng Thánh Luca về hai môn đệ trên đường Emmau đồng bàn với Chúa Giêsu, “vị khách hành hương”, các Giám mục nhắc lại rằng “trong mỗi Thánh lễ, Chúa mời gọi chúng ta trở thành những người hành hương của Tin Mừng, bước ra khỏi căn nhà mình để đi gặp các anh chị em như các môn đệ trên đường Emmau. Họ là những người bị bóng tối không thể giải thích cản trở, thiếu một ngôi nhà, bị cô đơn và thậm chí không có khát vọng sống. Những anh chị em này sống và chết trong cô đơn trước sự thờ ơ của hầu hết mọi người”.
Các Giám mục viết tiếp: “Buộc phải ‘ăn chay’ Thánh Thể do đại dịch làm gia tăng trong chúng ta ước muốn được hiệp thông với Chúa Giêsu và sự cần thiết đào sâu thêm ý nghĩa sự hiện diện và ý nghĩa của Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn của tình yêu, hiệp thông và phục vụ. Vào ngày lễ Mình Máu Chúa chúng ta hiện thực hóa màu nhiệm của Bí tích này. Vì thế, vào ngày này, Giáo hội cử hành ngày bác ái, chúng ta loan báo với một niềm tin sâu sắc rằng suối nguồn của mọi tình yêu và sự thánh thiện xuất phát từ Thánh Thể. Qua Thiên Chúa, chúng ta đón nhận hồng ân hiệp thông để vượt thắng virus chia rẽ và để ứng phó với đại dịch của thái độ dửng dưng”.
Các Giám mục nhấn mạnh: “Ngày 14/6, ngày bác ái, người nghèo, người bệnh, người già bị bỏ rơi, những người tìm kiếm ý nghĩa giữa bóng tối, sẽ hỏi Giáo hội hiện đang ở đâu? Và rồi họ đã tìm thấy khuôn mặt của Giáo hội khi các thành viên của Caritas và nhiều thực thể khác của Giáo hội đón tiếp họ. Họ tìm thấy điều đó nơi nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, cảnh sát, binh lính, các tình nguyện viên; nhiều người trong số họ là người Công giáo, đó là hình ảnh của Giáo hội”.
Các Giám mục kết luận: “Giáo hội, được Chúa nâng đỡ sẽ tiếp tục thi hành việc phục vụ này hàng ngày. Giáo hội phục vụ với sự khiêm nhường, không quan tâm dành vị trí ở các trang nhất của các tờ báo”. (Osservatore romano 26/5/2020)
Ngọc Yến – Vatican News
2020
ĐHY Turkson kêu gọi các giám mục Hoa Kỳ tổ chức các giờ cầu nguyện xin ơn tha thứ và chữa lành
Trước các cuộc biểu tình bạo lực đã gây chấn động nước Mỹ kể từ sau cái chết của ông George Floyd tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota) vào ngày 25/05/2020, Đức Hồng Y Turkson không chỉ kêu gọi phi bạo lực nhưng còn là hành động tha thứ. Ngài kêu gọi các giám mục Mỹ tổ chức các buổi cầu nguyện đại kết và liên tôn để đưa người dân lại với nhau và cổ võ tha thứ và chữa lành.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News hôm 03/06, Đức Hồng y Peter Turkson, người Ghana, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện nói: “Điều có thể giúp George vào lúc này là cầu nguyện.”
Cầu xin tha thứ
Giáo hội Công giáo và những người khác đang kêu gọi những nỗ lực bất bạo động sau thảm kịch cái chết của ông George Floyd và đứng lên chống lại nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra, nhưng Đức Hồng Y nói rằng ngài sẽ “tiến thêm một bước” và đưa ra lời kêu gọi tha thứ. Ngài nói: “Tôi nghĩ đây là cách chúng ta có thể làm cho việc tưởng nhớ George Floyd có ý nghĩa.”
Đức Hồng y Turkson nhận định: “Không có biểu tình, tức giận, thất vọng hoặc bất cứ điều gì có thể mang anh ta trở lại. Chỉ có một điều có thể hữu ích cho George vào lúc này khi anh đứng trước Chúa, và đó là sự tha thứ cho những kẻ giết anh. Giống như Chúa Giêsu đã làm.”
Cầu nguyện đại kết và liên tôn để đưa người dân lại gần nhau
Tại những thành phố bạo lực đang diễn ra, Đức Hồng y đề nghị các giám mục, linh mục, mục sư và lãnh đạo các cộng đồng tổ chức một sự kiện đại kết, liên tôn tại một công viên hay khu vực mở để đưa người dân lại với nhau để cầu nguyện. Theo Đức Hồng y, việc làm này, “sẽ cho họ cơ hội diễn tả sự tức giận bị dồn nén, nhưng theo một cách lành mạnh, theo cách tôn giáo, theo cách chữa lành.”
Chúng ta đều được tạo nên giống hình ảnh Chúa
Đức Hồng y cũng nhận định rằng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của phân biệt chủng tộc thì cần dạy để người dân biết “ý nghĩa của con người, ý nghĩa của gia đình nhân loại là gì. Chúng ta cùng chia sẻ phẩm giá được Chúa ban cho chúng ta, được tạo dựng giống hình ảnh Người.” (CNS 03/06/2020)
Hồng Thủy – Vatican News