2020
Bác sĩ Công Giáo đến ở cùng những người vô gia cư để bảo vệ họ khỏi đại dịch.
Bác sĩ Công Giáo đến ở cùng những người vô gia cư để bảo vệ họ khỏi đại dịch.
Ðược truyền cảm hứng từ gương Mẹ Têrêsa, bác sĩ Thomas Huggett và đội của ông đã và đang nỗ lực chăm sóc nhóm dân cư có nguy cơ nhiễm virus cao trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 lan tràn …
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành, những người có nguy cơ nhiễm bệnh nhất là những người vô gia cư. Bác sĩ Thomas Huggett, vốn là một chuyên viên dược ở Chicago, Mỹ, đã dành nhiều năm trong công tác chăm sóc nhóm dân cư nói trên. Khi virus lan đến Chicago, ông cùng đồng nghiệp tại trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale biết rằng họ cần phải hành động để bảo vệ những con người có cơ hội sống sót tưởng chừng như rất mong manh.
Giải pháp của họ chỉ đơn giản là thuê hàng trăm căn phòng từ 2 khách sạn tại trung tâm thành phố và biến chúng hành một cơ sở cách ly tạm thời dành cho những người vô gia cư, với sự tương trợ của chính quyền thành phố Chicago.
“Tôi đã làm việc hàng thập kỷ với những người lang thang cơ nhỡ, và trong thời gian khó khăn này, chúng tôi rất muốn bảo vệ họ khỏi đại dịch nhưng lại không có cơ sở vật chất để che chở những người vô gia cư ” Bác sĩ nói trong một cuộc phỏng vấn với Aleteia. Ông giải thích một vài lý do đằng sau quyết định này:
Hiện tại, để giữ an toàn cộng đồng, người ta tiến hành cách ly xã hội tại nhà. Tuy nhiên, những người này không có lấy một mái nhà để trú thân. Nhiều người chọn ẩn náu ở những nơi rất rộng lớn, được xem là những cơ sở sống tập trung, với 200 đến 300 người chen chúc trong 1 căn phòng. Ðây là một tình huống hết sức nguy hiểm do virus rất dễ lan truyền nơi đông người. Tình trạng này cũng xảy ra ở những nhà hưu dưỡng với nhiều người cùng tập trung lại một nơi.
Chúng tôi rất quan ngại việc virus có thể phát tán nhanh trong môi trường đông người nói trên, trên hết là mạng sống của những con người này đang bị đe dọa. Họ là những người ngoài 55 hoặc ngoài 60, họ có thể đang bị tiểu đường hoặc gặp những vấn đề về tim mạch, hoặc có những mối lo về sức khỏe khác. Ðiều đó có nghĩa là họ có nguy cơ tử vong cao, vì vậy, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những con người không nơi cư trú này.
Huggett là bác sĩ lãnh đạo chương trình và đã quyết định chuyển vào ở trong những khách sạn được thuê cho người vô gia cư, để chăm sóc sức khỏe cả ngày lẫn đêm cho họ. ”Tôi ở đây hầu hết các đêm trong tuần ” Ông cho biết. ”nhưng tôi có về nhà 1 lần mỗi tuần để giặt giũ, lấy thư và chăm sóc những khóm hồng của tôi ”
Những nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Hugget đối với những người vô gia cư thực sư phi thường, nhưng đối với ông thì đây không phải chuyện gì khác hơn việc tiếp tục một thập kỷ khác làm việc ăn ý cùng đội ngũ. Bác sĩ Huggett là một phần của trung tâm đã thực thi công việc của Thiên Chúa ngay tại khu vực tây và nam của Chicago kể từ những năm 1980. Trên trang web của tổ chức, người ta có thể đọc thấy:
Nhiệm vụ của trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale là biểu lộ và lan tỏa tình thương của Chúa Giêsu qua việc gìn giữ sức khỏe, cung cấp dịch vụ chất lượng, vừa túi tiền cho khu vực Lawndale và những vùng phụ cận.
Trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe về tâm bệnh, thể xác và cả về đời sống tâm linh của bệnh nhân. Công việc của họ thực sự cần thiết và chẳng có gì phải thắc mắc khi chính quyền thành phố Chicago đã nhờ sự cộng tác của trung tâm trong việc chăm sóc những người không có nơi cư trú trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay.
Huggett không phải là người duy nhất chăm sóc sức khỏe tại những khách sạn được cải tạo, những đồng nghiệp của ông cũng thay phiên nhau ở lại khách sạn qua đêm. Bác sĩ Huggett cho biết: ”Tôi giúp đỡ họ liên tục nhờ vào những cộng sự. Những nhân viên điều hành và những cộng sự khác của tôi cũng ở lại đây qua đêm.. thường ngày chúng tôi có khoảng 35 người làm việc tại khách sạn chỉ để phân phát đồ ăn và đưa người ta lên xuống thang máy, kèm theo 10 nhân viên y tế thăm hỏi mọi khách trọ trong phòng của họ mỗi ngày ”
Ở khách sạn, mỗi một người có một phòng riêng với nhà tắm và vòi sen, thức ăn mỗi ngày 3 bữa được giao tận phòng, mỗi ngày đều được chăm sóc y tế.
Những khách sạn được cải tạo đã trở thành nơi cư ngụ của hơn 240 người. Vào ngày tôi trò chuyện cùng bác sĩ Huggett thì số lượng khách trọ là 163 người, bác sĩ cho biết: “chúng tôi đang làm việc với 20 cơ sở cư trú khác xuyết suốt Chicago, và chúng tôi thường xuyên khảo sát để nhận những người đang có nguy cơ nhiễm dịch cao và sắp xếp cho họ chuyển đến những khách sạn ”
Tất cả mọi việc đều phù hợp với tinh thần và nhiệm vụ của trung tâm chăm sóc sức khỏe công giáo Lawndale: chăm sóc người nghèo với tình yêu của Chúa Kitô. Với bác sĩ Hugget, Ðức tin của ông đã truyền cảm hứng và sức mạnh cho ông để thực hiện nhiệm vụ ấy.
“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ những người như Mẹ Têrêsa và những người đã mở rộng vòng tay với những người nghèo khổ khốn cùng. Chúng tôi noi gương các vị thánh. ” Ông chia sẻ.
Khi bác sĩ Hugget lo lắng hồi hộp, ông luôn tìm được sự cổ vũ tinh thần trong những câu chuyện về cha Walter Ciszek, một linh mục dành hàng thập kỷ trong nhà giam và trại lao động cải tạo đầy khó nhọc ở Liên Xô cũ từ năm 1939 đến 1963, và về hạnh của các thánh khác.
”Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ta không thể là Mẹ Têrêsa hay cha Walter Ciszek, nhưng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa, và xin vâng theo ý người ”. Bác sĩ nói.
Với Huggett, tiếng gọi ấy là hy sinh quên mình để phục vụ cho ”những người bé mọn nhất trong chúng ta ” (Mt 25:40). Song song với việc cải tạo lại những khách sạn để ứng phó với dịch bệnh, ông cùng những đồng nghiệp vẫn ngày đêm miệt mài làm việc để cải thiện đời sống những bệnh nhân của họ một các tích cực và lâu dài:
Chúng tôi không chỉ cố gắng bảo vệ họ khỏi virus corona, hay cứu chữa họ, mà còn giúp đỡ họ có nơi lưu trú lâu dài. Chúng tôi không muốn mai này họ phải rời khách sạn mà trở về những nhà cơ nhỡ. Họ sẽ được an toàn hơn nếu ở trong căn hộ của chính họ, đặc biệt là vào mùa thu, khi virus trở lại như nhiều người đã dự đoán. Vài người trong số những người khách trọ sẽ phải sống một mình, vì vậy họ rất cần một cơ sở lưu trú tại chỗ và hiệu quả, và lúc này chính là lúc chúng tôi sẽ biến điều đó thành hiện thực.
Trên tất cả mọi sự, bác sĩ Huggett mong mỏi những kinh nghiệm sống và làm việc của mình với những người lang thang cơ nhỡ có thể đem ánh sáng vào nơi tăm tối nhất của tình hình hiện tại.
”Có rất nhiều hiểu lầm xoay quanh những người không có nơi cư trú ”, ông nói. Ðã có những người đến hỏi tôi rằng liệu khách sạn có thể bị hư hại vì những người vô gia cư không biết giữ gìn? Câu trả lời là hoàn toàn không. Họ không chỉ giữ cho phòng ốc luôn ngăn nắp gọn gàng mà còn hỏi xin tôi những vật dụng để lau dọn nhà cửa. ”
Bác sĩ chia sẻ với chúng tôi rằng Ngày Của Mẹ là một ngày thực sự khó khăn cho những vị khách trọ, họ nhớ gia đình, bạn bè và những người thân yêu. Như bất kì ai, những bệnh nhân của ông đều muốn được khỏe mạnh, sống trong một nơi an toàn và có những mối tương quan tích cực với những người họ quan tâm.
”Những người bị mất nhà cửa cũng như bao người khác, họ cũng cố gắng sống lương thiện, họ cũng là hình ảnh của chính Chúa như chúng ta mà thôi ” Bác sĩ nói. ”Nếu người ta đến khách sạn, ngồi xuống, nói chuyện, lắng nghe họ, chắc chắn người ta sẽ hiểu vì sao một ai đó đang sống yên ổn bỗng dưng trở thành vô gia cư ”
Bác sĩ và đội của ông vẫn đang ra sức bảo vệ những người mỏng dòn yếu đuối nhất trong chúng ta, cho họ một mái nhà giữa tâm bão của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hy vọng rằng nỗ lực phi thường của bác sĩ cùng những đồng nghiệp sẽ là bàn đạp nâng đỡ họ không những trong đại dịch mà còn trong quãng đời còn lại.
Bác sĩ Huggett tâm tình: ”Vẫn còn đó sự kì thị người vô gia cư, nhưng họ cũng là con người như chúng ta, họ xứng đáng được tôn trọng, được có tiếng nói trong cộng đồng, và một nơi để tựa đầu, một nơi để dừng chân ”. Minh Thảo dịch từ Aleteia
2020
Phỏng vấn ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu
Năm nay, Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu kỷ niệm 60 năm thành lập và 25 năm Thông điệp “Ut unum sint – Xin cho họ nên một” được ban hành. Nhân dịp này, Vatican News có cuộc phỏng vấn với ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu.
Thưa Đức Hồng y, bối cảnh đại kết cách đây 60 năm khác nhiều so với hiện nay. Vậy tình hình đại kết và những thánh đố nào cho đại kết ngày hôm nay?
Vào năm 1960, trong Giáo hội Công giáo, phong trào đại kết chính thức được hình thành, nhưng vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Trong 60 năm qua, nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại đã diễn ra, đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của phong trào đại kết, cụ thể là khôi phục sự hiệp nhất của Giáo hội, vẫn chưa đạt được. Hiện tại, một trong những thách đố lớn nhất nằm ở chỗ thiếu sự đồng thuận thực sự vững chắc về mục tiêu của đại kết. Chúng ta đều cho rằng cần phải hiệp nhất, nhưng chúng ta chưa có hình thức cụ thể nào. Cần phải có một cái nhìn chung, điều thiết yếu cho sự hiệp nhất của Giáo hội.
Con đường đại kết thường được định nghĩa là “trao đổi hồng ân”. 60 năm qua, Giáo hội Công giáo đã được thay đổi như thế nào trong sự dấn thân này? Giáo hội đã trao cho các Kitô hữu khác những hồng ân nào?
Đằng sau định nghĩa này là sự tin chắc rằng mỗi Giáo hội có thể đóng góp cụ thể cho việc khôi phục hiệp nhất. Từ các Giáo hội sinh ra trong thời Cải cách, trên tất cả, Giáo hội Công giáo đã học được tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống Giáo hội, trong các cử hành phụng vụ và tư tưởng thần học. Chúng ta ý thức rằng đức tin đến từ việc lắng nghe Lời Chúa và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô phải là trung tâm của Giáo hội. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh, từ các Giáo hội Chính thống, chúng ta có thể học được rất nhiều về công nghị tính (sinodalità) trong đời sống của Giáo hội và đoàn thể tính (collegialità) của các Giám mục. Về phần mình, Giáo hội Công giáo có thể cung cấp tính phổ quát của Giáo hội như một hồng ân đặc biệt cho cuộc thảo luận đại kết. Vì Giáo hội Công giáo sống trong mối tương quan giữa sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ và tính đa dạng của các Giáo hội địa phương, vì thế Giáo hội có thể chỉ ra rằng ngay cả trong đại kết, sự hiệp nhất và khác biệt không đối lập, nhưng hỗ trợ lẫn nhau.
Đại kết hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả các Kitô hữu. Vậy những điều cụ thể nào đã được thực hiện?
Mọi nỗ lực và hoạt động đại kết phải phục vụ cho mục đích khôi phục sự hiệp nhất các Kitô hũu; cần phải tiếp tục thực hiện để đạt được mục tiêu này. Điều này đặc biệt đúng đối với cuộc đối thoại của đức ái, nghĩa là quan tâm duy trì tương quan thân thiện giữa các Giáo hội khác nhau. Cuộc đối thoại này đã cho phép vượt qua nhiều định kiến của quá khứ và tăng cường hiểu biết tốt hơn. Điều quan trọng không kém là đối thoại trong sự thật, hoặc phân tích thần học về các vấn đề gây tranh cãi đã đưa đến sự chia rẽ trong suốt lịch sử của Giáo hội. Trong những cuộc đối thoại này đã cho thấy những gì hợp nhất chúng ta lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta. Cuối cùng, đại kết tinh thần phải được ghi nhớ như một khía cạnh cơ bản, đó là sự tuân thủ sâu sắc và phù hợp của mọi tín hữu với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu linh mục xin cho “tất cả nên một”. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta nhận thức rằng sự hiệp nhất của Giáo hội tương ứng với ý muốn của Chúa.
Trong những ngày này, chúng ta mừng 25 năm Thông điệp “Ut unum sint – Xin cho họ nên một” do Thánh Gioan Phaolô II ban hành 25/5/1995. Có phải Thông điệp này rất quan trọng cho con đường đại kết?
Đúng vậy, tầm quan trọng của nó chủ yếu nằm ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử, một Giáo hoàng đã viết một thông điệp về đại kết. Với thông điệp này, 30 năm sau khi Công đồng kết thúc,Thánh Gioan Phaolô II nhắc lại rằng trong hành trình đại kết, Giáo hội Công giáo đã dấn thân và Giáo hội không thể đảo ngược sự dấn thân này. Và vì đức tin, tất cả các thành viên của Giáo hội được yêu cầu tham gia vào phong trào đại kết.
Có một điểm đáng chú ý, làm cho tôi ngạc nhiên đối với sáng kiến này của Thánh Giáo hoàng: Một mặt, ngài nhận thức được sứ vụ Phêrô là một trong những trở ngại lớn cho việc khôi phục sự hiệp nhất; mặt khác ngài tin thừa tác vụ Giám mục Roma có tầm quan trọng trong việc tạo sự hiệp nhất của Giáo hội. Ngài đã mời toàn thể cộng đoàn đại kết tham gia vào một “cuộc đối thoại huynh đệ, kiên nhẫn” về tính ưu việt của Giám mục Roma, với mục đích tìm kiếm một hình thức thực thi quyền ưu tiên mở ra cho một hoàn cảnh mới, nhưng không từ bỏ bất cứ điều thiết yếu nào của sứ vụ. Theo tôi, đây là một sáng kiến rất hứa hẹn, chính Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại tư tưởng này trong những dịp khác nhau.
Từ khi thành lập Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, các Giáo hoàng đã nỗ lực rất nhiều cho hoạt động đại kết. Theo Đức Hồng y, mỗi vị có những điểm nổi bật nào?
Trước hết, chúng ta phải biết ơn tất cả các Giáo hoàng vì luôn theo sát Công đồng, đã thể hiện một tấm lòng rộng mở đối với công cuộc đại kết, và giữa các vị luôn có tính liên tục và gắn kết tuyệt vời.
Thánh Gioan XXIII đã nhận thức rõ rằng việc khôi phục hiệp nhất Kitô giáo là nền tảng cho việc canh tân của Giáo hội Công giáo.
Thánh Phaolô VI đã đóng góp quan trọng trong việc thông qua Sắc lệnh “Đại kết- Unitatis redintegratio” của Công đồng. Ngài là một vị giáo hoàng của những cử chỉ đại kết vĩ đại, đặc biệt đối với Chính thống giáo và Anh giáo, và là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Hội đồng Giáo hội Đại kết các Giáo hội Kitô.
Thánh Gioan Phaolô II tin rằng thiên niên kỷ thứ ba sẽ phải đối diện với nhiệm vụ to lớn là khôi phục sự hiệp nhất đã mất. Ngài nhìn nhận chứng tá của các vị tử đạo của các Giáo hội là hồng ân cho sự hiệp nhất.
Đối với Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, đại kết ở một mức độ sâu sắc, là một vấn đề của đức tin. Và như thế là một nghĩa vụ chính của người kế vị Thánh Phêrô.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều nền tảng là các Giáo hội cùng đi trên con đường hiệp nhất, bởi vì sự hiệp nhất tăng trưởng trên đường đi. Ngài cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của đại kết máu.
Để đánh dấu việc kỷ niệm này, Hội đồng Tòa Thánh sẽ cho công bố tài liệu Vademecum ecumenico dành cho các giám mục. Tại sao Hội đồng Tòa Thánh lại cho công bố tài liệu này?
Sứ vụ ủy thác cho giám mục là phục vụ hiệp nhất trong giáo phận của ngài và hiệp nhất giữa các giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Nhưng sứ vụ này cũng có một tầm quan trọng đặc biệt trong đại kết. Nghĩa là sứ vụ đại kết của giám mục phải hướng đến cả những người đã rửa tội nhưng không phải tín hữu Công giáo. Do đó, trong các Giáo hội địa phương, các giám mục có trách nhiệm chính cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Vademecum nhằm mục đích giúp các giám mục hiểu trách nhiệm đại kết của giám mục một cách chi tiết hơn và đưa chúng vào thực tế.
Một sáng kiến khác của Hội đồng Tòa Thánh là sẽ cho công bố tạp chí Acta Œcumenica. Mục đích của tạp chí này là gì?
Ngày nay, nhiều tín hữu có cảm tưởng rằng đại kết đã đi đến bế tắc. Suy nghĩ này phần lớn là do thực tế mọi người không được thông tin đầy đủ về sự phát triển và tiến triển của đại kết. Do đó, điều quan trọng là các kết quả đại kết quan trọng hơn cả đã được đón nhận. Điều này đặc biệt đúng với các tài liệu được chuẩn bị và xuất bản bởi các ủy ban đại kết. Như đã biết, các tài liệu ít được đọc sẽ không đem lại hiệu quả nhiều. Tạp chí Acta Oecumenica nhằm tạo điều kiện cho sự tiếp nhận này, chủ yếu cung cấp thông tin về dấn thân đại kết của Đức Thánh Cha Phanxicô và về các hoạt động đại kết của Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu, và giới thiệu các tài liệu chính của các cuộc đối thoại đại kết. Tạp chí nhằm mục đích hỗ trợ đào tạo đại kết, một khía cạnh quan trọng cơ bản cho tương lai.
Đại kết được thực hiện trong các cuộc gặp gỡ và đối thoại. Khủng hoảng do đại dịch đã gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động này?
Đại kết phát triển mạnh qua các cuộc đối thoại và gặp gỡ trực tiếp, cá nhân. Bây giờ điều này không dễ thực hiện do những hạn chế của đại dịch virus corona. Thực tế, chúng ta không thể đón tiếp các vị khách của các Giáo hội khác đến thăm Roma hoặc đi đến gặp đại diện của các Giáo hội khác. Đối thoại đại kết gặp khó khăn lớn khi thực hiện từ xa, thông qua “văn phòng tại nhà”.
Mặt khác, hoàn cảnh khó khăn của thời điểm này góp phần đưa các Giáo hội Kitô giáo, tất cả ở trên một chiếc thuyền, gần nhau hơn. Điều này rất rõ ràng, chẳng hạn, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời tất cả các Giáo hội Kitô hiệp nhất với ngài trong lời kinh Lạy Cha vào ngày 25/3 để cầu nguyện cho đại dịch kết thúc. Đối với lá thư mà tôi gửi lời mời của Đức Thánh Cha đến những người đứng đầu các Giáo hội Kitô giáo, hầu hết các vị trả lời rất nhanh, bày tỏ lòng biết ơn đối với sáng kiến này. Điều này cho tôi thấy mối quan hệ đại kết đã trở nên sâu sắc như thế nào trong thời gian này. Nhưng tất nhiên chúng ta sẽ rất hạnh phúc khi chúng ta có thể gặp mặt và đối thoại trực tiếp.
Sau 10 năm được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu, Đức Hồng y nghĩ gì về sứ vụ này?
Tôi thấy công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng rất đẹp và phong phú. Tôi biết ơn Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI vì đã giao phó cho tôi nhiệm vụ này và Đức Thánh Cha Phanxicô đã củng cố tôi. Trong những năm qua, tôi đã có thể tham gia và đóng góp cho các sự kiện khác nhau và nhiều sáng kiến đại kết của hai giáo hoàng. Tôi đã học được rất nhiều và có kinh nghiệm này: trong công việc đại kết những gì nhận được lớn hơn những gì có thể trao ban. Tôi nhận thức được rằng về cơ bản chỉ có một thừa tác viên đại kết, đó là Chúa Thánh Thần; chúng ta chỉ là công cụ của Ngài. Nhìn lại 10 năm qua là một dịp thuận tiện để tạ ơn Chúa Thánh Thần và xin Ngài tiếp tục đồng hành cho công cuộc đại kết, giúp chúng ta thực hiện từng bước tích cực, đưa chúng ta đến gần hơn với sự hiệp nhất của Giáo hội.
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Hội thảo trực tuyến chống lạm dụng trẻ vị thành niên
Bắt đầu từ thứ Hai 08/06 và trong những lần tiếp theo, Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên cùng với các tổ chức khác sẽ phối hợp tổ chức bốn cuộc hội thảo trực tuyến với các đề tài liên quan đến lạm dụng trẻ vị thành niên.
Buổi hội thảo được kết nối từ trụ sở của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Thượng cấp, Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên của Đại học Giáo hoàng Gregoriana và Telefono Azzurro, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ trẻ em. Hội thảo sẽ diễn ra bằng tiếng Ý, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Số các tham dự viên khoảng 800.
Chủ đề các buổi hội thảo
Sơ Nuala Kenny thuộc Hội dòng Nữ tử Bác ái ở Halifax điều khiển buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề “Thần học tuổi thơ: cư xử với trẻ em như Chúa Giêsu”.
Các buổi hội thảo tiếp theo sẽ được thực hiện trong các ngày: Ngày 18/6 với chủ đề “Bảo vệ trực tuyến trong thời gian cách ly xã hội”, cha Hans Zoellner, giám đốc Trung tâm bảo vệ trẻ em của Đại học Giáo hoàng Gregoriana là người điểu khiển buổi gặp gỡ. Ngày 30/6, chủ đề “Nạn nhân và kiểu mẫu của quan hệ an toàn”, tiến sĩ Gabriel Dy-Liacco, chuyên gia trị liệu tâm lý, thành viên của Ủy ban Giáo hoàng sẽ điều khiển buổi hội thảo. Và cuối cùng vào 06/7, giáo sư Ernesto Caffo, chủ tịch của tổ chức Telefono Azzurro sẽ hướng dẫn hội thảo với chủ đề “Chăm sóc trẻ em hậu cách ly. Đại dịch đã thay đổi các mối tương quan như thế nào?”
Bảo vệ trẻ vị thành niên là một phần sứ vụ Kitô hữu
Bà Emer McCharty, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên nói về các buổi hội thảo: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Ủy ban sẽ tiếp tục là một nơi có thể lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân và của những người sống sót. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các nạn nhân cũng như những câu chuyện cá nhân về sự can đảm và kiên trì của họ”. Theo bà Emer McCharty, vì vậy, trong năm 2017, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên. Từ đó một sự dấn thân đã được thực hiện khắp nơi trên thế giới. Nhưng nếu chỉ áp dụng luật cho vấn đề này thì chưa đủ, mọi người cần phải thay đổi cái nhìn để hiểu rằng bảo vệ trẻ vị thành niên là một phần sứ vụ Kitô hữu.
Ngọc Yến – Vatican News
2020
Ngân hàng Vatican lời được 38 triệu euro trong năm 2019
Ngày 08/06 vừa qua, Viện Giáo vụ, thường được gọi là Ngân hàng Vatican, đã công bố báo cáo thường niên và cho biết Ngân hàng lời được 38 triệu euro trong năm 2019.
Theo báo cáo, Ngân hàng Vatican thu được tiền lời cao hơn gấp đôi so với 17,5 triệu euro ngân hàng thu được trong năm 2018. Điều này có thể là do sự bùng nổ của thị trường toàn cầu vào năm 2019, một năm mà S&P 500 – chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ – tăng hơn 28%.
Theo các nguyên tắc đạo đức và xã hội của giáo huấn Công giáo
Thông cáo báo chí của Ngân hàng Vatican ngày 08/06 nói rằng kết quả thu được là do “quá trình đầu tư nhất quán”, và nói thêm rằng “ưu tiên và dấn thân của ngân hàng đối với các nguyên tắc đạo đức và xã hội của giáo huấn Công giáo được áp dụng cho các chính sách quản lý và đầu tư của tài khoản của chính nó và của những khách hàng của nó.”
Báo cáo tài chính ngân hàng Vatican 2019 đã được kiểm toán bởi Mazars Worldwide.
Phục vụ Đức Thánh Cha và sứ vụ của ngài
Dự báo về tình hình tài chính năm nay, Ngân hàng Vatican nói trong báo cáo của mình: “Đại dịch Covid-19 khiến cho ước tính về xu hướng thị trường cho năm 2020 rất không chắc chắn. Ngân hàng sẽ tiếp tục phục vụ Đức Thánh Cha và sứ vụ của ngài với tư cách là Mục tử của Giáo hội hoàn vũ thông qua việc cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính trong sự tuân thủ đầy đủ luật pháp của Vatican và quốc tế.”
Theo thông cáo báo chí, hơn một nửa tài sản của khách hàng tại Ngân hàng Vatican – 3,4 tỷ trong 5,1 tỷ euro – được quản lý bởi các bên thứ ba hoặc được ký giữ.
Ngân hàng Vatican
Tính đến tháng 12/2019, Ngân hàng Vatican có 14,996 khách hàng. Gần một nửa các khách hàng này là các dòng tu. Các khách hàng khác gồm các văn phòng của Vatican, các Tòa Sứ thần, các Hội đồng giám mục, các giáo xứ và các giáo sĩ.
Ngân hàng Vatican được thành lập năm 1942 dưới thời Giáo hoàng Pio XII nhưng nguồn gốc của nó có từ năm 1887. Nó nhằm mục đích giữ và quản lý tiền được chỉ định cho các hoạt động tôn giáo hoặc bác ái. Ngân hàng nhận tiền gửi từ các thực thể pháp lý hoặc nhân viên của Tòa thánh và Quốc gia thành Vatican.
Nói về báo cáo, ông Gian Franco Mammì, tổng giám đốc Ngân hàng Vatican nói: “Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào các công ty hoạt động theo đạo đức Công giáo và thực hiện các hoạt động để bảo vệ thiên nhiên, sự thánh thiêng của sự sống và phẩm giá con người.” (CNA 08/06/2020)
Hồng Thủy – Vatican News